Khẳng định, đề cao vai trò giám sát của nhân dân

Cuốn sách "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Ðảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn nhắc tới vai trò to lớn của nhân dân trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, sức mạnh và động lực to lớn của cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực là sự đồng tình, ủng hộ, hưởng ứng, tham gia tích cực của nhân dân và cả hệ thống chính trị… Nếu không dựa vào dân thì cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực khó có thể thành công. Cũng theo đồng chí Tổng Bí thư, sự tham gia của nhân dân không chỉ ở trực tiếp phát hiện, tố cáo các hành vi tham nhũng, tiêu cực mà còn thông qua việc giám sát để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, uốn nắn ngay từ trong suy nghĩ, nhận thức.

Bởi vì, "nguyên nhân sâu xa của tham nhũng là do chủ nghĩa cá nhân, do sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo cấp cao". Ðây chính là giải pháp quan trọng để "phòng, chống từ sớm, từ xa, cả ngọn lẫn gốc tình trạng tham nhũng".

Tư tưởng của Tổng Bí thư tại cuốn sách cũng là quan điểm nhất quán của Ðảng và được triển khai quyết liệt thời gian qua. Ngày 2/2/2018, Ban Bí thư đã có Quy định số 124-QÐ/TW về giám sát Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên. Quy định nêu rõ: Nhân dân thực hiện quyền giám sát thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội, phản ánh, kiến nghị đến cấp ủy, tổ chức đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị-xã hội và cơ quan có thẩm quyền về những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên.

Triển khai quyết định của Ban Bí thư, các tổ chức đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội trong cả nước đã có nhiều cách làm mới, tích cực trong phát huy vai trò giám sát của nhân dân, nhất là giám sát đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên. Từ năm 2021 đến nay, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội tỉnh Quảng Ninh đã tiến hành giám sát 61 đồng chí là giám đốc và phó giám đốc, trưởng ban và phó trưởng ban, cục trưởng và phó cục trưởng; giám sát 36 đồng chí là chủ tịch và phó chủ tịch các huyện, thị xã, thành phố. Qua giám sát đã tạo nhiều chuyển biến tích cực trong việc tu dưỡng, rèn luyện tư tưởng, đạo đức, tác phong nhất là với đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt, người đứng đầu góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương.

Ðể tiếp tục phát huy hiệu quả giám sát của nhân dân, giúp đội ngũ cán bộ, đảng viên tăng "sức đề kháng" trước căn bệnh tham nhũng, tiêu cực thiết nghĩ các tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị cần nghiên cứu, quán triệt, triển khai nội dung cuốn sách của Tổng Bí thư cũng như các văn bản chỉ đạo gần đây của Ðảng về vấn đề này như Chỉ thị số 18-CT/TW, ngày 26/10/2022 của Ban Bí thư về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội; Kết luận số 54-KL/TW, ngày 9/5/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Quyết định số 99-QÐ/TW, ngày 3/10/2017 của Ban Bí thư về tiếp tục phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.

Cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp cần quan tâm xây dựng, hoàn thiện chuẩn mực đạo đức cách mạng của đảng viên, đạo đức công vụ, chuẩn mực, giá trị con người Việt Nam phù hợp với truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc làm cơ sở cho cán bộ, đảng viên rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị, ý thức sâu sắc hơn trách nhiệm của mình trước Ðảng và nhân dân ■

VŨ NGỌC CƯỜNG
(Phường Cẩm Trung, TP Cẩm Phả, Quảng Ninh).

Tính tự giác và trách nhiệm giải trình

Cuốn sách "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Ðảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã và đang được nhiều cán bộ, đảng viên tâm huyết nghiên cứu. Tác phẩm đã thể hiện sự quyết tâm của Ðảng, Nhà nước ta trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Ðây là tác phẩm có ý nghĩa rất quan trọng, bàn về những vấn đề liên quan đến "chống giặc nội xâm", giữ gìn sự trong sạch, vững mạnh của Ðảng và hệ thống chính trị. Từ đấy cho thấy ý nghĩa, yêu cầu của việc vận dụng đúng đắn, hiệu quả trong công tác tham mưu, triển khai thực hiện công tác này nhằm củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Ðảng, Nhà nước và chế độ ta.

Thực tế cho thấy, thời gian qua đi đôi với việc tập trung chỉ đạo công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, công tác xây dựng, hoàn thiện cơ chế, thể chế về quản lý kinh tế-xã hội và phòng chống tham nhũng, tiêu cực cũng được chú trọng đẩy mạnh, từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để "không thể", "không dám", "không muốn", "không cần" tham nhũng.

Trung ương Ðảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, các cơ quan tham mưu, giúp việc của Trung ương đã ban hành nhiều chủ trương, giải pháp, quy định mới, mạnh mẽ, ngày càng quyết liệt về xây dựng, chỉnh đốn Ðảng và hệ thống chính trị, hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực công tác này và được quán triệt, triển khai, sớm đi vào cuộc sống.

Có thể khẳng định, cho đến nay, các chủ trương, quy định của Ðảng, các văn bản pháp luật về phòng chống tham nhũng, tiêu cực của chúng ta cơ bản đã tương đối đầy đủ. Vừa qua chúng ta đã làm tốt, nhưng như phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022: "Tham nhũng, tiêu cực vẫn là một trong những "kẻ thù hung ác", nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Ðảng và chế độ ta". Từ đó cho thấy mặt trận này vẫn còn "nóng", cần phải tiếp tục làm và làm tốt hơn nữa.

Từ nội dung cuốn sách cho thấy rõ quan điểm của Tổng Bí thư là: Ðấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực phải kiên quyết, kiên trì, không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai. Mỗi phát biểu, chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư đã trở thành mệnh lệnh của người đứng đầu trong cuộc chiến đấu không khoan nhượng với tham nhũng, tiêu cực.

Ðiều cần nhất lúc này là sự tự giác, sự thống nhất cao về ý chí và hành động, là tổ chức thực hiện ở mỗi cấp, mỗi ngành, cơ quan, đơn vị. Quan hệ phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị chức năng trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực cũng cần được chú trọng, tăng cường, nhất là sự phối hợp giữa các cơ quan kiểm tra, giám sát, nội chính của Ðảng với cơ quan thanh tra, kiểm toán, điều tra; giữa cơ quan thanh tra, kiểm toán với cơ quan điều tra; giữa các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương, địa phương và các bộ, ngành chức năng cần ngày càng chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả hơn. Ðồng thời, xác định rõ trách nhiệm giải trình trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực.

Nhân dân tin tưởng, quan tâm và đặt nhiều kỳ vọng nhiệm vụ này được tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt, hiệu quả ■

Tiến sĩ LÊ THANH
(Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh)

Theo Báo Nhân dân

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều