Tổng hội Y học Việt Nam cần đẩy mạnh giám sát việc thực hiện pháp luật của các cơ sở y tế

(Mặt trận) - Ngày 20/7, Tổng hội Y học Việt Nam tổ chức Hội nghị lần thứ III - Ban Thường vụ Tổng hội Y học Việt Nam nhiệm kỳ 2016 - 2021, để giao ban về công tác tổ chức, phát triển Hội của các hội chuyên khoa Trung ương và các hội y học khu vực phía Bắc. Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam dự và phát biểu tại Hội nghị.

Quang cảnh Hội nghị.

Theo bà Nguyễn Thị Xuyên, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm, Tổng hội Y học Việt Nam đã tham gia tích cực vào công tác phản biện và giám định xã hội, trong khuôn khổ các hoạt động do UBTƯ MTTQ Việt Nam và Bộ Y tế chủ trì; phối hợp với Bộ Y tế trong tư vấn, phản biện, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, khám chữa bệnh, vệ sinh phòng dịch, chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân.

“Tổng hội và các tổ chức thành viên tổ chức hội nghị khoa học toàn quốc thường niên và nhiều hội thảo khoa học khác; tổ chức tập huấn về y đức, y học và truyền thông giáo dục sức khỏe cho cán bộ y tế tại Bắc Giang, Hải Phòng, Thừa Thiên - Huế, Lai Châu; phối hợp với Bộ Y tế và Hội Y học địa phương tiến hành hội thảo chuyên đề nâng cao tính chuyên nghiệp trong thực hành y khoa của hội viên Tổng hội tại 5 tỉnh, thành phố; chuẩn bị kế hoạch tổ chức Hội nghị Khoa học toàn quốc thường niên của Tổng hội Y học Việt Nam lần thứ VI tại Hà Nội với chủ đề “Các bệnh không lây nhiễm”, bà Nguyễn Thị Xuyên nhấn mạnh. 

PGS.TS. Nguyễn Thị Xuyên, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam phát biểu tại Hội nghị.

Từ nay đến cuối năm 2017, Tổng hội Y học Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tổ chức và phát triển Tổng hội; nâng cao vai trò của Tổng hội trong công tác tư vấn, phản biện, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe; thực hiện chương trình giám sát việc chấp hành pháp luật tại các cơ sở y tế tư nhân, đồng thời phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế tổ chức đánh giá chất lượng bệnh viện theo tiêu chí của Bộ Y tế và công bố chất lượng bệnh viện. Đặc biệt, Tổng hội Y học Việt Nam sẽ tăng cường công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế, chuẩn bị các chuyên đề và công tác tổ chức hội thi của Hiệp hội Y học các quốc gia Đông Nam Á…

GS. Phạm Văn Khải, Chủ tịch danh dự Hội Tim mạch Việt Nam băn khoăn về việc bảo vệ bác sĩ trước những rủi ro nghề nghiệp, điển hình như vụ việc bác sĩ Lương tại Hòa Bình vừa qua. Ông Khải cho rằng, trước tiên cần phải bảo vệ đồng nghiệp, vì mỗi bác sĩ đều dành hết tâm sức của mình để chữa trị cho bệnh nhân. Bên cạnh đó, vấn đề người dân đánh bác sĩ cũng đang nổi lên trong thời gian gần đây cho thấy đạo đức xã hội đi xuống, không phù hợp với thuần phong mỹ tục của người Việt Nam. “Tổng hội Y học Việt Nam cần có ý kiến để luật hóa việc này để mọi người yên tâm công tác”, ông Khải kiến nghị.

Đề cập đến vấn đề bảo hiểm y tế, GS. Lê Ngọc Trọng, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng, hiện bảo hiểm y tế là vấn đề cấp thiết vì các bệnh viện được giao quyền tự chủ trong việc trả lương, chi phí nên phí chữa bệnh rất cao và bảo hiểm chỉ có thể chi trả một phần nào đó do mệnh giá bảo hiểm thấp và không đủ chi trả cho một lần chữa bệnh. Vừa rồi đóng phí bảo hiểm xã hội tăng nhưng đó là vấn đề bắt buộc theo chính sách của Nhà nước và người dân chưa thực sự hiểu rõ được mục đích của việc này.

 

Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn bày tỏ niềm vui mừng khi tới dự Hội nghị, và cho rằng: “Là một tổ chức xã hội - nghề nghiệp với tôn chỉ, mục đích hoạt động hết sức ý nghĩa, nhân văn, Tổng hội đã quy tụ được giới thầy thuốc có kinh nghiệm trong chuyên môn. Hoạt động của Tổng hội có những đóng góp to lớn vào thành tích chung của sự nghiệp phát triển nền y học, y tế nước nhà và sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân”.

Theo Chủ tịch Trần Thanh Mẫn, Tổng hội là thành viên nòng cốt, tích cực, quan trọng trong Chương trình phối hợp giám sát số 42 về việc chấp hành pháp luật của các cơ sở y tế tư nhân, do Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam phối hợp với Bộ Y tế, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Tổng hội Y học Việt Nam, Hội Dược học Việt Nam ký kết thực hiện từ ngày 10/9/2014. “Qua chương trình phối hợp giám sát, Hội đã góp phần đưa Luật Khám bệnh, Chữa bệnh đi vào cuộc sống, công tác giám sát việc thực hiện pháp luật của các cơ sở y tế là hết sức quan trọng”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn khẳng định.

Ghi nhận và đánh giá cao kết quả đạt được của Tổng hội trong thời gian qua, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn mong muốn, Tổng hội luôn có những đóng góp xứng đáng đối với vai trò, ý nghĩa nhân văn của mình đó là: chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khoẻ của nhân dân, góp phần xây dựng nền y học Việt Nam từng bước đáp ứng sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nước nhà.

Để hoạt động của Tổng hội Y học Việt Nam tiếp tục được phát huy trong thời gian tới, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị Tổng hội tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của mình, đoàn kết, khắc phục mọi khó khăn, quy tụ và phát huy khả năng của giới thầy thuốc của các hội viên để xây dựng Tổng hội ngày càng có uy tín. Bên cạnh đó, Tổng hội tiếp tục tổ chức tập huấn bộ công cụ giám sát thực hiện pháp luật của các cơ sở y tế; tổ chức giám sát các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập trong Chương trình phối hợp giám sát số 42 về việc chấp hành pháp luật của các cơ sở y tế tư nhân, do Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đề nghị. “Tổng hội Y học Việt Nam cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế để xây dựng kế hoạch, kinh phí đẩy mạnh các hoạt động giám sát việc thực hiện pháp luật của các cơ sở y tế trong năm nay và các năm tiếp theo”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị.

PGS.TS. Nguyễn Thị Xuyên, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam tặng hoa chúc mừng Chủ tịch Trần Thanh Mẫn trên cương vị mới.

Cùng với đó, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho rằng, Tổng hội cần nghiên cứu thành lập Hội đồng chuyên gia để đánh giá độc lập, khách quan, khoa học về chất lượng bệnh viện, trong đó có công tác xét nghiệm tại các bệnh viện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, vì đây chính là việc cần thiết và cần làm liên tục trong nhiều năm, nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh ở nước ta. Đồng thời, Tổng hội chủ động phối hợp với Bộ Y tế xây dựng bộ công cụ để tổ chức giám sát việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt dùng thuốc Việt”. Giám sát các địa phương, các cơ quan, bệnh viện thực hiện Luật Phòng chống tác hại thuốc lá; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế, thực hiện các nhiệm vụ tư vấn, phản biện, giám định xã hội.

Hương Diệp - Ảnh Quang Vinh

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều