Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển thanh niên giai đoạn 2021 - 2030

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký quyết định số 1331/QĐ-TTg ngày 24/7/2021 ban hành Chiến lược phát triển thanh niên giai đoạn 2021-2030.  
 Trao giải thưởng "Thanh niên sống đẹp" năm 2020.
Chiến lược có 6 mục tiêu cụ thể gồm: tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, cung cấp thông tin về tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho thanh niên, giáo dục, nâng cao kiến thức, kỹ năng, tạo điều kiện để thanh niên bình đẳng về cơ hội học tập, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo; nâng cao chất lượng đào tạo nghề và tạo việc làm bền vững cho thanh niên; phát triển nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao; bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho thanh niên; nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho thanh niên và phát huy vai trò của thanh niên trong tham gia phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Chiến lược nêu rõ hằng năm, 100% thanh niên trong lực lượng vũ trang, thanh niên là cán bộ, công chức, viên chức được tuyên truyền, phổ biến, học tập nghị quyết của các cấp ủy Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, 100% thanh niên là học sinh, sinh viên, 80% thanh niên công nhân, 75% thanh niên nông thôn, thanh niên vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được trang bị kiến thức về quốc phòng và an ninh, 100% thanh niên là học sinh, sinh viên được giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, kiến thức pháp luật, kỹ năng sống và kỹ năng mềm.

Hằng năm, 100% học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp được giáo dục hướng nghiệp, trang bị kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp trước khi tốt nghiệp; 100% sinh viên các trường đại học, cao đẳng được trang bị kiến thức về hội nhập quốc tế và chuyển đổi số. Trên 70% thanh niên được trang bị kiến thức, kỹ năng rèn luyện thể chất, nâng cao sức khỏe; chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, sức khỏe tâm thần; dân số và phát triển; bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới; bạo lực gia đình, bạo lực học đường. 100% thanh niên là học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế và được chăm sóc sức khỏe ban đầu; 

Trên 80% thanh niên ở đô thị; 70% thanh niên ở nông thôn; 60% thanh niên vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được tạo điều kiện tham gia các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao, hoạt động sinh hoạt cộng đồng ở nơi học tập, làm việc và cư trú. Đến năm 2030, ít nhất 50% thanh niên sử dụng thành thạo các phương tiện kĩ thuật số phục vụ mục đích giao tiếp, truyền thông, kinh doanh trên nền tảng kinh tế số.

Hằng năm, 100% thanh niên trong độ tuổi quy định của pháp luật, có đủ năng lực hành vi dân sự sẵn sàng tham gia thực hiện nghĩa vụ quân sự và lực lượng dân quân tự vệ. Đến năm 2030, phấn đấu 20% thanh niên trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội được đưa vào quy hoạch lãnh đạo cấp vụ, sở, phòng và tương đương; 15% thanh niên trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội đảm nhiệm các chức vụ lãnh đạo, quản lý. 

100% tổ chức Đoàn thanh niên, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam các cấp và các tổ chức khác của thanh niên được thành lập theo quy định của pháp luật phát động phong trào và huy động thanh niên hưởng ứng, tham gia các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng, xã hội; phát triển kinh tế - xã hội; khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh; bảo vệ môi trường; giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, quốc phòng, an ninh quốc gia.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành theo thẩm quyền các chính sách, pháp luật về thanh niên trên cơ sở Luật Thanh niên năm 2020, pháp luật có liên quan, các điều ước, thỏa thuận khu vực và quốc tế mà Việt Nam tham gia, ký kết.  Đổi mới cơ chế, chính sách nhằm huy động tối đa các nguồn lực phát triển thanh niên; chú trọng các chính sách đặc thù hỗ trợ nhóm thanh niên dễ bị tổn thương, thanh niên vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách phát hiện, thu hút, đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng tài năng trẻ trong nước và tài năng trẻ đang công tác, học tập, sinh sống ở nước ngoài về tham gia xây dựng và phát triển đất nước. Nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi, thu hút thanh niên có trình độ chuyên môn, tay nghề cao, thanh niên tình nguyện đến công tác tại khu kinh tế - quốc phòng, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo.

Chiến lược có 30 đề án, dự án do các bộ, ban ngành thực hiên. Thông tấn xã Việt Nam được giao thực hiện đề án “Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030”.

Theo Đàm Danh Liêm (TTXVN)

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều