Bão, lũ dồn dập: Nguy cơ từ hệ thống đê điều, hồ chứa xuống cấp

Liên tiếp những cơn bão số 10, 11, 12, sắp tới là bão số 13 đã và đang gây hậu quả nghiêm trọng ở miền Trung, đặc biệt là lũ lụt xảy ra diện rộng. Năm nào cũng vậy, sau bão là lũ trong khi những số liệu từ Bộ NNPTNT cho thấy hệ thống đê điều, hồ chứa đang xuống cấp nghiêm trọng.

 Thủy điện Hố Hô xả lũ, đảm bảo an toàn cho hồ đập. Ảnh: T.L

Nguy cơ vỡ đê do xâm hại và thiếu đầu tư

Khi cơn bão số 12 đổ bộ vào miền Trung, trong các ngày 5- 6.11.2017, nước lũ dâng cao gây vỡ đê sông Trà Câu (đoạn qua địa bàn xã Phổ Minh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) với chiều dài khoảng 30m.

Tuyến đường từ Quốc lộ 1A đi xã Phổ Phong đoạn qua địa bàn xã Phổ Văn bị ngập sâu, nước chảy xiết. Nhiều nhà dân hai bên đường cũng bị nước lũ tràn vào nhà ngập sâu gần 1m khiến cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn.

Cũng trong thời gian này, nước lũ vượt bờ dưới đê bao Nam sông Trà Khúc, trong khi chính quyền dựng rào chắn do nước lũ chảy xiết trên QL 24B tại TP.Quảng Ngãi.

Đó chỉ là những ví dụ cho thấy hệ thống đê điều luôn ở trong tình trạng báo động mỗi khi bão qua và các hồ đập phải xả lũ do mưa lớn.

Còn tại Hà Tĩnh, việc xâm hại đê điều diễn ra từ nhiều năm nay đó cũng là nguyên nhân khiến khu vựa từ Hà Tĩnh trở vào thường xuyên chịu lũ, lụt nghiêm trọng.

Chỉ sau vài ngày mưa là vùng hạ du ở các huyện Can Lộc, Thạch Hà, Lộc Hà, TP.Hà Tĩnh, Cẩm Xuyên ngập lụt nặng, thoát lũ chậm. Hiện nay, dọc bờ đê Tả Nghèn và Hữu Nghèn, tình trạng đào ao nuôi trồng thủy sản ngoài bãi sông diễn ra phổ biến ở các xã Tiến Lộc, Tùng Lộc, Thuần Thiện của huyện Can Lộc; Thạch Long, Thạch Sơn, Thạch Kênh... của huyện Thạch Hà; Ích Hậu, Thạch Mỹ, Thạch Bằng, Phù Lưu, Thạch Châu của huyện Lộc Hà.

Trên sông Rào Cái với các tuyến đê Hữu Phủ, Đồng Môn qua xã Thạch Lạc, Tượng Sơn (huyện Thạch Hà), Thạch Đồng, Thạch Hưng, Thạch Trung của TP.Hà Tĩnh cũng chung tình cảnh.

Ông Trần Đức Thịnh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Hà Tĩnh - thông tin: “Việc xây dựng các công trình phía ngoài các tuyến đê không theo quy hoạch, lấn chiếm bãi sông, lòng sông làm thu hẹp không gian thoát lũ là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc tiêu thoát lũ trên các tuyến sông thời gian qua rất chậm, gây tăng ngập úng vùng thượng lưu, tăng thời gian ngập lụt, đồng thời gây ảnh hưởng đến an toàn các tuyến đê.

Đây là các hành vi vi phạm nghiêm trọng các quy định của Luật Đê điều, Luật Phòng, chống thiên tai, Quy hoạch phòng chống lũ các tuyến sông có đê tỉnh Hà Tĩnh, cần được kiểm tra, xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật”.

Theo Tổng cục Phòng, chống thiên tai, chỉ riêng cơn bão số 10 năm 2017, đổ bộ trực tiếp vào khu vực Hà Tĩnh - Quảng Bình bão lũ đã gây ra 252 sự cố về đê điều như nứt sạt mái đê, thẩm lậu, rò rỉ mái đê, đùn sủi chân đê…

Con số từ Bộ NNPTNT, nước ta có khoảng 12.780km đê, trong đó có trên 2.800km đê biển và khoảng 10.190km đê sông (trên 2.700km đê từ cấp III đến cấp đặc biệt, còn lại là đê dưới cấp III). Qua công tác kiểm tra, đánh giá hiện trạng đê điều trước lũ 2017, các địa phương đã xác định 197 trọng điểm đê điều xung yếu để xây dựng, phê duyệt và triển khai phương án bảo vệ.

Với trên 2.700km đê từ cấp III đến cấp đặc biệt cần được đầu tư, tu bổ thường xuyên hằng năm; hàng trăm cống dưới đê cũng cần được tu sửa, xây dựng mới... nhưng nguồn kinh phí cấp qua Bộ NNPTNT để thực hiện hết sức ít ỏi: Năm 2017, chỉ bố trí được 50 tỉ đồng, như vậy, mỗi kilômét đê xung yếu chỉ được cấp nguồn kinh phí 18 triệu nên không đáp ứng được yêu cầu.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Trần Quang Hoài cho biết: “Trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay, cần đầu tư những trang thiết bị hiện đại, phù hợp để có khả năng xử lý đảm bảo an toàn trên các tuyến đê. Đặc biệt, tại các vị trí đê trọng yếu cần được xử lý, nếu không, sự cố vỡ đê xảy ra”.

Lực lượng công binh tìm kiếm 5 nạn nhân bị vùi lấp ở thị trấn Trà My (Quảng Nam). Ảnh: A.C

Ám ảnh từ các hồ đập mất an toàn

Sáng 6.11, khi nghe có thông tin lan truyền về việc vỡ đập thủy điện sông Tranh, nhiều người dân Quảng Nam đã vô cùng hoảng loạn, đang tìm cách sơ tán đến những vị trí cao hơn. Tuy nhiên, ngay sau đó, cơ quan chức năng đã khẳng định: Đây chỉ là thông tin thất thiệt. Đập thủy điện sông Tranh vẫn an toàn.

Tuy nhiên, trước đó, khi cơn bão 12 đi qua và gây mưa lớn trên diện rộng, đặc biệt là khu vực Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, thì chính quyền huyện Bắc Trà My đã phải di dời 6.000 dân trước việc hồ thủy lợi Nước Rôn. Đây là hồ thủy lợi có dung tích 1,1 triệu mét khối, kích thước tràn cao 21,5m, dài 111m, diện tích lưu vực 5,25km2. Động thái cẩn trọng của chính quyền huyện Bắc Trà My là cần thiết bởi nguy cơ về hiểm họa từ các hồ đập cũng rất cao.

Với hệ thống gần 7.000 hồ chứa phân bố tại 45 tỉnh thành trong cả nước, trong đó có 6.648 hồ chứa thủy lợi, 266 hồ chứa thủy điện, hiện nay cả nước còn khoảng 1.150 hồ chứa cần phải sửa chữa, nâng cấp. Trong đó có 320 hồ chứa bị hư hỏng không đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ.

Hồ Dầu tiếng là công trình thủy lợi khởi công từ năm 1981, đưa vào sử dụng từ năm 1985 nhưng đã có hạng mục xuất hiện nhiều điểm xuống cấp cần khắc phục sửa chữa. Nhiều chuyên gia đã khẳng định: “Nếu xảy ra sự cố hồ Dầu Tiếng, thì toàn bộ TPHCM sẽ chìm sâu dưới hàng mét nước”.

Tại khu vực Nam Trung Bộ cũng có đến hàng trăm hồ chứa trong tình trạng xuống cấp. Tại các tỉnh: Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, có trên 360 hồ đập chứa nước với dung tích trên 1 tỉ mét khối nước, được xây dựng hàng chục năm trước trong điều kiện kỹ thuật hạn chế, lại thiếu kinh phí tu bổ hằng năm, nên mỗi mùa mưa bão, những hồ đập này trở thành những “quả bom nước” lơ lửng đe dọa cuộc sống của người dân nơi đây.

Hiện nay, Bình Định có 165 công trình hồ đập nước với tổng dung tích 583 triệu mét khối, trong đó có tới 49 công trình có nguy cơ mất an toàn, 22 hồ chứa xuống cấp nghiêm trọng có nguy cơ vỡ đập khi có nước lũ lên cao.

Theo Sở NNPTNT tỉnh Bình Định, hiện nay chỉ mới tu bổ, sửa chữa được 19 hồ đập, còn 30 hồ nữa vẫn đang… chờ kinh phí. 30 hồ đập này, đang là nỗi ám ảnh không chỉ người dân, mà còn đối với chính quyền địa phương này.

“Trong 19 công trình hồ nguy cấp cần nâng cấp, tỉnh cũng chỉ mới thu xếp được vốn để sửa chữa, mới thi công được 2 công trình, số còn lại phải chờ đến năm 2018-2019 mới có thể tiến hành sửa chữa.

Để sửa chữa được 49 hồ xuống cấp, cần tới 1.000 tỉ đồng, nhưng đến nay tỉnh mới thu xếp được 400 tỉ. Nhiều công trình phải “chằng néo”, “gia cố” tạm, nguy cơ mất an toàn lúc nào cũng lơ lửng” - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bình Định lo ngại bày tỏ.

Bên cạnh đó, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Phú Yên… cũng là những địa phương có hàng trăm hồ đập trong tình trạng “báo động đỏ”. Quảng Ngãi có tới 87 công trình hồ chứa có tuổi đời 30-40 năm, đang bị xuống cấp nghiêm trọng, trong đó có tới 36 hồ cần được khắc phục, gia cố khẩn cấp.

Cuối năm 2015, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục Dự án “Sửa chữa và nâng cao an toàn đập” vay vốn Ngân hàng Thế giới (WB). Mục tiêu chung của dự án là hỗ trợ thực hiện Chương trình Bảo đảm an toàn các hồ chứa nước thông qua sửa chữa, nâng cấp các đập ưu tiên.

Dự án được thực hiện từ năm 2016-2022. Tổng vốn cho dự án là 443 triệu USD, trong đó vốn ODA là 415 triệu USD; vốn đối ứng 28 triệu USD.

Theo các chuyên gia, số tiền đi vay của WB cũng sẽ không giải quyết được vấn đề nếu không chấn chỉnh vi phạm đê điều, hồ đập thủy lợi.

Cùng với Luật Đê điều năm 2006, Luật Thủy lợi được Quốc hội ban hành tháng 7.2017 và có hiệu lực từ 1.7.2018 đã đưa vào nhiều điều khoản chặt chẽ nhằm quản lý, bảo vệ các công trình thủy lợi, nhất là trong bối cảnh tình hình xâm hại các công trình thủy lợi đang hết sức phức tạp. Theo đó, luật cũng đưa ra các điều khoản ngăn ngừa, xử lý các hành vi xâm hại tới an toàn công trình thủy lợi tại các địa phương.

Theo Báo Lao động

mưa lũ, mưa lũ miền Trung, hệ thống đê điều, hồ chứa xuống cấp,Hậu quả bão, lũ lụt, thủy điện

 

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều