Phát huy sự nỗ lực của người khuyết tật tham gia hoạt động xã hội

Đảng và Nhà nước luôn khuyến khích sự tham gia có trách nhiệm của toàn xã hội cũng như phát huy sự nỗ lực của người khuyết tật tham gia vào các hoạt động đời sống an sinh, xã hội.

Các đại biểu cùng đông đảo vận động viên khuyết tật 19 tỉnh thành phố trong cả nước tham gia đi bộ đồng hành tại chương trình chào mừng ngày người khuyết tật Việt Nam (18/4). (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Sáng 16/4, tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Trung tâm Hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường (Bộ Quốc phòng) và Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức chương trình chào mừng Ngày người khuyết tật Việt Nam (18/4) với chủ đề "Thể thao - Hòa nhập - Vươn lên."

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi nhấn mạnh Đảng và nhà nước luôn quan tâm đến công tác người khuyết tật; khuyến khích sự tham gia có trách nhiệm của toàn xã hội cũng như phát huy sự nỗ lực của người khuyết tật tham gia vào các hoạt động đời sống an sinh, xã hội.

Quốc hội đã ban hành Luật Người khuyết tật; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ đã xây dựng hệ thống chính sách, pháp luật về người khuyết tật khá toàn diện, đầy đủ nhằm thúc đẩy cơ hội bình đẳng cho người khuyết tật trong thực hiện các quyền về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.

Điểm lại những kết qua nổi bật trong công tác chăm lo người khuyết tật của toàn xã hội và sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của người khuyết tật trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quan tâm, đảm bảo thực hiện hiệu quả chính sách, pháp luật, quyền, lợi ích hợp pháp đối với người khuyết tật; bảo đảm người khuyết tật có cơ hội bình đẳng, sống độc lập và tích tham gia vào đời sống xã hội.

Các cơ quan chức năng cần tập trung rà soát hoàn thiện pháp luật về người khuyến tật, nhất là cơ chế chính sách cho lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, giáo dục, giáo dục nghề nghiệp, việc làm, văn hóa, thể dục thể thao, giải trí, dụ lịch.

Đồng thời, đơn vị chức năng cần tiếp cận công trình công cộng giao thông, trợ giúp pháp lý, công nghệ thông tin và truyền thông; đẩy mạnh xã hội hóa công tác trợ giúp người khuyết tật, huy động các tổ chức cá nhân và cộng đồng tham gia trợ giúp người khuyết tật.

Các bộ, ngành cần tập trung hướng dẫn địa phương phát triển sân chơi thể dục thể thao dành cho người khuyết tật.

Đông đảo vận động viên khuyết tật 19 tỉnh thành phố trong cả nước tham gia đi bộ đồng hành tại chương trình chào mừng ngày người khuyết tật Việt Nam (18/4). (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Bên cạnh đó, bộ phận chức năng thành lập câu lạc bộ, phát triển môn thể dục thể thao dành cho người khuyết tật tập luyện, thi đấu; hoàn thiện tiêu chuẩn, chế độ, chính sách cho người khuyết tật tham gia thi đấu thể thao trong nước và quốc tế; tập huấn nghiệp vụ chuyên môn huấn luyện viên, trọng tài, bác sỹ, phân loại thương tật cho các vận động viên tham gia thi đấu...

Phát biểu tại buổi lễ, bà Susan Burns, Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại Thành phố Hồ Chí Minh đã ghi nhận nỗ lực của Việt Nam đã ban hành các chính sách toàn diện để bảo vệ người khuyết tật, trong đó có hoạt động chăm sóc và đào tạo, giới thiệu việc làm dành cho người khuyết tật.

Bà Susan Burns cũng đánh giá cao về việc tổ chức sự kiện cho người khuyết tật năm nay; đồng thời chia sẻ nhiều khó khăn, thách thức mà người khuyết tật phải luôn đối mặt.

Tuy nhiên, nhiều người trong số họ đã thành công trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Nổi bật là các vận động viên người khuyết tật Việt Nam đã giành nhiều huy chương vàng ở nhiều kỳ đại hội thể dục thể thao khu vực và trên thế giới.

Bà Susan Burns tin tưởng sẽ có nhiều hoạt động hơn nữa để hỗ trợ người khuyết tật cải thiện chất lượng cuộc sống, thúc đẩy người khuyết tật nỗ lực vươn lên hòa nhập cộng đồng trong thời gian tới.

Tại lễ kỷ niệm, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, đại diện Tổng cục Thể dục Thể thao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trung tâm Hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường (Bộ Quốc phòng) nhấn mạnh lễ kỷ niệm là sự kiện quan trọng về sự phát triển bình đẳng, đem lại hạnh phúc cho người khuyết tật và cũng là dịp để người khuyết tật tự khẳng định bản thân, nỗ lực vươn lên hòa nhập cộng đồng.

Các đại biểu cũng kêu gọi cộng đồng xã hội tiếp tục nâng cao nhận thức trách nhiệm, chung tay chăm lo cho người khuyết tật, tạo điều kiện cho người khuyết tật phát triển tài năng, đam mê thể dục, thể thao, nâng cao sức khỏe, phát triển thể chất, tinh thần hoàn thiện các kỹ năng vận động, tự tin vươn lên, hòa nhập cộng đồng.

Ban tổ chức chính thức phát động phong trào thể dục thể thao đối với người khuyết tật và khai mạc Giải vô địch quốc gia cho người khuyết tật toàn quốc năm 2023.

Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam chia sẻ Việt Nam hiện có trên 7 triệu người khuyết tật, chiếm hơn 7% dân số từ 2 tuổi trở lên. Trong đó, người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng chiếm khoảng 28,9%, khoảng 10% người khuyết tật thuộc hộ nghèo và cận nghèo.

Đến nay, đã có hơn 1,1 triệu người khuyết tật được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng và cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí.

Hệ thống các bệnh viện đa khoa trung ương, tỉnh và huyện đều có khoa phục hồi chức năng.

Có 20 tỉnh, thành phố thành lập được trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập và 107 cơ sở giáo dục chuyên biệt cho trẻ em khuyết tật dạy ngôn ngữ ký hiệu, chữ nổi Brail.

Các đại biểu thực hiện nghi thức phát động tại chương trình chào mừng ngày người khuyết tật Việt Nam (18/4) với chủ đề "Thể thao - Hòa nhập - Vươn lên." (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Hàng năm có khoảng 19.000 người khuyết tật được dạy nghề, tạo việc làm; giới thiệu việc làm cho khoảng trên 20.000 lượt người khuyết tật với tỷ lệ thành công đạt trên 50%.

Khoảng gần 40.000 người khuyết tật được vay vốn Quỹ quốc gia về việc làm với lãi suất ưu đãi...

Các chính sách khác như miễn, giảm giá vé khi tham gia giao thông và vào các khu vui chơi giải trí được các địa phương thực hiện với mức miễn giảm từ 25-100% cho người khuyết tật.

Trong lĩnh vực thể thao, hiện có 35 tỉnh, thành phố tổ chức phong trào thể dục thể thao cho người khuyết tật với nhiều bộ môn thi đấu phù hợp, thu hút hàng ngàn lượt người tham gia.

Hoạt động thể thao của người khuyết tật cũng đã đóng góp không nhỏ vào bảng vàng thành tích chung của thể thao Việt Nam.

Rất nhiều vận động viên là người khuyết tật đã được vinh danh trên các đấu trường thể thao khu vực và quốc tế như vận động viên cử tạ Lê Văn Công, vận động viên điền kinh Cao Ngọc Hùng, Nguyễn Thị Hải...

Tại chương trình, Ban Tổ chức đã khai mạc "Triển lãm ảnh về các hoạt động của người khuyết tật;" đồng thời trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước cho 6 huấn luyện viên, vận động viên; trao tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 9 huấn luyện viên, vận động viên người khuyết tật có thành tích xuất sắc trong tập luyện, thi đấu, mang vinh quang về cho Tổ quốc./.

Các huấn luyện viên, vận động viên nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tại chương trình. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Theo Thanh Vũ (TTXVN/Vietnam+)

 Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/phat-huy-su-no-luc-cua-nguoi-khuyet-tat-tham-gia-hoat-dong-xa-hoi/857465.vnp

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều