Hội nghị Trung ương 5, khóa XIII đã cụ thể hóa phương hướng phát triển đất nước

Từ ngày 4-10/5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII họp Hội nghị lần thứ năm để thảo luận, cho ý kiến và quyết định về nhiều nội dung quan trọng. Theo dõi các phiên họp qua phương tiện thông tin đại chúng, nhiều cán bộ, đảng viên ở thành phố Đà Nẵng đồng tình, nhất trí cao với các quyết sách quan trọng của Trung ương.
Toàn cảnh bế mạc Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN 
Bí thư Đảng ủy phường Hoàng Cường Bắc, quận Hải Châu Nguyễn Văn Lộc đánh giá cao những nội dung nêu ra tại Hội nghị Trung ương 5, khóa XIII. Đặc biệt, những vấn đề này đã bám sát thực tiễn của Đảng, thể hiện vai trò lãnh đạo của Trung ương, làm cơ sở vững chắc, bài bản để cụ thể hóa phương hướng phát triển đất nước trong tương lai. Đây là những vấn đề rất hệ trọng đối với việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; có ý nghĩa quan trọng trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Trong các nhóm vấn đề được Trung ương thảo luận, ông Nguyễn Văn Lộc tâm đắc nội dung tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai. Trong thời kỳ kinh tế thị trường, công tác quản lý đất đai còn nhiều thiếu sót, chưa theo kịp. Tại Hội nghị cũng đã chỉ ra những vấn đề còn tồn đọng, hạn chế, yếu kém trong công tác quản lý đất đai. Do đó, việc theo sát với thực tiễn quản lý, hiệu quả sử dụng nguồn lực đất đai có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh.

Đánh giá về nội dung tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, ông Nguyễn Văn Lộc cho rằng, bộ mặt nông thôn Việt Nam đã có bước thay đổi lớn, phát triển mạnh mẽ. Hạ tầng, cơ sở, điều kiện sống ở nông thôn được đảm bảo. Đặc biệt, trong hai năm xảy ra dịch COVID-19, nước ta đã đảm bảo nền an ninh lương thực rất hiệu quả. Bên cạnh đó, lực lượng sản xuất, nguồn nhân lực ở nông thôn ngày càng nâng cao về trình độ, số lượng nông dân qua đào tạo chiếm tỷ lệ lớn, nhiều địa phương đã áp dụng hiệu quả các ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp.

Về nội dung tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa IX tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, ông Nguyễn Văn Lộc nhận định, việc nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể đã phát huy được tính linh động, tự chủ, đổi mới sáng tạo góp phần thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Ví dụ, chức danh Chủ nhiệm Hợp tác xã thay thế bằng Giám đốc Hợp tác xã đã thể hiện tính năng động, tự chủ của người đứng đầu của tập thể, có thể quyết định những vấn đề hệ trọng mang tính kịp thời, từ đó sản xuất ra những sản phẩm mũi nhọn, có chất lượng cao, mang giá trị kinh tế cho địa phương.

Bí thư Đảng ủy phường Hòa Cường Bắc Nguyễn Văn Lộc đề nghị Trung ương và địa phương cần nhìn nhận thực chất, theo dõi hiệu quả của từng nội dung chính sách đưa ra, từ đó có chiến lược nâng cấp theo từng bậc của vấn đề. Các cấp chính quyền phải nêu cao trách nhiệm của mình trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập của người dân, tăng cường liên kết kinh tế vùng…

Ông Lê Vũ, Bí thư Chi bộ Liên phòng Khoa học và Khảo thí, Đảng bộ Trường Đại học Sư Phạm kỹ thuật - Đại học Đà Nẵng cũng đánh giá cao kết quả, ý nghĩa của những vấn đề của Trung ương đưa ra xem xét, quyết định tại Hội nghị Trung ương 5, khóa XIII. Đặc biệt, với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, Hội nghị đã đánh giá đúng, kỹ lưỡng những ưu điểm, hạn chế, khuyết điểm trong lãnh đạo, chỉ đạo và chỉ rõ những nguyên nhân, rút ra những bài học kinh nghiệm, đề ra các giải pháp tích cực khắc phục trong thời gian tới.

Theo ông Lê Vũ, trong các vấn đề đưa ra trong Hội nghị lần này, ông tâm đắc nhất là Đề án thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đây là vấn đề quan trọng, cấp thiết góp phần phòng ngừa tham nhũng cấp cơ sở trong bối cảnh hiện nay. Mặt khác, việc xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, góp phần tích cực trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; đồng thời tăng cường niềm tin của nhân dân về sự lãnh đạo của Đảng.

Để Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hoạt động hiệu quả cần lựa chọn cán bộ có năng lực; trao quyền quyết định, kiểm tra chuyên biệt cho Ban Chỉ đạo này, đồng thời phải tổ chức hoạt động độc lập, có chế độ lương thưởng hay quy định, kỷ luật phù hợp nhằm tăng cường sự nghiêm minh, quyết liệt, rõ ràng trong quá trình xử lý tham nhũng.

Đưa ra đề xuất, ông Lê Vũ cho rằng những vấn đề đưa ra ở Hội nghị lần này cần quán triệt đến với từng Chi bộ, đảng viên. Trong quá trình thực hiện phải giới thiệu các tấm gương điển hình; thực hiện tổng kết, sơ kết đánh giá định kỳ, và tuyên dương đối với đơn vị, tổ chức có cách làm hay, sáng tạo trong việc thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

TTXVN

 

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều