Bố trí bí thư cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương: Thực tiễn và kinh nghiệm

Nhằm sử dụng, phát huy hiệu quả đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược; khắc phục những hạn chế, bất cập, khép kín trong công tác cán bộ; tạo điều kiện đào tạo, rèn luyện, thử thách đội ngũ cán bộ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội các địa phương, Đảng ta chủ trương bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương. Sau một thời gian thực hiện đã bước đầu khẳng định chủ trương trên là hiệu quả, đúng đắn; đồng thời đặt ra không ít vấn đề và để lại nhiều kinh nghiệm quý.
 Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Đặng Quốc Khánh kiểm tra công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 tại huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang_Ảnh: Tư liệu
Mục đích, chủ trương và quá trình triển khai thực hiện

Bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương là chủ trương lớn của Đảng, được đề ra từ khá sớm. Các nghị quyết của Đảng về công tác cán bộ trong thời gian qua đã xác định kết hợp luân chuyển cán bộ và bố trí bí thư cấp ủy không là người địa phương. Chủ trương trên xuất phát từ yêu cầu của công tác cán bộ trong tình hình mới; những hạn chế, bất cập ở địa phương trong công tác lãnh đạo, điều hành của một số bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện. Về cơ bản, việc bố trí bí thư cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương chủ yếu hướng tới những mục đích, yêu cầu sau:

Một là, góp phần tránh được tình trạng cục bộ địa phương, khép kín, lợi ích nhóm, vun vén cho gia đình, dòng họ, người thân quen đang tồn tại và trở thành vấn đề nhức nhối ở nhiều địa phương trong thời gian qua. Khi lãnh đạo không là người địa phương sẽ ít chịu ảnh hưởng, tác động, chi phối bởi các mối quan hệ thân quen; xử lý công việc sẽ thuận lợi, công tâm, khách quan hơn; ngược lại, nếu lãnh đạo là người địa phương, do sinh ra, lớn lên, học tập hoặc có các mối quan hệ thân quen chắc chắn khi xử lý và giải quyết công việc sẽ ít nhiều bị chi phối, tác động bởi các mối quan hệ này.

Hai là, bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương sẽ ngăn chặn được một bước tình trạng nhũng nhiễu, hạn chế độc đoán, chuyên quyền của người đứng đầu cấp ủy. Vì không là người địa phương, bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện ít có cơ hội tạo dựng "vây cánh", thậm chí còn phải hết sức thận trọng, công tâm, tuân thủ các quy định trong xử lý, giải quyết công việc để giữ uy tín, danh dự, tránh kiện tụng, mất đoàn kết nội bộ. Người đứng đầu sẽ có ý thức cố gắng nỗ lực làm việc, giữ mình trong công việc và ứng xử.

Ba là, bố trí cán bộ cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương là phương thức hết sức hữu hiệu để đào tạo, rèn luyện, thử thách cán bộ, nhất là đối với cán bộ trẻ, có năng lực, triển vọng phát triển. Khi được bố trí làm bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện, cán bộ sẽ có điều kiện, cơ hội, môi trường để rèn luyện, thử thách bản thân. Nhiều vấn đề phải xử lý, giải quyết mà không có trong lý thuyết, trường lớp nào. Những tình huống, vấn đề thực tiễn từ cơ sở, địa phương là vô cùng phong phú, phức tạp, đòi hỏi năng lực tư duy toàn diện, khả năng ứng biến nhanh nhạy, chính xác của người cán bộ. Quá trình đối mặt, “thử lửa” với những khó khăn, thách thức từ thực tiễn là kinh nghiệm quý để cán bộ trưởng thành. Trên cơ sở đó, các cấp sẽ có cơ sở để nhận xét, đánh giá cán bộ một cách chính xác.

Với mục đích, yêu cầu đó, các nghị quyết của Đảng về công tác cán bộ trong nhiều năm qua đã xác định kết hợp luân chuyển cán bộ và bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương. Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 25-1-2002, của Bộ Chính trị, “Về luân chuyển cán bộ lãnh đạo và quản lý” nhấn mạnh: “Thực hiện chủ trương bố trí một số chức danh cán bộ lãnh đạo và quản lý cấp tỉnh, cấp huyện không phải là người địa phương. Trước mắt, làm điểm việc điều động, luân chuyển một số đồng chí bí thư tỉnh ủy, thành ủy, chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, giám đốc sở tài chính, giám đốc sở kế hoạch và đầu tư, giám đốc công an, viện trưởng viện kiểm sát nhân dân tỉnh này sang giữ chức vụ lãnh đạo và quản lý tương đương ở các tỉnh, thành phố khác lân cận. Khi thực hiện việc luân chuyển này có hiệu quả sẽ nhân rộng ra các đối tượng khác và luân chuyển từ vùng, miền này sang vùng, miền khác”.

Thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW, Trung ương đã bố trí nhiều bí thư cấp tỉnh không là người địa phương. Nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương luân chuyển, bố trí nhiều cán bộ giữ chức bí thư huyện, thành phố không là người địa phương. Nhìn chung, sau một thời gian thực hiện, kết quả bố trí một số chức danh cán bộ không là người địa phương ở cấp tỉnh và cấp huyện đạt kết quả tốt. Hầu hết cán bộ qua luân chuyển đều có bước trưởng thành, tích lũy được nhiều kinh nghiệm thực tiễn, có quan điểm nhìn nhận và phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, sát thực tế hơn.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện chủ trương trên chưa đạt một số mục tiêu, yêu cầu đề ra: Số bí thư cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương còn ít, quá trình tổ chức triển khai bộc lộ nhiều khó khăn, hạn chế; cơ chế, chính sách, quy định còn nhiều bất cập; việc lựa chọn địa bàn, chức danh luân chuyển trong một số trường hợp còn bất hợp lý; sự quản lý, giám sát, quan tâm, tạo điều kiện đối với cán bộ luân chuyển từ phía các cơ quan, nhất là nơi đi, nơi đến chưa được quy định cụ thể, dẫn đến việc đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ sau luân chuyển có trường hợp còn bất cập, thiếu chính xác; chế độ nhà công vụ và một số chính sách khác chưa được nghiên cứu, quy định cụ thể, làm hạn chế công tác luân chuyển cán bộ… Về phía cán bộ luân chuyển, một số ít còn chậm tiếp cận với công việc, đóng góp đối với địa phương còn hạn chế, cá biệt còn biểu hiện chọn địa bàn, chọn vị trí sau luân chuyển, vi phạm các quy định về những điều đảng viên không được làm…

Từ những kết quả bước đầu đạt được và những hạn chế, bất cập trong công tác luân chuyển cán bộ, trong đó có việc thực hiện chủ trương bố trí bí thư cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương, Kết luận số 24 - KL/TW, ngày 5-6-2012, của Bộ Chính trị, “Về đẩy mạnh công tác quy hoạch và luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý đến năm 2020 và những năm tiếp theo” tiếp tục nhấn mạnh “thực hiện chủ trương luân chuyển, bố trí một số chức danh cán bộ lãnh đạo chủ chốt (bí thư, chủ tịch ủy ban nhân dân, trưởng các ngành công an, toà án, viện kiểm sát) không là người địa phương, phấn đấu đến năm 2015 trên 25% tỉnh, thành phố và trên 50% quận, huyện thực hiện chủ trương này”. Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ 2010 - 2015, việc bố trí trên chỉ đạt hơn 22% đối với cấp tỉnh (14 người) và 291/715 (chiếm 40,7%) bí thư cấp ủy cấp huyện không là người địa phương; có 31 tỉnh, thành phố có trên 50%, trong đó có 8 tỉnh, thành phố trên 75% bí thư không là người địa phương. Đầu nhiệm kỳ 2015 - 2020, có 336/715 (chiếm 47%) đồng chí bí thư cấp ủy cấp huyện không là người địa phương(1).

Trong bối cảnh đó, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chủ trương, nghị quyết của Đảng về công tác cán bộ nói chung, luân chuyển cán bộ nói riêng, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ; đổi mới mạnh mẽ công tác luân chuyển cán bộ, ngăn chặn tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, quan hệ dòng họ, thân quen; thực hiện chủ trương đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng có hiệu quả đội ngũ cán bộ; tạo điều kiện cho cán bộ trẻ, có triển vọng, cán bộ trong quy hoạch được rèn luyện thực tiễn; tạo nguồn cán bộ lâu dài cho đất nước; tiếp tục thực hiện chủ trương luân chuyển cán bộ kết hợp chặt chẽ với bố trí một số chức danh lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 98-QĐ/TW, ngày 7-10-2017, “Về luân chuyển cán bộ”. Theo đó, đối tượng luân chuyển phải là cán bộ trẻ, có năng lực, triển vọng; cán bộ được luân chuyển để thực hiện chủ trương bố trí cán bộ không phải là người địa phương; là bí thư tỉnh ủy, huyện ủy và tương đương,...

 Bố trí cán bộ cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương là phương thức hết sức hữu hiệu để đào tạo, rèn luyện, thử thách cán bộ, nhất là đối với cán bộ trẻ, có năng lực, triển vọng phát triển (Trong ảnh: Các đại biểu tham dự  Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái) lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025)_Ảnh: Tư liệu
Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19-5-2018, của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII, “Về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” đánh giá “chủ trương luân chuyển kết hợp với bố trí một số chức danh lãnh đạo không là người địa phương đạt được kết quả bước đầu”. Tuy nhiên, “việc luân chuyển cán bộ và thực hiện chủ trương bố trí một số chức danh không là người địa phương, trong đó có bí thư cấp ủy các cấp còn bất cập, chưa đạt yêu cầu”; từ đó, nghị quyết xác định mục tiêu đến năm 2020 là “đẩy mạnh thực hiện chủ trương bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương”; đến năm 2025 “cơ bản bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh không là người địa phương và hoàn thành ở cấp huyện; đồng thời khuyến khích thực hiện đối với các chức danh khác”.

Thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, Bộ Chính trị đã phân công, điều động, bố trí nhiều Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng không là người địa phương làm bí thư nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Ban Thường vụ các tỉnh, thành phố cũng đã luân chuyển, bố trí nhiều cán bộ không là người địa phương làm bí thư huyện, thành phố trực thuộc tỉnh. Theo số liệu từ Ban Tổ chức Trung ương, tại đại hội đảng bộ cấp trên cơ sở (đảng bộ cấp huyện và tương đương), nhiệm kỳ 2020 - 2025 diễn ra từ tháng 5 đến hết tháng 8-2020, tổng số bí thư cấp ủy được bầu là 1.141 đồng chí; trong đó có 456 bí thư không phải người địa phương (chiếm 40%). Theo đánh giá của Ban Tổ chức Trung ương, việc thực hiện chủ trương bí thư cấp ủy không là người địa phương được quan tâm đẩy mạnh và đạt kết quả tốt(2). Sau Đại hội XIII của Đảng, Bộ Chính trị tiếp tục phân công, điều động, bố trí nhiều Ủy viên Trung ương Đảng không phải là người địa phương làm bí thư các tỉnh trực thuộc Trung ương. Tính đến tháng 7-2021, trong số 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, có 35 bí thư không phải là người địa phương.

Thực tiễn quá trình thực hiện chủ trương này cho thấy, ở những nơi bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương, tình hình kinh tế - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực; lề lối, phong cách, tác phong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành ở địa phương dần đi vào nền nếp, ổn định, khoa học hơn. Nhiều vấn đề khó, phức tạp tồn tại qua nhiều nhiệm kỳ đã được xử lý, giải quyết; nội bộ đoàn kết, tạo bầu không khí, xung lực mới tại địa phương, cơ sở,… Điều đó khẳng định, chủ trương bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương là đúng đắn.

Những vấn đề đặt ra

Thứ nhất, việc nhận thức về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của chủ trương bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương còn chưa đầy đủ, sâu sắc. Hơn nữa, trong một thời gian dài, khái niệm thế nào là người địa phương, thế nào không phải là người địa phương vẫn còn nhiều cách hiểu khác nhau, chưa thống nhất; việc phân biệt giữa luân chuyển cán bộ với bố trí cán bộ chưa rõ, chưa lập quy hoạch, kế hoạch cho việc bố trí cán bộ chủ chốt không phải là người địa phương một cách hệ thống, bài bản. Việc tuyên truyền quán triệt chủ trương chưa sâu rộng, hiệu quả(3).

Thứ hai, thiếu những quy định, hướng dẫn cụ thể, làm cho công tác này chưa được thực hiện bài bản, đồng bộ, thống nhất. Chế độ, chính sách đối với cán bộ bố trí làm bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện chưa đầy đủ, rõ ràng để cán bộ yên tâm công tác. Điều này lý giải vì sao chủ trương đã được đề ra từ sớm, nhưng qua nhiều nhiệm kỳ vẫn chưa đạt một số mục tiêu, yêu cầu đề ra.

Thứ ba, tiêu chuẩn, tiêu chí để lựa chọn bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương còn nhiều bất cập; việc sơ kết, tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm chưa được các cấp, các ngành, địa phương chú trọng đúng mức.

Thứ tư, để bố trí đúng người, cần đánh giá được phẩm chất, trình độ, năng lực, sở trường của cán bộ. Trong khâu đánh giá, lựa chọn bố trí cán bộ cần sự công tâm, khách quan, vì lợi ích chung, nhất là của người đứng đầu, của cán bộ làm công tác tham mưu về công tác cán bộ. Người đứng đầu, cán bộ làm công tác tham mưu phải có con mắt tinh tường, có tâm, có tầm, nhìn trước, nhìn xa, phải đặt lợi ích của cơ quan, tổ chức, tập thể lên trên hết, trước hết. Tuy nhiên, những yêu cầu này, có lúc, có nơi chưa bảo đảm.

Một số kinh nghiệm

Một là, bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện là người đứng đầu dẫn dắt, quy tụ, đoàn kết cả một địa phương, do vậy, cần phải được sàng lọc, lựa chọn hết sức kỹ lưỡng, hội đủ phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, năng lực chuyên môn.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Cần Thơ Lê Quang Mạnh cùng lãnh đạo ủy ban nhân dân thành phố kiểm tra các dự án tái định cư đang được triển khai trên địa bàn 2 quận Ninh Kiều và Bình Thủy_Ảnh: TTXVN 
Hai là, bố trí cán bộ không là người địa phương làm bí thư cấp tỉnh, cấp huyện phải căn cứ vào điều kiện, tình hình cụ thể ở địa phương. Cần nghiên cứu, phân tích tình hình các tỉnh, thành phố, địa phương một cách kỹ lưỡng để lựa chọn, bố trí đúng cán bộ, bảo đảm hài hòa, hợp lý; nghiên cứu, lựa chọn địa phương nào bố trí trước, địa phương nào bố trí sau, địa phương nào không bố trí, tránh làm một cách máy móc, cơ học. Trong bố trí cán bộ, phải xem xét, phân tích toàn diện, nhiều chiều cạnh, xét đến cả lý và tình.

Ba là, việc lựa chọn cán bộ để bố trí làm bí thư cấp tỉnh, cấp huyện là vấn đề lớn, khó, liên quan đến con người, tổ chức, do vậy, cần phải hết sức thận trọng, có bước đi, lộ trình phù hợp; nhưng đồng thời phải có quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là của Trung ương. Thực tế cho thấy, nhiều nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng nói chung, công tác cán bộ nói riêng thực hiện chưa đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân chủ quan là quá trình lãnh đạo tổ chức thực hiện chưa quyết liệt với quyết tâm chính trị cao nhất.

Bốn là, bố trí người đứng đầu không quá lâu tại một địa phương và luôn có sự luân chuyển, thay đổi để đào tạo, rèn luyện, thử thách cán bộ cũng như tạo cơ hội cho cán bộ phát triển, đồng thời tạo điều kiện cho lớp cán bộ kế cận. Thông thường, bố trí vị trí đứng đầu không quá hai nhiệm kỳ. Trên thực tế, có những cán bộ chỉ cần 2 - 3 năm là có cơ sở để đánh giá cán bộ; một nhiệm kỳ 5 năm là đánh giá được năng lực, trình độ, làm cơ sở điều chuyển cán bộ sang một vị trí mới hoặc bổ nhiệm lên một vị trí cao hơn nếu cán bộ thể hiện, khẳng định được năng lực của mình; ngược lại, nếu bố trí cán bộ ở một vị trí quá lâu sẽ tạo sức ỳ, ít có đột phá, sáng tạo, thậm chí có thể dẫn đến trì trệ.

Năm là, phải có chiến lược tổng thể về công tác cán bộ, nhất là đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược; có kế hoạch, lộ trình luân chuyển, bố trí cán bộ không là người địa phương làm bí thư các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; tập trung rà soát, thể chế hóa kịp thời chủ trương của Đảng về bố trí chức danh lãnh đạo chủ chốt không phải là người địa phương; sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định, quy chế hiện có, bảo đảm đồng bộ, thống nhất giữa quy định của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với cán bộ bố trí luân chuyển./.

Theo TS. NGUYỄN VĂN CHUNG - ĐỖ CÔNG TIẾN/Tạp chí Cộng sản

------------------

(1), (3) Xem: Nguyễn Văn Giang: “Thực hiện chủ trương bố trí cán bộ chủ chốt cấp huyện không là người địa phương”, Tạp chí Tổ chức nhà nước điện tử, ngày 30-11-2018, https://tcnn.vn/news/detail/41721/Thuc-hien-chu-truong-bo-tri-can-bo-chu-chot-cap-huyen-khong-phai-la-nguoi-dia-phuong-hien-nay.html

(2) Xem: Vương Trần: “Bí thư cấp ủy không là người địa phương: Hiệu quả của công việc là thước đo đánh giá cán bộ”, Báo Lao động điện tử, ngày 5 - 10-2020, https://laodong.vn/thoi-su/bi-thu-cap-uy-khong-la-nguoi-dia-phuong-hieu-qua-cua-cong-viec-la-thuoc-do-danh-gia-can-bo-841805.ldo

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều