Lắng nghe ý kiến đóng góp của kiều bào về Chỉ thị 45/CT-TW và sự phát triển của đất nước

Trong khuôn khổ Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 45-CT/TW, chiều 26/11, tại Hà Nội, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) đã tổ chức “Hội nghị kiều bào đóng góp ý kiến về kết quả 05 năm thực hiện Chỉ thị 45/CT-TW và phát triển đất nước trong tình hình mới”.

Hội nghị được tổ chức dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Đặng Minh Khôi và có sự tham dự của đại diện một số bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương; cùng hơn 100 kiều bào trở về từ 19 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Đặng Minh Khôi  phát biểu khai mạc Hội nghị. 
Cộng đồng NVNONN – bộ phận không tách rời, nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Đặng Minh Khôi nêu rõ: Đảng và Nhà nước ta hết sức quan tâm đến cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) như tinh thần của Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị - nền tảng của công tác đối với NVNONN đã khẳng định “Đảng và Nhà nước ta luôn luôn coi cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam”.

Sau hơn 10 năm triển khai, đứng trước yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ mới, phát huy những thành tựu đạt được, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị 45-CT/TW ngày 19/5/2015 nhằm tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 36, đưa công tác về NVNONN ngày càng toàn diện, thực chất và hiệu quả. Theo đó, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài vinh dự là cơ quan được Đảng và Nhà nước tin cậy giao nhiệm vụ quan trọng là cầu nối giữa cộng đồng ta ở nước ngoài và trong nước.

Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Minh Khôi nhấn mạnh: Hơn 16 năm qua kể từ ngày ra đời Nghị quyết 36 và 5 năm sau khi Chỉ thị 45 đi vào thực tiễn, với nỗ lực tích cực của các bộ, ban, ngành từ Trung ương đến địa phương triển khai một cách mạnh mẽ, đồng bộ những nội dung tại Chỉ thị 45, công tác đối với NVNONN đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Thứ trưởng Đặng Minh Khôi khẳng định Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam luôn trân trọng và đánh giá cao sự đóng góp quý báu đó của cộng đồng NVNONN, đồng thời luôn mong muốn cộng đồng NVNONN đồng hành và tiếp tục đóng góp, nhất là về trí tuệ nhằm đưa đất nước ta phát triển mạnh mẽ.

Bên cạnh những thành tích đạt được, Thứ trưởng Đặng Minh Khôi cũng chỉ rõ, việc triển khai công tác đối với NVNONN, theo tinh thần Chỉ thị 45, của Đảng và Nhà nước trong những năm qua vẫn còn những bất cập, hạn chế do tình hình khách quan cũng như những yếu tố chủ quan. Việc triển khai một số chính sách, quy định pháp luật liên quan đến NVNONN còn chậm, chưa đồng bộ; công tác thu hút nguồn lực nhằm phát huy hơn nữa tiềm năng to lớn của cộng đồng chưa được đẩy mạnh và triển khai bài bản; công tác dạy và học tiếng Việt còn chưa được đổi mới, đáp ứng nhu cầu của kiều bào, công tác thông tin đối ngoại, các chương trình văn hoá phục vụ cộng đồng còn chưa phong phú, sáng tạo cho phù hợp tình hình mới…

Lưu ý năm 2020 cũng là năm bản lề tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, với mục tiêu đến năm 2025 Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghệ theo hướng hiện đại, vượt qua thu nhập trung bình thấp, đến năm 2030, sẽ là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển thu nhập cao, Thứ trưởng Đặng Minh Khôi cũng đồng thời nhấn mạnh: Để đạt được những mục tiêu đó đòi hỏi có sự chung sức và nỗ lực thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của toàn thể dân tộc ta, trong đó có cộng đồng NVNONN, nhằm tận dụng tốt những cơ hội, đồng thời xử lý được những thách thức đang đặt ra với đất nước.

Hội nghị cũng được nghe ông Vũ Văn Hiền, Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, thông tin một số điểm mới trong các văn kiện trình Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

 17 tham luận của đại biểu kiều bào đóng góp tại Hội nghị tập trung vào 5 nội dung chính.
Kiều bào góp ý nhiều nội dung quan trọng

Tại Hội nghị, 17 tham luận của đại biểu kiều bào đóng góp tập trung vào 5 nội dung chính: Tình hình hoạt động của các Hội đoàn NVNONN, kiến nghị củng cố khối đại đoàn kết dân tộc; Vấn đề gìn giữ và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng; Nhu cầu thông tin và kiến nghị của kiều bào phát triển các phương tiện truyền thông, báo chí đáp ứng nhu cầu cộng đồng trong tình hình mới; Phát huy nguồn lực doanh nhân, trí thức kiều bào đóng góp cho đất nước; Các kiến nghị phát triển kinh tế xã hội Việt Nam trong tình hình mới.

Đa số các ý kiến của kiều bào bày tỏ sự vui mừng trước những thành tựu trong công cuộc phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam thời gian qua, đặc biệt trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19. Nhiều đại biểu khẳng định những chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước nói chung và những chính sách liên quan đến quyền lợi thiết thực của kiều bào như đầu tư, thu hút FDI, hồi hương, mua nhà ở Việt Nam, chính sách cho nhà khoa học kiều bào về nước làm việc... thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước. Những chính sách này đã tạo niềm tin cũng như những thuận lợi cho các thế hệ kiều bào muốn đóng góp cho sự phát triển của đất nước, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Các hội đoàn NVNONN đã có những đóng góp thiết thực trong nhiều mặt, việc phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, dạy và học tiếng Việt được mở rộng, ngày càng nhiều trí thức, doanh nhân muốn về Việt Nam làm việc và cống hiến, công tác thông tin truyền thông cho kiều bào đã đa dạng và cập nhật hơn trước.

Chia sẻ tại Hội nghị, TS. Lương Bạch Vân, Chủ tịch Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài thành phố Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài, cho biết: “Thực hiện Nghị quyết 36-CT/TW và Chỉ thị 45-CT/TW của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, nhiều chính sách liên quan đến kiều bào đã được tháo gỡ, tạo điều kiện cho kiều bào trở về quê hương, đóng góp xây dựng đất nước. Các Hội Liên lạc với NVNONN đã được thành lập tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh có đông kiều bào sinh sống ở nước ngoài. Sau nhiều năm hoạt động, các Hội đã trở thành những địa chỉ tin cậy, mái nhà chung của kiều bào khi về nước, là cầu nối giữa cộng đồng NVNONN với các tổ chức, đồng bào trong nước”.

Theo TS. Lương Bạch Vân, qua tiếp xúc, trao đổi với kiều bào là những trí thức, doanh nhân, văn nghệ sĩ, du học sinh..., Hội đã phản ánh, kiến nghị với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam những vấn đề liên quan đến kiều bào, tuyên truyền những chủ trương chính sách của Nhà nước đến kiều bào và bạn bè quốc tế.

Bên cạnh đó, ý kiến kiều bào cũng cho biết vẫn còn một số hạn chế và khó khăn như: Thủ tục hành chính ở một số địa phương chưa thống nhất, việc phát huy nguồn lực của kiều bào còn chưa tương xứng với tiềm năng của kiều bào chủ yếu vẫn là kiều hối, đầu tư ở một số ngành trong nước. Chính sách cho trí thức kiều bào còn chưa cụ thể, kinh phí đầu tư, điều kiện sinh hoạt và nghiên cứu cho kiều bào còn hạn chế, việc xác định nhiệm vụ khoa học ưu tiên chưa cụ thể, môi trường làm việc còn hạn chế, thiếu kết nối nền tảng giữa những người cùng chí hướng gây ra những cản trở nhất định cho những người muốn toàn tâm toàn ý phục vụ cho công cuộc phát triển đất nước.

Ông Nguyễn Hoài Bắc, Chủ tịch HĐQT Công ty CP PT & ĐT Đại Sơn, Công ty Cp IQLinks…, chia sẻ: “Khi làm các thủ tục, hồ sơ để đầu tư tại các địa phương, kiều bào vẫn còn gặp khó khăn hơn người Việt trong nước. Từ đó, không ít người muốn đầu tư, muốn được cống hiến cho Tổ quốc của mình vẫn còn băn khoăn, lo lắng”. Ông Bắc lưu ý việc thực thi chính sách đối với NVNONN tại một số địa phương, “có lúc còn phiền hà, nhũng nhiễu”.

Các đại biểu kiều bào mong muốn Bộ Ngoại giao tiếp tục tham mưu, kiến nghị, đề xuất lên lãnh đạo Đảng và Nhà nước đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin tuyên truyền về các chính sách mới, chia sẻ thông tin hai chiều, có chính sách thông thoáng hơn nữa liên quan đến quốc tịch, thu hút đầu tư, mở doanh nghiệp; hỗ trợ việc dạy và học tiếng Việt cho bà con toàn thế giới, hỗ trợ hoạt động của các nhóm trí thức doanh nhân, tập đoàn khoa học công nghệ tư nhân và có chiến lược đào tạo nguồn lực dài hạn; xây dựng cơ sở dữ liệu kết nối phù hợp trong các lĩnh vực trọng tâm để kiều bào và cơ quan có thể sử dụng và có cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan để đẩy mạnh triển khai công tác về NVNONN.

Các kiều bào đặc biệt quan tâm đến tầm nhìn và định hướng phát triển đất nước trong thời gian tới, đưa ra nhiều kiến nghị liên quan, trong đó đáng chú ý là đề xuất chuyển dịch cơ cấu GDP và xuất nhập khẩu theo hướng tập trung vào thị trường nội địa để giảm phụ thuộc vào thị trường nước ngoài trong bối cảnh kinh tế thế giới bất ổn, thí điểm mô hình kinh tế tuần hoàn, thành lập sàn giao dịch quốc gia về công nghệ và đổi mới sáng tạo, xây dựng hệ sinh thái đổi mới toàn diện, lập các cụm kinh tế cạnh tranh theo vùng miền, thúc đẩy liên kết chính phủ và các cơ sở giáo dục, doanh nghiệp trong hoạt động khoa học công nghệ.

 GS.VS Nguyễn Quốc Sỹ, Chủ tịch Viện Công nghệ VinIT phát biểu tại Hội nghị. 
Theo GS.VS Nguyễn Quốc Sỹ, Chủ tịch Viện Công nghệ VinIT, “chúng ta cần xây dựng hệ thống văn bản, nghị định, quy chế, hướng dẫn cụ thể nhằm thu hút hiệu quả và sự tham gia rộng rãi của lực lượng trí thức kiều bào, phối hợp với đội ngũ tri thức trong nước để triển khai các nhiệm vụ khoa học công nghệ phù hợp với nhiệm vụ của từng địa phương”. Bên cạnh đó, “cần cho phép và hỗ trợ xây dựng các tập đoàn khoa học công nghệ tư nhân mạnh với mô hình tổ chức mới hiệu quả, chủ động trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ, tạo điều kiện làm việc và phát huy khả năng sáng tạo của lực lượng tri thức kiều bào cho đất nước, làm đầu tàu cho phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Xác định rõ các nhiệm vụ khoa học công nghệ cũng như năng lực, vị trí tham gia của các trí thức kiều bào trong từng chuyên ngành, dự án khoa học công nghệ cụ thể”.

GS.VS Nguyễn Quốc Sỹ cũng nhấn mạnh: “Cần cho phép các nhà khoa học đầu ngành và chuyên gia cao cấp là trí thức kiều bào làm chủ nhiệm các đề tài nghiên cứu khoa học trọng điểm dưới sự chủ trì của nhà nước và các bộ ban ngành. Giao nhiệm vụ khoa học công nghệ gắn với trách nhiệm và quyền lợi trực tiếp cho các trí thức kiều bào có tâm huyết và năng lực triển khai các dự án khoa học công nghệ tại Việt Nam. Thậm chí, trao toàn quyền tổ chức, triển khai các dự án khoa học công nghệ cho các cá nhân trí thức kiều bào cụ thể với sự trân trọng và cầu thị từ các cấp chính quyền từ Trung ương tới địa phương. Đầu tư xây dựng một số phòng thí nghiệm trọng điểm, tiến tới xây dựng một số viện nghiên cứu ứng dụng công nghệ, trường đại học công nghệ và khu công nghiệp công nghệ cao với sự tham gia trực tiếp điều hành và triển khai các dự án khoa học công nghệ của trí thức kiều bào tại Việt Nam”.

Thay mặt Ban Tổ chức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Lương Thanh Nghị cảm ơn sự tham gia nhiệt tình của các đại biểu kiều bào, đánh giá cao các ý kiến đóng góp tâm huyết, thiết thực của bà con đối với các vấn đề phát triển của đất nước. Các ý kiến này sẽ được tiếp thu và báo cáo, thảo luận trong Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 45-CT/TW, ngày 27/11/2020./.

Theo Khánh Linh/Báo điện tử Đảng Cộng sản

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều