Phát huy vai trò của đội ngũ văn nghệ sỹ, trí thức, nhà khoa học với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp to lớn của đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sỹ trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta 90 năm qua.
 

Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư và đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương trao tặng Bằng khen cho các văn nghệ sỹ, nhà khoa học, trí thức tiêu biểu năm 2020.

Trong 90 năm qua, đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ có vai trò quan trọng và đóng góp to lớn với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên nhiều lĩnh vực: Tham mưu hoạch định chủ trương, đường lối, chính sách phát triển; tư vấn, phản biện xã hội; nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; giáo dục và đào tạo; bảo vệ tài nguyên và môi trường; văn hóa, văn nghệ; chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân, trong lĩnh vực báo chí xuất bản, thông tin truyền thông; đối ngoại; quốc phòng, an ninh; đóng góp trong xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh. Nhiều chủ trương, chính sách ưu tiên phát triển đội ngũ đã được Đảng và Nhà nước ban hành. Nhiều giải thưởng quốc gia và việc phong tặng các chức danh khoa học, các danh hiệu cao quý cho trí thức, các nhà khoa học, văn nghệ sĩ,... được thực hiện. Điều đó thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và xã hội khích lệ, động viên to lớn đối với trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ. Cùng với đó, việc tăng cường đầu tư cho giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa và văn nghệ,... đã góp phần phát huy tiềm năng và nội lực của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, nhà khoa học trong hoạt động thực tiễn.

Có thể nhận thấy rằng, đồng cảm, đồng hành với dân tộc trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và trong sự nghiệp đổi mới, là lương tâm, trách nhiệm và phẩm giá cao đẹp của đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sỹ nước nhà. Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta luôn ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp to lớn của đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sỹ trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta 90 năm qua.

Tại Hội nghị gặp mặt đại biểu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sỹ nhân dịp kỷ niệm 90 năm ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng (1/8/1930-1/8/2020) do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức vừa qua, đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sỹ đã chia sẻ nhiều ý kiến tâm huyết nhằm xây dựng nước ta ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như Bác Hồ kính yêu hằng mong ước.

 

Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương trao đổi với giáo sư Nguyễn Anh Trí, nguyên viện trưởng Viện Huyết học truyền máu trung ương, người từng nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh cho cụm công trình "Nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ nhằm đảm bảo an toàn truyền máu, phục vụ cho cấp cứu và đảm bảo đủ máu dự trữ cho điều trị".

Góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước

Bày tỏ sự xúc động và vinh dự được đại diên cho các nghệ sỹ sân khấu tham gia Hội nghị lần này, NSNS. Nguyễn Thị Lan Hương cho biết, được cống hiến, phục vụ cho nhân dân, phục vụ Tổ quốc là trách nhiệm, nghĩa vụ và tình cảm thiêng liêng. Mỗi người nghệ sỹ, trong lĩnh vực nghệ thuật của mình, qua các cuộc kháng chiến và hiện nay trong công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước đã sáng tạo, hoạt động nghệ thuật với sự nghiêm túc, lòng say mê hết mình. Được sống, được hòa mình, được cống hiến trong niềm tin yêu của khán giả, của nhân dân, của cách mạng là lẽ sống, là trách nhiệm công dân của người nghệ sỹ.

Nói riêng về vấn đề sân khấu, NSND. Nguyễn Thị Lan Hương cho rằng, cần phải thẳng thắn nhìn nhận những vấn đề tồn tại. Trong đó, phải kể đến hoàn cảnh kinh tế, nhu cầu, đối tượng khán giả, nhu cầu giải trí, thưởng thức nghệ thuật ngày nay đã thay đổi rất nhiều so với trước đây. Nghệ thuật sân khấu cũng phải đứng trước những nguy cơ như thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực, nguy cơ mất khán giả, nhất là đối với nghệ thuật truyền thống. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống bị mai một, nhiều yếu tố nghệ thuật bị thất truyền. Sự sáp nhập các đoàn nghệ thuật truyền thống một cách cơ học ở nhiều nơi dẫn đến hoạt động của các đoàn nghệ thuật truyền thống kém hiệu quả. Sự khó khăn trong việc đầu tư, dàn dựng, việc chậm đổi mới cách tiếp cận, nội dung, nghệ thuật, cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự sa sút của sân khấu đương đại.

Trước thực trạng còn tồn tại của nền sân khấu, NSND. Nguyễn Thị Lan Hương bày tỏ sự mong muốn các cơ quan chức năng, bộ, ngành và các địa phương quan tâm, có chính sách đầu tư, gìn giữ, phát triển nhất là sân khấu truyền thống như: tuồng, chèo, cải lương, dân ca… Bên cạnh đó, có chính sách đầu tư nhân lực, tạo cơ chế cho nghệ thuật sân khấu hiện đại, có điều kiện phát triển, tìm hướng đi phù hợp, thể hiện được hơi thở của cuộc sống, sự trăn trở, đau đáu của người nghệ sỹ trước các vấn đề nhức nhối của xã hội.

Theo NSND. Nguyễn Thị Lan Hương, chị và các nghệ sỹ của Nhà hát kịch Việt Nam cũng như các đơn vị nghệ thuật khác sẽ kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp, cùng chung tình yêu, trách nhiệm để góp sức xây dựng nền sân khấu Việt Nam giàu truyền thống và hiện đại, để nền sân khấu Việt Nam vượt qua những thách thức, cùng chung sức cống hiến, sáng tạo, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Cùng chung theo suy nghĩ đó, NSƯT. Nguyễn Thị Thanh Loan, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội, chia sẻ, các thế hệ văn nghệ sỹ đã tiếp nối  nhau trong suốt 90 năm qua, bằng sức lao động sáng tạo, sự đam mê của mỗi người nghệ sỹ, có rất nhiều tác phẩm có giá trị đích thực, mang tầm vóc lịch sử đất nước dân tộc, đề cáo giá trị nhân văn, có sức lan tỏa và hội nhập.

“Kể từ bộ phim truyện Việt Nam đầu tiên Chung một dòng sông, đây là một trong hàng trăm tác phẩm điện ảnh đề cao giá trị con người, vừa giản dị, vừa cao cả, hiền hậu nhân ái nhưng cũng rất kiên cường, bất khuất. Chúng tôi luôn tự hào về những dấu son những cột mốc văn học nghệ thuật nói chung và điện ảnh nói riêng. Chúng tôi luôn ghi nhớ và tự hào vì ngành điện ảnh được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký thành lập năm 1953. Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền, anh chị em văn nghệ sỹ luôn đồng hành trên chặng đường 90 năm ngành Tuyên giáo của Đảng, nền văn học nghệ thuật sẽ tiếp nối, gắn liền với lịch sử đất nước và dân tộc trường tồn, phát triển bền vững”.

NSƯT. Nguyễn Thị Thanh Loan cũng khẳng định,  Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII của Đảng về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”, Nghị quyết 33 khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” đã và đang là kim chỉ nam để các văn nghệ sỹ lao động sáng tạo trên cơ sở quan điểm văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Văn học nghệ thuật luôn là mũi nhọn tiên phong trên mặt trận tư tưởng, văn hóa của Đảng và đội ngũ văn nghệ sỹ là những chiến sỹ xung kích, xây dựng các giá trị mới của người Việt Nam, văn hóa Việt Nam trong thời kỳ hội nhập và phát triển.

 Cần đổi mới công tác đào tạo, bố trí, sử dụng đội ngũ trí thức, nhà khoa học theo hướng thiết thực, hiệu quả

Đề cập đế đến vai trò của giáo dục đại học, đặc biệt là khối ngành khoa học kỹ thuật đối với sự phát triển đất nước, GS.TS. Nguyễn Trung Việt, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Thủy Lợi chia sẻ, giáo dục và đào tạo là lĩnh vực có vai trò quan trọng đối với mọi quốc gia, ở mọi thời đại. Trong sự phát triển công nghệ 4.0 hiện nay, giáo dục và đào tạo càng có vai trò quan trọng hơn, bởi nó làm cho “nguồn vốn” về “văn hóa” và “trí thức” của quốc gia được sinh sôi, nảy nở. Đây là 2 yếu tố quan trọng nhất định sự phát triển của đất nước.

Tuy nhiên, GS.TS. Nguyễn Trung Việt vẫn còn những băn khoăn để nước ta có thể tận dụng hiệu quả nhất những cơ hội cuộc cách mạng 4.0 mang lại. Vì vậy, GS.TS. Nguyễn Trung Việt đề xuất, cần ban hành chính sách khoa học công nghệ, nguồn kinh phí phục vụ nghiên cứu để thực sự thu hút và tạo động lực phát triển nhanh, bền vững để các trường đại học, viện nghiên cứu thật sự là nơi đào tạo nguồn nhân lực cao, đáp ứng nhu cầu xã hội. Song song với đó, cần có cơ chế chính sách hỗ trợ ngành đào tạo truyền thống, các ngành đào tạo phục vụ khối công ích khó tuyển sinh như: hỗ trợ học phí, kinh phí đào tạo...

Là một bộ phận cấu thành quan trọng của đội ngũ trí thức Việt Nam, những năm qua, đội ngũ trí thức quân đội đã có sự phát triển mạnh mẽ cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu. PGS.TS. Nhà giáo ưu tú Nguyễn Văn Chung, Phó Hiệu trưởng trường Sỹ quan chính trị, đại diện đội ngũ trí thức quân đội đã đề xuất những giải pháp để đội ngũ trí thức ngày càng tham gia hiệu quả hơn vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Đó là, cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với đội ngũ trí thức. Thực hiện nghiêm túc, đồng bộ cơ chế, chính sách đối với trí thức như: chính sách trọng dụng nhân tài, tạo điều kiện và giao việc làm cho đội ngũ trí thức, phá huy sáng tạo, sử dụng trí thức là người Việt Nam ở nước ngoài và trí thức là người nước ngoài đang ở Việt Nam.

Theo PGS.TS. Nhà giáo ưu tú Nguyễn Văn Chung, cũng cần đổi mới công tác đào tạo, bố trí, sử dụng đội ngũ trí thức theo hướng thiết thực, hiệu quả. Hoạt động đào tạo trí thức phải gắn với nhu cầu và sự vận động của thực tiễn. Việc sắp xếp, bố trí, sử dụng các nhà khoa học, trí thức phải phù hợp với năng lực, sở trường để mỗi cá nhân có điều kiện giải phóng năng lực của bản thân để sáng tạo và cống hiến.

“Việc xây dựng đội ngũ trí thức phải gắn với coi trọng bồi dưỡng đạo đức, trách nhiệm với đất nước, với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hiện nay, trước những tác động tiêu cực của mặt trái xã hội và sự lôi kéo, mua chuộc của các thế lực thù địch, cần coi trọng bồi đắp nhân cách, lý tưởng, trách nhiệm đối với Tổ quốc để hình thành một đội ngũ trí thức đủ mạnh, cùng với các lực lượng trong toàn xã hội góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ cách mạng trong tình hình mới”- PGS.TS. Nhà giáo ưu tú Nguyễn Văn Chung bày tỏ.

Có thể khẳng định, trong bối cảnh tình hình cách mạng mới hiện nay, đất nước có nhiều thuận lợi, thời cơ đan xen với những khó khăn, thách thức, nhiều vấn đề mới đặt ra, đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ phải là đội ngũ tiên phong của đổi mới, sáng tạo, đi đầu trong việc nghiên cứu, ứng dụng, tiếp nhận và chuyển giao các tiến bộ khoa học và công nghệ, trong xây dựng và phát triển văn hóa, văn học, nghệ thuật, tạo động lực quyết định cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước. Đây cũng là trách nhiệm vẻ vang nhưng cũng rất nặng nề, đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức, nhà khoa học cần tiếp tục đồng hành cùng với Đảng, Nhà nước và nhân dân đưa đất nước Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thách thức, vươn lên mạnh mẽ, thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Theo Thu Hằng/Tạp chí Tuyên giáo

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều