Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội

Sáng 20-4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội. Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Vương Đình Huệ, Bí thư Thành ủy Hà Nội; đồng chí Trịnh Đình Dũng, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo các bộ, ngành T.Ư.

Ảnh: TRẦN HẢI

Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, nhân dịp kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng bộ TP Hà Nội, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi lời chúc mừng đến Thành ủy, UBND, HĐND Thành phố Hà Nội, chúc mừng những thành tựu rực rỡ mà Hà Nội đạt được trong 90 năm qua, đóng góp cùng đất nước phát triển. Thủ tướng nêu rõ, Hà Nội cũng như TP Hồ Chí Minh là những đầu tàu cần phải chuẩn bị sau khi kết thúc dịch Covid-19 để thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế-xã hội (KTXH) trở lại. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh còn phức tạp, do đó Hà Nội không được chủ quan, mất cảnh giác.

Thủ tướng nhấn mạnh, Hà Nội cần đón bắt thời cơ mới, đoàn kết, xốc tới, phát triển Thủ đô, đóng góp xây dựng Tổ quốc. Cho nên, Chính phủ cùng với Hà Nội, các bộ, ngành cần phối hợp tháo gỡ mọi ách tắc cho Hà Nội phát triển. Hà Nội cần nỗ lực tìm nguồn lực xã hội để phát triển. Cùng với việc phát triển hạ tầng, giải ngân vốn đầu tư công, tăng cường tiêu dùng các hộ gia đình, cả nước, Hà Nội khẩn trương trong xây dựng kịch bản tăng trưởng với các điều kiện khác nhau, trong điều kiện có nhiều thay đổi, không để bị động; tiếp tục có nhiều đóng góp quan trọng cho kinh tế đất nước.

Thủ tướng đề nghị Hà Nội nỗ lực giải quyết các tồn tại: ở xã Đồng Tâm, cần củng cố hệ thống chính trị tốt hơn nữa, củng cố lòng dân, phát triển và xây dựng nông thôn mới. Đối với công trình số 8B Lê Trực, bảo đảm quy hoạch chi tiết khu vực này, bảo đảm an toàn công trình, bảo đảm quyền lợi đúng mức, đúng đắn cho nhà đầu tư; cần làm ngay với những phương án cụ thể không để công trình kéo dài gần 10 năm mà chưa xử lý xong. Đối với công trình Đường sắt Cát Linh - Hà Đông, cần tập trung giải quyết dứt điểm; có cơ chế tạm ứng, thanh toán và hoàn thiện dự án, sau đó khấu trừ; Bộ Giao thông Vận tải bàn với đối tác xử lý công trình dứt điểm trước tháng 6-2020… Lần này chúng ta tập trung với những quyết sách để giải quyết những tồn tại hiện nay. Đây là trách nhiệm của Thành ủy, UBND Hà Nội và cả Chính phủ. Thành phố cũng cần tập trung phương hướng và nhiệm vụ phát triển KTXH chín tháng cuối năm 2020 và năm 2021 sắp tới.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng chia sẻ và thống nhất về tầm nhìn phát triển Hà Nội thời gian tới là thành phố giàu đẹp, văn minh, thanh lịch, thông minh và hội nhập; hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại; nơi tập trung nhiều cơ sở hàng đầu về kinh tế, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, khoa học công nghệ, cơ sở văn hóa, giáo dục, y tế, thể thao; môi trường sống thân thiện, an ninh, an toàn, nơi hội tụ tinh hoa văn hóa Việt Nam hài hòa những giá trị văn hóa nhân loại tiến bộ. Con người Thủ đô văn minh, thanh lịch, năng động, tiêu biểu cho trí tuệ và truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Đó là tầm nhìn toàn diện của Thủ đô nghìn năm văn hiến.

Vì vậy, Thủ tướng đồng ý về các nhiệm vụ trọng tâm của Hà Nội, đó là tiếp tục tập trung phòng, chống dịch (PCD) Covid-19; tuyệt đối không lơ là, chủ quan, tự mãn. Hà Nội tiếp tục thực hiện tốt PCD, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân, giữ vững an ninh quốc phòng. Tiếp tục bảo đảm cung ứng hàng hóa, tổ chức tốt các hoạt động kết nối cung cầu hàng hóa; triển khai nhanh, kịp thời các cơ chế chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch. Thực hiện tốt mục tiêu kép PCD và bảo đảm phát triển KTXH quyết liệt, chủ động, sáng tạo; triển khai đồng bộ các biện pháp phục hồi, phát triển kinh tế, phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu phát triển đã đề ra. Trong đó, chú trọng phát triển dịch vụ, đẩy mạnh tiêu dùng cá nhân, phát triển mạnh công nghiệp chế biến là cần thiết và cấp bách đặt ra.

Hà Nội cần sáng tạo trong huy động nguồn lực phù hợp đón bắt thời cơ; phương châm hành động phải nhanh và chính xác, kịp thời; một tinh thần dân tộc yêu nước, sức mạnh người dân được phát huy ở Thủ đô. Cả hệ thống chính trị tham gia phát triển KTXH. Cần khen thưởng động viên kịp thời những tấm gương đầu tư phát triển, đóng góp cho Thủ đô. Xử lý nghiêm những hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, trục lợi. Hà Nội đã ngăn ngừa dịch bệnh bước đầu thành công thì bây giờ cần phát triển tốt KTXH. Đây là mục tiêu kép mà Chính phủ yêu cầu. Đã đến lúc chúng ta phải tìm cách phát triển phù hợp xu thế toàn cầu.

Ảnh: TRẦN HẢI

Thúc đẩy phát triển nông nghiệp, bảo đảm cung cấp lương thực, thực phẩm thiết yếu, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn; đẩy mạnh việc tái đàn để bảo đảm chỉ tiêu đàn lợn, góp phần kiềm chế lạm phát. Cho nên, vấn đề bảo đảm an ninh lương thực đặt ra đối với Thủ đô hết sức cấp bách trong thời kỳ dịch bệnh. Làm tốt công tác quản lý đô thị; mở rộng ranh giới trung tâm ra các quận, huyện khác; giảm mật độ ở khu vực trung tâm. Bảo đảm nước sạch cho người dân với giá nước phù hợp; giảm giá nước để hỗ trợ cho người dân. Chú ý cải thiện và bảo đảm chất lượng không khí; bảo vệ môi trường đô thị, bảo đảm chất lượng cuộc sống của người dân là hết sức quan trọng; có phương án giải quyết vấn đề ô nhiễm sông Đáy và sông Nhuệ. Tăng cường trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền trong việc giải quyết công việc và thủ tục hành chính. Hà Nội có tiến bộ trong cải thiện môi trường kinh doanh nhưng cần làm tốt hơn nữa, tập trung xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, thương mại điện tử, nông nghiệp số, kinh tế số... công khai, minh bạch. Đây chính là nguồn quan trọng để tăng trưởng.

Tiếp tục xây dựng nền hành chính Hà Nội là nền hành chính phục vụ, văn minh, thanh lịch; giải quyết tình trạng khiếu kiện đông người. Thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo của Thủ đô. Lành mạnh, trong sạch môi trường văn hóa xã hội của Hà Nội. Bảo đảm vững chắc an ninh, chính trị, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội; bảo đảm an toàn cho các cơ quan và nhân dân trên địa bàn; giữ vững lòng dân; không để các đối tượng lợi dụng gây rối, làm mất an ninh trật tự. Do đó, Thủ tướng yêu cầu Thường vụ Thành ủy, UBND, HĐND, cấp ủy, chính quyền các cấp Hà Nội phải đi sâu, sát dân. Các bộ, ngành tháo gỡ, tạo điều kiện cho Hà Nội phát triển; phân cấp triệt để cho Hà Nội trên tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”.

Cũng tại buổi làm việc, Thủ tướng đã cho ý kiến về một số đề xuất, kiến nghị của TP Hà Nội.

* Tại buổi làm việc, UBND Thành phố Hà Nội cho biết, để triển khai đồng bộ các biện pháp duy trì, phục hồi kinh tế, Thành phố tiếp tục thực hiện hiệu quả năm nhóm nhiệm vụ cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội. Tập trung nguồn lực để bố trí đủ kinh phí đầu tư phát triển như kế hoạch vốn đã giao đầu năm, phấn đấu không phải cắt giảm chi đầu tư phát triển. Trên cơ sở các kịch bản tăng trưởng năm 2020, dự báo hết quý II, dịch bệnh Covid-19 mới được kiểm soát, thu ngân sách trên địa bàn ước hụt khoảng 36 nghìn đến 39 nghìn tỷ đồng. Giải pháp của Thành phố là bù đắp phần thiếu hụt trên bằng tiết kiệm chi thường xuyên hơn 5% (ngoài tiết kiệm chi 10% từ đầu năm), sử dụng nguồn ngân sách kết dư, quỹ dự trữ tài chính (không cắt giảm đầu tư công). Rà soát cụ thể tình hình tài chính, ngân sách để xây dựng kịch bản điều hành chi ngân sách hiệu quả, đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ cấp bách...

Theo THANH GIANG/Báo Nhân dân

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều