Chặn “tâm lý hoang mang” bằng cách nào?

Sau công văn hỏa tốc của Hà Giang, yêu cầu “tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo”, tới lượt Bộ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo yêu cầu không để lợi dụng những sai phạm trong kỳ thi làm ảnh hưởng đến trật tự xã hội, tổn thương đến đội ngũ nhà giáo, gây tâm lý hoang mang trong học sinh, phụ huynh và xã hội.

Ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT) tại cuộc họp báo công bố chi tiết những sai phạm liên quan đến điểm thi bất thường tại Hà Giang.

Văn bản hỏa tốc được Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang ký ngày 18/7 yêu cầu quán triệt “Tuyệt đối tin tưởng vào công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đối với các cơ quan chức năng trong việc điều tra, xác minh, làm rõ vụ việc và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”. “Làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục cho cán bộ, đảng viên, người thân trong gia đình không tham gia tuyên truyền, bình luận, chia sẻ các thông tin trái chiều, sai lệch, không chính thức trên các trang mạng xã hội, các thiết bị điện thoại, điện tử, internet…”.Chỉ sau đó ít hôm, Bộ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) cũng có văn bản nhấn mạnh đến yêu cầu công tác truyền thông phải đảm bảo chính xác, khách quan, kịp thời. Không để lợi dụng những sai phạm trong kỳ thi làm ảnh hưởng đến trật tự xã hội, làm tổn thương đến đội ngũ nhà giáo cũng như gây tâm lý hoang mang trong học sinh, phụ huynh và xã hội.

Dĩ nhiên, thông tin phải chính xác và niềm tin của người dân phải dựa vào những thông tin chính xác đó.

Tuy nhiên, dưới góc độ khác có người đã đặt vấn đề: Hơn cả vụ Đồi Ngô, hơn cả scandal gian lận thi cử ở Vân Tảo, vụ gian lận điểm thi xảy ra lần này đang gây ra sự tổn thương nghiêm trọng trong đội ngũ những người làm giáo dục, đang như một cơn bão càn quét niềm tin về sự công bằng.

Và sự thể lần này còn nghiêm trọng đến mức, đã có những ý kiến đặt thẳng câu hỏi về sự trung thực khi chính những cá nhân - con sâu trong ngành giáo dục tự bêu xấu mình. Nghiêm trọng đến mức thực trạng nền giáo dục “để thi cử” và “chạy theo thi cử” được vạch vòi. Và không phải không có lý khi đây là cơ hội rõ hơn bao giờ hết để nhìn lại cải cách “kỳ thi 2 trong 1” đang “lộn ngược” khi đáng lẽ giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường đại học (ĐH) trong một kỳ thi tuyển duy nhất, thì ngược lại, lại đặt mục tiêu vào kỳ thi tốt nghiệp, với tỷ lệ đỗ bình quân luôn trên 97%.

Những gian lận thi cử đang gây mất niềm tin sâu sắc, và niềm tin là thứ khó có thể tạo ra bằng một văn bản yêu cầu. Cũng như sự tổn thương, tâm lý hoang mang không thể chấm dứt bằng một chỉ thị.

Điều có thể khẳng định cho đến thời điểm này là kỳ thi không hề “khách quan, đặc biệt nhẹ nhàng” như nhận định ban đầu của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ.

Và giờ, chỉ có một cách lấy lại niềm tin là sự rạch ròi đúng sai, là sự nghiêm túc và nghiêm khắc với gian lận, với sai phạm, chứ không phải là cách ban hành văn bản, càng không phải là cách làm giảm nhẹ vi phạm.

Theo Anh Đào/Báo Lao động

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều