Góp phần bảo tồn và phát huy giá trị Dân ca Quan họ Bắc Ninh trong kho tàng văn hóa Việt Nam

(Mặt trận) - Mới đây, sau quãng thời gian dài nghiên cứu và sưu tầm về sinh hoạt văn hoá Quan họ, cùng các bài dân ca Quan họ cổ, liền chị Nguyễn Thị Minh Hải - CLB Quan họ phường Thị Cầu, TP. Bắc Ninh - đã giới thiệu tới công chúng cuốn sách “Quan họ Thị Cầu đi cùng năm tháng”. Cuốn sách do Nhà xuất bản Thanh niên ấn hành. 
Liền chị Nguyễn Thị Minh Hải - CLB Quan họ phường Thị Cầu, TP. Bắc Ninh tại buổi ra mắt cuốn sách “Quan họ Thị Cầu đi cùng năm tháng”

Từ những năm 2000, khi còn công tác tại UBND phường Thị Cầu, có cơ hội được tiếp xúc, đi giao lưu, gặp gỡ với nhiều người, được tìm hiểu và tặng nhiều cuốn sách hay về sinh hoạt văn hóa Quan họ, liền chị Nguyễn Thị Minh Hải đã nung nấu ý tưởng sẽ viết một cuốn sách về dân ca Quan họ của quê hương Thị Cầu với những giá trị đặc sắc. Đến năm 2023, với mong muốn góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị của Dân ca Quan họ, đồng thời cung cấp các kiến thức cũng như giới thiệu tới bạn đọc những nét sinh hoạt văn hóa truyền thống của người Thị Cầu xưa và nay, một số câu Quan họ do người Thị Cầu sáng tác, đặt lời, liền chị Nguyễn Thị Minh Hải đã dày công nghiên cứu, sưu tầm, tuyển chọn, và biên soạn nên cuốn sách “Quan họ Thị Cầu  đi cùng năm tháng”.

Trong cuốn sách, liền chị Nguyễn Thị Minh Hải qua quá trình tìm hiểu, nghiên cứu, đã tuyển chọn, sưu tầm và biên soạn, chia nội dung cuốn sách thành 6 phần để người đọc có thể dễ dàng theo dõi và tìm hiểu, bao gồm: phần 1 nói về vị trí địa lí, đặc điểm kinh tế, văn hoá, xã hội ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển của Quan họ Thị Cầu; phần 2 giới thiệu về nguồn gốc sinh hoạt văn hóa Quan họ; phần 3 là các mặt hoạt động của dân ca Quan họ; phần 4 nói về những nét văn hóa độc đáo của Quan họ Thị Cầu; phần 5 giới thiệu một số câu Quan họ do người Thị Cầu sáng tác và phần 6 là những bài Quan họ sáng tác ngày nay dựa theo các giọng Quan họ cổ.

Ngoài ra, trong mỗi trong mỗi phần của cuốn sách, liền chị Nguyễn Thị Minh Hải còn khéo léo lồng ghép nội dung giải thích các từ ngữ, điển cố, điển tích được sử dụng trong bài. Nhờ vậy, người đọc có thể dễ dàng hiểu được xuất xứ và nguồn gốc của bài hát do các nghệ nhân Thị Cầu sáng tác.

Liền chị Nguyễn Thị Minh Hải.

Với 128 trang gồm 6 phần như nêu ở trên, lật dở từng trang của cuốn sách “Quan họ Thị Cầu đi cùng năm tháng”, liền chị Nguyễn Thị Minh Hải không chỉ giúp người đọc hiểu rõ về truyền thống văn hóa, lịch sử, phong tục tập quán của mảnh đất Thị Cầu từ xưa đến nay, đặc điểm Quan họ Thị Cầu, các bài ca Quan họ do các nghệ nhân Quan họ Thị Cầu sáng tác mang đậm chất Tuồng; đồng thời, có sự kế thừa và sáng tạo từ hát Văn thể hiện qua các giọng: Con chim thước; Còn giời còn nước còn non; Gọi đò; Lỡ duyên Chức nữ - Ngưu lang; Chè mạn hảo; Cây Kiêu bổng; Bây giờ chia rẽ đôi nơi... Cùng với đó là nhiều giọng Quan họ khác cũng được truyền là do người Thị Cầu sáng tác, như các giọng Còn duyên, Hạnh nguyên, Giăng thanh gió mát, Phùng quan tế hội…

Đồng thời, cuốn sách còn giúp người đọc tìm hiểu về các sự sáng tạo của người Quan họ Thị Cầu xưa và nay trong việc vận dụng các giọng Quan họ cổ để sáng tạo ra một làn điệu Quan họ mới mà vẫn tạo nên sự hài hòa, sinh động giữa câu hát dân gian với lời thơ bác học, chỉnh cả đối thơ và đối giọng; hay các cách mà các nghệ nhân Quan họ Thị Cầu thường kết nối những câu thơ ở nhiều thể loại văn hoá dân gian khác nhau để tạo nên một làn điệu Quan họ mới mà vẫn ăn ý nhau cả về câu, ngôn ngữ thơ, kết cấu thơ.

Đặc biệt, dù bị thời gian và chiến tranh khoả lấp bao dấu tích vật chất, nhưng những giá trị tinh thần trong đời sống văn hoá, nét duyên dáng Thị Cầu hôm nay vẫn còn đó, tiếp tục cùng với bản sắc Bắc Ninh - Kinh Bắc trường tồn và lan tỏa trong đời sống đất Việt hôm nay.

Tác giả cuốn sách - liền chị Nguyễn Thị Minh Hải sinh năm 1960 trên mảnh đất Thị Cầu. Ngay từ nhỏ, được nghe bà, nghe mẹ rồi các cụ nghệ nhân ca Quan họ, Quan họ đã ngấm vào máu thịt của chị Hải như cơm ăn nước uống hằng ngày. Năm 1997, liền chị Nguyễn Thị Minh Hải bắt đầu tìm hiểu và học hát Quan họ. Như một lẽ tự nhiên, ban đầu chỉ là người ngồi nghe các nghệ nhân và liền anh liền chị ca Quan họ rồi chị Hải đã học hát Quan họ rất nhanh.

Tham gia sinh hoạt tại CLB Quan họ Thị Cầu - tiền thân là đội văn nghệ, khi đó CLB chỉ có 10 người, sinh hoạt chưa được bài bản, sôi nổi. Từ đó đến nay, với trách nhiệm của một người con quê hương Thị Cầu, luôn trăn trở làm thế nào để CLB ngày càng phát triển, thu hút được đông đảo thành viên tham gia sinh hoạt, liền chị Nguyễn Thị Minh Hải đã cùng với ban chủ nhiệm đã xây dựng nội quy, quy chế sinh hoạt của từng thành viên. Hàng quý, hàng năm, xây dựng kế hoạch bồi dưỡng cho các cặp đôi đi thi hát Quan họ đối đáp đầu xuân. CLB thành lập Ban truyền dạy, phân công người dạy cho từng lứa tuổi và đối tượng phù hợp.

Năm 2008, trên cương vị là Phó Chủ tịch UBND phường Thị Cầu phụ trách về văn hóa, nhận thấy nếu không mở các lớp truyền dạy cho thế hệ trẻ trên địa bàn thì Quan họ Thị Cầu sẽ đứng trước nguy cơ thất truyền, chị Hải đã xây dựng Đề án truyền dạy Quan họ cổ giai đoạn 2008-2010 tại các khu dân cư trên địa bàn phường. Và sau 3 năm, Quan họ Thị Cầu đã thu hút nhiều hội viên tham gia, số thành viên có vốn Quan họ từ 70 đến 150 bài chiếm 60%, trong đó có nhiều cặp được CLB chọn rèn luyện đi thi Quan họ đầu xuân và đạt giải cao tại hội thi.

Năm 2013, để lan tỏa tình yêu Quan họ đến với thế hệ trẻ, liền chị Nguyễn Thị Minh Hải lại tiếp tục xây dựng Đề án truyền dạy dân ca Quan họ cho thiếu nhi trong dịp hè giai đoạn 2013-2015, được nhân dân và các cháu thiếu nhi tại địa phương tham gia và nhiệt tình hưởng ứng.

Đến nay, để đẩy mạnh phong trào, chị Hải cùng với các hội viên trong CLB Quan họ Thị Cầu thường sinh hoạt đều đặn vào ngày 10 và 30 dương lịch tại nhà chứa, hàng tháng, quý mở canh hát đêm rằm. Việc sinh hoạt đều đặn và mở canh hát mời Quan họ bạn đến giao lưu giúp cho thành viên CLB ngày càng có thêm kinh nghiệm trong kỹ năng hát và học hỏi văn hóa ứng xử trong lối chơi Quan họ của mỗi làng.

Cuốn sách “Quan họ Thị Cầu đi cùng năm tháng”  do Liền chị Nguyễn Thị Minh Hải là Chủ bút

Nếu như ở một số loại hình dân ca khác, việc truyền dạy cho thế hệ trẻ còn gặp nhiều khó khăn thì hiện nay, dân ca Quan họ Bắc Ninh ở phường Thị Cầu nói riêng và TP. Bắc Ninh nói chung lại được đón nhận một cách hào hứng bởi sự tâm huyết của các nghệ nhân cũng như các liền anh, liền chị, cùng niềm yêu thích của thế hệ trẻ. Cuốn sách “Quan họ Thị Cầu đi cùng năm tháng” ra đời là minh chứng cho nỗ lực của các nghệ nhân, liền anh, liền chị, bằng nhiều hoạt động sôi nổi, tích cực để thu hút đông đảo hội viên, đặc biệt là thế hệ trẻ, tham gia tại các CLB Quan họ trên địa bàn. Cuốn sách cũng giúp thế hệ và những người yêu Quan họ của quê hương có thể hiểu thêm về truyền thống văn hóa, lịch sử cùng những giá trị đặc sắc của Quan họ Thị Cầu.   

Dự và phát biểu tại Lễ ra mắt cuốn sách, NSƯT Phạm Xuân Mùi, nguyên Phó Giám đốc Nhà hát dân ca Quan họ Bắc Ninh cho rằng, khi đọc và tìm hiểu kĩ về cuốn sách “Quan họ Thị Cầu  đi cùng năm tháng”, độc giả sẽ được hiểu thêm nhiều điều hay và mới lạ về sinh hoạt văn hóa Quan họ, dân ca Quan họ, về truyền thống văn hóa Quan họ của người Thị Cầu về nét đẹp văn hóa Quan họ nói chung và văn hóa Quan họ Thị Cầu nói riêng trong đời sống xã hội xưa và nay. Cuốn sách được giới thiệu tới bạn đọc sẽ phần nào giúp những người yêu Dân ca Quan họ nói riêng và độc giả nói chung không chỉ hiểu thêm lối chơi của người Quan họ mà quan trọng hơn còn góp phần vào việc bảo tồn và phát huy giá trị Dân ca Quan họ Bắc Ninh trong kho tàng văn hóa Việt Nam.

Là một trong 49 làng Quan họ gốc, Thị Cầu có nhiều thế hệ nghệ nhân nổi tiếng như cụ Sáu Căn, cụ Ba Sơn, cụ Tư La, cụ Cả Vịnh và nhiều nghệ nhân khác… Theo NSƯT Phạm Xuân Mùi, cách chơi Quan họ ở Thị Cầu có những nét đặc trưng riêng. Nam giới Thị Cầu không những có điều kiện chuyên tâm học hành và đi chơi Quan họ mà còn văn hay, chữ tốt, bẻ câu, dẫn chữ tài tình, có kiến thức về các loại hình văn hóa, nghệ thuật như hát Quan họ, hát tuồng, chầu văn, trống quân… đã sáng tác được nhiều bài Quan họ, nhiều giọng mang phong cách riêng.

Không chỉ nổi tiếng bởi Quan họ, ở Thị Cầu, nhiều loại hình nghệ thuật như tuồng, chèo, hát trống quân… cũng phát triển mạnh. Ngày nay, nghề chơi Quan họ được truyền tiếp tới các nghệ nhân như các liền anh Hai Cầu, anh Ba Thiện, anh Hai Bốt, chị Hai Nội, Tư Hoàn... Các thế hệ nghệ nhân Thị Cầu cứ kế tiếp nhau, đều nổi danh chơi Quan họ giỏi và luôn có ý thức "truyền nghề" cho các thế hệ sau, trong số đó có các diễn viên, nhạc công của Đoàn Dân ca Quan họ, nay là Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh.

PV

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều