Một số nội dung về xây dựng và hoạt động của mô hình tự quản cộng đồng vùng đồng bào dân tộc thiểu số các tỉnh Tây Nguyên

(Mặt trận) - Trong phân cấp quản lý hành chính ở nước ta, các khu dân cư (thôn, buôn, bon, làng, bản, tổ dân phố - đơn vị cấp dưới cơ sở, gọi chung là thôn, tổ dân phố) không phải là cấp hành chính, do đó, quản lý cộng đồng khu dân cư thực hiện theo phương thức tự quản. Tự quản cộng đồng là sự tự quản lý của tổ chức trong cộng đồng dân cư dựa trên những quy ước do tổ chức tự xác lập, phục vụ nhu cầu của cộng đồng và không trái với quy định pháp luật của Nhà nước.

Mô hình tự quản cộng đồng ở các địa phương trên cả nước hiện nay khá đa dạng, có thể nhận diện qua các dấu hiệu cơ bản sau:

Về chủ thể và tên gọi của mô hình tự quản gắn liền với một lực lượng, giới, ngành, nhóm cộng đồng nào đó ở khu dân cư. Mục đích xây dựng mô hình tự quản nhằm đáp ứng nhu cầu lợi ích nào đó của chủ thể, bằng việc tự mình giải quyết những vấn đề phát sinh trong cuộc sống, từ kinh tế (giúp nhau làm ăn), đến văn hóa (giữ gìn giá trị truyền thống), xã hội (bảo vệ an ninh trật tự, môi trường)... Cách tổ chức và hoạt động của mô hình tự quản thống nhất ở nguyên tắc tự nguyện, tự quyết, công khai, dân chủ; có phạm vi không gian, lĩnh vực hoạt động nhất định; tuân thủ quy định pháp luật của Nhà nước, hương ước, quy định của khu dân cư, điều lệ, quy định của tổ chức lập ra mô hình.

Hiện nay, các mô hình tự quản còn được tổ chức và duy trì hoạt động dưới sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, quản lý, hỗ trợ từ chính quyền và sự hướng dẫn, hỗ trợ trực tiếp của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp cơ sở.

Các tỉnh khu vực Tây Nguyên hiện có 724 xã, phường, thị trấn (thuộc 62 huyện, thị xã và thành phố thuộc 5 tỉnh: Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum, Gia Lai), với hơn 7.600 thôn, buôn, bon, tổ dân phố, trong đó có gần 2.700 thôn, buôn, bon, tổ có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

Từ lâu, nhiều mô hình tự quản vùng dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên đã được đồng bào tự xây dựng, quản lý và hoạt động phục vụ lợi ích của cộng đồng. Có mô hình hoạt động trải rộng khắp thôn, tổ dân phố, quy tụ được tất cả các hộ gia đình. Có mô hình chỉ gói gọn trong một khu vực hẹp (theo cụm vài chục nóc nhà, theo một con đường, một xóm đạo...). Với gần 600 km biên giới với Lào và Campuchia, đồng bào hai bên biên giới có quan hệ dòng tộc với nhau còn xây dựng các mô hình tự quản.

 Biểu diễn cồng chiêng Tây Nguyên. (Ảnh minh họa -Nguồn Internet)

Kế thừa cơ chế tự quản theo luật tục của thiết chế xã hội truyền thống ở các buôn, bon, làng Tây Nguyên xưa (dưới sự điều hành của những người được cộng đồng tôn vinh như chủ làng, già làng, hội đồng già làng, thầy cúng…), các mô hình tự quản cộng đồng vùng dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên hiện nay cũng có tính tự phát - tự lập, tự tổ chức hoạt động đáp ứng nhu cầu giải quyết công việc, đời sống riêng của những cá nhân, những hộ gia đình trong một khu vực dân cư, trong một dòng họ, một cộng đồng chung dân tộc, tôn giáo...

Trong chiến tranh, nhiều địa bàn bị chia cắt, hoạt động tự quản ở các thôn, làng vùng căn cứ cách mạng, một mặt được chi bộ đảng lãnh đạo, chính quyền cách mạng quản lý, Mặt trận và các hội đoàn thể hướng dẫn, giúp đỡ, mặt khác vẫn bảo lưu đậm nét các quan hệ xã hội theo luật tục, phong tục, tập quán, tín ngưỡng truyền thống.

Khi các tôn giáo du nhập vào Tây Nguyên, hoạt động của đồng bào dân tộc thiểu số vùng có đạo chịu sự chi phối của giáo lý, giáo luật và định hướng của chức sắc, giáo hội, dẫn đến xuất hiện các mô hình tự quản phục vụ nhu cầu tôn giáo, tín ngưỡng. Song song với đó, trên cơ sở đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các chương trình, đề án công tác của các bộ, ngành, địa phương, đoàn thể và nhu cầu của cộng đồng, các tổ chức trong hệ thống chính trị còn trực tiếp định hướng xây dựng và tổ chức các mô hình tự quản cộng đồng mới.

Chủ thể của mô hình tự quản vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên hiện nay, ngoài các cá nhân, hộ gia đình có chung nhu cầu lợi ích, còn bao hàm một hoặc một số tổ chức thành viên của hệ thống chính trị hoạt động trên địa bàn thôn, tổ dân phố.

Các mô hình tự quản không thuần túy phục vụ nhu cầu lợi ích của một nhóm người, nhóm hộ gia đình ở một khu dân cư cụ thể, mà còn đảm đương vai trò tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; triển khai thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động do cấp ủy, chính quyền và Mặt trận phát động góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững; giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ môi trường; thực hiện hòa giải cơ sở; xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở trong sạch, vững mạnh vì lợi ích của Nhân dân. Để giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, các chi hội nông dân, phụ nữ, thanh niên phát động, tập hợp, tuyên truyền, thu hút các đoàn viên, hội viên của mình lập ra các Tổ tự quản, như “Tổ thanh niên tự quản khởi nghiệp”, “Tổ phụ nữ tự quản giúp nhau làm kinh tế”, “Tổ nông dân trồng rau sạch”...

Các mô hình tự quản tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự chịu trách nhiệm, dân chủ, công khai minh bạch, đoàn kết và chấp hành chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, hương ước, quy ước của khu dân cư. Trước khi vào tổ chức, đồng bào được tuyên truyền để nhận thức rõ về mô hình tự quản, qua đó quyết định tham gia làm thành viên có trách nhiệm. Mỗi mô hình tự quản đều có người lãnh đạo (là một hoặc vài người), do các thành viên tín nhiệm cử ra. Các mô hình do các hội, đoàn thể tổ chức xây dựng sẽ phân công cán bộ hội phụ trách, kết hợp với một số người do các thành viên trong mô hình tự quản cử ra. Tuy có định hướng từ các tổ chức của hệ thống chính trị cấp trên, song nhiệm vụ cụ thể và cách thức làm việc đều do các thành viên bàn bạc dân chủ, công khai, đi đến thống nhất thực hiện.

Trên tinh thần đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở, Nghị quyết Trung ương VI (khóa XII) xác định: "Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố dưới sự chủ trì của Mặt trận Tổ quốc và đảm bảo sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, sự quản lý của chính quyền"1. Theo đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và Ban Công tác Mặt trận tại các thôn, tổ dân phố phối hợp cùng các chi hội đoàn thể quần chúng là lực lượng chủ trì xây dựng và tổ chức các mô hình tự quản hoạt động, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy đảng và quản lý của chính quyền cơ sở.

Với phong trào “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động, hoạt động của các mô hình tự quản cộng đồng trở thành một bộ phận của lực lượng toàn dân trong các khu dân cư nhằm xây dựng nếp sống văn minh, bảo vệ an ninh trật tự, an toàn xã hội, phát triển kinh tế, giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc... Một số mô hình tự quản có mối quan hệ gắn liền với nhiệm vụ chính trị đặc biệt của địa phương, được các bộ ngành chức năng triển khai xây dựng, giúp đỡ, tạo điều kiện cả về phương tiện, kinh phí... thì nội dung, phương thức hoạt động tự quản được chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể, dẫn đến chất lượng, hiệu quả thấy rõ. Như mô hình “Tổ tự quản bảo vệ đường biên” do các đơn vị Biên phòng phối hợp triển khai, “Tổ tự quản an ninh trật tự” do ngành Công an phối hợp triển khai...

Một số mô hình tự quản xuất hiện trong những điều kiện, hoàn cảnh đặc biệt như thiên tai, dịch bệnh, được cả xã hội quan tâm, huy động được nhiều lực lượng góp công, góp của, được các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị chỉ đạo, tạo điều kiện hoạt động, mang lại lợi ích cộng đồng rất cao. Như trong những năm dịch bệnh Covid-19 hoành hành, tất cả các thôn, tổ dân phố đều xây dựng “Tổ giám sát Covid cộng đồng”, vừa tuyên truyền, giúp đỡ người dân nâng cao nhận thức, vừa giúp các lực lượng chức năng kiểm soát dịch bệnh… Các mô hình “Phiên chợ 0 đồng”, “ATM gạo”... cũng ra đời từ nhu cầu chia sẻ, đùm bọc, giúp nhau vượt qua khó khăn bởi dịch bệnh.

Với rất nhiều giá trị lợi ích cộng đồng, các mô hình tự quản vùng dân tộc thiểu số thực sự rất cần được xây dựng và phát huy. Song, thực tế còn cho thấy hoạt động của mô hình tự quản có không ít vướng mắc, bất cập, như: Mô hình tự quản là tổ chức tự nguyện, tự chủ, gắn với nhu cầu của cộng đồng, nên cần tính tự giác của các thành viên. Không ít mô hình có sự trùng lặp về nội dung (một việc do nhiều mô hình cùng làm), về chủ thể (một chủ thể tham gia nhiều mô hình; một mô hình do nhiều tổ chức chỉ đạo). Ngoài ra, kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, một mặt tạo động lực, điều kiện cho các thành viên trong mô hình tự quản triển khai hoạt động, song do kinh phí không nhiều và không phải ở đâu, lúc nào cũng được hỗ trợ, dẫn đến tư tưởng ỉ lại, làm giảm đi giá trị tự chủ, tự nguyện của mô hình tự quản.

Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 chỉ rõ: “Các chương trình mục tiêu quốc gia được triển khai thực hiện có hiệu quả, góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa”. Để tổ chức thực hiện Nghị quyết, gắn với mục tiêu xây dựng mô hình tự quản cộng đồng vùng dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, cần thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, vấn đề của Tây Nguyên trước hết phải được chính những người dân Tây Nguyên chung tay, tự chủ giải quyết dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng và quản lý của chính quyền cơ sở. Để phát huy tiềm năng lao động, truyền thống cố kết cộng đồng của đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên, đồng thời hạn chế tình trạng một bộ phận “trông chờ, ỷ lại” vào Nhà nước, các mô hình tự quản cần được xây dựng và phát huy ở tất cả các thôn, tổ dân phố, nhất là các buôn, làng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Cần quán triệt sâu sắc tinh thần Nghị quyết 23-NQ/TW, xem “buôn làng là một bộ phận rất quan trọng và là địa bàn chủ yếu ở cấp cơ sở ở Tây Nguyên” để tuyên truyền nâng cao nhận thức, triển khai sâu rộng yêu cầu nhiệm vụ: “phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể nhân dân và vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng; đẩy mạnh hoạt động của các mô hình tự quản tại cộng đồng ở các cơ sở, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa”2.

Hai là, tổ chức nghiên cứu, đánh giá hiệu quả hoạt động của các mô hình tự quản vùng dân tộc thiểu số theo những tiêu chí cụ thể để có giải pháp về sau, như: kết quả đạt được trên thực tế trong xây dựng các mô hình tự quản cộng đồng (số lượng mô hình tăng hay giảm; Cơ cấu loại hình, phạm vi hoạt động có đa dạng, bao phủ địa bàn, lĩnh vực; Có gắn với mục tiêu kinh tế - xã hội của địa phương; Có phù hợp với khả năng tự quản và nhu cầu lợi ích của đồng bào dân tộc thiểu số?). Qua hoạt động của các mô hình tự quản, mục tiêu kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số có đạt như chỉ tiêu đề ra của Đảng, Nhà nước, của địa phương và sự kỳ vọng của Nhân dân; Tỷ lệ hộ gia đình thoát nghèo nhờ mô hình tự quản giúp nhau phát triển kinh tế; Tình trạng tội phạm, tệ nạn xã hội có giảm; Giá trị văn hóa truyền thống có được gìn giữ và phát huy; Mục tiêu xã đạt chuẩn nông thôn mới có về đích đúng thời gian; Sau đạt chuẩn có giữ được chuẩn; Mức độ hợp lý của chi phí xã hội tạo nên giá trị xã hội từ triển khai mô hình tự quản như thế nào về định lượng (thời gian, nhân lực, tiền bạc, phương tiện, công nghệ…), về định tính (trí tuệ, tâm huyết, niềm tin, sự kỳ vọng…) của hệ thống chính trị, của cộng đồng dân cư…?

Ba là, nâng cao trách nhiệm dân vận của cả hệ thống chính trị theo phương châm “Đảng lãnh đạo, chính quyền tổ chức thực hiện, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể làm nòng cốt để nhân dân làm chủ” - đây là giải pháp cơ bản để mô hình tự quản vùng dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên phát huy hiệu quả tốt nhất. Đó là trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức, kiểm tra, giám sát của cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là ở cấp xã trong tuyên truyền, định hướng trách nhiệm của cả hệ thống chính trị chung tay xây dựng, phát huy vai trò mô hình tự quản; trong chỉ đạo và phối hợp các cấp, ngành xây dựng bộ máy, đội ngũ cán bộ trực tiếp giúp các cộng đồng xác định nội dung, phương thức hoạt động phù hợp; trong nghiên cứu, tổng kết rút kinh nghiệm, đề xuất biện pháp lan tỏa hiệu quả mô hình ở vùng dân tộc thiểu số Tây Nguyên ra cả nước.

 Trách nhiệm của các bộ, ngành, chính quyền địa phương trong xây dựng thể chế để phát huy dân chủ cơ sở, quản lý và hỗ trợ cộng đồng các khu dân cư tự chủ giải quyết vấn đề đời sống thông qua mô hình tự quản; trong hướng dẫn, phối hợp cùng các mô hình tự quản triển khai các đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số.

 Trách nhiệm của Mặt trận cùng các tổ chức thành viên trong chủ trì nhiệm vụ xây dựng và phát huy mô hình tự quản cộng đồng vùng dân tộc thiểu số. Tuyên truyền, động viên, khuyến khích để duy trì và mở rộng mô hình; hướng dẫn nghiệp vụ, kỹ năng tự quản cho ban lãnh đạo mô hình. Phối hợp các cấp, các ngành để đưa các chỉ tiêu, nhiệm vụ, nội dung thuộc các đề án kinh tế - xã hội về triển khai tại địa bàn để tạo điều kiện cho các mô hình hoạt động thiết thực. Nghiên cứu, giám sát, phản biện xã hội để tham mưu, đề xuất, kiến nghị các cấp ủy đảng, chính quyền về công tác dân vận gắn với xây dựng và phát huy mô hình tự quản cộng đồng nhằm góp phần phát triển bền vững các vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên.

Chú thích:

1. Ban Chấp hành Trung ương: Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 về Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

2. Nghị quyết 23-NQ/TW ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Trương Thị Bạch Yến - Tiến sĩ Học viện Chính trị khu vực III

Lê Công Kỷ - Thạc sĩ, cơ quan Thường trực Ban Dân vận Trung ương tại Đà Nẵng

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều