Ứng dụng công nghệ trong phòng, chống tham nhũng

(Mặt trận) - Tham nhũng là vấn đề nhức nhối của tất cả các quốc gia trên thế giới. Ngoài những biện pháp phòng, chống và hình phạt cho tội phạm tham nhũng mà các quốc gia đang áp dụng thì việc sử dụng các công nghệ mới có thể đem lại hiệu quả nhất định cho cuộc chiến cam go này.

Tham nhũng là vấn đề lớn của tất cả các quốc gia (Ảnh: Themandarin)

Trong năm 2018, khu vực châu Á - Thái Bình Dương có sự cải thiện về nỗ lực chống tham nhũng. Nhiều nước trong nhóm ASEAN như Indonesia, Malaysia và Philippines  đều tăng nhẹ về thứ bậc. Singapore vươn lên hạng ba, trong khi lãnh thổ Hong Kong và Nhật Bản đều xuất hiện trong top 20. New Zealand đứng hạng hai về Chỉ số Nhận thức Tham nhũng (CPI), chỉ xếp sau Đan Mạch.

Điểm CPI trung bình của châu Á - Thái Bình Dương đạt 44/100, phần nào cho thấy những nỗ lực chống tham nhũng của khu vực. Tuy xếp sau khu vực Liên minh châu Âu (EU) với điểm trung bình 66/100, châu Á - Thái Bình Dương vẫn có chỉ số CPI cao hơn Đông Âu và Trung Á.

Cũng trong năm qua, Việt Nam đạt 33/100 điểm, xếp hạng 117/180 toàn cầu, giảm nhẹ 2 điểm so với năm 2017. Điểm số CPI 2018 của Việt Nam được tính dựa trên cơ sở 8 nguồn dữ liệu là những khảo sát quốc tế độc lập. Về mặt thống kê, việc giảm điểm này được xem là không đáng kể. Tuy nhiên, xét trên thang điểm từ 0 - 100 của CPI, trong đó 0 là rất tham nhũng và 100 là rất trong sạch, tham nhũng trong khu vực công ở Việt Nam vẫn được cho là còn phổ biến. Cùng giảm điểm tương tự như Việt Nam trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương còn có Trung Quốc, Maldives và Bangladesh.

Với nỗ lực phòng, chống tham nhũng, nhiều công nghệ mới đã được sử dụng tạo thuận lợi cho việc báo cáo các biểu hiện tham nhũng và cung cấp quyền truy cập thông tin chính thức. Điều này giúp các cơ quan chức năng theo dõi hiệu quả và toàn vẹn các hoạt động chính trị, xã hội của mỗi quốc gia, đồng thời tăng tính minh bạch của các thông tin tài chính. Công nghệ thông tin và truyền thông còn hỗ trợ các nỗ lực vận động người dân phòng và chống tham nhũng.

Trong thập kỷ qua, các chính phủ đã đưa ra ngày càng nhiều sáng kiến của chính phủ điện tử, trong đó những công nghệ báo cáo cung cấp các kênh mới hiệu quả hơn giúp phát hiện các trường hợp lạm dụng công quỹ, tham nhũng và tạo điều kiện cho việc khiếu nại. Các báo cáo có thể được thực hiện thông qua các trang web, đường dây nóng hoặc các ứng dụng ngay trên điện thoại thông minh nhằm kịp thời tổng hợp các ghi nhận của công dân về các hành vi tham nhũng. Một trong những trang web giúp công dân báo cáo về tham nhũng là Ipaidabride.com của Ấn Độ. Thông qua trang web này, các công dân Ấn Độ có thể báo cáo về bản chất, số lượng, loại hành vi, vị trí, tần suất và giá trị của các hành vi tham nhũng mà họ đã trải qua trong thực tế. Ipaidabribe.com đã nhận được 22.500 báo cáo trong giai đoạn 2010-2012, một số trong đó đã được giới truyền thông điều tra và dẫn đến những vụ bắt giữ và kết án nghiêm trọng. Sáng kiến này bắt đầu được phát triển ở Ấn Độ nhưng nay đã được nhân rộng tại các quốc gia như Hy Lạp, Kenya, Zimbabwe và Pakistan. Các phiên bản mới của Ipaidabribe.com sẽ sớm được ra mắt ở Azerbaijan, Nam Phi, Ukraine và Tunisia. Tổ chức Minh bạch Quốc tế đã mở hơn 50 trung tâm tư vấn pháp lý và hỗ trợ pháp lý (ALAC) kể từ năm 2000 để tiếp nhận các khiếu nại của công dân về các hành vi tham nhũng trên thế giới. Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) tại Macedonia đã cho ra mắt nền tảng báo cáo trực tuyến có tên Draw A Red Line - cho phép các cá nhân trải qua hoặc chứng kiến những hành vi tham nhũng báo cáo bằng cách gửi tin nhắn SMS từ điện thoại di động, gửi email, sử dụng mẫu trên trang web hay qua mạng xã hội Twitter hoặc bằng cách gọi điện thoại. Các báo cáo sau đó được nhân viên của TI Macedonia xác minh và chuyển đến các cơ quan, tổ chức có liên quan. Một số nền tảng báo cáo toàn cầu cũng đã được phát triển trong những năm gần đây, điển hình như BRIBEline là một trang web báo cáo bằng 21 ngôn ngữ được hãng TRACE xây dựng. BRIBEline thu thập thông tin thông qua các khiếu nại nặc danh về các khoản hối lộ có liên quan đến chính phủ, tổ chức quốc tế, lực lượng an ninh, doanh nghiệp nhà nước… trên toàn thế giới. Trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2010 tại Philippines, dự án VoteReportPH đã được xây dựng để khuyến khích cử tri báo cáo gian lận bầu cử và những bất thường thông qua tin nhắn SMS, email, Twitter và trang web. Dự án đã thu hút khoảng 2.500 lượt truy cập mỗi tháng. Tại Uganda, một đường dây nóng độc lập đã được thiết lập cho phép công dân báo cáo về các vấn đề gian lận và bất thường trong quá trình bầu cử.

Giao diện của trang web báo cáo tham nhũng Ipaidabribe.com (Ảnh: Ipaidabribe)

Có thể nói, công nghệ là một vũ khí mạnh mẽ trong cuộc chiến chống tham nhũng, điều này đã được Liên hợp quốc khẳng định. Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đặc biệt kêu gọi các quốc gia sử dụng công nghệ trong phòng, chống tham nhũng nhằm bảo vệ các nền kinh tế mới nổi vì tham nhũng thường gây nguy hại cho hòa bình và tiến bộ xã hội. Các công nghệ mới được quản lý hiệu quả có thể mang đến một thế hệ quản trị mở và sự tham gia rộng rãi của người dân.

UNDP cho biết, các nền kinh tế mới nổi đã mất hơn 1,1 nghìn tỷ USD trong năm 2013 bởi số lượng dòng tiền bất hợp pháp khổng lồ. Mỗi năm có khoảng 1,5 nghìn tỷ USD tiền hối lộ.  

Tuy nhiên, với công nghệ mới, những khoản tiền mất mát do hối lộ, tham nhũng có thể được hạn chế. Điển hình như với bản đồ kỹ thuật số của Freetown, tính minh bạch trong hoạt động đăng ký thuế bất động sản đã tăng lên rất nhiều. Cùng với Google, tổ chức này đã hỗ trợ Philippines tạo ra các hoạt động giám sát theo thời gian thực cho các dự án cơ sở hạ tầng. Sử dụng công nghệ rất có ích trong việc ngăn chặn dòng tiền mờ ám từ việc phân phối viện trợ cho các trại tị nạn.

Sử dụng dữ liệu lớn phát hiện các hành vi tham nhũng (Ảnh: Selerity)

Áp dụng công nghệ còn thúc đẩy các chính phủ cung cấp dữ liệu mở cho mọi tổ chức, cá nhân có thể tiếp cận. Việc chia sẻ công nghệ và đổi mới thông qua các công cụ như dữ liệu lớn và cơ sở hạ tầng thông tin có thể cải thiện hiệu quả phòng và chống tham nhũng. Công nghệ dữ liệu lớn nhìn chung liên quan đến các tập dữ liệu có khối lượng lớn và phức tạp đến mức các phần mềm xử lý dữ liệu truyền thống không có khả năng thu thập, quản lý và xử lý dữ liệu trong một khoảng thời gian hợp lý. Dữ liệu lớn chủ yếu được sử dụng trong các lĩnh vực y tế công cộng, thương mại và thuế, trong đó dữ liệu được phân tích và trực quan hóa nhằm xác định xu hướng, mô hình và mối quan hệ trong khối lượng dữ liệu khổng lồ đang được sử dụng nhằm đạt được những thông tin có giá trị có liên quan đến hoạt động tham nhũng. Một ví dụ điển hình là Cơ quan Thuế Australia đã sử dụng dữ liệu lớn để tìm kiếm trong số lượng lớn các hồ sơ những bằng chứng về những nhà bán lẻ trực tuyến không đáp ứng được nghĩa vụ về thuế mà họ phải tuân thủ.

Sự phát triển của các công nghệ như dữ liệu lớn, các ứng dụng di động, trang web có vai trò quan trọng trong việc tăng khả năng tiếp cận các nguồn thông tin và kịp thời nắm bắt được những hành vi tham nhũng do người dân cung cấp. Tuy nhiên, công nghệ sẽ không phát huy được hiệu quả nếu thiếu hành động của các chính phủ và tổ chức cũng như sự hợp tác của khu vực công và tư nhân nhằm nâng cao tính minh bạch và chống tham nhũng.

Hồng Nhung biên dịch

()

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều