Tỉnh Hải Dương với các giải pháp nhằm giải quyết hiệu quả rác thải sinh hoạt

Cùng đà phát triển kinh tế - xã hội, số lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh Hải Dương ngày càng gia tăng tạo áp lực cho công tác bảo vệ môi trường của địa phương. Trước thực trạng trên, tỉnh Hải Dương đã đưa ra các giải pháp nhằm giải quyết hiệu quả “bài toán” rác thải. Bài viết đăng trên Tạp chí Cộng sản.
Hội nghị ký kết Chương trình phối hợp “Chung tay bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Hải Dương, giai đoạn 2020-2022” 
Thực trạng

Theo thống kê sơ bộ, năm qua, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh hiện khoảng 1.071,7 tấn/ngày, đêm. Trong đó, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị phát sinh khoảng 419 tấn/ngày, đêm (152.935 tấn/năm); lượng chất thải rắn sinh hoạt ở khu vực nông thôn khoảng 652,7 tấn/ngày, đêm (238.236 tấn/năm). Đối với khu vực đô thị, tỷ lệ thu gom, vận chuyển tại thành phố Hải Dương đạt khoảng 95%, còn ở các khu vực đô thị khác tỷ lệ thu gom, vận chuyển đạt khoảng 80% - 85%; khu vực nông thôn, tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải đạt khoảng 78,7%, còn lại do các hộ gia đình tự thu gom.

Do lượng rác thải sinh hoạt tại một số nơi trên địa bàn tỉnh chưa được thu gom hết và chôn lấp không đúng quy định, nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và trở thành vấn đề bức xúc. Đối với vấn đề này, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có báo cáo và đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh cho phép Sở phối hợp với đơn vị có đủ chức năng, năng lực để tiến hành điều tra, lấy mẫu phân tích hiện trạng môi trường, xác định quy mô, mức độ ô nhiễm cần phải xử lý tại các điểm chôn lấp rác ở các xã và đánh giá cụ thể để đề xuất các biện pháp xử lý khả thi đảm bảo yêu cầu đối với từng điểm ô nhiễm.

Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh đã rất quan tâm tới công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn, trong thời gian qua, đã ban hành một số cơ chế, chính sách trong công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn, như Quyết định số 2559/QĐ-UBND, ngày 21-9-2016, về việc phê duyệt Đề án “Thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt ở khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2030”; Quyết định số 958/QĐ-UBND, ngày 27-3-2018, của Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt “Quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Hải Dương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; Nghị quyết số 11-NQ/TU, ngày 02-01-2018, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương, về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018 - 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 32/2019/QĐ-UBND, ngày 12-7- 2019, của Ủy ban nhân dân tỉnh quy định mức hỗ trợ từ ngân sách tỉnh cho các địa phương thuộc đối tượng được hỗ trợ vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt từ điểm tập kết tập trung đến cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh…

Với sự ban hành kịp thời cơ chế, chính sách công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt đã đã đạt kết quả, tuy nhiên vần còn nhiều khó khăn, vướng mắc, như nguồn kinh phí ngân sách tỉnh còn hạn chế, đặc biệt là từ năm 2017 tỉnh phải tự cân đối thu chi ngân sách; thiếu công nghệ để đầu tư xử lý rác thải đảm bảo tiết kiệm kinh phí và hiệu quả (hiện nay chủ yếu là công nghệ đốt và chôn lấp). Việc đầu tư nhà máy xử lý chất thải rắn tốn kém kinh phí, thiếu nguồn vốn và khó tìm chủ đầu tư phù hợp để triển khai thực hiện. Hầu hết các bãi chôn lấp rác thải ở khu vực nông thôn trên địa bàn các huyện đều không đảm bảo yêu cầu về  bảo vệ môi trường (khoảng cách an toàn, yêu cầu kỹ thuật...), chủ yếu là bãi chứa tạm thời…

Các công nhân vệ sinh môi trường tiến hành thu gom rác thải tại thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương_Ảnh: Nguyễn Ngọc Hân 
Giải pháp

Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn trong thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai các nhóm giải pháp cụ thể sau:

Thứ nhất, thể chế, chính sách: Tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách về bảo vệ môi trường, trong đó, có cơ chế, chính sách cụ thể để thúc đẩy xã hội hóa công tác thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm giữa các bộ, ngành, địa phương từ Trung ương xuống tới xã, phường, thị trấn; tăng dần tỷ lệ chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước cho bảo vệ môi trường, đặc biệt là tăng tỷ lệ chi cho công tác thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, hỗ trợ việc đầu tư xây dựng các cơ sở xử lý chất thải tập trung; khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư cho công tác thu gom, xử lý chất thải sinh hoạt; thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn vay ưu đãi, vốn hỗ trợ phát triển từ các tổ chức quốc tế và Chính phủ các nước cho thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

Thứ hai, tổ chức thực hiện: Chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả các chiến lược, chương trình, dự án, kế hoạch, quy hoạch đã được ban hành; lồng ghép, phối hợp thực hiện có hiệu quả với các nội dung công việc có liên quan đến công tác bảo vệ môi trường; tăng cường kiểm tra đột xuất, quan trắc chất lượng môi trường định kỳ nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các cơ sở sản xuất kinh doanh, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh khắc phục, phòng tránh các sự cố có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Thứ ba, tăng cường nguồn lực: Tiếp tục tăng cường, củng cố, kiện toàn tổ chức hệ thống quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường từ tỉnh, huyện đến xã; tăng nguồn nhân lực cho công tác bảo vệ môi trường, đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý và  bảo vệ môi trường các cấp (đặc biệt là cấp huyện và cấp xã). Tăng cường công tác tập huấn nâng cao năng lực quản lý, nghiệp vụ chuyên môn nghiệp vụ cho các cán bộ làm công tác quản lý môi trường; Tạo điều kiện bố trí nguồn kinh phí dự phòng phục vụ cho việc quản lý, xử lý những vụ việc ô nhiễm môi trường phát sinh đột xuất cần phải xử lý ngay.

Thứ tư, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường: Không ngừng nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức, giáo dục pháp luật, các điều ước quốc tế liên quan đến bảo vệ môi trường tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động về bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu tới mọi tầng lớp nhân dân. Vận động xây dựng lối sống thân thiện với môi trường, tiêu dùng bền vững, hình thành ý thức bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh trong nhân dân, tiến tới xây dựng xã hội ít chất thải, hài hòa, thân thiện với môi trường.

Thứ năm, đẩy mạnh khoa học kỹ thuật: Nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ môi trường, công nghệ sạch thân thiện môi trường; phát triển các công nghệ xử lý và tái chế, tái sử dụng chất thải; khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh đầu tư thay thế và cải tiến các thiết bị sản xuất thân thiện với môi trường, xây dựng hệ thống xử lý nước thải, khí thải và chất thải rắn đảm bảo quy chuẩn môi trường theo quy định.

Thứ sáu, xây dựng cơ chế ưu đãi và khuyến khích đầu tư: Thu hút các dự án có hàm lượng công nghệ cao, công nghệ sạch, không tiếp nhận các dự án có công nghệ lạc hậu, một số ngành nhạy cảm không thân thiện với môi trường như tái chế phế liệu, mạ cơ khí, luyện kim, sản xuất giấy..../.

Sáng 10/6/2022, tại Tuyên Quang, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức Hội thảo về kinh nghiệm xây dựng mô hình thu gom, phân loại và xử lý rác thải tại nguồn.

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Phùng Khánh Tài đề nghị, việc tổ chức xây dựng mô hình cần phải nghiên cứu, khảo sát, đánh giá đầy đủ tình hình, thực trạng công tác bảo vệ môi trường về nhận thức và hành vi của người dân; điều kiện kinh tế, xã hội; về sản xuất, kinh doanh; phong tục, tập quán, thói quen hằng ngày của cá nhân và hộ gia đình ở cộng đồng dân cư ở các vùng miền khác nhau làm cơ sở xây dựng nội dung, tiêu chí và giải pháp phù hợp để xây dựng mô hình điểm đại diện cho các vùng miền trên cả nước, làm căn cứ để đánh giá mức độ thành công khi tiến hành kiểm tra, nghiệm thu mô hình.

Cùng với đó, phát huy trách nhiệm của mọi thành phần trong cộng đồng dân cư, đặc biệt là vai trò của các cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, chức sắc tôn giáo, người tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số, các vị già làng, trưởng bản, trưởng các họ tộc trong việc xây dựng mô hình.

Trên tinh thần đó, Phó Chủ tịch Phùng Khánh Tài đề nghị, ở Trung ương cần tập trung khảo sát, tổng kết để làm cơ sở xây dựng Đề án triển khai trên phạm vi toàn quốc; đồng thời mong muốn các địa phương ủng hộ cùng tham gia để Đề án có chất lượng và có tính khả thi cao.

NGỌC HÂN

 

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều