Hoàn thiện dự thảo Chương trình hành động Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển KT-XH 2021-2025

Văn phòng Chính phủ vừa có Văn bản số 206/TB-VPCP thông báo Kết luận của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tại cuộc họp về dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.
 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, chiều 28/7. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN
Thông báo nêu rõ: Ngày 3/8/2021, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã chủ trì cuộc họp về dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Tham dự cuộc họp có đại diện Lãnh đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. 

Sau khi nghe báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ý kiến của các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái kết luận và đánh giá cao Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tích cực, chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan, sớm xây dựng Báo cáo về Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 (Báo cáo) theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Ý kiến phát biểu của các bộ, cơ quan tại cuộc họp đã bám sát nội dung yêu cầu, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao.

Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tổng hợp đầy đủ các ý kiến phát biểu tại cuộc họp, chắt lọc các ý kiến xác đáng để khẩn trương tiếp thu, hoàn thiện Báo cáo và dự thảo Nghị quyết của Chính phủ, trong đó lưu ý các nội dung sau: 

Về kết cấu Báo cáo, Phó Thủ tướng cơ bản đồng ý với dự thảo, tuy nhiên phần I cần thể hiện ngắn gọn hơn để bảo đảm cân đối giữa các phần trong báo cáo. Về đánh giá kết quả thực hiện giai đoạn 2016-2020 cần rà soát, khái quát hóa nội dung đánh giá; trong đó làm rõ những kết quả đạt được, những hạn chế, yếu kém, nguyên nhân của kết quả đạt được và hạn chế, yếu kém, những bài học kinh nghiệm rút ra, nhất là trong việc triển khai thực hiện 204 đề án, nhiệm vụ cụ thể ban hành kèm theo Chương trình hành động giai đoạn 2016-2020. 

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cập nhật, bổ sung bối cảnh tình hình trong giai đoạn 2021-2025 có những điểm mới phát sinh, như đại dịch COVID - 19 diễn biến phức tạp, khó lường tại nhiều quốc gia, xuất hiện biến chủng mới lây lan nhanh và nguy hiểm hơn; nhiều quốc gia đẩy mạnh tiêm vaccine nhằm đạt miễn dịch cộng đồng; một số nước thực hiện nới lỏng chính sách tiền tệ; giá một số nguyên vật liệu tăng mạnh…

Bên cạnh đó, rà soát kỹ Phụ lục về danh mục các đề án, nhiệm vụ cụ thể thuộc Chương trình hành động giai đoạn 2021-2025 theo nguyên tắc: không đưa vào các nhiệm vụ, đề án có tính chất thường xuyên hoặc chưa thật sự cần thiết; bảo đảm tính khả thi, thiết thực, sát với tình hình thực tế, đủ điều kiện về nguồn lực tổ chức thực hiện và có khả năng hoàn thành đúng thời hạn; bổ sung hợp lý các nhiệm vụ, đề án cấp thiết để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, giải quyết các vấn đề phức tạp, tồn đọng kéo dài; rà soát kỹ các đề án cần trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Trung ương, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. 

Các bộ, cơ quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao và các nội dung tại điểm 2 nêu trên khẩn trương có ý kiến bằng văn bản đối với dự thảo Báo cáo và Nghị quyết kèm theo Văn bản số 5058/ BC-BKHĐT ngày 3/8/2021 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong ngày 4/8/2021. Trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương tổng hợp ý kiến các cơ quan, hoàn thiện dự thảo Báo cáo và dự thảo Nghị quyết, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong sáng 5/8/2021.

Theo TTXVN/Báo Tin tức

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều