Khởi sắc ở vùng đồng bào Khmer Nam Bộ

Những ngày trung tuần tháng 4, về Tây Nam Bộ dễ dàng nhận thấy không khí đón Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây 2023 của đồng bào Khmer rộn ràng khắp các phum sóc. Những người anh em dân tộc Kinh, Hoa, Chăm cùng chung vui đón năm mới với đồng bào Khmer càng làm cho lễ hội thêm chan hòa tình đoàn kết cộng cư, an bình, tươi vui, phấn khởi.

Trại nuôi bò sữa của đồng bào Khmer tỉnh Sóc Trăng. (Ảnh NGUYỄN PHONG)

Niềm vui năm mới trọn vẹn hơn khi những thành quả đạt được từ chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đã làm đổi thay tích cực đời sống vật chất lẫn tinh thần của đồng bào Khmer Nam Bộ...

Phum sóc ngày càng văn minh, hiện đại

Những ngày cận Tết Chôl Chnăm Thmây năm 2023, gia đình anh Danh Quốc Cường, 42 tuổi, ở ấp Hòa Hưng, xã Minh Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang vui mừng vì vừa được công nhận thoát khỏi diện hộ nghèo.

Càng mừng hơn khi anh mới được Ban Chỉ đạo Tết quân-dân tỉnh Kiên Giang xây tặng căn nhà trị giá 50 triệu đồng. Vợ chồng anh Cường làm nghề phụ hồ, nhờ ý chí và nghị lực, vợ chồng anh nuôi hai con học lớp 12 và lớp 10. Có thêm nhà mới khang trang như tiếp thêm sức để vợ chồng anh vươn lên trong cuộc sống…

Trong ngôi nhà khang trang của lão nông Tăng Văn Xúa ở xã Hòa Đông, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng, nghe những nông dân Khmer bàn về mô hình nuôi tôm công nghệ cao với doanh thu nhiều khả năng đạt hàng tỷ đồng mỗi năm, chúng tôi không khỏi thán phục.

Ông Xúa là một trong những tỷ phú người Khmer ở Sóc Trăng và là người dân tiên phong hưởng ứng xây dựng nông thôn mới theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, góp phần giúp Vĩnh Châu, thị xã có hơn 70% số dân là đồng bào Khmer, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

“Nông dân ở đây mang ơn Nhà nước đã đầu tư hạ tầng để nghề nuôi tôm địa phương phát triển. Tại các phum sóc của đồng bào Khmer giờ không còn là vùng quê nghèo với nắng bụi, mưa sình, thay vào đó là bộ mặt nông thôn mới ngày càng văn minh, hiện đại”, ông Tăng Văn Xúa bộc bạch.

Đồng chí Lâm Văn Mẫn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng cho biết, thời gian qua, tỉnh đã triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp để phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh nói chung và vùng đồng bào dân tộc Khmer nói riêng, tạo được sự chuyển biến tích cực, toàn diện trên nhiều lĩnh vực.

Sóc Trăng là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số nhất ở đồng bằng sông Cửu Long với gần 36% dân số; trong đó, đồng bào Khmer chiếm hơn 31%. Đến nay, toàn bộ các xã, phường, thị trấn ở Sóc Trăng đã có đường ô-tô đến trung tâm; 100% xã, phường, thị trấn và 100% ấp, khóm có điện lưới quốc gia phục vụ sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh của người dân; tỷ lệ hộ sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 99,65%.

Hiện, Sóc Trăng có 3/10 huyện, thị xã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 63/80 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 14 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm từ 20,86% năm 2016 xuống còn 2,1% năm 2022; trong đó, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc Khmer còn 2,8%.

Sau tám năm đạt chuẩn nông thôn mới, Ngọc Biên, xã có hơn 81% dân số là đồng bào Khmer, thuộc huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh, đang chinh phục bước phát triển mới là xã nông thôn mới nâng cao.

Ông Sơn Sa Lene, ở ấp Tắc Hố, xã Ngọc Biên luôn biết ơn sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào Khmer. Gia đình ông Sa Lene đã tự nguyện hiến khoảng 1.000m2 đất cây ăn trái làm đường nhựa nông thôn, giúp việc đi lại, vận chuyển nông sản của người dân dễ dàng hơn.

Nhờ thực hiện tốt các chính sách phát triển kinh tế-xã hội, giảm nghèo cùng nỗ lực vượt khó vươn lên của người dân, tỷ lệ hộ người Khmer nghèo của tỉnh Trà Vinh đã giảm từ hơn 50% (năm 1992) xuống còn dưới 2% (năm 2022).

Đến nay, Trà Vinh đã hỗ trợ sản xuất, nhà ở cho hơn 41 nghìn hộ theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ; hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho hơn 3.000 hộ; hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm, thực hiện chính sách trợ giá, trợ cước với nguồn kinh phí hàng nghìn tỷ đồng.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn cho biết, năm 2023, tỉnh bố trí hơn 300 tỷ đồng từ các nguồn vốn trung ương và địa phương đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, nhu cầu dân sinh; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện vùng đồng bào Khmer.

Trà Vinh phấn đấu đạt chuẩn tỉnh nông thôn mới trước năm 2025; đến năm 2030, có 60% xã vùng đồng bào Khmer đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; cơ bản không còn huyện, xã, ấp đặc biệt khó khăn.

Tại Kiên Giang, đồng bào dân tộc Khmer chiếm hơn 13% dân số toàn tỉnh. Hiện, Kiên Giang còn 11.868 hộ nghèo, chiếm 2,57% dân số; trong đó, hộ nghèo dân tộc thiểu số là 3.314, chiếm 4,73%. Đến nay, toàn tỉnh có 101/116 xã và 5 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 33 xã thuộc vùng đồng bào dân tộc Khmer.

Năm 2023, lần đầu tiên Tết quân-dân mừng Chôl Chnăm Thmây được tổ chức tại tỉnh Kiên Giang. Dịp này, địa phương trao tặng 24 căn nhà, trị giá 50 triệu đồng/căn cho hộ dân khó khăn về nhà ở; xây dựng sáu cây cầu, hai tuyến đường giao thông nông thôn dài 2.500m; thực hiện tuyến đường hoa, kéo điện thắp sáng đường quê; khám bệnh, tặng quà, trao học bổng, xe đạp cho học sinh vượt khó học tốt...

Chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa

Về dự Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch của đồng bào Khmer Nam Bộ lần thứ VIII và Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng, khu vực đồng bằng sông Cửu Long vừa qua, đông đảo người dân và du khách được đắm mình trong không gian văn hóa đa sắc màu.

Đó là sân khấu Dù Kê, sân khấu Rô-Băm, múa Rom-Vong và tiếng nhạc trầm hùng của dàn ngũ âm là biểu tượng của không gian văn hóa, là tiếng lòng của người dân Khmer Nam Bộ với thần linh, với thiên nhiên và con người. Đó cũng là bốn trong số năm loại hình được công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Tỉnh Sóc Trăng còn có 47 di tích đã được xếp hạng, gồm 8 di tích cấp quốc gia và 39 di tích cấp tỉnh; trong đó, có 10 di tích của dân tộc Khmer.

Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn khẳng định, văn hóa các dân tộc thiểu số là di sản quý giá, góp phần làm nên sự phong phú, đa dạng, thống nhất của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Việc giữ gìn bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc nói chung, đồng bào dân tộc Khmer nói riêng tại Sóc Trăng, là nhiệm vụ chính trị có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng trong thời kỳ hội nhập, phát triển đất nước.

Do vậy, Sóc Trăng đã triển khai hiệu quả nhiều giải pháp nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, góp phần chấn hưng văn hóa, để văn hóa thực sự là “nền tảng tinh thần”, “động lực phát triển” và “soi đường cho quốc dân đi”.

Thời gian qua, lĩnh vực giáo dục và đào tạo ở vùng dân tộc Khmer tại Sóc Trăng không ngừng được đổi mới, góp phần nâng cao trình độ dân trí và chất lượng nguồn nhân lực.

Toàn tỉnh hiện có 348/467 trường công lập đạt chuẩn quốc gia; có 10 trường phổ thông dân tộc nội trú gồm 102 lớp với 3.434 học sinh; có 149 trường tổ chức dạy song ngữ Việt-Khmer với 1.906 lớp, 42.754 học sinh.

Tỉnh có Trường bổ túc văn hoá Pa-li trung cấp Nam Bộ với 155 vị tăng sinh đang tu học; có 816 học sinh đăng ký vào trường dự bị đại học dân tộc. Hoạt động của các chùa Phật giáo Nam tông Khmer và Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Sóc Trăng luôn tạo điều kiện cho các vị sư sãi tu học đạt nhiều tiến bộ.

Tại Trà Vinh, hằng năm tỉnh đều tổ chức liên hoan nghệ thuật quần chúng với chương trình ca, múa, nhạc và thi trình diễn trang phục truyền thống nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, văn nghệ của người dân, góp phần bảo tồn, gìn giữ bản sắc văn hóa đồng bào Khmer Nam Bộ. Tỉnh Trà Vinh vừa tổ chức tuần lễ liên hoan nghệ thuật sân khấu Dù Kê Khmer Nam Bộ lần thứ II năm 2023 với hơn 500 diễn viên của 13 đơn vị nghệ thuật các tỉnh Nam Bộ.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Trí Trắc, Ủy viên Ban Lý luận phê bình - Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, loại hình sân khấu Dù Kê từng bước hòa nhập vào xu thế phát triển nghệ thuật của cả nước.

Các vở diễn của liên hoan lần này hướng đến giá trị chân, thiện, mỹ, mang đậm tính cổ tích và phù hợp với đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng ta. Giá trị tư tưởng, nghệ thuật của các vở diễn góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của đồng bào Khmer Nam Bộ…

Với sự chăm lo của Đảng và Nhà nước, những phum sóc của hơn 1,2 triệu đồng bào Khmer Nam Bộ đã và đang thay da đổi thịt từng ngày, đời sống của người dân ngày càng sung túc hơn. Đồng bào Khmer Nam Bộ vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng, đồng hành cùng cộng đồng các dân tộc đoàn kết xây dựng cuộc sống ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại...

Theo THANH PHONG, MINH KHỞI và QUỐC TRINH/Báo Nhân dân

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều