Huy động sự vào cuộc của toàn thể nhân dân

(Mặt trận) - Tại Hội nghị UBTƯ MTTQ Việt Nam lần thứ 9 (khóa VIII) tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sáng 8/1, các đại biểu tham dự đã khẳng định, những người làm Mặt trận hôm nay cần tiếp tục tạo sự đồng thuận trong nhân dân, là cầu nối giữa Đảng với nhân dân, từ đó củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng vững mạnh.

Thẳng thắn chỉ ra những hạn chế

Theo ông Vũ Hồng Khanh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hà Nội, Phó Chủ tịch không chuyên trách UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, thời gian qua, vai trò của Mặt trận đã có nhiều kết qủa đáng ghi nhận, trong đó phải kể đến vai trò Mặt trận làm cầu nối giữa Đảng với nhân dân.

Cùng với đó, Mặt trận các cấp đã đổi mới cả về nội dung và phương thức hoạt động theo hướng gần dân, sát dân, bám sát các vụ việc mà người dân quan tâm. Trong đó, Trung ương đã có hướng dẫn rất cụ thể về việc đẩy mạnh các cuộc đối thoại giữa người đứng đầu với nhân dân.

Theo ông Khanh, việc Mặt trận là cầu nối giữa Đảng với nhân dân được xem là chủ trương chiến lược của công tác Mặt trận. Tuy nhiên, thực tiễn vẫn còn những hạn chế, để lại những bài học kinh nghiệm sâu sắc, nhất là việc nắm dân, hiểu dân.

Ông Khanh cho rằng, trong năm 2019, vấn đề cầu nối này cần phải tập trung bàn để làm một cách thấu đáo hơn. Đặc biệt cần phải làm thế nào để dân hiểu Đảng, Đảng hiểu dân và Mặt trận cần tiếp cận các thông tin nhiều chiều, từ đó đề ra kiến nghị, đề xuất, khái quát được mong muốn của nhân dân với Đảng.

Nhìn lại những bước đi hiệu quả của năm 2018, ông Khanh thẳng thắn cho rằng, Mặt trận không phải “trận nào cũng có mặt”, mà phải đi vào những việc xuất phát từ nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân.

 “Chúng ta thường nêu ra những hạn chế, hạn chế rất lớn như chưa làm chuyển biến một số lĩnh vực như an toàn thực phẩm, an toàn giao thông. Không nên nêu những hạn chế như vậy, vì đây là những vấn đề của toàn xã hội, không phải là trách nhiệm riêng của Mặt trận. Nếu đã nêu hạn chế thì phải dũng cảm nêu ra hạn chế đúng trọng tâm, trọng điểm, chứ không phải cái gì cũng nhận”, ông Khanh thẳng thắn.

Cũng vẫn tinh thần này, ông Vũ Hồng Khanh góp ý Báo cáo chính trị nên tính lại phần tình hình nhân dân, làm sao có tính hiệu triệu, kêu gọi đoàn kết toàn dân. Bởi vì tình hình nhân dân hiện nay đã có những thay đổi và khác trước.

Cũng như vậy, việc đẩy mạnh các phong trào thi đua tập trung theo hướng phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng... sẽ lại rơi vào tình trạng dàn trải như nhiệm kỳ gần đây.

Một trong những vấn đề mà ông Vũ Hồng Khanh băn khoăn nhất là việc đổi mới hơn nữa về công tác tổ chức cán bộ.

“Tôi rất băn khoăn, nếu đặt vấn đề Mặt trận vẫn nhiều cấp như hiện nay thì sợ rằng chúng ta vẫn tiếp tục dấn thân vào những lối mòn”, ông Khanh khẳng định và cho biết, trên thế giới hiện nay chỉ từ 2 đến 3 cấp chính quyền và đi theo đó là các tổ chức xã hộic nhưng riêng Việt Nam có tới 4 cấp, và trong hệ thống Mặt trận còn tính cả Ban Công tác Mặt trận, như vậy là có tận 4, 5 cấp.

Thực hiện chỉ đạo Bộ Chính trị, Hà Nội hiện chuẩn bị đưa ra thí điểm mô hình chính quyền đô thị chỉ có 3 cấp. Cấp Thành phố, quận, huyện, thị xã; và một cơ quan hành chính đại diện cho xã phường thị trấn. Điều này sẽ góp phần tinh giản bộ máy biên chế mà mỗi năm Hà Nội phải chỉ hơn 1.000 tỷ đông cho đội ngũ cán bộ này, trong khi việc thực thi nhiệm vụ chưa thể đạt hiệu quả như mong muốn.

Do đó, ông Khanh khẳng định quan điểm, Ban Công tác Mặt trận chỉ là một mô hình tự quản chứ không nên là một cấp.

Khẳng định vai trò cầu nối giữa Đảng với nhân dân

Phát biểu tại Hội nghị UBTƯ MTTQ Việt Nam lần thứ 9, khoá VIII, ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, những năm qua, đất nước đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, đại bộ phận nhân dân đã ghi nhận và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Điều đó thể hiện qua sự tăng trưởng vượt bậc trong lĩnh vực kinh tế, nhiều vùng nông thôn đã có diện mạo mới, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã được quan tâm, bước đầu đã hạn chế được tiêu cực và đẩy lùi được tình trạng “tiền tệ, hậu duệ, quan hệ rồi mới đến trí tuệ”.

 “Sự vào cuộc của Đảng, Nhà nước, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội theo hướng quyết tâm, hiệu quả, tinh gọn nhưng vẫn giữ vững được mục tiêu, chức năng của mình đã tạo được niềm tin trong nhân dân và tạo được nền tảng vững chắc cho đất nước đi lên”, ông Phạm Thế Duyệt nhấn mạnh.

Chia sẻ về những vui mừng khi công tác Mặt trận ngày càng được Đảng, Nhà nước quan tâm, nhất là việc các đồng chí giữ trọng trách cao của Đảng, Nhà nước được phân công trong tổ chức Mặt trận, ông Phạm Thế Duyệt tin tưởng, đây sẽ là nền tảng để tạo sự đột phá trong nhiệm kỳ Đại hội 2019-2024.

Tuy nhiên, điều ông Phạm Thế Duyệt vẫn còn trăn trở khi đứng trước câu hỏi của đại đa số người Việt ngày hôm nay: “Cuộc sống ước gì được như hôm nay, nhưng đạo đức xã hội được như ngày xưa”, điều đó đòi hỏi MTTQ cùng với Thủ tướng Chính phủ và Quốc hội đồng tâm phối hợp hành động để xây dựng lòng tin với nhân dân, để không bỏ sót sức mạnh, trí tuệ của các tầng lớp, các giai cấp trong toàn xã hội, từ đó góp phần củng cố sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

 “Làm được như vậy thì đất nước mới phát triển nhanh, vững vàng và loại bỏ được những quan điểm, luận điệu chống lại đường lối của Đảng”, ông Phạm Thế Duyệt mong mỏi.

Đề cao công tác dân vận trong Mặt trận, nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, Mặt trận hôm nay cần góp phần mạnh mẽ, tập trung để tạo sự đồng thuận trong nhân dân, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong đó công tác dân vận của Mặt trận phải thực sự là chỗ dựa cho Đảng.

Muốn như vậy, Mặt trận phải tập trung hậu thuẫn cho Đảng về việc chỉnh đốn Đảng để Đảng mãi mãi là Đảng của nhân dân.

Đổi mới hoạt động Mặt trận phải vững chắc, trong đó ông Phạm Thế Duyệt cho rằng, cách làm mới phải phát huy được dân chủ, trí tuệ, đặc biệt là phát huy dân chủ của nhân dân và không hình thức hóa để góp phần vào sự nghiệp chung.

Cũng theo nguyên Chủ tịch Phạm Thế Duyệt, thời gian qua, việc xử lý tham nhũng, tiêu cực mặc dù đã có những kết quả tốt nhưng vẫn không thể yên tâm, chính vì vậy đòi hỏi sự vào cuộc của MTTQ và toàn thể nhân dân, trong đó Mặt trận phải là người đóng vai trò đại diện, kết nối nhân dân, huy động sự vào cuộc của nhân dân.

Các đại biểu tham dự Hội nghị.

Hương Diệp - Ảnh: Quang Vinh

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều