Thúc đẩy và làm sâu sắc hơn quan hệ giữa Việt Nam với Hungary và Anh

Theo đặc phái viên TTXVN, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã về đến thủ đô Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Hungary và Vương quốc Anh từ ngày 26 - 30/6.
Thủ tướng Hungary Viktor Orbán đón Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN 
Với lịch trình hoạt động bận rộn, khẩn trương, bao gồm nhiều nội dung quan trọng, kết quả thành công của chuyến thăm lần này thể hiện sinh động trên nhiều lĩnh vực quan trọng trong quan hệ hợp tác giữa nước ta và nước bạn. Nhân dịp này, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Hải Hà đã trả lời phỏng vấn của nhóm phóng viên tháp tùng. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn:

Đề nghị ông cho biết những kết quả thành công nổi bật nhất trong chuyến thăm Hungary của Chủ tịch Quốc hội?

Chuyến thăm chính thức Hungary của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ diễn ra trong bối cảnh hai nước vừa kỷ niệm 72 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, tiến tới kỷ niệm 5 năm ngày thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện nhân chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hungary vào năm 2018. Hai nước đã có truyền thống hợp tác từ rất lâu. Hungary dành cho Việt Nam sự ủng hộ trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước, cũng như trong thời kỳ đổi mới, hai nước đã có sự hợp tác chặt chẽ. 

Hungary là đối tác toàn diện đầu tiên của Việt Nam ở khu vực Trung Đông Âu và ủng hộ Việt Nam rất tích cực tại các diễn đàn đa phương cũng như trong quan hệ với Liên minh châu Âu (EU), là nước đầu tiên phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) cũng như Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA).

Các cuộc hội đàm, hội kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với các nhà lãnh đạo cấp cao nhất của Quốc hội và Chính phủ Hungary diễn ra trong không khí chân thành, cởi mở và tin cậy. Chủ tịch Quốc hội Hungary László Kövér và Thủ tướng Hungary Viktor Orban cùng nhấn mạnh rằng Việt Nam là đối tác đặc biệt quan trọng của Hungary ở Đông Nam Á. Tuy xa cách về địa lý, nhưng hai nước có bề dày hữu nghị và hợp tác, được nhiều thế hệ gìn giữ, vun đắp và được khẳng định ngay cả trong lúc khó khăn như đại dịch COVID-19 vừa qua. Đặc biệt, trong chuyến thăm lần này, Chủ tịch Quốc hội hai nước đã ký lại Thỏa thuận hợp tác trong giai đoạn mới để đưa quan hệ giữa hai Quốc hội thành quan hệ kiểu mẫu, là một trụ cột quan trọng trong tổng thể quan hệ song phương.

 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Hạ viện Anh Lindsay Hoyle chụp ảnh chung. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Ông có thể cho biết thêm những nội dung trọng tâm và kết quả quan trọng trong chuyến thăm Vương quốc Anh lần này của Chủ tịch Quốc hội và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam?

Chuyến thăm Anh lần này của Chủ tịch Quốc hội diễn ra trong bối cảnh hai nước chuẩn bị kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1973 - 2023), cũng như Việt Nam phát huy Tuyên bố kỷ niệm 10 năm quan hệ Đối tác chiến lược. 

Trong hội đàm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với các nhà lãnh đạo Nghị viện Anh, Chủ tịch Hạ viện Linsay Hoyle và Chủ tịch Thượng viện John Mcfall đều nhấn mạnh vai trò quan trọng của Quốc hội hai nước trong việc thúc đẩy mối quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Anh ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Quan hệ Việt Nam - Anh thời gian qua phát triển tốt đẹp. Vào thời điểm Anh có những khó khăn nhất định khi thực hiện chính sách Brexit, Việt Nam đã có sự hợp tác rất chặt chẽ với Anh, đặc biệt là việc Việt Nam đã nhanh chóng ký với Anh Hiệp định thương mại tự do (VNUKFTA), có thể nói đây là Hiệp định thương mại tự do được ký sớm nhất với Anh sau Brexit, tạo điều kiện để Anh duy trì và phát triển quan hệ thương mại, đầu tư với Việt Nam - một đối tác rất quan trọng của Anh tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và khu vực Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương. Cùng với đó,Việt Nam cũng ủng hộ và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với Anh trong việc đàm phán gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương.

Trong các cuộc hội đàm, tiếp xúc, gặp gỡ, các nhà lãnh đạo Anh đều đánh giá rất cao vai trò, vị thế của Việt Nam trong các mối quan hệ quốc tế khu vực cũng như trên toàn cầu. Bạn chia sẻ với ta rất nhiều lợi ích ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, hiện Anh đang mở rộng hợp tác ra cả khu vực Ấn Độ Dương. 

Tọa đàm cấp cao Việt Nam - Anh về kinh tế và thương mại là sự kiện quan trọng nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế, đầu tư và thương mại song phương, một trong những trọng tâm trong chuyến thăm Anh của Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam. 

Hiện kim ngạch thương mại hai bên đang đạt ở mức 6,8 tỷ USD, đầu tư của Anh vào Việt Nam còn rất khiêm tốn, mới chỉ đạt 4 tỉ USD. Do vậy, tiềm năng của hai bên vẫn còn nhiều.

Ngoài ra, hai nước hợp tác trong các lĩnh vực khác như: phòng, chống rửa tiền, cũng có thoả thuận giữa hai bên để tăng cường hợp tác bảo đảm minh bạch trong cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm rửa tiền, có đối thoại về quốc phòng hai nước, chia sẻ một số vấn đề quốc tế mà hai bên cùng quan tâm. 

Đáng chú ý, các nhà lãnh đạo của Vương quốc Anh cũng hy vọng các ngành công nghiệp xanh của Anh như năng lượng gió, đặc biệt là điện gió ngoài khơi sẽ đóng vai trò lớn hơn trong việc hỗ trợ Việt Nam hướng tới một tương lai năng lượng sạch. Các doanh nghiệp và thị trường vốn của Anh có thể cung cấp nguồn vốn vào Việt Nam để thực hiện các cam kết tại Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP 26). Anh cũng sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong kế hoạch phát triển Thành phố Hồ Chí Minh thành một trung tâm tài chính đầy đủ, thông qua những cải cách tài chính, cải cách thị trường; hợp tác về việc thiết kế cơ sở hạ tầng số; nâng cao xếp hạng tín dụng doanh nghiệp và các công ty... 

Ông có thể nhấn mạnh thêm kết quả hợp tác giáo dục Việt Nam với Hungary và Vương quốc Anh được xem là một trong những điểm nhấn trong chuyến thăm lần này?
 
Ở cả hai nước, đoàn Việt Nam đều tổ chức tọa đàm/diễn đàn về hợp tác giáo dục. Đây là thế mạnh của cả Hungary và Anh mà trong thời gian qua chúng ta hợp tác rất hiệu quả. Đối với Hungary, từ khi hai nước còn trong khối xã hội chủ nghĩa đã có rất nhiều cán bộ, sinh viên Việt Nam được Hungary đào tạo. Hungary đánh giá rất cao hợp tác giáo dục giữa hai nước. Bên cạnh những sinh viên được cấp học bổng, có nhiều sinh viên sang du học tự túc. Như vậy sẽ hình thành đội ngũ trí thức đóng góp vào sự nghiệp phát triển của đất nước cũng như đóng góp cho mối quan hệ Hungary và Việt Nam.

Đối với Anh, hợp tác giáo dục là một trong những trọng tâm của Việt Nam thời gian qua. Hiện có khoảng 12.000 sinh viên Việt Nam đang theo học tại Anh với nhiều ngành, lĩnh vực quan trọng, do đó sẽ có đóng góp quan trọng vào thực hiện đột phá chiến lược về nguồn nhân lực, phục vụ cho phát triển đất nước.

Trong khuôn khổ chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội đã diễn ra lễ trao 19 biên bản ghi nhớ hợp tác giữa nhiều trường đại học của Việt Nam với các trường đại học, tổ chức giáo dục của Hungary và Anh, nhằm đa dạng hoá nguồn lực đầu tư cho giáo dục. Như vậy, dư địa và tiềm năng vẫn còn rất lớn, chúng ta cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hợp tác giáo dục với Hungary và Vương quốc Anh, góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. 

 Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Hải Hà. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Ông có thể chia sẻ thêm về những kết quả của các hoạt động khác trong khuôn khổ chuyến thăm Hungary và Anh của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ?

Tại hai nước, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đã bày tỏ sự cảm ơn đối với lãnh đạo và nhân dân Hungary, Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland đã hỗ trợ Việt Nam vaccine và bộ xét nghiệm nhanh kháng nguyên, nhượng lại phi lợi nhuận… để góp phần giúp Việt Nam ứng phó hiệu quả với đại dịch COVID-19.

Về vấn đề biến đổi khí hậu, bạn đánh giá cao Việt Nam đã có những cam kết hết sức mạnh mẽ tại COP26, chúng ta cũng khẳng định đây là quyết tâm chính trị rất lớn của Việt Nam khi cam kết đưa phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Đây là cam kết rất mạnh mẽ, cao hơn so với các nước có cùng trình độ phát triển, thậm chí là tương đương với các nước phát triển.

Để đạt được mục tiêu này, chúng ta cũng đề nghị bạn có sự chia sẻ, phối hợp trong việc triển khai các chính sách, cung cấp các nguồn vốn tài chính xanh, tư vấn về chính sách tham vấn trao đổi với chúng ta từng bước đi cụ thể, những quy định như thế nào để bảo đảm cân bằng chi phí cũng như lợi ích của người dân, doanh nghiệp khi thực hiện các chính sách chuyển đổi năng lượng trong thời gian tới. Phía bạn cũng rất ủng hộ các đề xuất này.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cảm ơn và đề nghị Nhà nước và nhân dân Hungary, Vương quốc Anh tạo điều kiện cho công đồng người Việt Nam sinh sống và hoà nhập, đóng góp vào kinh tế, xã hội sở tại, đồng thời hướng về xây dựng quê hương Việt Nam. Chủ tịch Quốc hội và Đoàn cũng đã gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam. Nhìn chung, cộng đồng người Việt Nam tại Hungary và Anh sống hòa nhập, ổn định, có những hoạt động tích cực, góp phần củng cố đoàn kết cộng đồng và có nhiều hoạt động hướng về xây dựng quê hương.

Cùng tham gia Đoàn công tác lần này có lãnh đạo một số bộ, ngành địa phương như Quảng Bình, Cần Thơ, Bình Thuận đã cùng làm việc với các đối tác Hungary, Anh để thúc đẩy hợp tác trong một số lĩnh vực. 

Thông qua các hoạt động tiếp xúc làm việc với chính giới, doanh nghiệp và cộng đồng người Việt Nam, chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội còn nhằm góp phần thu hút nguồn lực phục vụ phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội hậu COVID-19. 

Chuyến thăm chính thức hai nước châu Âu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã thành công rất tốt đẹp, góp phần thúc đẩy quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Hungary và làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Anh, trên tinh thần triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về “tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế”.

Trân trọng cảm ơn ông.

TTXVN

 

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều