Tham nhũng trong lĩnh vực y tế ở Đông Nam Á: Thực trạng và giải pháp

(Mặt trận) - Điều kiện kinh tế, văn hóa và chính trị khác nhau đã tác động đến hiệu quả của nỗ lực cải cách và chống tham nhũng trong lĩnh vực y tế tại các quốc gia Đông Nam Á. Những biện pháp chống tham nhũng trong lĩnh vực y tế và dược phẩm cần đảm bảo thúc đẩy tính toàn vẹn, minh bạch và trách nhiệm; đồng thời hướng đến tăng hiệu quả kiểm soát chất lượng và nâng cao trách nhiệm xã hội.

Nhiều hành vi tham nhũng trong ngành Y tế đang diễn ra tại Đông Nam Á (Ảnh: Doctornews)

Các hành vi tham nhũng phổ biến nhất trong hệ thống y tế của một số quốc gia Đông Nam Á bao gồm: gia đình trị, quản lý tài nguyên không đúng cách, sự chiếm hữu thị phần của một số nhà cung cấp dược phẩm và y tế, hành vi hối lộ hay thanh toán không chính thức. Các quốc gia Đông Nam Á có kinh nghiệm chống tham nhũng khác nhau, phản ánh sự không đồng nhất trong khu vực. Tăng trưởng kinh tế, phát triển con người và mức độ tham nhũng của các quốc gia này cũng khác nhau. Trong năm 2018, Singapore nổi bật với Chỉ số phát triển con người (HDI) rất cao (0,93/1) thì 2 quốc gia là Myanmar và Campuchia chỉ đạt mức trung bình, lần lượt là 0,57/1 và 0,58/1. Dữ liệu Chỉ số nhận thức tham nhũng của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (CPI) cho thấy, tại khu vực Đông Nam Á có một quốc gia trong sạch, minh bạch đứng thứ 4 thế giới là Singapore, đồng thời khu vực này cũng có một quốc gia đứng thứ 161/180 về tham nhũng trong năm vừa qua đó là Campuchia. Một số quốc gia khác cũng có chỉ số tham nhũng cao đó là Lào và Myanmar (cùng xếp thứ 132/180), Việt Nam đứng thứ 117/180.

Một đặc điểm đáng lưu ý ở khu vực Đông Nam Á là sự tăng trưởng kinh tế của nhiều quốc gia có ý nghĩa lớn đối với lĩnh vực y tế. Môi trường kinh doanh bùng nổ đã biến các quốc gia Đông Nam Á là thị trường đầu tư hấp dẫn cho các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tư nhân. Việc phát triển các trung tâm y tế tư nhân hiện đại và cung cấp các kỹ thuật điều trị chất lượng cao với chi phí thấp hơn các nước phát triển trên thế giới đã tạo ra một xu hướng du lịch chữa bệnh đến Thái Lan, Singapore và Malaysia. Điều này tạo ra một khoảng cách đáng kể giữa các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cộng đồng của chính phủ với các cơ sở tư nhân.

Tham nhũng trong lĩnh vực cung cấp dược phẩm cũng là một vấn nạn với nhiều quốc gia (Ảnh: Wall Street Journal)

Liên quan đến sức khỏe cộng đồng, Chính phủ các quốc gia Thái Lan, Myanmar, Indonesia và Philippines đang đầu tư vào các mô hình y tế phủ khắp các khu vực xa xôi nhất. Một số quốc gia Đông Nam Á gần đây đã thực hiện các chương trình tài trợ vì người nghèo, chẳng hạn như cấp thẻ y tế ở Thái Lan, Quỹ y tế cho người nghèo ở Việt Nam, Quỹ đầu tư y tế ở Campuchia và Lào… Ngân sách cho hệ thống chăm sóc sức khỏe ở một số quốc gia đã được sửa đổi, một số nước áp dụng các hình thức cải tiến mô hình công - tư, như điều chỉnh các bệnh viện công ở Singapore, Indonesia, Philippines, Việt Nam. Một số chính phủ đã thông qua luật về hệ thống bảo hiểm y tế quốc gia và bảo hiểm toàn cầu.

Sự phức tạp của hệ thống y tế được đặc trưng bởi dòng tiền đầu tư lớn, các thiết bị y tế đắt tiền, cấu trúc tổ chức phức tạp, đó là một số những lí do chính khiến những hành vi tham nhũng dễ hình thành. Có ba lĩnh vực chính cần xem xét bao gồm: việc phân bổ ngân sách; nhân sự; vật tư và hàng hóa. Tội phạm tham nhũng ngân sách y tế có thể do ngân sách bị rò rỉ, gian lận trong việc chuyển ngân sách, biển thủ hoặc chuyển tiền công vào tài khoản cá nhân, việc này dẫn đến tình trạng thiếu thuốc men và dịch vụ kém chất lượng. Theo ước tính, tại Campuchia có từ 5-10% ngân sách y tế sẽ bị rò rỉ trước khi được chuyển đến Bộ Y tế nước này.

Đối với vật tư và hàng hóa, những thiết bị y tế bị lỗi kỹ thuật hay thuốc men kém chất lượng hay thậm chí là thuốc giả thường là kết quả do gian lận, trộm cắp, sử dụng thiết bị bất hợp pháp, biển thủ công quỹ. Việc này đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe của bệnh nhân. Ngoài ra, tình trạng hối lộ cũng ảnh hưởng đến việc giám sát và kiểm tra các cơ sở y tế, hoặc giúp đẩy nhanh quá trình phê duyệt thuốc…

Các lỗ hổng tham nhũng liên quan đến nhân sự trong ngành Y tế thường diễn ra trong việc bổ nhiệm, đào tạo và bồi thường cho các quan chức nhà nước và nhân viên y tế. Sự bảo trợ, thiên vị và gia đình trị trong việc lựa chọn, công nhận và chứng nhận của các chuyên gia y tế, việc mua bán các vị trí công việc cũng có thể xảy ra. Một vấn đề phổ biến khác là các nhân viên y tế có thể sử dụng thời gian được trả công để hành nghề tư nhân.

Cơ sở vật chất nghèo nàn tại các bệnh viện ở Campuchia (Ảnh: Industriall)

Các hành vi tham nhũng khác trong ngành Y tế đã xảy ra như pha loãng vắc-xin, ăn cắp thiết bị y tế và thuốc men, chuyển bệnh nhân sang cơ sở chăm sóc tư nhân, yêu cầu các thủ tục không cần thiết hay kê đơn thừa thãi. Hành vi tham nhũng còn xảy ra khi các bác sĩ, dược sĩ và các nhà cung cấp thiết bị y tế, công ty dược phẩm móc nối với nhau. Do đó, tham nhũng trong lĩnh vực y tế diễn ra ở các cấp độ khác nhau từ hoạch định chính sách, tổ chức, cung cấp dịch vụ và quan hệ khách hàng.

Ảnh hưởng không đáng có của các nhóm lợi ích có thể dẫn đến việc xây dựng các chính sách và ưu tiên có lợi nhất cho một nhóm xã hội. Các nhà cung cấp y tế hoặc công ty dược phẩm có thể mua chuộc các quan chức chính phủ để tác động đến việc ra quyết định liên quan đến phê duyệt thuốc hoặc để đảm bảo thị trường cho các công ty này.

Hình thức hối lộ là giao dịch thường xuyên trong sự tương tác giữa bác sĩ, y tá và bệnh nhân ở nhiều nước đang phát triển với mục đích để nhận được sự điều trị kịp thời và tốt hơn. Ví dụ như bỏ qua việc xếp hàng ghép tạng, nhận được thuốc tốt hơn hoặc thậm chí để lấy thuốc chưa được kê đơn. Việc nhận các khoản thanh toán không chính thức từ bệnh nhân thường được biện minh rằng để hỗ trợ cho các chuyên gia y tế có mức lương thấp. Ở Việt Nam, các khoản thanh toán không chính thức đã tăng lên trong những năm gần đây. Đối với một số người Việt Nam, những khoản thanh toán không chính thức này là biểu hiện của sự đánh giá cao đối với dịch vụ được cung cấp, nhưng đối với phần lớn những người khác, khoản thanh toán này nhằm mục đích để nhận được dịch vụ tốt hơn.

Các hành vi tham nhũng khác trong cung cấp dịch vụ là việc giới thiệu bệnh nhân đến các phòng khám tư hơn là điều trị trong các cơ sở y tế công cộng. Vì vậy, những người đang làm việc ở cả cơ sở công và tư sẽ được hưởng lợi. Việc làm sai lệch các giấy tờ bảo hiểm cho bệnh nhân nhằm nhận được các khoản thanh toán bất hợp pháp từ các công ty bảo hiểm cũng nằm trong số những hành vi tội phạm tham nhũng trong lĩnh vực dịch vụ chăm sóc y tế.

Để đối phó với các hành vi tham nhũng trong lĩnh vực y tế, chính phủ các quốc gia Đông Nam Á đã đưa ra nhiều biện pháp khác nhau, tuy nhiên hiệu quả đem lại chưa cao. Điển hình như ở Indonesia, chiến dịch chống tham nhũng được Chính phủ khuyến khích có tên Berani Jujur, Hebat (trung thực và vĩ đại) đã bị từ chối bởi niềm tin của người dân của vào việc cần thể hiện lòng biết ơn đối với những người cung cấp dịch vụ y tế bằng vật chất. Do đó, các khoản thanh toán không chính thức, quà tặng hay ủng hộ một số chi phí vẫn diễn ra ở Indonesia với mục đích là duy trì các mối quan hệ.

Hình ảnh một cơ sở ý tế tại Việt Nam (Ảnh: Asia Times)

Cần thúc đẩy việc nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong lĩnh vực y tế và dược phẩm nhằm tăng cường nhận thức về các rủi ro tham nhũng tiềm ẩn và giảm thiểu những rủi ro đó trong ngành Y tế ở các nước Đông Nam Á. Ví dụ, dự án Chương trình quản trị dược phẩm do WHO khởi xướng năm 2004 đã được các nước Lào, Malaysia, Philippines và Thái Lan tham gia năm 2005; Campuchia và Indonesia tham gia năm 2006. Nhằm góp phần củng cố hệ thống y tế và ngăn ngừa tham nhũng bằng việc nâng cao hiệu quả quản trị trong lĩnh vực dược phẩm, nhiều công cụ đã được sử dụng, trong đó có Công cụ đánh giá tính minh bạch và trách nhiệm của hệ thống được phẩm. Công cụ này hỗ trợ việc đánh giá tính minh bạch của các quy trình và theo dõi tiến trình đăng ký và ủy quyền tiếp thị sản phẩm dược phẩm, quy trình cấp phép dược phẩm, giám sát các thử nghiệm lâm sàng, quản lý mua sắm công…

Một hệ thống được xây dựng nhằm mục đích cải thiện tính minh bạch và giảm các khả năng dẫn đến hành vi tham nhũng. Hệ thống này dự kiến sẽ giảm các động cơ sử dụng nhiều xét nghiệm, chẩn đoán hoặc phương pháp điều trị tốn kém nhằm tối đa hóa doanh thu của các cơ sở y tế. Hệ thống này đã được thí điểm cho các trường hợp viêm phổi và viêm ruột thừa. Các tiêu chí đã được xây dựng cho từng trường hợp nhập viện và xuất viện, chỉ định các xét nghiệm chẩn đoán bắt buộc và đưa ra hướng dẫn việc lựa chọn thuốc và gợi ý tiêu chí cho các can thiệp y tế khác.

Bên cạnh đó, xã hội cần có trách nhiệm trong việc chống tham nhũng ở lĩnh vực y tế thông qua các hoạt động giám sát, các cơ chế khiếu nại, bảo vệ người tố giác… Các cơ chế khiếu nại được xem là hữu ích nhằm phát hiện gian lận và tham nhũng, cũng như cho các quy trình kiểm soát chất lượng.

Hồng Nhung biên dịch

()

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều