Phát huy truyền thống cách mạng, thực hiện tốt lời dạy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, quyết tâm xây dựng tỉnh Quảng Bình ngày càng giàu đẹp

Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị tướng thiên tài, nhà lãnh đạo mẫu mực về đạo đức, nhân cách, có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước, nhân dân, quân đội và bạn bè quốc tế dù đã đi xa, nhưng tên tuổi, công lao và những đóng góp to lớn của ông đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, với phong trào cách mạng thế giới vẫn sống mãi, in đậm trong lòng nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế. Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25-8-1911 - 25-8-2021) là dịp để tôn vinh và tri ân những cống hiến to lớn của ông đối với cách mạng Việt Nam; Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Bình noi gương, quyết tâm thực hiện tốt ước nguyện của Đại tướng về xây dựng tỉnh Quảng Bình ngày càng giàu mạnh.
 Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh _Đồ họa: Linh Đăng
1- Đại tướng Võ Nguyên Giáp sinh ngày 25-8-1911 tại làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình trong một gia đình nhà nho, giàu truyền thống yêu nước. Sinh ra khi đất nước mất độc lập, tự do, nhân dân lầm than, đói khổ vì sự áp bức, bóc lột của thực dân Pháp đã nung nấu, hun đúc trong lòng người thanh niên trẻ tuổi Võ Nguyên Giáp tình yêu quê hương, đất nước. Ngay từ nhỏ, Võ Nguyên Giáp đã bộc lộ tư chất thông minh, giàu nghị lực và ý chí quyết tâm chống Pháp để giành lại độc lập, tự do cho dân tộc.

Nhờ tư chất thông minh và lòng yêu nước, sớm tiếp thu tư tưởng cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và các nhà yêu nước tiền bối, Võ Nguyên Giáp tích cực tham gia các phong trào đấu tranh, bãi khóa ở Trường Quốc học Huế; tham gia Tân Việt Cách mạng Đảng (năm 1927), phong trào Xô-viết Nghệ Tĩnh, tích cực viết báo tuyên truyền xây dựng cơ sở cách mạng trong thanh niên, học sinh. Năm 1940, Võ Nguyên Giáp được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương.

Cũng trong năm 1940, một sự kiện đánh dấu bước ngoặt trong cuộc đời hoạt động cách mạng của ông là việc Võ Nguyên Giáp với bí danh Dương Hoài Nam cùng đồng chí Phạm Văn Đồng được cử sang Trung Quốc gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Trong thời gian ở Trung Quốc, Võ Nguyên Giáp được sống, hoạt động cách mạng gần gũi với lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, được Người chỉ bảo, dìu dắt; có điều kiện học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người; đồng thời, Nguyễn Ái Quốc cũng nhận thấy tài năng, tố chất trong con người Võ Nguyên Giáp.

Sau 30 năm hoạt động ở nước ngoài, đầu năm 1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về Tổ quốc, trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam. Thực hiện Chỉ thị của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, ngày 22-12-1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân được thành lập - đội quân chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đồng chí Võ Nguyên Giáp được Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh ủy nhiệm tổ chức lãnh đạo và chỉ huy. Trên các cương vị là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, thành viên Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc, thành viên Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam, Tư lệnh Việt Nam giải phóng quân, đồng chí đã có những đóng góp quan trọng vào thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đồng chí giữ nhiều cương vị lãnh đạo trong bộ máy nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa: Bộ trưởng Bộ Nội vụ (28-8-1945 - 2-3-1946). Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (từ tháng 10-1946). Tháng 1-1948, đồng chí được phong quân hàm Đại tướng, Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (tháng 2-1951), đồng chí được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954), dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, với cương vị Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, đồng chí cùng Trung ương Đảng lãnh đạo thắng lợi cuộc đấu tranh vũ trang kéo dài chín năm; trực tiếp chỉ huy nhiều chiến dịch quan trọng. Đặc biệt, năm 1954, được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng, trao quyền trực tiếp chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, đồng chí đã chỉ huy các đại đoàn của quân đội và các lực lượng tiến công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, đánh bại đội quân nhà nghề của thực dân Pháp, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ về đình chỉ chiến sự, khôi phục hòa bình ở Đông Dương.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975), đồng chí cùng Trung ương Đảng lãnh đạo toàn dân, toàn quân tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng, bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa và đẩy mạnh cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ xâm lược, làm nên thắng lợi vẻ vang mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

 Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các đồng chí trong Quân ủy Trung ương duyệt phương án tác chiến Chiến dịch Hồ Chí Minh, tại Hà Nội, tháng 4-1975 _Ảnh: TTXVN
Đất nước thống nhất, Đại tướng giữ nhiều trọng trách trong bộ máy Đảng và Nhà nước, là Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Phó Thủ tướng Chính phủ). Ở cương vị nào, Đại tướng cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, có đóng góp lớn vào công cuộc khôi phục, hàn gắn vết thương chiến tranh, phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ Tổ quốc, củng cố quốc phòng - an ninh,...

Có thể khẳng định, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có vai trò, đóng góp to lớn tạo nên nhiều kỳ tích của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX đã trở thành niềm cảm hứng cho cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do, chống chủ nghĩa thực dân của nhiều dân tộc trên thế giới. Không chỉ là một nhà quân sự thiên tài, Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn là một tấm gương sáng về đạo đức cách mạng: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, suốt đời tận tụy phấn đấu, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, luôn đặt lợi ích của Đảng, của đất nước lên trên hết, trước hết; sống gần gũi, gắn bó với nhân dân, được nhân dân kính trọng, yêu mến. Cuộc đời, sự nghiệp và những cống hiến của Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn sống mãi với non sông, đất nước, sống mãi trong lòng nhân dân và bạn bè quốc tế.

2- Cùng với những cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người con chí tình, chí hiếu với quê hương Quảng Bình. Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, dù ở đâu, giữ cương vị nào, Đại tướng cũng luôn hướng về quê hương, dành cho quê hương sự quan tâm đặc biệt, tình cảm sâu nặng, ấm áp, nghĩa tình.

Ngay từ những ngày đầu cách mạng còn non trẻ cũng như trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Đại tướng luôn theo dõi, chỉ đạo kịp thời, động viên, cổ vũ Đảng bộ, quân và dân tỉnh Quảng Bình vượt mọi khó khăn, cùng cả nước quyết tâm chiến đấu và chiến thắng kẻ thù. Trong những ngày đầu đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc (tháng 5-1965), Đại tướng điện thoại chỉ đạo, căn dặn quân và dân tỉnh nhà phải “phối hợp thật tốt; đánh thật tốt; tránh thật tốt; các lực lượng chiến đấu, phục vụ chiến đấu, lực lượng an ninh thì ở lại, còn các cơ quan, xí nghiệp, nhân dân phải sơ tán, tránh mọi tổn thất”. Nhờ sự chỉ đạo đó, quân và dân tỉnh Quảng Bình không bị bất ngờ, đã chủ động đánh thắng ngay từ trận đầu, bắn rơi 4 máy bay của đế quốc Mỹ. Cứ mỗi lần có chiến công, mỗi lần có đoàn đại biểu tỉnh nhà lập được chiến công xuất sắc được ra báo công với Chính phủ, với Bác Hồ là Đại tướng đến động viên, khen ngợi và căn dặn Quảng Bình phải trở thành một tỉnh gương mẫu, đi đầu trong cả nước.

Nước nhà thống nhất, Đại tướng luôn hướng về quê hương với bao trăn trở, lo toan, thường xuyên theo dõi và có hướng chỉ đạo từng bước trong sự nghiệp xây dựng và phát triển của tỉnh nhà. Trong những lần về thăm quê, làm việc với các cấp ủy, tổ chức đảng, ban, ngành, đoàn thể, nói chuyện với nhân dân, qua những bức thư, ý kiến chỉ đạo đều thể hiện tấm lòng, sự mong mỏi, ước vọng, niềm tin của Đại tướng đối với quê hương Quảng Bình, thể hiện trên những vấn đề chủ yếu sau:

Trước hết, Đại tướng yêu cầu, đề nghị các cấp ủy, chính quyền phải luôn quan tâm, chăm lo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Theo Đại tướng, nhân dân là đối tượng đông đảo nhất trong xã hội, cuộc sống hết sức khó khăn. Trong kháng chiến, nhân dân đã một lòng đi theo Đảng, chịu đựng nhiều gian khổ, mất mát, hy sinh. Vì vậy, khi đất nước hòa bình, các cấp ủy, chính quyền phải cố gắng làm sao để bù đắp cho nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Năm 1990, trong lần về thăm quê, sau khi đến thăm khối cơ quan Mặt trận, đoàn thể của tỉnh, Đại tướng dành nhiều thời gian thăm, làm việc, trò truyện với cán bộ Hội Nông dân tỉnh nhà. Đại tướng căn dặn: “Quảng Bình trong chiến tranh là tuyến lửa, bị tàn phá nặng nề. Bây giờ hòa bình rồi, nhưng Quảng Bình lại nằm trong vùng thiên tai khắc nghiệt, cát trắng, gió Lào, nền nông nghiệp phụ thuộc vào tự nhiên, đời sống của bà con vì thế còn rất khó khăn, nghèo khổ. Hội Nông dân phải nỗ lực hơn nữa để vươn lên xây dựng Hội vững mạnh, làm tốt chức năng của mình, vận động bà con nông dân làm tốt thủy lợi, thâm canh các loại cây, con có hiệu quả kinh tế cao để xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu”.

Năm 1992, trong chuyến về thăm quê sau khi tỉnh Quảng Bình trở về địa giới hành chính cũ, Đại tướng làm việc và dành cho lãnh đạo tỉnh những lời tâm sự chân tình: “Muốn ổn định tình hình trước hết phải chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, chăm lo gia đình chính sách, gia đình neo đơn; yêu cầu mỗi huyện, mỗi xã phải kiểm tra lại mức sống của mỗi gia đình để có biện pháp giúp đỡ cần thiết”.

Không chỉ đề nghị, yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp quan tâm, chăm lo đời sống của nhân dân, Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn nhiều lần căn dặn, nhắc nhở nhân dân phải tự mình nỗ lực vươn lên thoát nghèo; ra sức lao động, học tập, sản xuất, kinh doanh để làm giàu chính đáng. Năm 1998, về thăm quê, dù tuổi cao sức yếu, nhưng Đại tướng vẫn ra thăm cánh đồng “thẳng cánh cò bay” của xã Đại Phong, huyện Lệ Thủy. Nói chuyện với bà con nông dân đang thu hoạch lúa, Đại tướng căn dặn: “Phải nỗ lực lao động, sản xuất để giữ cho được danh hiệu “Gió Đại phong” như những năm tháng trong chiến tranh chống Mỹ, cứu nước”.

Thứ hai, Đại tướng luôn căn dặn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Bình phải đặc biệt quan tâm đến phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng tỉnh Quảng Bình ngày càng giàu mạnh. Theo Đại tướng, trong chiến tranh, Quảng Bình đã phải chịu nhiều mất mát, đau thương; do vậy, trong hòa bình, phải vươn lên trở thành một tỉnh gương mẫu, đi đầu trong cả nước. Mỗi lần về thăm và làm việc với tỉnh nhà, điều luôn canh cánh trong lòng Đại tướng là làm sao để Quảng Bình phát triển. Đại tướng yêu cầu lãnh đạo tỉnh phải tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội, chú trọng khai thác và phát huy thế mạnh của địa phương. Đại tướng nhấn mạnh, “muốn đi lên thì phải phát triển kinh tế hàng hóa, xây dựng nền nông nghiệp toàn diện, nếu độc canh, độc nông thì nghèo; nghiên cứu phát triển kinh tế vùng gò đồi. Phải tăng cường kinh tế đối ngoại”. Cùng với đó, Đại tướng nhắc nhở tỉnh cần quan tâm đến giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, chăm lo xây dựng nguồn nhân lực để phát triển bền vững.

Năm 2004, linh cảm đây là chuyến thăm quê cuối cùng, mặc dù đã 93 tuổi, sức khỏe yếu đi nhiều, nhưng Đại tướng vẫn dành nhiều thời gian đi thăm, nói chuyện ở nhiều địa phương, trường học, cơ quan, đơn vị, lực lượng vũ trang. Ở đâu, Đại tướng cũng căn dặn phải đoàn kết, phát huy truyền thống của quê hương “Hai giỏi” (chiến đấu giỏi, sản xuất cũng giỏi), quyết tâm xây dựng tỉnh Quảng Bình thành một tỉnh giàu mạnh, gương mẫu, đi đầu trong cả nước.

 Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm quê hương Quảng Bình (năm 2004) _Nguồn: baoquangbinh.vn
Thứ ba, về xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Đây là vấn đề thường xuyên nhận được sự theo dõi, quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhất là trong các sự kiện lớn, Đại hội Đảng bộ tỉnh nhà. Năm 1992, về thăm quê sau khi tỉnh nhà trở về địa giới cũ, làm việc với lãnh đạo tỉnh, Đại tướng nhấn mạnh: “Phải chăm lo công tác tư tưởng, lãnh đạo phải bảo đảm niềm tin cho nhân dân. Niềm tin bị xói mòn là điều rất không tốt cho lãnh đạo. Cán bộ phải lấy tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà rèn luyện, phấn đấu”.

Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Bình lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2005 - 2010, những lời căn dặn của Đại tướng cũng là những vấn đề mang tính chiến lược và thiết thực đặt ra cho Đại hội xem xét, quyết định: “Tôi mong Đại hội lần này hãy nhìn thẳng vào sự thật, nêu cao tinh thần tự phê bình, phê bình, phát huy dân chủ, bàn bạc để thấy rõ những nguyên nhân, đề ra những chủ trương, giải pháp đúng đắn, sát thực tiễn, tạo nên những chuyển biến mạnh mẽ trong kinh tế - xã hội và xây dựng Đảng. Tỉnh Quảng Bình đã có truyền thống hết sức vẻ vang, trong kháng chiến đã được Bác Hồ khen: “Quảng Bình chiến đấu giỏi, sản xuất cũng giỏi””.

Thực hiện những lời căn dặn của Đại tướng, từ những năm tháng chiến tranh trường kỳ gian khổ cho đến ngày hòa bình lập lại và thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Bình luôn đoàn kết, chung sức, đồng lòng, đổi mới, sáng tạo, tự lực, tự cường đưa sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh nhà ngày một đi lên. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, cao trào “Quảng Bình quật khởi” đã trở thành niềm tự hào, nguồn sức mạnh tinh thần to lớn, cổ vũ quân và dân tỉnh Quảng Bình đoàn kết, chiến đấu kiên cường phá tan thế kìm kẹp của kẻ thù, mở rộng vùng giải phóng, cùng cả nước đưa sự nghiệp kháng chiến toàn dân, toàn diện đi đến thắng lợi, góp phần cùng cả nước đánh bại thực dân Pháp xâm lược, làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nhân dân tỉnh Quảng Bình bắt tay vào khôi phục, phát triển kinh tế. Đây là giai đoạn cả nước biết đến tỉnh Quảng Bình, nơi đã làm nên “Gió Đại Phong”, ngọn cờ đầu của miền Bắc xã hội chủ nghĩa trong sản xuất nông nghiệp. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, vượt lên mưa bom, bão đạn của quân thù, quân và dân tỉnh Quảng Bình đã gan vàng, dạ sắt, quyết tâm “Xe chưa qua, nhà không tiếc/ Đường chưa thông, không tiếc máu xương”, vì mục tiêu cao cả của thời đại “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”.

Sau khi hòa bình lập lại, nhất là từ khi tái lập tỉnh (năm 1989), Quảng Bình phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thử thách, hầu như phải đi lên từ con số không. Kinh tế - xã hội ở vào tình trạng khủng hoảng, kém phát triển, quy mô nền kinh tế nhỏ bé, xuất phát điểm thấp, đời sống, việc làm của nhân dân rất khó khăn. Đến nay, sau 32 năm tái lập tỉnh, hòa mình vào sự nghiệp đổi mới của đất nước, cấp ủy, chính quyền các cấp đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các nghị quyết, kế hoạch, chương trình hành động của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh; đã tích cực chỉ đạo sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư, sản xuất, kinh doanh, đạt nhiều kết quả tích cực. Trong điều kiện có nhiều khó khăn, nhưng nền kinh tế tiếp tục phát triển. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) khá, quy mô kinh tế không ngừng được nâng lên, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực. Tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ 1989 - 2019 đạt 8,2%; trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 5%; khu vực công nghiệp, xây dựng tăng 13,5%; khu vực dịch vụ tăng 8,6%. So với năm 1989, quy mô kinh tế năm 2019 tăng 119 lần; GRDP bình quân đầu người tăng 89 lần.

Đặc biệt, trong 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Quảng Bình đã nỗ lực phấn đấu rất quyết liệt, vượt qua nhiều khó khăn gay gắt, đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng; hoàn thành và hoàn thành vượt mức 18/21 chỉ tiêu chủ yếu của Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra. Kinh tế ổn định và liên tục tăng trưởng; GRDP bình quân 5 năm tăng 6,13%, thể hiện sự nỗ lực rất lớn trong điều kiện sự cố môi trường biển, thiên tai, đại dịch COVID-19; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; du lịch phát triển nhanh, đã khẳng định là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh; kết cấu hạ tầng ngày càng đồng bộ; thu ngân sách đạt khá; xây dựng nông thôn mới đạt kết quả quan trọng. Môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện đáng kể. Quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường được chú trọng. Lĩnh vực văn hóa, giáo dục và đào tạo, y tế, giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm có nhiều chuyển biến tích cực; đời sống nhân dân được cải thiện. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được chú trọng; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên được nâng cao. Hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy chính quyền các cấp được nâng lên. Nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội thường xuyên được đổi mới; khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường. Diện mạo tỉnh nhà từ thành thị đến nông thôn có nhiều đổi mới.

 Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm hỏi cán bộ, chiến sĩ thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Bình, tháng 10-2020 _Ảnh: TTXVN
3- Phát huy những kết quả đạt được, thực hiện tốt lời căn dặn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về xây dựng tỉnh Quảng Bình ngày càng giàu mạnh; thực hiện thắng lợi phương hướng, mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Bình lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược(1), chú trọng đổi mới sáng tạo, huy động và sử dụng mọi nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu đưa Quảng Bình trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực Bắc Trung Bộ; đến năm 2030 phấn đấu xây dựng Quảng Bình trở thành tỉnh phát triển năng động ở khu vực miền Trung; trong thời gian tới, tỉnh Quảng Bình tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:

Thứ nhất, tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên.

Trong xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, lấy công tác cán bộ làm khâu đột phá; đổi mới căn bản, toàn diện và đồng bộ công tác cán bộ. Phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu về nhiệm vụ xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là người đứng đầu có bản lĩnh chính trị vững vàng, có khát vọng, hoài bão và năng lực nổi trội, luôn tìm tòi đổi mới sáng tạo, có sản phẩm cụ thể, uy tín cao, thực hiện tiên phong, gương mẫu, trung thực. Xây dựng các chương trình thu hút cán bộ giỏi, xuất sắc. Hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Đổi mới và tạo sự chuyển biến rõ nét trong công tác cán bộ. Thí điểm đổi mới một số khâu trong quy trình công tác cán bộ; kiểm soát chặt chẽ quyền lực và chống “chạy chức, chạy quyền”. Rà soát, đánh giá, bố trí cán bộ đứng đầu cơ quan, ngành, lĩnh vực trọng yếu bảo đảm đúng tầm, đủ sức chỉ đạo, điều hành nhằm tạo sự bứt phá cho phát triển. Kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những lệch lạc, xử lý nghiêm vi phạm; kiên quyết thay thế cán bộ yếu kém, làm việc cầm chừng, hiệu quả thấp.

Thứ hai, tập trung huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu các ngành, lĩnh vực để đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội.

Để phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững, Quảng Bình cần huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực bên trong và bên ngoài, nhất là nguồn lực ngoài ngân sách; khai thác, phát huy tốt các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; đồng thời, khắc phục những hạn chế, khó khăn. Tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại, như cảng hàng không, tuyến đường bộ cao tốc, các khu kinh tế, khu công nghiệp,...

Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế và các ngành, lĩnh vực có hiệu quả, thực chất; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Theo đó, sẽ cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao. Hình thành sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc trưng. Tập trung phát triển công nghiệp trở thành ngành kinh tế trọng điểm, động lực phát triển. Phát triển mạnh các ngành dịch vụ, đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

 Một góc thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình hôm nay _Ảnh: Tư liệu
Thứ ba, chú trọng xây dựng, phát triển văn hóa, con người; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng, phát triển mạnh mẽ khoa học và công nghệ.

Gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, phát triển kinh tế phải đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân. Thực hiện đồng bộ các chính sách, giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là trong các ngành, lĩnh vực chủ yếu; chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động. Phát triển hệ thống giáo dục và đào tạo trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Chú trọng phát hiện, phát huy nhân tài; đổi mới chế độ tuyển dụng, trọng dụng nhân tài; phát huy có hiệu quả sự đóng góp của các nhà khoa học, chuyên gia giỏi là người Quảng Bình ở trong và ngoài nước. Xây dựng chính sách vượt trội để khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự là động lực chính để tăng trưởng kinh tế.

Thứ tư, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy các cơ quan hành chính của tỉnh và năng lực kiến tạo phát triển; đẩy mạnh cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; tăng cường đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; phát huy dân chủ và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân; đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong toàn xã hội để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội./.

-------------------------

(1) Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Bình lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định bốn khâu đột phá chiến lược, gồm: 1- Phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; 2 - Xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ, từng bước hiện đại; 3- Đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; 4- Phát triển nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng công tác cán bộ

Theo VŨ ĐẠI THẮNG/Tạp chí Cộng sản

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều