Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các lực lượng trong xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc

(Mặt trận) - Thời gian qua, lực lượng Công an tỉnh Lào Cai đã phối hợp với Ủy ban MTTQ và các tổ chức thành viên, lực lượng dân quân tự vệ, các ban, ngành, đoàn thể có liên quan trong tỉnh tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo thực hiện các nghị quyết, chương trình, kế hoạch phối hợp liên tịch, liên ngành nhằm đẩy mạnh thực hiện phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Kết quả phong trào đã góp phần nâng cao nhận thức và huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm, phòng chống cháy nổ, tai nạn giao thông...

Từ đánh giá kết quả công tác phối hợp giữa lực lượng Công an với Ủy ban MTTQ và các tổ chức đoàn thể trong xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn tỉnh Lào Cai, tác giả đã đưa ra một số giải pháp nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác phối hợp xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc giữa lực Công an với Ủy ban MTTQ và các tổ chức đoàn thể trong thời gian tới.

Đồng chí Lưu Hồng Quảng tại Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống lực lượng xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và tuyên dương những điển hình tiên tiến trong công tác phối hợp xây dựng phong trào. ảnh: ANTV

Lào Cai là tỉnh vùng cao biên giới, nằm chính giữa vùng Đông Bắc và vùng Tây Bắc của Việt Nam, trên trục hành lang kinh tế Côn Minh -  Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; phía Bắc giáp tỉnh Vân Nam - Trung Quốc với đường biên giới dài 182,086km. Là địa bàn chiến lược, trọng điểm về an ninh quốc phòng (ANQP), có nhiều dân tộc cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 64,2%, đa dạng về tập quán sinh hoạt, tín ngưỡng tôn giáo, do đó công tác xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ) có vai trò rất quan trọng nhằm tập hợp, thu hút sức mạnh của đông đảo quần chúng nhân dân tham gia giải quyết những yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự (ANTT) góp phần xây dựng thế trận an ninh nhân dân, củng cố nền quốc phòng toàn dân, phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Thời gian qua, lực lượng Công an đã triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình phối hợp số 09/CTr-BCA-MTTW giữa Bộ Công an và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về “Đẩy mạnh phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ trong tình hình mới”. Lực lượng Công an đã phát huy vai trò nòng cốt, tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo thực hiện các nghị quyết, chương trình, kế hoạch phối hợp liên tịch về công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, bảo vệ biên giới, củng cố, xây dựng hệ thống chính trị và xây dựng lực lượng an ninh cơ sở. Phong trào ANTQ đã được xây dựng hiệu quả, góp phần nâng cao nhận thức và huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị cơ sở và quần chúng nhân dân tham gia đấu tranh, phòng chống tội phạm, phòng chống cháy nổ, tai nạn giao thông...

Từ năm năm 2013-2018, phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã đạt được một số kết quả nổi bật như:

Công tác tuyên truyền vận động đã phát huy hiệu quả, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho lực lượng Công an và Ủy ban MTTQ trong xây dựng phong trào, đồng thời tạo sức lan tỏa, huy động sức mạnh tập thể và các tầng lớp nhân dân tham gia vào sự nghiệp bảo vệ ANTT.

Lực lượng Công an tỉnh Lào Cai đã phối hợp với Ủy ban MTTQ và các thành viên làm tốt công tác tuyên truyền, vận động kết hợp với đấu tranh ngăn chặn các loại tội phạm; tập trung triệt phá các băng ổ nhóm tội phạm hình sự, ma túy... hàng năm tỷ lệ điều tra, khám phá các vụ án có liên quan đến ANTT đạt kết quả cao trên 85%, đã tổ chức hơn 19.183 buổi tuyên truyền vận động với hơn 1.231.883 lượt người tham gia, phát hành trên 1.000 cuốn tài liệu hỏi-đáp về nhiệm vụ giữ gìn ANTT nông thôn, xây dựng 215 chuyên mục, phóng sự, phát hành 1.417 tin, bài, 4.822 cuốn bản tin xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc... qua đó nhân dân đã cung cấp 5.197 nguồn tin có giá trị giúp lực lượng chức năng, điều tra khám phá 2.098 vụ việc, bắt giữ 2.021 đối tượng...

Công tác xây dựng điển hình tiên tiến, mô hình tự quản về ANTT được lực lượng Công an tích cực phối hợp với MTTQ và các cấp, các ngành chỉ đạo thực hiện. Đến thời điểm 7/2018, toàn tỉnh Lào Cai có 56 loại mô hình triển khai tại trên 1.541 điểm, trong đó lực lượng Công an chủ trì xây dựng 36 loại mô hình, triển khai thực hiện tại 581 thôn, bản, tổ dân cư, cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường; Ủy ban MTTQ và các đoàn thể các cấp duy trì 20 loại mô hình được triển khai thực hiện tại 656 khu dân cư; riêng Ủy ban MTTQ tỉnh xây dựng được 50 điểm mô hình tại khu dân cư, trong đó có 14 điểm mô hình về “Khu dân cư đoàn kết an toàn về an ninh, trật tự”; 05 điểm mô hình về “Khu dân cư đoàn kết về bảo vệ chủ quyền lãnh thổ an ninh biên giới Quốc gia...”.  

Công tác đấu tranh với các hoạt động lợi dụng vấn đề tôn giáo, dân tộc, phối hợp giải quyết hoạt động tranh chấp đất đai, đơn thư, khiếu kiện; công tác vận động đối tượng ra đầu thú, công tác quản lý đối tượng; quản lý vũ khí; vật liệu nổ; đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

Lực lượng Công an, Ủy ban MTTQ và các tổ chức thành viên đã phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lào Cai, Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền các cấp triển khai thực hiện đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, tôn giáo, đấu tranh hiệu quả với hoạt động của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, tự do tín ngưỡng để kích động quần chúng chống phá sự nghiệp cách mạng của dân tộc; tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ, bảo vệ an ninh văn hóa tư tưởng, an ninh kinh tế - thông tin, bảo vệ bí mật nhà nước và an ninh mạng; tập trung giải quyết dứt điểm các vụ tranh chấp, mâu thuẫn, khiếu kiện trong nhân dân không để phát sinh “điểm nóng” phức tạp... Công an tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh Lào Cai ban hành Chỉ thị 06/CT-UBND ngày 15/04/2016 về “Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết tình hình tại các địa bàn trọng điểm, phức tạp về ANTT”. Trong 2 năm 2016-2018, UBND tỉnh đã chỉ đạo Công an tỉnh lựa chọn 43 xã phức tạp để thực hiện việc củng, chuyển hóa. Kết quả đạt và vượt mục tiêu số xã đưa ra khỏi diện phức tạp về ANTT (Năm 2016 đưa ra khỏi diện 12 xã, năm 2017 đưa ra khỏi diện 11 xã).

Phong trào”Xây dựng nông thôn mới”, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã được triển khai hiệu quả. Công tác phối hợp giúp đỡ các xã xây dựng nông thôn mới theo quyết định của Uỷ ban nhân dân tỉnh, vận động các tổ chức cá nhân trong và ngoài tỉnh ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” được gần 33 tỉ đồng, hỗ trợ làm mới trên 1.062 ngôi nhà Đại đoàn kết cho các hộ nghèo, hỗ trợ sản xuất, giúp học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập... Việc tổ chức thực hiện “Ngày hội Toàn dân bảo vệ ANTQ”, xây dựng khu dân cư, cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường đạt tiêu chuẩn “An toàn vệ sinh, trật tự” cũng được hai đơn vị chú trọng; công tác phối hợp trong xây dựng lực lượng Công an, Ủy ban MTTQ và các đoàn thể, tổ chức thành viên trong sạch, vững mạnh, gắn bó mật thiết với nhân dân ngày càng hiệu quả. Lực lượng Công an các cấp đã tổ chức 1.192 hội nghị, diễn đàn với 106.728 lượt người tham gia để tiếp xúc, lắng nghe, tiếp thu 2.720 ý kiến đóng góp của nhân dân, qua đó tác phong, lề lối làm việc của cán bộ, chiến sĩ có nhiều chuyển biến tích cực, chủ động hơn trong công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ bảo đảm ANTT...  


Công tác phối hợp lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết tình hình tại các địa bàn trọng điểm, phức tạp về ANTT tại địa bàn Lào Cai trong những năm qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Ảnh: ANTV

Bằng sự quyết liệt và thực hiện đồng bộ giữa hai ngành Công an và MTTQ tỉnh Lào Cai, phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ đã được đẩy mạnh, tạo được sức lan tỏa, được các cấp ghi nhận và đánh giá cao. Đã có 643 cá nhân được Bộ Công an tặng “Kỷ niệm chương bảo vệ ANTQ”; 44 đơn vị được tặng Cờ thi đua xuất sắc của Bộ Công an, Uỷ ban nhân dân tỉnh; 145 tập thể, 110 cá nhân được Bộ Công an và Ủy ban nhân dân tỉnh tặng Bằng khen, 250 cá nhân được Ủy ban MTTQ các cấp khen thưởng.  

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số tồn tại, khó khăn, vướng mắc như: công tác phối hợp giữa các ngành, thành viên trong thực hiện phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc còn có lúc, có nơi chưa chặt chẽ, chưa chủ động triển khai thực hiện nhiệm vụ được phân công theo Chương trình phối hợp. Tình hình an ninh nông thôn còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn định, tình trạng khiếu kiện đông người liên quan đến đền bù, giải phóng mặt bằng, ô nhiễm môi trường, tranh chấp đất đai; tình trạng xuất nhập cảnh trái phép sang Trung Quốc lao động, buôn lậu, gian lận thương mại còn diễn ra; số vụ việc về trật tự xã hội tuy đã giảm song vẫn xảy ra một số vụ án đặc biệt nghiêm trọng như tội phạm ma túy, giết người, hiếp dâm.

Nguyên nhân chủ yếu của những khó khăn, vướng mắc trên là do: nhận thức của một bộ phận cấp ủy, lãnh đạo đơn vị, địa phương còn chưa đầy đủ, xem nhẹ công tác phối hợp giữa các lực lượng trong xây dựng phong trào; chưa nhận thức đầy đủ về âm mưu, phương thức thủ đoạn của các thế lực thù địch xuyên tạc, phá hoại chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng, Nhà nước ta; phương pháp xây dựng chưa đa dạng, bắt kịp xu thế phát triển và phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương... đặc biệt là tại các địa bàn trung du, miền núi, vùng cao biên giới nơi tập trung nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, đa dạng về tín ngưỡng, tôn giáo và địa hình bị chia cắt, hiểm trở như Lào Cai thì việc phối hợp, xây dựng phong trào TDBVANTQ cần phải có biện pháp, cách làm phù hợp.

Trong thời gian tới, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn định, các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động chống phá với âm mưu lựa chọn những địa bàn biên giới, đa dạng về dân tộc, tín ngưỡng tôn giáo và văn hóa xã hội để xuyên tạc, kích động, chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc Việt Nam... Các loại tội phạm xuyên quốc gia như: buôn lậu, ma túy, mua bán người... cũng triệt để lợi dụng Lào Cai là địa bàn biên giới, là cửa ngõ kết nối trục hành lang kinh tế Côn Minh -  Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh để hoạt động. Sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh Lào Cai tiếp tục đứng trước những nhiệm vụ nặng nề, khó khăn hơn, do đó cần phải đẩy mạnh xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ để huy động sức mạnh đông đảo của quần chúng nhân dân tham gia bảo vệ ANTT. Để nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa lực lượng Công an với Mặt trận và các đoàn thể trong xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc cần phải có một số giải pháp sau đây:

Một là, cần phải nhận thức rõ và đầy đủ hơn nữa về tầm quan trọng của công tác phối hợp giữa lực lượng Công an với MTTQ và các đoàn thể trong xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức của cán bộ, chiến sĩ Công an và Mặt trận các cấp, nhất là cán bộ lãnh đạo, chỉ huy về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc tăng cường, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của toàn dân trong việc bảo đảm an ninh trật tự, xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ. Công tác bảo đảm an ninh trật tự là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, cần phải huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, trong đó CAND là lực lượng một trong những lực lượng nòng cốt. Đại hội đại biểu Đảng bộ Công an Trung ương lần thứ VI (nhiệm kỳ 2015-2020) đã khẳng định bài học: Chú trọng phối hợp, hiệp đồng chiến đấu với Quân đội nhân dân, các ban, bộ, ngành, đoàn thể địa phương, gắn bó chặt chẽ với nhân dân và thúc đẩy mạnh công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm ANTT. Vì vậy để phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ được phối hợp thực hiện có thể tạo được sức lan tỏa, rộng khắp, huy động được đông đảo quần chúng tham gia vào nhiệm vụ bảo đảm ANTT thì điều tiên quyết trước tiên cần phải nhận thức được vai trò của quần chúng với cách mạng và sự nghiệp bảo vệ ANTT.

Hai là, cần phải đổi mới, phương pháp tiếp cận, xây dựng phong trào để phù hợp và đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ ANTT trong từng thời kỳ cách mạng; phù hợp với  điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của từng địa bàn, từng lĩnh vực cụ thể.

Thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp tuyên truyền phát động phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đồng bào DTTS  trong việc giữ gìn ANTT. Nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ; phát huy tính chủ động, sáng tạo của các ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân để mọi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tự phát huy quyền làm chủ, nêu cao trách nhiệm tự quản, tự bảo vệ... nhất là trong phát hiện, tố giác tội phạm, quản lý, cảm hóa người lầm lỗi và các loại đối tượng tại cộng đồng dân cư.

Lực lượng Công an viên thường xuyên phối hợp chặt chẽ với Mặt trận và các tổ chức đoàn thể địa phương bám sát địa bàn cơ sở, quần chúng ở vùng đồng bào DTTS. Ảnh ANTV

Lực lượng Công an và cần tiếp tục nghiên cứu, nắm vững quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, yêu cầu, nội dung chủ trương của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc, công tác tôn giáo, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, phát triển kinh tế  - văn hóa, xã hội; tiếp tục tăng cường lực lượng xuống cơ sở, làm tốt công tác vận động quần chúng ở vùng đồng bào DTTS để tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ. Tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương phối hợp với các ngành đoàn thể cơ sở, người có uy tín trong tôn giáo, dân tộc thông qua các vị chức sắc tôn giáo, các già làng, trưởng bản... tổ chức lồng ghép tuyên truyền nội dung phòng, chống tội phạm, phòng chống tệ nạn ma túy và tệ nạn xã hội khác để nâng cao nhận thức cho nhân dân, không để thế lực thù địch lợi dụng kích động gây phức tạp tình hình.

Ba là, tổ chức phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ cần theo hướng xã hội hóa ngày càng cao, đa dạng về hình thức, phù hợp với sự chuyển dịch cơ cấu sản xuất trong nền kinh tế của địa bàn, địa phương. Phát triển các hình thức tự quản, tự phòng, tự bảo vệ đến từng gia đình, cộng đồng dân cư, tổ chức quần chúng, cơ quan đơn vị, cơ sở. Phối hợp hướng dẫn cho nhân dân tham gia xây dựng các quy ước, hương ước, tự nguyện ký cam kết không vi phạm pháp luật.

Cần chủ động nắm bắt tình hình, tâm tư nguyện vọng của nhân dân; tập hợp vận động người cao tuổi, các nhân sĩ trí thức, người có uy tín tiêu biểu trong các dân tộc, các chức sắc trong tôn giáo tham gia vào công tác mặt trận và các tổ chức quần chúng làm công tác ANTT.  Cơ quan cấp trên cần hướng dẫn cụ thể lực lượng Công an cấp cơ sở  trong quá trình phối hợp với MTTQ cùng các ngành, đoàn thể, đặc biệt là Ban Tôn giáo - Dân tộc thông qua các vị chức sắc trong các dân tộc, tôn giáo, các già làng, trưởng bản tổ chức lồng ghép tuyên truyền phòng, chống tội phạm; phòng, chống ma túy, tệ nạn xã hội trong giảng giáo lý để nâng cao nhận thức cho đồng bào.

Bốn là, lực lượng Công an cần thường xuyên thông báo, trao đổi thông tin với Uỷ ban MTTQ và thành viên về tình hình, âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch, các loại tội phạm, chủ trương về công tác đảm bảo ANTT, mục tiêu, yêu cầu của phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ. Thông báo với MTTQ và các tổ chức thành viên ở xã, phường về danh sách, thái độ cải tạo, nguyện vọng của những người đã có hành vi vi phạm pháp luật theo quy định về giáo dục, cải tạo tại xã, phường, thị trấn; những người đang thi hành các hình phạt không giam giữ theo quyết định của bản án hình sự, những người hết hạn tù, hết hạn giáo dục tại các cơ sở giáo dục.

Năm là, tiếp tục làm tốt công tác thi đua - khen thưởng, động viên và khích lệ những điển hình tiên tiến có thành tích xuất sắc trong công tác phối hợp xây dựng và thực hiện phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ. Chăm lo xây dựng lực lượng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; xây dựng Ủy ban MTTQ và các tổ chức thành viên trong sạch, vững mạnh, gắn bó mật thiết với nhân dân, có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực chuyên môn, biết phát huy sáng kiến, sự sáng tạo, thể hiện là lực lượng nòng cốt trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ. Quan tâm đào tạo cán bộ cơ sở là người DTTS, nghiên cứu, kiện toàn tổ chức, bố trí đủ lực lượng, thường xuyên bồi dưỡng kiến thức, nâng cao trình độ chính trị, pháp luật, chuyên môn đối với lực lượng chuyên trách làm công tác xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ.

Đại tá, TS. Lưu Hồng Quảng - Giám đốc Công an tỉnh Lào Cai

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều