Thực tiễn triển khai chính sách dân tộc về phát triển kinh tế và văn hóa - thông tin ở CHDCND Lào hiện nay

(Mặt trận) - Qua hơn 35 năm đổi mới, việc tổ chức thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước CHDCND Lào trên phạm vi cả nước đã đạt được những thành tựu đáng kể trên các lĩnh vực. Tuy nhiên, công tác này thời gian qua vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Bức tranh tổng thể vẫn là sự chênh lệch về trình độ phát triển giữa các dân tộc, cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, tập quán canh tác lạc hậu, cơ sở hạ tầng nhiều nơi còn yếu kém, điều kiện sống của nhân dân các dân tộc còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao. Đây là những vấn đề bức xúc, đòi hỏi phải có những nghiên cứu, phân tích, đánh giá toàn diện trong thời gian tới.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam tại buổi gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Lào, ngày 15/5/2022. 
1. Nội dung chính sách dân tộc về phát triển kinh tế và văn hóa - thông tin ở CHDCND Lào  

Chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước Lào mang tính toàn diện, tổng hợp tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội của các dân tộc và quan hệ dân tộc trong cộng đồng dân tộc quốc gia; trong đó phát triển kinh tế là nền tảng để phát triển các lĩnh vực khác của đời sống đồng bào các dân tộc. Chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước Lào là sự vận dụng đúng đắn chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Kaysone Phomvihane vào hoàn cảnh lịch sử, hoàn cảnh cụ thể của đất nước và các dân tộc ở CHDCND Lào, thể hiện rõ trên quan điểm: "Vấn đề dân tộc có vị trí chiến lược lớn lâu dài. Thực hiện bình đẳng, đoàn kết hài hòa, giúp đỡ lẫn nhau giữa các dân tộc trong sự nghiệp đổi mới"[1].

Các văn kiện của Đảng đã bàn đến quyền bình đẳng dân tộc, đoàn kết dân tộc, thể hiện rõ tư tưởng của Kaysone Phomvihane và được xác định trong Văn kiện Đại hội I của Đảng (năm 1955)[2]; Đại hội đại biểu Đảng NDCM Lào lần thứ V năm 1991[3]; Hiến pháp nước CHDCND Lào (sửa đổi, bổ sung năm 2015): Điều 2[4], Điều 3[5], Điều 8[6]; Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng NDCM Lào năm 2016[7].

Để đảm bảo cho việc thực hiện chính sách dân tộc có hiệu quả, Đảng NDCM Lào đã có Nghị định số 03 năm 2004 về việc xây dựng hệ thống chính trị cơ sở; lãnh đạo, chỉ đạo việc tổ chức thực hiện các chỉ thị quan trọng như: Chỉ thị số 09/BCT của Bộ Chính trị về việc xây dựng bản và cụm bản phát triển, tháng 6 năm 2004; Chỉ thị số 04/BBT của Ban Bí thư về việc giáo dục và tăng cường sự đoàn kết giữa nhân dân các dân tộc Lào, tháng 7 năm 2007; Chỉ thị bổ sung số 13/TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng bản và cụm bản phát triển, tháng 6 năm 2008; Chỉ thị số 14/BBT của Ban Bí thư về việc to chức thực hiện công tác xây dựng cơ sở, tháng 10 năm 2009; Chỉ thị số 01/TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng tỉnh thành đơn vị chiến lược, huyện thành đơn vị kế hoạch ngân sách và bản thành đơn vị tổ chức thực hiện (gọi tắt là Chương trình 3 xây), tháng 12 năm 2010.

Theo đó, những nội dung chính sách dân tộc về phát triển kinh tế và văn hóa - thông tin của Đảng và Nhà nước Lào được tập trung thông qua các điểm quan trọng sau:

Nội dung chính sách dân tộc trên lĩnh vực kinh tế

Phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn, miền núi và vùng đồng bào các dân tộc là một bộ phận quan trọng hữu cơ của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội quốc dân. Trong đó, đầu tư cho phát triển kinh tế hộ gia đình, xóa đói giảm nghèo, xây dựng bản và cụm bản phát triển; xây dựng cơ sở hạ tầng; ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, chăn nuôi gắn với phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn ở các tỉnh miền Bắc nước Lào. Văn kiện các Đại hội của Đảng NDCM Lào đã khắng định những nội dung cơ bản của chính sách dân tộc trong sự nghiệp đổi mới. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng NDCM Lào một lần nữa tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của vấn đề dân tộc: "Thực hiện bình đẳng, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau giữa các dân tộc trong sự nghiệp đổi mới, thực hiện thắng lợi tiến trình xóa đói giảm nghèo, đưa đất nước thoát nghèo vào năm 2020 và chuẩn bị tạo cơ sở cho sự phát triển những năm sau theo mục tiêu tiến lên chủ nghĩa xã hội"[8].

Nội dung chính sách dân tộc về văn hóa - thông tin.

Đối với quốc gia dân tộc nói chung và từng dân tộc nói riêng, văn hóa là yếu tố hết sức quan trọng. Chính sách về văn hóa là chính sách đặc trưng cho sự phát triển bền vững, nó tổng hợp trong đó các phương diện văn hóa của kinh tế, xã hội cùng với đặc thù của văn hóa tinh thần. Nội dung chính sách văn hóa ở Lào chủ yếu trên một số phương diện: bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của các dân tộc, phát triển mạng lưới phát thanh, truyền hình bằng các tiếng dân tộc; xóa mù chữ, phổ cập giáo dục, đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục và đào tạo...

2. Thực tiễn triển khai thực hiện chính sách dân tộc về phát triển kinh tế và văn hóa - thông tin ở CHDCND Lào

2.1. Thực hiện chính sách phát triển kinh tế và đảm bảo đời sống cho nhân dân các dân tộc

Việc thực thi các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế của Nhà nước Lào đối với dân tộc đến nay đã đạt được những kết quả khả quan.

Tăng cường đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng trong cả nước:

Việc triển khai thực hiện mục tiêu phấn đấu trong các nghị quyết của Đảng và chiến lược, kế hoạch của Nhà nước, mức hỗ trợ, đầu tư qua ngân sách của Nhà nước cho phát triển cơ sở hạ tầng ở Lào từ sau đổi mới đến nay đã được điều chỉnh và tăng cao. Nhà nước ưu tiên đầu tư vốn theo hướng tăng tỉ trọng đầu tư trực tiếp cho phát triển cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết những bức xúc về mặt xã hội. Ngân sách Nhà nước chủ yếu tập trung vào xây dựng cơ sở hạ tầng như: hệ thống đường giao thông, hệ thống điện lưới, thủy lợi, nước sạch, trạm y tế, bệnh viện, trường học.

Trong những năm qua, đặc điểm và phương thức đầu tư ở Lào đã có sự điều chỉnh mới, các vùng dân tộc, vùng sâu vùng xa được đầu tư mạnh hơn trong các chương trình, dự án phát triển theo mục tiêu quốc gia. Kết quả này thấy rõ qua việc Đảng và Nhà nước quan tâm trong việc đầu tư vốn ngân sách Nhà nước vào xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn về đường giao thông, thủy lợi, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục...

Về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trong những năm qua, các bộ, ngành, địa phương của Lào đã tập trung cho việc đầu tư cải tạo, nâng cấp kết cấu hạ tầng từ các nguồn vốn khác nhau. Việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng ở Lào thời gian qua có bước chuyển biến mới, tạo điều kiện cho nhân dân các dân tộc được tiếp cận với đường giao thông hiện đại, điện, nước... Hiện nay, người dân trong toàn quốc đã được tiếp cận với ánh sáng điện với tỉ lệ khá cao. Năm 2017, ở Lào có khoảng 1 triệu hộ gia đình (chiếm 87,1%) có sử dụng điện. Trong đó, khu vực thành thị có tỉ lệ sử dụng điện rất cao lên tới 99,5%, còn ở nông thôn là 90,3%. Trong cả nước, chỉ còn hai địa phương với nhiều khu vực chưa có điện là tỉnh Luang Prabang (27,7%) và Salavan (17,8%)[9].

Trong những năm gần đây, kết nối cơ sở hạ tầng giao thông đã đạt được những tiến bộ và thành tựu đáng kể: Hoàn thành dự án đường 6A Hanglong-Sopbao, dự án xây dựng đường 6B Sopbao-Pahang, dự án xây dựng đường Ban Huak-Muang Khob-Pak Khob-Kon Teun, dự án xây dựng đường Hongsa-Xiengman, dự án sửa chữa đường số 9 từ Savannakhet đến biên giới Việt Nam, dự án mở rộng nhà ga sân bay quốc tế Wattay, dự án xây dựng đường Thalao-Sam Tai, dự án xây dựng ngã ba Nasang-Thongthu và dự án xây dựng đường 16B từ huyện Dakcheung đến biên giới Lào - Việt. Dự án đường cao tốc Vientiane - Vang Vieng chính thức được đưa vào sử dụng ngày 20/12/2020. Đường cao tốc Vientiane - Vang Vieng nằm trong dự án đường cao tốc Lào - Trung Quốc với điểm bắt đầu là Thủ đô Vientiane, đi qua bốn tỉnh của Lào là tỉnh Vientiane, Luang Prabang, Oudomxay và tỉnh Luang Namtha. Tuyến đường cao tốc Vientiane - Vangvieng chạy song song với tuyến đường số 13 phía Bắc và đường sắt Lào - Trung Quốc, đây là đoạn đầu tiên của đường cao tốc được quy hoạch nối Thủ đô Vientiane với Boten ở tỉnh Luang Namtha, giáp biên giới với Trung Quốc. Dự án đường cao tốc từ Thủ đô Vientiane tới Boten là dự án phát triển cơ sở hạ tầng ưu tiên, có tính chiến lược của Lào. Ngoài ra, dự án lớn khác như giai đoạn 1 của dự án đường sắt Lào - Trung (Vientiane Capital-Boten) cũng đã hoàn thành, trong đó có 71 đường hầm (trong tổng số 75 đường hầm) được khoan với tổng chiều dài 225.838 mét, 165 cây cầu và 202,8 km đường sắt (từ Thủ đô Vientiane đến Luang Prabang)[10]. Mặc dù có nhiều khó khăn, trở ngại vì đại dịch Covid-19 nhưng tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên của Lào đã chính thức đi vào hoạt động sau 5 năm xây dựng. Đây là dự án có ý nghĩa lịch sử, là niềm tự hào và mơ ước của nhân dân các dân tộc Lào.

Ngoài ra, Lào  đã triển khai xây dựng đường số 11 từ Na Sang đến Khok Khao Dor; cải tạo và mở rộng đường 13 phía Bắc từ Vientiane - PhonHong; dự án xây dựng cầu Hữu nghị Lào-Thái (Paksan-Neung Kan) số 5 đã hoàn thành việc ký kết hợp đồng và đang trong quá trình hoàn thiện với diện tích xây dựng 52 ha; sân bay quốc tế Non Khang tỉnh Huaphanh đã hoàn thành 92,34%; dự án cải tạo sân bay Huay Xai đã hoàn thành 58,88%, và các công việc chuẩn bị cho các dự án cảng Vũng Áng 1, 2 và 3 đang được tiến hành[11].

Chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng:

Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của quá trình đổi mới đất nước cũng như của việc tập trung thực hiện chính sách dân tộc của Lào. Thực hiện chuyển đổi cơ cấu kinh tế là một tiền đề thúc đẩy hoàn thành nhiệm vụ phấn đấu trong từng giai đoạn, tạo cơ sở ổn định cho quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Cơ cấu sản xuất ở Lào trong những năm gần đây có sự chuyển biến theo hướng: giảm tỷ trọng giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp, tăng giá trị sản xuất công nghiệp và dịch vụ. Nền kinh tế Lào hiện nay đã bắt đầu chuyển dịch sang khu vực chế biến và dịch vụ chất lượng cao hơn, gắn với giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập của người dân theo hướng bền vững hơn. Điều này thể hiện rõ qua các số liệu tăng trưởng kinh tế của Lào trong từng giai đoạn. Trong giai đoạn 5 năm 2016 -2020, kinh tế Lào tiếp tục phát triển liên tục, trung bình tăng 5,8% một năm (năm 2016: 7,02%; năm 2017: 6,9%; năm 2018: 6,13%; năm 2019: 5,5%; và trong năm 2020: tăng 3,3%)… điều này cho thấy tỷ lệ phát triển liên tục nhưng vẫn thấp hơn so với kế hoạch đề ra (kế hoạch đề ra là 7,2%)[12] do ảnh hưởng từ tình hình dịch bệnh Covid-19.  

Tổng sản phẩm quốc nội ở Lào (GDP) trên đầu người đã tăng từ 2.025 USD năm 2016 lên 2.654 USD năm 2019. Tổng thu nhập quốc dân (GNI) vẫn tăng dần theo các năm, đạt được là 2.106 USD trong năm 2020 (theo kế hoạch: 2354 USD)[13].

Phát triển cân bằng giữa các vùng và địa phương:

Đảng và Chính phủ Lào coi trọng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương bằng cách thúc đẩy các chính sách và hỗ trợ kỹ thuật, tài chính cho việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu ưu tiên theo tiềm năng của từng địa phương. Điều này đã giúp tăng trưởng kinh tế liên tục và cải thiện mức sống:

- Khu vực miền Bắc: Kinh tế tiếp tục tăng trưởng ổn định, tăng trưởng bình quân 7,95% và GDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 15,11 triệu Kip. Tập trung sản xuất nông nghiệp ở những vùng có tiềm năng nổi bật về trồng lúa tại các tỉnh Luang Namtha, Bokeo, Sayaboury và Viêng Chăn; trồng chè ở Phongsaly và trồng chuối, sắn, ngô ở các tỉnh Oudomxay, Huaphanh, Sayaboury và Viêng Chăn; cũng như thúc đẩy chăn nuôi đại gia súc và trồng cỏ ở Xiêng Khoảng.

Trong lĩnh vực công nghiệp, đã hoàn thành xây dựng nhà máy nhiệt điện than non Hongsa và dự án thủy điện Sayaboury. Công nghiệp chế biến bắt đầu phát triển, với việc thành lập các nhà máy chế biến chè ở Phongsaly, nhà máy chế biến cao su ở Luang Namtha và Oudomxay, nhà máy chế biến gỗ ở Luang Prabang, Sayaboury và Xieng Khouang; nhóm sản xuất ODOP, với các sản phẩm nổi bật nhất là bơ chuối ở Sanakham, tinh chất nghệ ở Tholakhom, da trâu khô muối ở tỉnh Sayaboury và các loại khác.

Về dịch vụ, du lịch nói riêng, đã được phát triển với đóng góp từ hai Di sản Thế giới: thành phố Luang Prabang và Cánh đồng Chum và địa điểm du lịch tự nhiên như Namkat Yorla Pa ở tỉnh Oudomxay.

- Khu vực miền Trung: Trong 5 năm qua, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 8,39%, với GDP bình quân đầu người năm 2020 khoảng 28,7 triệu Kip.

Sản xuất nông nghiệp có tiềm năng tăng trưởng cao nhất, bao gồm trồng lúa thơm Homsavanh, gạo hữu cơ xuất khẩu, ngô ngọt, mía và sắn ở Savannakhet, Khammouane và Bolikhamxay, và trồng rau hữu cơ ở Thủ đô Viêng Chăn.

Lĩnh vực công nghiệp có sự gia tăng về số lượng các nhà máy chế biến như nhà máy sản xuất tinh bột sắn ở tỉnh Bolikhamxay và các nhà máy xay xát gạo hiện đại ở tỉnh Savannakhet; chế biến khoáng sản như: sắt, thiếc, chì, đá vôi, muối kali-magie, barit, thạch cao, kẽm, bitmut, tellurium và các loại khoáng sản khác ở tỉnh Khammouane và Thủ đô Viêng Chăn để cung cấp trong nước và xuất khẩu.  

- Khu vực miền Nam: Vùng có tiềm năng sản xuất nông nghiệp, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm qua là 7,13%, tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân đầu người năm 2020 là 18,47 triệu Kip.

Nông nghiệp tập trung vào trồng các loại cây lương thực và cây hàng hóa có tiềm năng, chủ yếu là cà phê, sắn, hạt điều và chanh dây, bắp cải, chuối, ngô và chanh dây ở Champassak; mía và ớt ở huyện Phu Vong; măng ở huyện Tha Teng để xuất khẩu sang Việt Nam; gạo nếp và gạo trắng ở tỉnh Saravan.

Lĩnh vực công nghiệp đã thành lập Đặc khu kinh tế ở Champassak. Ngoài ra, có thể Lào sẽ phê duyệt khu công nghiệp Pakse-Nhật Bản, Đặc khu kinh tế Sithandone và Khu kinh tế Vang Tao-Phonthong, có thể thúc đẩy tạo việc làm và sản xuất. Các ngành sản xuất nổi bật nhất là chế biến thực phẩm và đồ uống, chế biến gỗ, khoáng sản, hóa chất, vật liệu xây dựng và đồ dùng văn phòng[14].

Đảm bảo đời sống người dân:

Đến năm 2021, đời sống người dân ở Lào đã được cải thiện. Tình trạng nghèo đói ở các dân tộc thiểu số đã giảm bớt; người dân các dân tộc, các lứa tuổi, giới tính được tiếp cận với các dịch vụ giáo dục và y tế có chất lượng; nền văn hóa đặc sắc của các dân tộc được bảo vệ và củng cố; tình hình chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội, công bằng, minh bạch có nhiều cải thiện.

Các ngành và địa phương tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 03/BCTWĐ, Chỉ thị 25/BCTWĐ của Bộ Chính trị và Công lệnh số 34/TT của Chính phủ. Theo đó, mục tiêu và tiêu chí xây dựng tỉnh thành đơn vị chiến lược, xây dựng huyện thành đơn vị vững mạnh toàn diện, xây dựng làng thành đơn vị phát triển hướng đến việc xây dựng nơi cư trú, làng xã trở thành đô thị nhỏ, đáp ứng hạ tầng cơ sở trọng yếu cùng với việc phát triển về chuyên môn và hỗ trợ quỹ tín dụng thông qua ngân hàng chính sách (từ năm 2016 đến tháng 4/2020 đã cho vay 1.697,55 tỷ Kip). Từ tổng số tín dụng được phân bổ, 1.286,1 tỷ Kip đã được giải ngân cho các huyện nghèo, 214,88 tỷ Kip cho Chính phủ và các khu vực trọng điểm của địa phương và 196,57 tỷ Kip cho Chỉ thị Sam Sang (Chỉ thị Ba xây) nhằm thúc đẩy sản xuất địa phương, giúp cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ cơ bản, nâng cao thu nhập và sinh kế của người dân.[15]

Để đảm bảo an ninh lương thực và tiêu dùng dinh dưỡng, an toàn, trong 5 năm qua, Chính phủ đã tập trung thực hiện các dự án an ninh lương thực và dinh dưỡng, hỗ trợ sinh con miễn phí và chính sách chăm sóc trẻ em dưới 5 tuổi, thực hiện các hoạt động lồng ghép khuyến khích dinh dưỡng trong cộng đồng và chăm sóc sức khỏe ban đầu nhằm giảm suy dinh dưỡng mãn tính.

Chính phủ Lào đã cung cấp thức ăn bổ sung sẵn cho phụ nữ trong thời kỳ mang thai, trẻ em dưới hai tuổi và trẻ từ 6-23 tháng để phòng suy dinh dưỡng trong 1.000 ngày đầu đời ở 1.110 thôn, bản, tương đương 95% tổng số thôn, bản của cả ba huyện của các tỉnh: Luang Namtha, Oudomxay và Sekong; cung cấp nguồn dinh dưỡng và thực phẩm cho trẻ em suy dinh dưỡng tại 8 huyện thuộc tỉnh Champassak và Sekong. Nhờ đó tỷ lệ suy dinh dưỡng trong dân số, vốn là một trong những chỉ tiêu của Chỉ số Tài sản Con người (HAI) được coi là tiêu chí để thoát khỏi tình trạng kém phát triển (LDC), đã giảm từ 42,8% năm 1990 xuống còn 18,5% năm 2015. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi nhẹ cân giảm từ 26,6% năm 2012 (LSIS 1) xuống 21,1% năm 2017 (LSIS 2), 20,8% năm 2019 và năm 2020 giảm còn 20,3%.  

Theo kết quả điều tra Nghị định 309/CP của Chính phủ Lào trong năm 2019, đang còn 62.384 hộ gia đình nghèo đói, tương đương 5,16% tất cả các hộ gia đình. Căn cứ vào kết quả điều tra việc sử dụng và chi tiêu theo hộ gia đình lần thứ 6 (LECS6) do Tổng cục Thống kê Quốc gia Lào thực hiện từ 2018-2019 cho thấy, tỷ lệ đói nghèo đang còn khoảng 18,3% trong tổng số dân (giảm từ 23,2% theo kết quả điều tra LECS5 trong năm 2012-2013), kết quả này chưa đạt được mục tiêu đề ra (theo kế hoạch Nghị quyết Trung ương khóa IX đề ra, tỷ lệ hộ gia đình nghèo đói thấp hơn 10% trong năm 2020)[16]. Tuy vậy, so với những năm đầu sau đổi mới thì hiện nay tỷ lệ đói nghèo ở Lào đã giảm đi đáng kể so với những năm 1997/1998.

2.2. Thực hiện chính sách bảo vệ, giữ gìn truyền thống các dân tộc và phát triển văn hóa - thông tin

Phát triển công nghệ thông tin

Công nghệ thông tin là một trong những ngành có chuyển biến tích cực nhất ở Lào trong thời gian gần đây, khi nước này đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong đời sống, xã hội và doanh nghiệp.

Đến năm 2021, Lào đã hoàn thành việc phóng vệ tinh LAOSAT-1; có hệ thống Kiểm soát Vệ tinh mặt đất và Hệ thống Viễn thông và Phát thanh Truyền hình Vệ tinh. Hoàn thành việc xây dựng ba trạm quan trắc từ xa tại Thủ đô Viêng Chăn; đã mở rộng mạng lưới truyền dẫn cáp quang cả trên không và dưới mặt đất thêm 29.445 km, hiện có tổng số km là 90,258 km cho phép kết nối thông tin liên lạc từ Trung ương đến các trung tâm tỉnh, huyện; mở rộng trạm thu phát sóng di động thêm 1.106 trạm với tổng số 7.882 trạm, đã mở rộng vùng phủ sóng 2G, 3G và 4G lên 95%, 81% và 53% cho tất cả các thôn trên toàn quốc[17].

Hiện nay, Lào đã hoàn thành tích hợp hệ thống liên lạc một cửa; hoàn thành việc chuyển quyền sở hữu miền quốc gia Lào (.LA) từ nước ngoài về quản lý tại trong nước, mở rộng và nâng cấp Trung tâm Internet Quốc gia Lào. Hoàn thành việc mở rộng mạng lưới điện thoại quốc tế và các trung tâm internet để đáp ứng mọi kết nối trong nước và quốc tế, hệ thống máy chủ chia sẻ mở rộng hệ thống đám mây mới hỗ trợ tới 1.400 máy chủ và cung cấp dịch vụ lưu trữ cho hơn 1.900 trang web của các tổ chức công cộng và các cơ quan khác[18].

Đến nay, mạng lưới truyền dẫn Internet đã được mở rộng và hiện CHDCND Lào có 18 điểm truyền dẫn kết nối với các nước láng giềng: Thái Lan (sáu), Việt Nam (năm), Campuchia (hai), Myanmar (hai) và Trung Quốc (ba) để tạo điều kiện cho liên lạc viễn thông và internet[19].

Năm 2021 ở Lào, tỷ lệ sử dụng internet là 63%, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước[20], cao hơn mức trung bình của thế giới. Trên thực tế, với sự bùng phát dịch Covid-19, thời gian giãn cách xã hội vì dịch bệnh đã khiến nhiều hoạt động làm việc, giáo dục phải thực hiện từ xa tại nhà. Vì thế số lượng người sử dụng internet ở Lào trên thực tế có thể còn có thể cao hơn nữa.  

Năm 2021, trên toàn quốc có tổng số 1.300.195 người đăng ký sử dụng điện thoại cố định và vô tuyến, 4.822.973 người sử dụng điện thoại di động, nâng tổng số người sử dụng điện thoại cố định và di động đã đăng ký lên 6.123.168; đã đăng ký 4.339.174 người sử dụng internet (điện thoại cố định và qua SIM 3G), nâng tỷ lệ sử dụng internet lên 63% tổng dân số. Số lượng thuê bao đăng ký sử dụng internet và điện thoại di động ngày càng tăng, trong khi số đăng ký sử dụng điện thoại để bàn đang có xu hướng giảm từ năm 2018 trở lại đây.

Biểu đồ So sánh đăng ký sử dụng điện thoại và internet của CHDCND Lào 2017-2021

Nguồn: Thống kê ngành công nghệ thông tin và truyền thong năm 2021, Bộ Kế hoạch và Tài chính, Viêng Chăn, tr. 12. 
Như vậy chỉ trong một thời gian ngắn, Lào từ nước đi lên từ sau chiến tranh đã nhanh chóng trở thành quốc gia phát triển khá nhanh về công nghệ thông tin. Không những vậy, Lào còn đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực kinh tế - xã hội và đạt được những thành tựu nhất định. 

Với tỷ lệ sử dụng internet và điện thoại di động rất cao như hiện nay, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước Lào đã đến với người dân ở tất cả các vùng miền của đất nước, đồng thời thỏa mãn nhu cầu văn hóa của nhân dân các dân tộc, nhiều chương trình phát triển văn hóa đã được quan tâm và cụ thể hóa trên thực tế như: phủ sóng internet cả nước, xây dựng hệ thống trang web điện tử, cổng thông tin điện tử theo hệ thống từ Trung ương xuống địa phương, ở khắp các vùng miền, miền núi. Các website điện tử đã được đảm bảo về chất lượng và nhu cầu thông tin của nhân dân.  

Giữ gìn và phát triển phong tục tập quán và văn hóa dân tộc

Cùng với việc đầu tư trang thiết bị, xây dựng cơ sở hạ tầng mạng lưới thông tin thì việc kiện toàn bộ máy, tăng cường đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa - thông tin, bố trí, sắp xếp, đào tạo nâng cao trình độ kiến thức, trình độ chuyên môn nhiệm vụ đã được chú ý. Văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc được giữ gìn, bảo tồn và phát triển, nhất là trong các lĩnh vực: trang phục, ăn, mặc, ở, ứng xử, giao lưu văn hóa giữa các dân tộc. Các ban, ngành quan tâm đến phòng, chống mê tín dị đoan, những hủ tục làm ảnh hưởng đến truyền thống văn hóa tốt đẹp của các dân tộc và văn hóa cộng đồng, đồng thời thúc đẩy phong trào văn hóa, văn nghệ, bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống của các dân tộc.

Lĩnh vực văn hóa thông tin có nhiều tiến bộ cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Về thông tin và truyền thông, đã có nhiều tiến bộ trong việc hiện đại hóa và nâng cao chất lượng, với việc chuyển đổi sang hệ thống kỹ thuật số. Cải tiến nội dung, hình thức các chương trình tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các ngày lễ quan trọng, các sự kiện văn hóa, lễ hội. Ngoài ra, tính đến năm 2021 mạng lưới loa truyền thanh đã được mở rộng đến 5.840 thôn bản, vùng sâu, vùng xa, chiếm 69,16% tổng số thôn (tổng số thôn: 8.443)[21].

Trong thời gian qua, Lào chú trọng xây dựng các làng văn hóa và đã thu được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Mặc dù dịch bệnh Covid -19 có nhiều tác động tiêu cực đến tình hình kinh tế trên cả nước, nhưng các chỉ số về văn hóa của Lào vẫn có xu hướng tăng lên. Năm 2021 Lào có 6.694 làng được công nhận là làng văn hóa, một số bản lớn, địa phương đã xây dựng nhà văn hóa, có đội văn nghệ phục vụ lễ hội, thư viện... Số lượng gia đình văn hóa cũng theo đó tăng lên không ngừng, năm 2021 là 988.723 hộ gia đình được công nhận là gia đình văn hóa, tăng hơn 20.000 hộ so với năm 2020. Số lượng sách có tại các thư viện tăng từ 646.551 cuốn năm 2020 lên 668.854 cuốn năm 2021[22].

Hiện nay, du lịch Lào tích cực xúc tiến hoạt động quảng bá và giới thiệu với các sự kiện nổi bật: khởi động năm Du lịch Lào 2018, khởi động năm Du lịch Lào - Trung 2019, công nhận tiếng khèn Lào là Di sản Văn hóa phi vật thể thế giới của UNESCO vào cuối năm 2017, Cánh đồng Chum ở tỉnh Xiengkhuang đã được thêm vào danh sách trở thành Di sản Thế giới thứ ba của Lào được UNESCO công nhận vào cuối năm 2018.

Sự phát triển nhanh chóng của văn hóa, công nghệ thông tin trong toàn quốc, kể cả các vùng nhiều dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa đã góp phần quan trọng đưa tiếng nói, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước Lào đến với đồng bào các dân tộc. Từ đó, thực hiện được quyền làm chủ, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc, loại bỏ lối sống cũ lạc hậu, tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân loại hiện đại để xây dựng nền văn hóa mới phù hợp với điều kiện và nền văn hóa dân tộc Lào.

Trải qua hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước, việc thực hiện chính sách dân tộc về phát triển kinh tế và văn hóa - thông tin ở CHDCND Lào trong thời gian qua đã thu được kết quả đáng kể, kinh tế - xã hội có bước chuyển biến tích cực. Tình hình kinh tế, văn hóa - thông tin vùng đồng bào các dân tộc đã có chuyển biến tích cực, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội. Thành tựu ban đầu đã góp phần từng bước cải thiện và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc, góp phần vào việc phát triển toàn diện đất nước.

3. Thành tựu và hạn chế trong việc thực hiện chính sách dân tộc về phát triển kinh tế và văn hóa - thông tin ở CHDCND Lào

3.1. Thành tựu

Việc thực hiện chính sách dân tộc ở CHDCND Lào đạt được một số thành tựu:

Thứ nhất, việc thực hiện chính sách dân tộc góp phần tăng trưởng kinh tế bền vững và bao trùm trên tất cả các lĩnh vực và ở tất cả các địa phương, từ vùng sâu vùng xa cho tới khu vực thành thị. Các kết quả cơ bản như: Tăng cường đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng trong cả nước; chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng; chuyển đổi cơ cấu sản xuất ở nông thôn; phát triển cân bằng giữa các vùng và địa phương; đảm bảo đời sống cho nhân dân các dân tộc.

Việc triển khai thực hiện mục tiêu phấn đấu trong các nghị quyết của Đảng và chiến lược, kế hoạch của Nhà nước, mức hỗ trợ, đầu tư qua ngân sách của Nhà nước cho phát triển cơ sở hạ tầng ở Lào từ sau đổi mới đến nay đã được điều chỉnh và tăng cao. Nhà nước ưu tiên đầu tư vốn theo hướng tăng tỉ trọng đầu tư trực tiếp cho phát triển cơ sở hạ tầng tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết những bức xúc về mặt xã hội. Ngân sách Nhà nước đầu tư chủ yếu tập trung vào xây dựng cơ sở hạ tầng như: hệ thống đường giao thông, hệ thống điện lưới, thủy lợi, nước sạch, trạm y tế, bệnh viện, trường học. Trong những năm qua, đặc điểm và phương thức đầu tư ở Lào đã có sự điều chỉnh mới, các vùng dân tộc, vùng sâu vùng xa được đầu tư mạnh hơn trong các chương trình, dự án phát triển theo mục tiêu quốc gia, kết quả này thấy rõ trong việc Đảng và Nhà nước quan tâm trong việc đầu tư vốn ngân sách Nhà nước vào xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn về đường giao thông, thủy lợi, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục...

Đảng và Chính phủ Lào coi trọng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương bằng cách thúc đẩy các chính sách và hỗ trợ kỹ thuật, tài chính cho việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu ưu tiên theo tiềm năng của từng địa phương. Điều này đã giúp tăng trưởng kinh tế liên tục, cân bằng giữa các địa phương và cải thiện mức sống cho nhân dân các dân tộc Lào trên khắp cả nước. Tình trạng nghèo đói ở các dân tộc thiểu số đã giảm bớt; người dân các dân tộc, các lứa tuổi, giới tính được tiếp cận với các dịch vụ giáo dục và y tế có chất lượng; nền văn hóa đặc sắc của các dân tộc được bảo vệ và củng cố; tình hình chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội, công bằng, minh bạch được giữ vững.

Thứ hai, việc thực hiện các chính sách dân tộc góp phần bảo vệ, giữ gìn truyền thống các dân tộc và phát triển văn hóa - thông tin.

Lào đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội và đạt được những thành tựu nhất định. Với tỷ lệ sử dụng internet và điện thoại di động rất cao như hiện nay, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước Lào đã đến với người dân ở tất cả các vùng miền của đất nước, đồng thời thỏa mãn nhu cầu văn hóa của nhân dân các dân tộc.

Cùng với việc đầu tư trang thiết bị, xây dựng cơ sở hạ tầng mạng lưới thông tin thì việc kiện toàn bộ máy, tăng cường đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa - thông tin, bố trí, sắp xếp, đào tạo nâng cao trình độ kiến thức, trình độ chuyên môn nhiệm vụ đã được chú ý.

Đường phố Lào. Ảnh: Báo Kinh tế Đầu tư Lào. 

3.2. Hạn chế

Công tác tổ chức thực hiện chính sách dân tộc về phát triển kinh tế và văn hóa - thông tin ở CHDCND Lào trong những năm qua nhìn chung đã đạt những kết quả khả quan, làm thay đổi bộ mặt đời sống xã hội của nhân dân các dân tộc. Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, còn có những bất cập, khiến nhiều địa phương chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, chưa khai thác, phát huy được tiềm năng vốn có của nhân dân các dân tộc và địa phương.

Hạn chế trên lĩnh vực kinh tế

Nhìn chung, kinh tế ở miền núi và các vùng dân tộc thiểu số vẫn còn chậm phát triển, nhiều nơi còn lúng túng trong việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tập quán canh tác còn lạc hậu. Chất lượng sản phẩm thấp, tiêu thụ khó khăn. Tình trạng du canh, du cư, di cư tự do còn diễn ra phổ biến, phức tạp. Một số hộ gia đình còn thiếu đất sản xuất, kết cấu hạ tầng ở nhiều nơi còn thấp kém. Kinh tế nông - lâm nghiệp chuyển biến chậm.

Cơ sở hạ tầng của Lào tuy đã có bước cải thiện hơn trước, nhưng nhìn chung vẫn còn nhiều hạn chế, các dự án có vốn đầu tư lớn đa số tập trung ở thành thị, các thị xã và các thị trấn. Các vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số chưa được tập trung đầu tư, nhất là về đường giao thông. Tỉ lệ mạng lưới điện tới các bản để người dân được sử dụng điện chưa phủ đều giữa hai khu vực nông thôn và thành thị. Sự yếu kém của cơ sở hạ tầng ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn là một trong những nguyên nhân cản trở quá trình phát triển kinh tế, sản xuất hàng hóa của nhân dân các dân tộc trên địa phương này. Hiện nay, một số huyện, bản không có nguồn nước và nhiều bản vẫn sử dụng nước suối để phục vụ sản xuất và sinh hoạt hàng ngày.  

Cùng với việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế chậm, quá trình phát triển kinh tế thị trường cũng còn nhiều hạn chế, những yếu tố thị trường chưa được chú trọng, còn mang tính tự phát, không ổn định, sản phẩm tạo ra không có người mua.  

Công tác xóa đói giảm nghèo là một trong 4 đột phá theo Nghị quyết của Đảng NDCM Lào, được đề ra từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, nhằm xây dựng và phát triển vùng dân tộc. Việc thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo trong những năm qua đã có bước tiến đáng kể, tỷ lệ hộ nghèo ở các tỉnh giảm nhanh. Nhưng các hộ gia đình thoát nghèo theo tiêu chuẩn chưa thật vững chắc, tỷ lệ hộ tái nghèo và phát sinh hộ nghèo mới khá cao. Tốc độ hoặc tiến  độ giảm nghèo ở các khu vực khác nhau trong cả nước không đồng đều.  

Hạn chế trên lĩnh vực văn hóa - thông tin

Các hoạt động văn hóa chưa thường xuyên, sinh hoạt văn hóa còn nghèo nàn, đơn điệu. Nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần vẫn còn thấp. Các loại hình văn hóa thông tin tuy có phục vụ nhưng chưa được thường xuyên, chủ yếu phục vụ các ngày lễ, tết quan trọng. Hiệu quả sử dụng các công trình văn hóa, hệ thống phát thanh, truyền hình thời gian qua chưa cao.  

Việc khai thác, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống còn hạn chế. Các địa điểm văn hóa truyền thống chưa được khai thác thành điểm tựa du lịch, mới chỉ có một số nơi khai thác được, tập trung ở tỉnh Oudomxay, Luang Prabang.  

Qua hơn 35 năm đổi mới, việc tổ chức thực hiện chính sách dân tộc về phát triển kinh tế và văn hóa - thông tin của Đảng và Nhà nước Lào trên phạm vi cả nước đã đạt được những thành tựu đáng kể. Đây là tiền đề quan trọng cho việc mở mang kinh tế, đẩy mạnh giao lưu, rút ngắn khoảng cách chênh lệch giữa các vùng, các dân tộc; nhờ đó, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân các dân tộc ở Lào đã bước đầu được cải thiện rõ rệt.

Tuy nhiên, bên cạnh nhưng thành tựu đạt được, việc thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước CHDCND Lào còn bộc lộ những mặt hạn chế, bất cập. Những hạn chế, yếu kém trong việc thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ở CHDCND Lào đòi hỏi phải đổi mới việc thực hiện chính sách dân tộc nhằm đáp ứng yêu cầu mới, phức tạp của tình hình thế giới hiện nay, nhất là yêu cầu của việc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

ThS. Nguyễn Thị Lý, Phòng Nghiên cứu Lào và Campuchia

Viện Nghiên cứu Đông Nam Á

CHÚ THÍCH:

[1]Đảng Nhân dân Cách mạng Lào (2011), Văn kiện Đại hội đại biểu toànquốc lần thứ IX, Nxb Quốc gia Lào, Viêng Chăn, tr.14.

[2] Đảng Nhân dân Cách mạng Lào (1955), Văn kiện Đại hội đại biểu tòanquốc lần thứ I, Viêng Chăn, tr. 28.

[3]Đảng Nhân dân Cách mạng Lào (1991), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V, Nxb Quốc gia Lào, Viêng Chăn, tr.19.

[4]Quốc hội (2016), Hiến pháp nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào (sửađổi bổ sung 2015), Nxb Quốc gia Lào, Viêng Chăn, tr. 03.

[5]Quốc hội (2016), Hiến pháp nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào (sửađổi bổ sung 2015), Nxb Quốc gia Lào, Viêng Chăn, tr. 03.

[6]Quốc hội (2016), Hiến pháp nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào (sửađổi bổ sung 2015), Nxb Quốc gia Lào, Viêng Chăn, tr. 08.

[7]Đảng Nhân dân Cách mạng Lào (2016), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Quốc gia Lào, Viêng Chăn, tr. 16.

[8]Đảng Nhân dân Cách mạng Lào (2016), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Quốc gia Lào, Viêng Chăn, tr.17.

[9] Tổng cục Thống kê Quốc gia - Bộ kế hoạch và Đầu tư (2018), Báo cáo kết quả điều tra lao động lần thứ 2 ở CHDCND Lào năm 2017, VC, tr. 20.

[10]Kế hoạch phát triển KT - XH quốc gia 5 năm lần thứ IX (2021-2025) ( Thông qua trong kì họp Quốc hội khóa IX từ ngày 22-26/3/2021 theo Nghị quyết số 20/QH, ký ngày 26/03/2021), tr.22.

[11]Kế hoạch phát triển KT - XH quốc gia 5 năm lần thứ IX (2021-2025) ( Thông qua trong kì họp Quốc hội khóa IX từ ngày 22-26/3/2021 theo Nghị quyết số 20/QH, ký ngày 26/03/2021), tr.22.

[12]Kế hoạch phát triển KT - XH quốc gia 5 năm lần thứ IX (2021-2025) ( Thông qua trong kì họp Quốc hội khóa IX từ ngày 22-26/3/2021 theo Nghị quyết số 20/QH, ký ngày 26/03/2021), tr.12.

[13]Kế hoạch phát triển KT - XH quốc gia 5 năm lần thứ IX (2021-2025) ( Thông qua trong kì họp Quốc hội khóa IX từ ngày 22-26/3/2021 theo Nghị quyết số 20/QH, ký ngày 26/03/2021), tr.12.

[14]Kế hoạch phát triển KT - XH quốc gia 5 năm lần thứ IX (2021-2025)( Thông qua trong kì họp Quốc hội khóa IX từ ngày 22-26/3/2021 theo Nghị quyết số 20/QH, ký ngày 26/03/2021), tr.18

[15]Kế hoạch phát triển KT - XH quốc gia 5 năm lần thứ IX (2021-2025) ( Thông qua trong kì họp Quốc hội khóa IX từ ngày 22-26/3/2021 theo Nghị quyết số 20/QH, ký ngày 26/03/2021), tr.23.

[16]Kế hoạch phát triển KT - XH quốc gia 5 năm lần thứ IX (2021-2025)( Thông qua trong kì họp Quốc hội khóa IX từ ngày 22-26/3/2021 theo Nghị quyết số 20/QH, ký ngày 26/03/2021), tr.23.

[17]Kế hoạch phát triển KT - XH quốc gia 5 năm lần thứ IX (2021-2025) ( Thông qua trong kì họp Quốc hội khóa IX từ ngày 22-26/3/2021 theo Nghị quyết số 20/QH, ký ngày 26/03/2021), tr.22.

[18]Kế hoạch phát triển KT - XH quốc gia 5 năm lần thứ IX (2021-2025) ( Thông qua trong kì họp Quốc hội khóa IX từ ngày 22-26/3/2021 theo Nghị quyết số 20/QH, ký ngày 26/03/2021), tr.22.

[19]Kế hoạch phát triển KT - XH quốc gia 5 năm lần thứ IX (2021-2025) ( Thông qua trong kì họp Quốc hội khóa IX từ ngày 22-26/3/2021 theo Nghị quyết số 20/QH, ký ngày 26/03/2021), tr.23.

[20]Bộ Kế hoạch và Tài chính, Thống kê ngành công nghệ thông tin và truyền thông  năm 2021, VC, trang 26.

[21]Kế hoạch phát triển KT - XH quốc gia 5 năm lần thứ IX (2021-2025) ( Thông qua trong kì họp Quốc hội khóa IX từ ngày 22-26/3/2021 theo Nghị quyết số 20/QH, ký ngày 26/03/2021), tr.28.

[22]Tổng cục Thống kê Quốc gia - Bộ Kế hoạch và Đầu tư,(3/2022), Thống kê thường niên 2021, Thủ đô VC, trang 158.

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều