Đào tạo nguồn nhân lực lý luận chính trị đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Trong bối cảnh mới, nhất là dưới sự ảnh hưởng sâu rộng và tương tác mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, việc đào tạo nguồn nhân lực lý luận chính trị cũng phải thay đổi rõ nét nhằm tiệm tiến đến nội dung và phương thức đào tạo tương hợp và đáp ứng được những yêu cầu mới.
Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng,
Trưởng Ban Tổ chức Trung ương trao Giấy chứng nhận tốt nghiệp cho các học viên
 Lớp bồi dưỡng kiến thức mới cho cán bộ quy hoạch cấp chiến lược khóa XIII, lớp thứ năm, năm 2020.
NHẬN THỨC RÕ BỐI CẢNH VÀ QUY TRÌNH  MỚI

Nhận thức rõ những cơ hội và thách thức mà cuộc các mạng công nghiệp lần thứ tư đưa lại, Đảng ta chủ trương phải, đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế. Theo đó, Đảng chỉ ra, cần phải “Phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành; chú trọng đội ngũ nhân lực kỹ thuật, nhân lực số, nhân lực quản trị công nghệ, nhân lực quản lý, quản trị doanh nghiệp; nhân lực quản lý xã hội và tổ chức cuộc sống, chăm sóc con người”(1). Để có được những chuyên gia như vậy, trong đó có chuyên gia về lý luận chính trị, thì việc đào tào phải theo một quy trình mới, một cách tiếp cận mới: đó phải là đào tạo thông minh, hay giáo dục thông minh. 

Với mô hình giáo dục thông minh như vậy, quá trình đào tạo nguồn nhân lực lý luận cũng cần phải theo những chiều hướng để bắt kịp được sự thay đổi trong kì vọng của người học và khả năng đáp ứng của các nhà trường (nghĩa là phải đào tạo để có khả năng thích ứng, có việc làm và tự tạo việc làm sau tốt nghiệp; có khả năng duy trì và phát triển chuyên môn nghề nghiệp; nắm bắt được cơ hội học tập suốt đời…). Phải đa dạng hóa các “sản phẩm giáo dục” (tức là phải tạo lập được quá trình đảm bảo và nâng cao chất lượng giáo dục nhờ cơ sở dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, chuỗi giá trị trong giáo dục). Phải thiết lập được sự thay đổi trong mối quan hệ, vai trò, vị trí của người dạy và người học (trong quá trình dạy học, trong hệ sinh thái giáo dục…); bốn là, phải có sự thay đổi của môi trường dạy học, của khuôn viên học tập với các dạng học liệu đa chức năng; năm là, phải thay đổi các mô hình quản lí, điều hành trong giáo dục, dạy học trên nền tảng kĩ thuật số mới. 

Giáo dục thông minh (SMART Education) được hiểu là sự tích hợp toàn diện công nghệ, khả năng tiếp cận và kết nối mọi thứ qua Internet bất cứ lúc nào và ở đâu; cần phải thực hiện đồng bộ, toàn diện mọi mặt dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin, bao gồm: lớp học thông minh (Smart Classroom-SmCl), môi trường thông minh (Smart Environment-SmE), người dạy thông minh (Smart Teacher-SmT), khuôn viên thông minh (Smart Campus-SmC), nhà trường thông minh (Smart School-SmS).

TẠO LẬP TRI THỨC MỚI CHO NGƯỜI HỌC    

Cùng với các cơ hội tiếp cận công nghệ mới trong giáo dục, người học ngày càng trở thành “trung tâm của việc học của chính họ”, tự do hơn trong định hướng và lựa chọn nội dung theo nhu cầu và quá trình học tập, do đó, càng mang dấu ấn “cá nhân hóa” một cách đậm nét hơn. Mặt khác, công nghệ cũng hỗ trợ và cho phép bất kì người học nào cũng có thể tìm kiếm, đóng góp, chia sẻ, xử lí dữ liệu, biến họ trở thành “người đồng sáng tạo ra tri thức mới” để đóng góp vào “trí thông minh của số đông”. 

Theo xu hướng này, quá trình đào tạo nguồn nhân lực lý luận cần phải hướng đến người học một cách mạnh mẽ và cần phải được chuyển hóa định hướng theo các nhu cầu và xu thế sau: 1) Dạy học chính thức theo chương trình được xác lập (bao gồm cả dạy học trực tiếp và trực tuyến); 2) Dạy học theo định hướng cá nhân (các nội dung và hình thức đáp ứng nhu cầu riêng của cá nhân, định hướng bởi năng lực, tốc độ, sở thích của cá nhân…); 3) Dạy học theo định hướng nhóm bên trong một thiết chế tổ chức cụ thể (ví dụ, một lớp học, trong nhà trường, …) và nhóm mạng lưới (đáp ứng các nhu cầu của nhóm mạng lưới bên ngoài tổ chức); 4) Dạy học ngẫu nhiên (học cái gì, học ở ai, vào bất cứ thời điểm nào theo nhu cầu cá nhân, “ngẫu nhiên, tình cờ”).

Bên cạnh đó, trong điều kiện trình độ dân trí ngày càng được nâng cao, xã hội bùng nổ thông tin nên người học được tiếp cận với nhiều loại thông tin với nhiều kênh khác nhau. Công việc của người dạy là giúp người học chọn lọc thông tin, hệ thống thông tin, lý giải thông tin để củng cố lòng tin trên cơ sở lý giải có tầm lý luận, có căn cứ thực tiễn của vấn đề. Nguồn nhân lực lý luận chính trị cần được trang bị, được cập nhật những tri thức khoa học hiện đại, có năng lực, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, ngoại ngữ vào hoạt động thực tiễn; bắt nhịp với xu thế phát triển của thế giới; đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử theo kịp sự phát triển, tiến bộ khoa học - công nghệ. Cùng với đó, nguồn nhân lực lý luận cần phải hình thành được cách thức khai thác, sử dụng phương tiện, thiết bị hiện đại trong công việc, làm việc qua mạng, trực tuyến; đi đầu và lan tỏa việc tham gia dịch vụ công trực tuyến, văn hóa trên không gian mạng, chú trọng đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển nền kinh tế số, xã hội số; đặc biệt là có được bản lĩnh, năng lực, phương pháp làm việc, xử lý một cách khoa học nhằm giải quyết kịp thời những “thảm họa xã hội” (ví dụ như đại dịch COVID-19 hiện nay).  

HÌNH THÀNH TƯ DUY MỚI CHO NGUỒN NHÂN LỰC LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ

Đổi mới tư duy là yêu cầu tất yếu trong thời đại ngày nay. Hơn thế nữa, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã làm thay đổi căn bản sự nhận thức thông thường, làm “đảo lộn tư duy”. Đúng như nhận định củaGS. Klaus Schwab, Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới: “Những thay đổi này sẽ sâu sắc đến mức, chưa bao giờ trong lịch sử lại có một thời điểm con người đứng trước cùng lúc nhiều cơ hội lẫn rủi ro như thế. Mối quan ngại của tôi là các lãnh đạo chính trị và kinh doanh có thể sẽ giữ lối tư duy quá cổ hủ hoặc quá ám ảnh với việc các đột phá công nghệ sẽ thay đổi tương lai loài người như thế nào”(2).

Nhận thức rõ những cơ hội và thách thức mà cuộc cách công nghiệp lần thứ tư đưa lại cho nước ta, Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhấn mạnh “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư yêu cầu phải đổi mới tư duy về quản lý kinh tế, quản lý xã hội, xây dựng, hoàn thiện thể chế cho phù hợp. Cần có cách tiếp cận mở, sáng tạo, cho thí điểm đối với những vấn đề thực tiễn mới đặt ra, tạo mọi thuận lợi cho đổi mới sáng tạo. Tránh mọi biểu hiện bàng quan, thiếu tự tin, thụ động, nhưng không chủ quan, nóng vội, duy ý chí”(3).

Rõ ràng, để tương thích và theo kịp được những cơ hội và thách thức mà cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đưa lại, nguồn nhân lực lý luận chính trị sẽ phải hình thành một kiểu tư duy mới để đưa tư duy của mình thoát khỏi lối mòn. Các nước như Việt Nam chúng ta có cơ hội bứt phá nhưng phải là một tư duy mới, không truyền thống, không tuần tự. Cả quản lý nhà nước, cả doanh nghiệp, cần một sự đột phá trong tư duy, trong chính sách, trong cách tiếp cận.

Như vậy, trước đây, trong bối cảnh cũ, khi tư duy của nhân lực lý luận chính trị chủ yếu hoạt động theo số lượng, theo tuần tự, theo thứ bậc dẫn đến phương thức hoạt động theo quán tính là chủ yếu thì tất các hoạt động của nhân lực lý luận chính trị thường là theo kinh nghiệm, thói quen, thậm chí là theo cảm tính.Hiện nay, trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã làm cho tư duy hoạt động theo phương thức mới: theo chất lượng, không tuần tự, không thứ bậcđã dẫn đến đòi hỏi hoạt động tư duy của con người, nhất là của nhân lực lý luận chính trị đều phải phi truyền thống, linh hoạt hoá và phải được trí tuệ hóa. Đào tạo nguồn nhân lực lý luận phải chuyển mạnh sang quá trình tương tác để giúp cho những người học phải hình thành được loại hình tư duy này.

PHẢI ĐƯỢC TRANG BỊ NHỮNG KỸ NĂNG MỚI

Để chuẩn bị bước vào thế kỷ XXI, vào năm 1996, Ủy ban Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên Hiệp Quốc, UNESCO đã xuất bản báo cáo “Học tập - một kho báu tiềm ẩn” nhằm nghiên cứu về vấn đề giáo dục, trong đó đề cập đến 4 trụ cột của giáo dục thế kỷ XXI và gần đây đã bổ sung thêm 1 trụ cột thành 5 trụ cột. Đây có thể coi là những nguyên tắc cơ bản để định hình lại giáo dục cho phù hợp với xu thế phát triển toàn cầu. Theo đó, UNESCO rất đề cao và nhấn mạnh đến vai trò cơ bản của giáo dục trong sự phát triển của xã hội và của mỗi cá nhân. Theo tinh thần đó, việc học tập suốt đời được xem như là một chìa khóa để mỗi cá nhân thích ứng với những thách thức của thế kỷ XXI. Để học suốt đời (cũng là để làm việc được suốt đời) thì nguồn nhân lực được đào tạo, trong đó có nguồn nhân lực lý luận chính trị, phải được trang bị và tạo lập được 5 nhóm kỹ năng cơ bản (để biết, để làm, để chung sống vàđể khẳng định mình, để làm mới chính mình và để thế giới dân chủ, phát triển hơn). Qua đó, giúp họ khẳng định và thể hiện mình trong suốt cuộc đời. Rõ ràng, ở Việt Nam hiện nay, trong đào tạo nguồn nhân lực lý luận chính trị, phải xây dựng được chương trình có bao chứa những kỹ năng này, đồng thời có phương thức giáo dục mới để giúp cho người học có nhận thức rõ và hình thành được các kỹ năng nhằm phục vụ cho: để biết, để làm, để chung sống, để trưởng thành và để làm mới chính mình và để thế giới dân chủ và phát triển hơn.

Năm trụ cột của giáo dục thế kỷXXI là:

1)Học để biết(Learning to know): nghĩa là cung cấp cho người học các công cụ nhận thức để có thể hiểu biết thế giới phức tạp và trang bị nền tảng kiến thức phù hợp để người học tiếp tục học tập, khám phá tri thức trong suốt cuộc đời của họ.

2)Học để làm(Learning to do): trang bị cho người học kiến thức, kỹ năng và thái độ để mỗi cá nhân có thể thực hành nghề nghiệp thành công và tham gia hiệu quả vào nền kinh tế-xã hội trong bối cảnh toàn cầu.

3)Học để chung sống(Learning to live together): là để mỗi cá nhân thấu hiểu những giá trị hàm chứa trong khuôn khổ quyền conngười, những nguyên tắc dân chủ, sự hiểu biết giá trị văn hóa nhân loại, sự tôn trọng, hòa bình, quan hệ trong xã hội loài người. Từ đó, mỗi cá nhân có thể chung sống hài hòa giữa các mối quan hệ.

4)Học để khẳng định mình(Learning to be): là cung cấp cho mỗi cá nhân tư duy phân tích, kỹ năng xã hội để họ có thể phát huy tốt nhất những phẩm chất tâm lý-xã hội cũng như sức khỏe thể chất và trở thành những con người hoàn thiện.

5)Học để thay đổi mình và thay đổi thế giới tốt đẹp hơn(Learning to change yourself and change the world for the better): học để luôn luôn làm mới chính mình và để thế giới trở nên tự do, dân chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển hơn.

PHẢI TẠO LẬP ĐƯỢC PHƯƠNG PHÁP CÔNG TÁC MỚI

Một thực tế là, trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chưa bao giờ các phương tiện liên lạc thông minh và nghe nhìn hiện đại lại làm gần những người xa nhau; song, lại làm xa những người gần nhau(4). Do đó, để phù hợp với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư thì phương pháp công tác cần quan tâm nhất của nguồn nhân lực lý luận chính trị chính là những phương pháp bám sát thực tiễn, hoạt động xã hội, tôn trọng quyền dân chủ, phát huy đầy đủ trí tuệ của những người tham gia. Về phương diện này, phong cách dân chủ, quần chúng của Hồ Chí Minh là nội dung quan trọng hàng đầu trong phong cách làm việc của Người, được thể hiện bằng những hành động cụ thể như: sâu sát quần chúng, chú ý tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của quần chúng, quan tâm đến mọi mặt đời sống nhân dân; tin yêu và tôn trọng con người, chú ý lắng nghe ý kiến và giải quyết những kiến nghị chính đáng của quần chúng, sẵn sàng tiếp thu phê bình của quần chúng và sửa chữa khuyết điểm của mình; giáo dục lãnh đạo quần chúng, đồng thời không ngừng học hỏi quần chúng, tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân theo tinh thần lãnh đạo là đầy tớ, nhân dân là chủ. 

Hiện nay, cùng với việc đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế cũng như dưới sự tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư thi ở nhiều cán bộ (trong đó có cán bộ trưởng thành từ nguồn nhân lực lý luận chính trị trước đây) vẫn còn những hạn chế về phẩm chất, năng lực, trong đó có phương pháp làm việc. Ở không ít người vẫn còn có những biểu hiện giáo điều, lý luận không gắn với thực tiễn, nói không đi đôi với làm; không đồng đều về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, chưa nắm vững khoa học - công nghệ hiện đại để vận dụng vào thực tiễn công tác. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên, trong đó có công tác đào tạo nguồn nhân lực lý luận chính trị hiện nay còn nặng về lý thuyết, thiếu cập nhật kiến thức, kỹ năng, nhất là phương pháp hoạt động thực tiễn... 

Trước thực trạng trên, Đảng ta đã xác định một trong các nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XIII là: “Xây dựng đội ngũ đảng viên và cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”(5). Do vậy, trong đào tạo nguồn nhân lực lý luận chính trị hiện nay, cần phải trang bị và giúp người học hình thành được phương pháp làm việc khoa học và phương pháp công tác cụ thể, sát thực tế, nhờ đó mà họ có thể đạt được thành công trong công việc. Trong giai đoạn hiện nay,nguồn nhân lực lý luận chính trị cần được quán triệt và thực hành phương châm hoạt động mới thông qua thực hiện “7 CHỮ DÂN” mà Đại hội Đảng lần thứ XII đã yêu cầu: “Tin dân, trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân, có trách nhiệm với dân”.

Nguồn nhân lực lý luận chính trị cần được quán triệt và thực hành phương châm hoạt động mới thông qua thực hiện “7 CHỮ DÂN” mà Đại hội Đảng lần thứ XII đã yêu cầu: “Tin dân, trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân, có trách nhiệm với dân”.

Nguồn nhân lực lý luận chính trị cần phải được giáo dục và thể hiện đượcphẩm chất, năng lựcmới trong công việc được giao mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đã chỉ ra,cần phải thực hiện “6 CHỮ DÁM”: “Dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung”.

 

DÁM CHỊU TRÁCH NHIỆM TRONG CÔNG TÁC

Ở đây, trách nhiệm được hiểu một cách khái quát nhất chính là phần việc được giao, là điều phải làm, phải gánh vác hoặc nhận lấy về mình theo cương vị, chức trách. Nó được hình thành trên cơ sở những quy định của luật pháp, quy định, quy chế, thỏa thuận, điều lệ của tổ chức, đơn vị mà mình là thành viên.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã định nghĩa về tinh thần trách nhiệm bằng những từ ngữ rất giản dị, dễ hiểu: “Tinh thần trách nhiệm là: nắm vững chính sách, đi đúng đường lối quần chúng, làm tròn nhiệm vụ(6), là “khi Đảng, Chính phủ, hoặc cấp trên giao cho ta việc gì, bất kỳ to hay nhỏ, khó hay dễ, ta cũng đưa cả tinh thần, lực lượng ra làm cho đến nơi đến chốn, vượt mọi khó khăn, làm cho thành công. Làm một cách cẩu thả, làm cho có chuyện, dễ làm khó bỏ, đánh trống bỏ dùi, gặp sao làm vậy, v.v., là không có tinh thần trách nhiệm”(7). Người yêu cầu, nhắc nhở, bất kỳ ai, dù ở địa vị nào, làm công tác gì, gặp hoàn cảnh nào, đều phải có tinh thần trách nhiệm; “đã phụ trách việc gì, thì quyết làm cho kỳ được, cho đến nơi đến chốn, không sợ khó nhọc, không sợ nguy hiểm”(8). Nguồn nhân lực lý luận chính trị cần phải được giáo dục và thể hiện được phẩm chất, năng lực mới trong công việc được giao mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đã chỉ ra, - tức là cần phải thực hiện “6 CHỮ DÁM”: “Dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung”.

ĐÁP ỨNG ĐƯỢC YÊU CẦU CỦA CÔNG DÂN TOÀN CẦU

Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định bối cảnh và nội dung mới cho giáo dục và đào tạo, trong đó có đào tạo nguồn nhân lực lý luận chính trị - đó chính là nhằm đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế. Để đáp ứng được tốt yêu cầu của bối cảnh mới này thì trong giáo dục và đào tạo cần phải làm triển khai thực hiện các nội dung sau: Một là, giáo dục và đào tạo phải hướng đến “Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, có sức khỏe, năng lực, trình độ, có ý thức, trách nhiệm cao đối với bản thân, gia đình, xã hội và Tổ quốc”; Hai là,phải “Đưa vào chương trình giáo dục phổ thông nội dung kỹ năng số và ngoại ngữ tối thiểu, chú trọng xây dựng nền tảng kỹ năng nhận thức và hành vi cho học sinh phổ thông”; Ba là, phải chú trọng “Đào tạo con người theo hướng có đạo đức, kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm công dân, xã hội; có kỹ năng sống, kỹ năng làm việc, ngoại ngữ, công nghệ thông tin, công nghệ số, tư duy sáng tạo và hội nhập quốc tế (công dân toàn cầu)”. Vì vậy, việc đào tạo nguồn nhân lực lý luận chính trị cũng phải hướng đến để góp phần hình thành và tạo dựng nên những công dân toàn cầu./.

_______

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t.1, tr. 231, 231.

(2) Phát biểu của GS. Klaus Schwab, Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Hội nghị Diễn đàn kinh tế thế giới với chủ đề “Làm chủ Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư” ngày 20/01/2016. 

(3) Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.

 (4) Ngô Đình Xây: Tiếp tục đổi mới tư duy ở Việt Nam trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Tạp chí Triết học, số 5(348) năm 2020.

(5) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t.2, tr. 334 

(6) (7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG ST, Hà Nội, 2011, t.7, tr. 249, 248

(8) Hồ Chí Minh: Sđd, t.6, tr. 131. 

 

Theo PGS.TS. Ngô Đình Xây/Tạp chí Tuyên giáo

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều