Thế giới trước thách thức đói nghèo

Nạn đói trên thế giới đang có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây do tác động của các cuộc xung đột, tình trạng biến đổi khí hậu và nhất là tác động nghiêm trọng của đại dịch COVID-19 hiện nay. Do vậy, theo các chuyên gia, nếu không có các giải pháp kịp thời, mục tiêu thế giới không còn nạn đói vào năm 2030 sẽ khó trở thành hiện thực.

Dịch bệnh COVID-19 và cuộc khủng hoảng lương thực

Đại dịch COVID-19 diễn ra nghiêm trọng trong thời gian gần đây đã khiến chuỗi cung ứng thực phẩm bị phá vỡ, đẩy hàng triệu người rơi vào cảnh nghèo đói. Thống kê của các tổ chức quốc tế cho thấy, đại dịch COVID-19 đã khiến hàng triệu người từ khắp các châu lục rơi vào tình trạng mất việc làm, thậm chí phải sống dựa vào nguồn cung cấp thực phẩm miễn phí. Ngoài ra, nạn đói gia tăng còn bởi giá lương thực trên thế giới tăng phi mã. Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) cho biết, giá lương thực toàn cầu đã đạt mức cao nhất trong gần một thập niên vào tháng 5-2021, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2020. Tình trạng này khiến vấn đề an ninh lương thực “nóng” lên tại nhiều quốc gia. Việc giá lương thực tăng cao, trong khi số lượng người mất việc làm gia tăng, chuỗi sản xuất, cung ứng lương thực bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 làm dấy lên mối lo ngại về nguy cơ thiếu đói tại nhiều quốc gia.

Nạn đói trên thế giới hiện nay đang có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây do tác động của các cuộc xung đột, tình trạng biến đổi khí hậu và nhất là tác động nghiêm trọng của đại dịch COVID-19 hiện nay_  Ảnh: shutterstock.com 
Trên thực tế, ngày càng có nhiều nước đứng trước nguy cơ mất an ninh lương thực trầm trọng. Dịch bệnh COVID-19 càng làm cho tình hình bi đát hơn, khiến nhiều gia đình phải đối mặt với tình cảnh khó khăn và tác động tiêu cực còn có thể kéo dài. Đối với ngành nông nghiệp, tác động của dịch bệnh COVID-19 là rất lớn, gây ra tình cảnh thiếu ổn định ở cấp độ chưa từng có đối với chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu, trong đó có điểm nghẽn về thị trường lao động, cung ứng vật tư đầu vào, tổ chức sản xuất nông nghiệp, chế biến nông sản, vận tải và hậu cần… Dịch bệnh COVID-19 gây ảnh hưởng đứt gãy đối với ngành nông nghiệp, mà nếu không hành động nhanh chóng, thế giới có thể sẽ phải đối mặt với cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu, gây hậu quả dài hạn. Khi người dân phải hứng chịu nạn đói và suy dinh dưỡng kéo dài, đồng nghĩa với việc nhiều người không thể tiếp cận lương thực, thực phẩm đầy đủ theo nhu cầu thì sẽ gây ra nhiều tác động trong dài hạn và sẽ là rào cản cho nỗ lực toàn cầu để tiến đến mục tiêu “Không còn nạn đói” (Zero Hunger) mà Liên hợp quốc đề ra. 

Hậu quả của xung đột, bạo lực

Báo cáo Chỉ số nghèo đói toàn cầu (GHI) năm 2021 do hai cơ quan Concern Worldwide và Welthungerhilfe công bố vào cuối tháng 9-2021 cho thấy tình hình nghèo đói nghiêm trọng trên thế giới. Những tiến bộ trong thực hiện mục tiêu thế giới không còn nạn đói vào năm 2030 dường như có dấu hiệu chững lại, bị đảo ngược khi thế giới đang phải cùng lúc đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng. Theo chỉ số GHI hiện tại, 47 nước trên thế giới sẽ không đạt được thành tựu xóa đói vào năm 2030. Xung đột, biến đổi khí hậu và dịch bệnh COVID-19 đang gây những tác động tiêu cực, dẫn tới nguy cơ quét sạch mọi tiến bộ trong công cuộc xóa nghèo đói của thế giới trong những năm gần đây. Hệ quả từ tác động của các cuộc xung đột bạo lực đối với nạn đói không có dấu hiệu suy giảm. Thêm vào đó, hậu quả của biến đổi khí hậu đang ngày càng hiện hữu, tuy nhiên thế giới vẫn chưa có được những cơ chế hiệu quả để giảm nhẹ và hầu như không thể đảo ngược được tình trạng này. Dịch bệnh COVID-19 xảy ra trên khắp thế giới trong suốt năm 2020 và năm 2021 cho thấy tính dễ bị tổn thương toàn cầu, cùng với đó là những hệ lụy về kinh tế và sức khỏe con người. Mặc dù GHI cho thấy nghèo đói toàn cầu đã giảm đi kể từ năm 2000, nhưng những tiến triển trong giảm nghèo vẫn còn chậm. Nếu như chỉ số GHI trong giai đoạn 2006 - 2012 giảm 4,7 điểm từ 25,1 xuống 20,4, thì kể từ năm 2012 đến nay, chỉ số này chỉ giảm 2,5 điểm(1). Sau hàng thập niên suy giảm, mức độ suy dinh dưỡng toàn cầu - một trong bốn chỉ số được sử dụng để tính điểm GHI - đang tăng lên.

Tình hình xung đột khiến hàng nghìn người dân Syria phải sinh sống tạm bợ trong các trại tị nạn_ Ảnh: Getty Images 
Không chỉ vậy, theo nghiên cứu về sự liên quan giữa xung đột và nạn đói của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stokholm (SIPRI) năm 2021, thế giới cần có những bước đi để khắc phục những hệ quả này, góp phần vì một hành tinh an toàn về lương thực và hòa bình, bởi: 1- Số lượng các cuộc xung đột bạo lực đang tăng lên. Xung đột bạo lực vẫn còn là nguyên nhân chính dẫn đến nạn đói, đồng thời với những hậu quả từ tình trạng biến đổi khí hậu và dịch bệnh COVID-19; 2- Hệ thống lương thực ở các nước bị ảnh hưởng bởi xung đột thường có cấu trúc yếu và dễ tổn thương trước các cú sốc; 3- Nếu không đạt được an ninh lương thực, sẽ rất khó để xây dựng nền hòa bình bền vững và nếu không có hòa bình bền vững thì cơ hội xóa đói nghèo sẽ là rất thấp; 4- Sự tác động qua lại giữa xung đột và an ninh lương thực, giữa hòa bình và an ninh lương thực bền vững cần được coi là những nhân tố quan trọng.

Giá lương thực phi mã làm nạn đói thêm trầm trọng

Hiện nay, cấp độ đói nghèo đang tăng vọt ở tầng lớp người nghèo và lao động trên toàn cầu. Theo các nhà phân tích, giá lương thực tăng phi mã là một yếu tố nghiêm trọng khiến gia tăng nạn đói nghèo trên thế giới trong những năm qua. Lạm phát tăng nhanh và sự đứt gãy các chuỗi cung ứng trên toàn cầu đang đẩy giá hàng tiêu dùng cơ bản tăng vọt. Cơ quan Thông tin năng lượng (Energy Information Authority) của Mỹ cho biết, gần một nửa số hộ gia đình ở Mỹ sử dụng khí ga để sưởi ấm sẽ phải trả nhiều hơn từ 30% đến 50% trong mùa đông năm 2021 so với năm 2020. Trong khi thu nhập thực tế của người lao động Mỹ giảm 1,9% kể từ tháng 1-2021(2). Người lao động ở các nước khác cũng phải đối mặt với tình cảnh tương tự; nhiều người trở thành vô gia cư do không có tiền thuê nhà, không có tiền mua lương thực, nhiên liệu… Tại Hội nghị cấp cao “Hành động để hỗ trợ ngăn chặn và chấm dứt nạn đói” do Liên hợp quốc tổ chức (ngày 4-10-2021), Tổng Giám đốc FAO Khuất Đông Ngọc (Qu Dongyu) phát biểu: “Ngày nay, chúng ta phải đối mặt với các cuộc khủng hoảng lương thực chưa có tiền lệ trên nhiều bình diện. Nạn đói và chết đói là một thực tế hiển nhiên… Khi gần kết thúc năm 2021, tình hình vẫn tiếp tục xấu đi”(3).

Do sự suy sụp kinh tế và lạm phát bởi dịch bệnh COVID-19 gây ra, giá lương thực thế giới đã tăng vọt. Theo chỉ số giá lương thực FAO (FFPI), giá lương thực tháng 9-2021 đã tăng 32,8% so với cùng kỳ năm 2020.

Theo tờ Nature Food, tháng 7-2021, 3 tỷ người không có khả năng có những bữa ăn đủ dinh dưỡng trước dịch bệnh COVID-19. Giá lương thực tăng vọt và sự tăng giá hàng tiêu dùng nói chung đã làm tồi tệ hơn tình cảnh này. Trong khi 43% dân số thế giới không đủ khả năng để có một bữa ăn đủ dinh dưỡng ngay trước dịch bệnh COVID-19, thì cuối năm 2020, con số này đã tăng lên 50%. Ở các nước kém phát triển, đa số người dân phải dùng từ 40% đến 60% thu nhập của hộ gia đình cho lương thực; 20% số người nghèo nhất ở Mỹ phải chi từ 30% đến 40% thu nhập của hộ gia đình vào lương thực(4). Giá lương thực tăng cũng khiến các hộ gia đình phải cắt giảm chi tiêu cho các nhu cầu thiết yếu khác. Suy dinh dưỡng và tình trạng thiếu ăn là vấn đề mà những người lao động đang phải đối mặt, thậm chí ở cả các nước giàu nhất. Hằng ngày có hơn 700 triệu người, chiếm 8,8% dân số thế giới, trong tình trạng thiếu ăn.

Thời tiết khô hạn là nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu lương thực ở Nigieria _ Ảnh: lepoint.fr
Một số nhà bình luận cho rằng, khi một số lượng lớn người lao động phải đối mặt với tình trạng đói và suy dinh dưỡng tràn lan sẽ tạo nên một thảm họa xã hội. Một số nhà phân tích cũng cho rằng, sự gia tăng chóng mặt nạn đói trên toàn cầu trong hai năm trở lại đây là kết quả của việc xử lý thất bại dịch bệnh COVID-19 của các chính phủ. Theo FAO, hậu quả của dịch bệnh COVID-19 đối với sự tiêu thụ lương thực của thế giới là giá lương thực tăng cao cùng với những hạn chế di chuyển đã làm thu hẹp thị trường, làm tăng lạm phát, giảm sức mua. Hiện có 2,7 tỷ người đang đối diện với các vấn đề an ninh lương thực.

Cuộc khủng hoảng dịch bệnh COVID-19 đẩy nhanh mâu thuẫn giữa giới chủ tư bản và giai cấp công nhân ở các nhà máy, làm tăng vọt giá lương thực và các loại hàng hóa cơ bản khác. Người lao động trên khắp thế giới tham gia đấu tranh vì cuộc sống của bản thân để thúc đẩy quyền và lợi ích của mình, khi mà tình trạng bất bình đẳng xã hội ngày càng tăng (trong năm 2020, các tỷ phú trên thế giới đã kiếm thêm 5,5 nghìn tỷ USD).

Giải pháp góp phần giảm tình trạng đói nghèo

Trên cơ sở trao đổi kinh nghiệm giữa các nước trên thế giới, một số giải pháp được đề xuất để giải quyết nạn đói nhằm đạt được mục tiêu Thế giới không còn nạn đói vào năm 2030:

Một là, phát triển nền nông nghiệp “thông minh”.

Trên thực tế, biến đổi khí hậu đang ngày càng làm trầm trọng thêm nạn đói toàn cầu, với những tác động nghiêm trọng từ nạn lũ lụt, hạn hán kéo dài và thường xuyên hơn. Do vậy, một nền nông nghiệp “thông minh” được kỳ vọng giúp người nông dân tăng khả năng thích ứng hơn với tình trạng biến đổi khí hậu khó dự báo. Theo đó, một nền nông nghiệp “thông minh” cần được phát triển với sự đa dạng hóa vụ mùa, bảo tồn các khu vực nông nghiệp có mức tiêu thụ nước thấp nhằm đối phó với sự gia tăng tình trạng khí hậu cực đoan dẫn tới mất mùa, thiếu nước sản xuất. Theo thời gian, giải pháp này giúp các gia đình có được nguồn thu bù đắp.

 Nông nghiệp “thông minh” được kỳ vọng giúp người nông dân tăng khả năng thích ứng hơn với tình trạng biến đổi khí hậu (Trong ảnh: Canh tác ngô ở châu Phi)_Nguồn: shutterstock.com
Hai là, giải quyết tình trạng di cư bắt buộc.

Tình trạng di cư bắt buộc được cho là hậu quả của các cuộc xung đột, là một yếu tố chính gây ra nạn đói. Người tị nạn là nhóm dễ bị tổn thương nhất khi nạn đói xảy ra. Bên cạnh việc nỗ lực tìm kiếm các giải pháp nhằm chấm dứt xung đột, chính phủ các nước cần thực thi những chính sách kịp thời thông qua các chương trình viện trợ - một trong những cách thức hỗ trợ thu nhập cho nhóm người di cư, từ đó đẩy lùi nạn đói.

Ba là, đề cao bình đẳng giới.

Bình đẳng giới là một giải pháp then chốt để giải quyết nạn đói toàn cầu. Số liệu của FAO cho thấy, nếu như cơ hội tiếp cận với bình đẳng giới đối với nhóm phụ nữ ở khu vực nông dân được tăng lên sẽ mang lại kết quả tích cực do sản lượng nông nghiệp tăng lên khoảng 20% - 30%. Điều này sẽ làm giảm số người bị đói trên thế giới. Dinh dưỡng đối với người  phụ nữ cũng là vấn đề mấu chốt. Theo Chương trình Lương thực thế giới (WFP), phụ nữ dễ bị rơi vào cảnh đói hơn nam giới ở gần 2/3 số quốc gia trên thế giới. Việc chú trọng về dinh dưỡng và sức khỏe của phụ nữ phải ngày càng được ưu tiên. Điều này cũng giúp bảo đảm sức khỏe của trẻ em ngay từ thời kỳ sơ sinh đến khi trưởng thành.

Bốn là, giảm tình trạng lãng phí lương thực.

Hiện nay, có khoảng 1/3 số lượng lương thực trên thế giới (hơn 1,3 tỷ tấn) bị thất thoát và lãng phí hằng năm. Lãng phí lương thực cũng làm lãng phí các nguồn tài nguyên. Giảm bớt sự lãng phí sẽ là giải pháp cơ bản, cấp thiết, trong đó cần nâng cao ý thức từ chính mỗi người dân. Bên cạnh đó, các chính phủ cũng cần đưa ra cam kết giảm lãng phí lương thực ở cấp độ quốc gia.

Năm là, giảm thiểu rủi ro do thảm họa thiên nhiên.

Đầu tư vào giảm rủi ro ở các cộng đồng dễ bị tổn thương giúp giảm nhẹ sự mất mát do các thảm họa thiên nhiên gây ra. Ở một số quốc gia, tỷ lệ sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm phần lớn, vì vậy, những giải pháp như bảo vệ và đa dạng hóa mùa vụ sẽ đem lại hiệu quả, giúp người nông dân không phải đối mặt với tình trạng mất nhà cửa, tài sản - nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nạn đói.

Hệ thống lương thực toàn cầu hiện sản xuất đủ lương thực để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của thế giới. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, nạn đói vẫn là một vấn đề nhức nhối ở nhiều quốc gia trên thế giới. Mặc dù còn nhiều trở ngại, song nếu các quốc gia cùng nỗ lực chung tay thực hiện các giải pháp như đã nêu, thì thế giới vẫn có thể lạc quan về khả năng giảm nghèo đói kinh niên và tự chu cấp lương thực của thế giới./.

Theo NHẬT MINH/Tạp chí Cộng sản

-------------------------

(1) 2021 Global Hunger Index: “Hunger and food systems in conflict settings”, http://reliefweb.int>report>world
(2) “Soaring food prise drive hunger around the world”, http://www.wsws.org>pers-o15
(3) “FAO-speeches detail: High-level event: Action in support of preventing and ending famine now”, http://www.fao.org/director-general/speeches/detail/en/c/1442362
(4) “Soaring food prise drive hunger around the world”, tlđd

 

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều