Hà Nội: Không loại trừ ca nhiễm Covid-19 thứ 5 sau bệnh nhân số 17

Thông tin được Chủ tịch UBND TP.Hà Nội đưa ra tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của Hà Nội sau khi 4 ca dương tính với virus SARS-COV-2 được xác nhận.

Ngày 8/3, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.Hà Nội họp dưới sự chủ trì của Chủ tịch Nguyễn Đức Chung. 

Hà Nội đã quyết liệt, triển khai đồng bộ

Theo Chủ tịch Hà Nội, trong 24 tiếng vừa qua, các đơn vị của TP đã quyết liệt, đồng bộ theo chỉ đạo của T.Ư, Bộ Y tế và Hà Nội, tập trung làm rõ những người tiếp xúc gần, tiếp xúc của tiếp xúc với các trường hợp dương tính với Covid-19. Đến nay, Hà Nội đã có 4 trường hợp dương tính gồm 17, 19, 20, 21. 

Chủ tịch UBND TP.Hà Nội - Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Hà Nội (ảnh: T.An)

Ông Nguyễn Đức Chung khẳng định, TP.Hà Nội đã xác định rõ nguồn gốc lây nhiễm của các ca này. Như trường hợp bệnh nhân 17 là đi từ Anh về, 19, 20 là lái xe và bác họ của bệnh nhân 17. Bệnh nhân 21 ngồi cùng chuyến bay VN0054 với bệnh nhân 17. 

“Còn một trường hợp tiếp xúc gần với chị N.H.N., đang được xem xét, nhiều khả năng dương tính. Kết quả lần 1 dương tính, nhưng phải chờ kết quả lần 2. Nhiều khả năng sẽ là ca thứ 5 của TP” - ông Chung nói. 

Đồng thời, Chủ tịch Hà Nội cho biết, đến nay, TP đã khẩn trương làm rõ cơ bản số người tiếp xúc gần, tiếp xúc của tiếp xúc, lịch trình sinh hoạt đi lại của 4 bệnh nhân dương tính Covid-19, đồng thời, xác minh làm rõ đến đâu thì cách ly đến đó một cách triệt để. 

Theo thông tin, cả 4 bệnh nhân dương tính Covid-19 đều tiến triển tốt khi điều trị trong bệnh viện. Có trường hợp tiến triển rất nhanh. 

Về trường hợp làm giúp việc cho bệnh nhân số 17 đang nghi ngờ nhiễm bệnh ở Láng Thượng, ông Chủ tịch Hà Nội cho biết, quận Đống Đa đã quyết liệt triển khai các biện pháp, đưa chồng, con của người này đi cách ly. Chiều 8/3 sẽ tiếp tục thực hiện phun, khử khuẩn.  

Hà Nội đã và đang tiến hành khử khuẩn nhiều tuyến đường phố (ảnh: Hiếu Hải)

Tại Bệnh viện Hồng Ngọc, có 20 người tiếp xúc gần đã được cách ly từ chiều ngày 6/3. 164 người tiếp xúc gần đã đưa đi cách ly. Còn 60 bác sĩ, y tá đang làm việc tại Bệnh viện thì tổ chức cách ly, làm việc bình thường, qua 14 ngày mới về nhà. 

Toàn bộ các bệnh nhân đang nằm ở đây được giữ nguyên, không tiếp nhận bệnh nhân mới. Toàn bộ bệnh viện đã phun khử khuẩn. Đã xét nghiệm 19/20 bác sĩ, y tá tiếp xúc gần với bệnh nhân số 17, kết quả âm tính. 

“Nguy cơ lây nhiễm xác định ở bệnh viện Hồng Ngọc ban đầu là cao nhưng hiện nay đang loại trừ dần và đang làm tốt. Các bệnh nhân, số ý tá bác sĩ còn lại đã lấy mẫu xét nghiệm, có kết quả trong hôm nay và ngày mai”- lãnh đạo Hà Nội nói.

Không bỏ qua giờ vàng... 

Chủ tịch Hà Nội dự báo, diễn biến dịch Covid-19 còn phức tạp, khó lường, nguy cơ lây nhiễm cao và không loại trừ thời gian tới sẽ phát hiện các ca dương tính mới.

Nhắc đến trường hợp của bệnh nhân số 21, ông Nguyễn Đức Chung, cho rằng hành trình đi lại của người này phức tạp, nên phải tập trung phối hợp với các đơn vị, xác minh những người tiếp xúc, rõ đến đâu thì thông báo cách ly tại nhà, lấy mẫu đến đó để xét nghiệm. 

Theo ông Chung, năng lực hiện nay của thành phố là lấy 600 mẫu một ngày, nhưng khả năng xét nghiệm là 2.000 mẫu. Vì vậy, nếu cần thiết phải huy động thêm người là nhân viên y tế phường, bệnh viện huyện tham gia lấy mẫu. 

“Nếu trường hợp tiếp xúc của tiếp xúc mà âm tính thì thống nhất cho cách ly tại nhà với điều kiện là nhà phải đủ điều kiện cách ly, không thì thực hiện cách ly tại trạm y tế xã, phường” - ông Chung nói, đồng thời cho biết, nếu sau 14 – 16 ngày không có biểu hiện gì thì tiếp tục trở lại sinh hoạt bình thường. Với các trường hợp yếu hơn thì kéo dài thời gian cách ly, vì có những ca ủ bệnh tới 27 – 37 ngày trên thế giới.

Tuyến phố Trúc Bạch (Ba Đình, Hà Nội) được khoanh vùng cách ly nhiều ngày nay. (ảnh: Danviet.vn)

Ông Chung nhấn mạnh vào việc cần tập trung xác minh các trường hợp có liên quan đến các ca dương tính, tinh thần là tuyên truyền, thuyết phục nhưng không nể nang. “Tôi đã nêu, nếu không công khai, không minh bạch thì chúng ta sẽ phải trả giá. Bởi người dân không hiểu, chưa thông cảm thì chính quyền không làm xuể được đâu” - ông Chung nói. 

Chủ tịch Hà Nội nhắc lại, kể từ khi phát hiện ca dương tính thì có 72 giờ vàng để xác định những người có liên quan. Như chỗ bệnh nhân số 17, số 20, nếu chậm một ngày thì người liên quan sẽ tăng lên cấp số nhân của số nhân. “Như vừa qua chúng ta phản ứng nhanh và đã khoanh được” - ông Chung khẳng định. 

Không có sự bất ổn nguồn cung hàng hoá 

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Đức Chung cũng nhấn mạnh rằng, Hà Nội đảm bảo đủ lương thực, thực phẩm cung cấp cho người dân. Người dân không cần mua tích trữ.

Bà Trần Thị Lan Phương – Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, ngay từ đầu tháng 2/2020, ngành đã chủ động triển khai chương trình bình ổn thị trường. Hàng dự trữ, nguồn cung hàng hóa đảm bảo. Tập trung chỉ đạo các đơn vị phân phối, yêu cầu các doanh nghiệp dự trữ hàng hóa. Tất cả những mặt hàng thiết yếu tăng nguồn cung từ 30-50%. Ngành cũng chủ động làm việc với các tỉnh để có những nguồn cung đầu vào. 

Cũng theo lãnh đạo Sở Công thương, ngành đã xây dựng phương án dự trữ hàng hóa 4 cấp độ của dịch. Lượng hàng hóa đầy đủ với những mặt hàng có nhu cầu sử dụng cao. Thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của thành phố Hà Nội, Sở cũng đã rà soát doanh nghiệp sản xuất khẩu trang và nước sát khuẩn.

“Với dân số của Hà Nội khoảng gần 8 triệu người, chúng tôi tính toán nhu cầu sử dụng khẩu trang, mong muốn người dân sử dụng khẩu trang vải kháng khuẩn. Nhu cầu khẩu trang lên tới 44 nghìn chiếc/tháng. Các doanh nghiệp cơ bản đảm bảo nguồn cung.

Với các siêu thị, không một đơn vị nào tăng giá, giá cả ổn định. Chỉ có một số chợ tiểu thương, tăng giá với mặt hàng thịt lợn khi có nhiều người dân tăng cao. Ngay sáng 7/3, Tổ công tác của Sở Công Thương đã đi kiểm tra tại các siêu thị khẳng định nguồn cung đảm bảo, giá cả ổn định” - bà Phương nói.

Đại diện Sở Tài chính Hà Nội cho biết, để đảm bảo nguồn lực phòng chống dịch Covid-19, bên cạnh nguồn lực được giao từ đầu năm, ngay sau khi có dịch bệnh, Sở Tài chính đã phối hợp cùng với Sở Y tế tham mưu với UBND TP.Hà Nội về nguồn kinh phí phòng chống dịch bệnh. 

Sở Tài chính đã bổ sung trên 310 tỷ đồng để thực hiện các nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh. Số tiền này sử dụng vào việc mua sắm máy móc, trang thiết bị, hóa chất, điều tra giám sát, thuê nhân công, kinh phí tuyên truyền và một số chi phí khác.

Theo Báo Dân Việt

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều