Tổng kết công tác phối hợp giữa Chủ tịch nước và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam

(Mặt trận) - Chiều ngày 24/3, tại Hà Nội, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến đã chủ trì Hội nghị tổng kết công tác phối hợp giữa Chủ tịch nước và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2021, trọng tâm phối hợp công tác năm 2022.
 
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bắt tay đại biểu tham dự Hội nghị  
Cùng tham dự có bà Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; bà Võ Thị Ánh Xuân, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam; ông Lê Khánh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; ông Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam cùng các cụ, các vị trong Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam và lãnh đạo Văn phòng Chủ tịch nước.
 Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị
Hoàn thành hầu hết các nội dung phối hợp hai bên đã thống nhất

Báo cáo kết quả công tác phối hợp, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu cho biết, trong năm qua, sự phối hợp giữa Chủ tịch nước và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của mỗi bên. Đặc biệt, sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, hầu hết các vị trí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã được đổi mới, kiện toàn, Quốc hội bầu Chủ tịch nước khóa mới; công tác phối hợp giữa hai bên duy trì thường xuyên, hiệu quả, hoàn thành hầu hết các nội dung phối hợp hai bên đã thống nhất.

 Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu báo cáo kết quả công tác phối hợp giữa Chủ tịch nước và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Trên cương vị là người đứng đầu Nhà nước, Chủ tịch nước đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng, củng cố và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước đã tham dự nhiều hoạt động, ngày kỷ niệm, các hội nghị của Đoàn Chủ tịch và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, tham dự “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” ở một số địa phương.

Trong năm qua, đại dịch Covid-19 đã khiến nhiều gia đình lâm vào hoàn cảnh khó khăn, vì vậy, trong các chuyến công tác của mình, Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước và Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam luôn dành thời gian tổ chức đi thăm hỏi, động viên các hộ nghèo, người có công, đoàn viên, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, những chiến sĩ trên tuyến đầu chống dịch.

Với vai trò nguyên thủ quốc gia, Chủ tịch nước với các hoạt động của mình đã kêu gọi, động viên nhân dân cùng nhau đẩy lùi đại dịch, qua đó củng cố niềm tin trong nhân dân, khơi dậy quyết tâm chiến thắng dịch bệnh. Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kêu gọi nhân dân chung sức đồng lòng, kề vai sát cánh với Đảng, Nhà nước để bảo vệ bản thân và cộng đồng thông qua Lễ phát động đợt cao điểm quyên góp ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19.

Cùng với đó, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã chủ động, kịp thời, linh hoạt trong việc chủ trì, phối hợp với các tổ chức thành viên và các cơ quan liên quan tổ chức các hoạt động, các chương trình như: Phối hợp triển khai thành lập và ra mắt “Quỹ vắc -xin phòng dịch Covid-19”; Lễ phát động nhắn tin “Toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch bệnh Covid-19” và triển khai Chương trình “Vắc-xin cho công nhân”... Công tác vận động ủng hộ phòng, chống dịch cũng đạt được nhiều kết quả, tổng số kinh phí và hiện vật đã vận động được là 21.803,2 tỷ đồng.

 Đại biểu tham dự Hội nghị 
Thực hiện quyết định đặc xá của Chủ tịch nước nhân dịp Quốc khánh 02/9/2021, Văn phòng Chủ tịch nước và Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã cử đại diện tham gia thành viên Hội đồng tư vấn đặc xá, Tổ thẩm định liên ngành xem xét hồ sơ đề nghị đặc xá tại các trại giam, trại tạm giam trên toàn quốc; phối hợp với các cơ quan hữu quan tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân về mục đích, ý nghĩa của quyết định đặc xá. Chủ tịch nước đã xem xét, ký quyết định đặc xá 3.035 người đủ điều kiện. Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã hướng dẫn Ủy ban MTTQ Việt Nam các địa phương phối hợp với chính quyền và các tổ chức thành viên cùng cấp chuẩn bị các điều kiện để giúp người được đặc xá sớm tái hoà nhập cộng đồng.

“Việc thực hiện quy chế phối hợp công tác giữa hai bên đã góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, động viên nhân dân chấp hành tốt kỷ cương, pháp luật, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, phát huy dân chủ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân”, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu nhấn mạnh.

Đại biểu tham dự Hội nghị  
Về trọng tâm phối hợp công tác năm 2022, Chủ tịch nước và Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam tiếp tục vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện trách nhiệm, hiệu quả lời kêu gọi gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài về công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Tổng Bí thư; Chăm lo đời sống cho nhân dân, tổ chức tốt công tác tiếp nhận và phân bổ nguồn lực ủng hộ phòng, chống dịch và tham gia ủng hộ Quỹ vắc-xin phòng, chống dịch Covid-19; Tham gia đóng góp ý kiến kịp thời, chất lượng vào các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch.

Trong phối hợp củng cố, mở rộng tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, năm 2022, Văn phòng Chủ tịch nước và Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam phối hợp tổ chức hội nghị bàn tròn để lắng nghe ý kiến góp ý, hiến kế xây dựng đất nước của một số nhân sĩ, trí thức, người tiêu biểu với Đảng, Nhà nước về những vấn đề quan trọng của đất nước, liên quan đến quốc kế dân sinh, những vấn đề bức xúc được nhân dân quan tâm.

Cùng với đó, Chủ tịch nước và Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam tiếp tục phối hợp động viên phong trào thi đua yêu nước, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm quốc phòng - an ninh, bảo đảm an sinh xã hội; Phối hợp tham gia xây dựng chính sách, pháp luật, xây dựng Nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân; Phối hợp mở rộng và tăng cường hoạt động đối ngoại nhân dân; Phối hợp sửa đổi, bổ sung Quy chế phối hợp công tác theo hướng cụ thể, bám sát quy định của Hiến pháp và pháp luật, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Chủ tịch nước và MTTQ Việt Nam; xây dựng các nội dung phối hợp sát với thực tế trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mỗi bên.

Quang cảnh Hội nghị  
Tại Hội nghị, đại biểu tham dự đã cùng thảo luận để góp phần tăng cường củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc; làm rõ vai trò của Chủ tịch nước, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và việc phối hợp trong  xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam; công tác phối hợp lắng nghe, phản ánh và giải quyết ý kiến, kiến nghị của Nhân dân trong bối cảnh hiện nay; tâm tư, nguyện vọng và kiến nghị của kiều bào Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là đồng bào tại Ukraina và đồng bào đang gặp khó khăn ở một số quốc gia trong bối cảnh hiện nay và kiến nghị Nhà nước cần có giải pháp gì để giúp bà con ổn định cuộc sống; tâm tư, nguyện vọng của cộng đồng doanh nghiệp trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch Covid-19 hiện nay;…

Cùng lắng nghe, cùng hành động vì nhân dân

Ông Trần Ngọc Đường, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, thời gian qua, công tác phối hợp giữa Chủ tịch nước với Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đã phát huy được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong phòng, chống dịch Covid-19, trong xây dựng phát triển kinh tế - xã hội, tuy nhiên đứng trước đòi hỏi mới khi dân chủ ngày càng được đề cao, quyền con người, quyền công dân cũng ngày càng được đề cao, hội nhập quốc tế ngày càng mở rộng thì vấn đề phát huy quyền làm chủ của nhân dân lại đòi hỏi công tác phối hợp cần được nâng cao hơn nữa nhất là phối hợp để phát huy quyền dân chủ trực tiếp của người dân mà Hiến pháp đã quy định.

Ông Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm HĐTV Dân chủ và Pháp luật, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát biểu tại Hội nghị 
Chính vì vậy ông Trần Ngọc Đường cho rằng, thời gian tới, trong công tác phối hợp, hai bên cần thúc đẩy để có những quy định pháp luật, thể chế pháp lý về dân chủ, đặc biệt là dân chủ trực tiếp để người dân thực hiện quyền dân chủ của mình, từ đó đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Cùng với đó hai bên cần quan tâm phối hợp trong bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân; phối hợp đưa hoạt động giám sát, phản biện xã hội đi vào thực chất.

“Hai bên cần phối hợp để thúc đẩy hoàn thiện cơ chế giám sát và phản biện xã hội. Trong điều kiện một Đảng cầm quyền như hệ thống chính trị của nước ta thì giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận là kênh cực kỳ quan trọng để kiểm soát quyền lực Nhà nước”, ông Trần Ngọc Đường đề xuất.

 Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến lắng nghe ý kiến của đại biểu tham dự Hội nghị
Bà Nguyễn Thị Doan, Phó Chủ tịch không chuyên trách UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, công tác phối hợp giữa hai bên đã để lại nhiều dấu ấn. Mặc dù trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 nhưng Chủ tịch nước, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đã luôn luôn lắng nghe tâm tư nguyện vọng của nhân dân với hàng nghìn ý kiến phản ánh kịp thời tới Quốc hội và giám sát việc giải quyết những kiến nghị của cử tri để góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, xây dựng Đảng, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, giải quyết được những lợi ích chính đáng của nhân dân.

"Hai bên cũng phối hợp tổ chức Lễ phát động đợt cao điểm quyên góp ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19. Những phát biểu của Chủ tịch nước tại buổi Lễ đã làm lay động lòng người. Tất cả những việc làm đơn giản nhưng thể hiện tinh thần nhiệt huyết, tấm lòng vì dân, được nhân dân đồng tình ủng hộ, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội cùng chung tay phòng chống dịch bệnh Covid-19", bà Nguyễn Thị Doan bày tỏ.

Bà Nguyễn Thị Doan cũng cho rằng, việc tập hợp lực lượng phải từ những việc nhỏ nhất, phải tận tình với dân, lắng nghe dân sâu sát với dân, đảm bảo quyền dân chủ của dân và giải quyết được những nguyện vọng chính đáng của dân. Bởi vậy, trong thời gian tới hai bên cần tiếp tục phát huy sự phối hợp với tinh thần làm việc không mệt mỏi, cùng hành động vì dân.

Chia sẻ về thực trạng đạo đức xã hội đang xuống cấp, bà Doan đề xuất trong thời gian tới, hai bên cần nghiên cứu thúc đẩy và có chương trình góp ý để xây dựng chuẩn mực của con người Việt Nam với những tiêu chí phù hợp trong bối cảnh đất nước hội nhập.

 Chủ tịch Hội liên lạc người Việt Nam ở nước ngoài Nguyễn Phú Bình phát biểu tại Hội nghị
Ở góc độ Chủ tịch Hội liên lạc người Việt Nam ở nước ngoài, ông Nguyễn Phú Bình chia sẻ, trước tình hình chiến sự ở Ukraine, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã có những quyết sách rất quyết liệt để chỉ đạo các cơ quan đại diện ở nước ngoài và các cơ quan trong nước để nhanh chóng cứu hộ công dân Việt Nam trở về nước. Chưa bao giờ vai trò của các hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài được phát huy. Hội người Việt Nam ở Ukraine, ở các nước xung quanh đã làm tốt công tác hướng dẫn bà con an toàn di tản ra khỏi khu vực chiến sự.

“Điều này thể hiện trách nhiệm rất cao của Đảng, Nhà nước với đồng bào ta ở nước ngoài đúng như tinh thần Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị coi đồng bào ta là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc.”, ông Nguyễn Phú Bình chia sẻ.

Gửi những kiến nghị của bà con ở nước ngoài tới Hội nghị, ông Nguyễn Phú Bình cho biết, khi rời đi khỏi Ukraine, mọi người đều lo lắng bảo toàn tính mạng, còn của cải của bà con đều để lại. Bà con mong muốn Đảng, Nhà nước giao cho cơ quan đại diện ở nước sở tại cùng với chính quyền địa phương giúp đỡ bảo vệ tài sản bà con.

Ông Phạm Tiến Công phát biểu tại Hội nghị
Là người gửi gắm tâm tư, nguyện vọng của giới doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam, ông Phạm Tiến Công bày tỏ, năm 2021 là một năm đặc biệt khó khăn với cộng đồng doanh nghiệp. Theo khảo sát của VCCI, gần 120 nghìn doanh nghiệp phải đóng cửa và rút khỏi thị trường, con số này cao hơn số doanh nghiệp thành lập mới. Đây là con số kỷ lục và phản ánh khó khăn to lớn của cộng đồng doanh nghiệp.

"Năm 2022 đất nước bước vào giai đoạn phục hồi tuy nhiên còn nhiều khó khăn thách thức đặc biệt trong bối cảnh chưa biết tình hình dịch bệnh sẽ diễn biến như thế nào. Bởi vậy, việc doanh nghiệp ổn định và phục hồi sản xuất là rất quan trọng. Đây là lúc chúng ta cần phát huy sức dân, sức của các doanh nghiệp. Để làm được điều này các doanh nghiệp mong muốn đẩy mạnh công tác cải cách tư pháp có các cơ chế giải quyết những tranh chấp kinh tế theo hướng hình sự hóa.", ông Phạm Tiến Công nói.

 Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của công tác phối hợp giữa Chủ tịch nước và Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, sự phối hợp hành động này cần chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa để hai bên sẽ lắng nghe được tối đa lượng ý kiến phản ánh của cử tri và nhân dân, từ đó động viên tinh thần toàn quân, toàn quân phát huy sức mạnh đại đoàn kết và giải quyết được những việc mới, việc khó của đất nước trong từng giai đoạn.

"Những tháng ngày chiến đấu với dịch Covid-19 là giai đoạn khó khăn của đất nước, nếu không có hệ thống chính trị vững mạnh, không có tinh thần trách nhiệm, tinh thần nhân ái cùng tinh thần thép các đồng chí lãnh đạo chủ chốt và những người nơi lực lượng tuyến đầu thì chúng ta không thể vượt qua và bước vào giai đoạn phục hồi, phát triển kinh tế như hiện nay", Chủ tịch Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh.

Cũng theo Chủ tịch Đỗ Văn Chiến, thời gian qua, các hoạt động thăm hỏi, động viên, khích lệ của Chủ tịch nước đã tạo không khí hồ hởi, phấn khởi, đồng thuận trong nhân dân. Sự thăm hỏi của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã tạo được sự động viên vững chắc cho lực lượng tuyến đầu, cho toàn quân, toàn dân quyết tâm vượt qua khó khăn.

Từ những nội dung thảo luận tại Hội nghị, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến đề nghị, đối với việc triển khai Đề án chiến lược xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN mà MTTQ Việt Nam được giao đảm nhiệm 2 chuyên đề, Chủ tịch nước làm rõ và sâu sắc hơn nữa tinh thần của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng để MTTQ Việt Nam các tổ chức chính trị - xã hội phát huy vai trò nòng cốt và vai trò làm chủ của nhân dân.

"Năm 2022, Đảng đoàn MTTQ Việt Nam đã đăng ký và được Bộ Chính trị đưa vào chương trình của năm 2022 về đề án cơ cấu tổ chức bộ máy cơ quan UBTƯ MTTQ Việt Nam để tương thích với nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn mới. Với uy tín và trách nhiệm của mình, mong Chủ tịch nước ủng hộ và chỉ đạo kịp thời giúp MTTQ Việt Nam hoàn thiện đề án quan trọng này", Chủ tịch Đỗ Văn Chiến nói.

Nhắc tới nội dung Nghị quyết Trung ương 5 khóa X sẽ được tổng kết nhằm tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến đề nghị Chủ tịch nước sẽ quan tâm để góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Đảng đoàn MTTQ Việt Nam.

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến tin tưởng thành công của Hội nghị sẽ mở ra một giai đoạn mới cho sự phối hợp hoạt động giữa Chủ tịch nước và Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam ngày càng chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả hơn, không ngừng củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Từ đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sức mạnh tổng hợp của mọi tầng lớp nhân dân sẽ đoàn kết cao hơn nữa, vượt khó vươn lên, hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam phát triển phồn vinh, hùng cường, hạnh phúc.

Hương Diệp - ảnh Quang Vinh

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều