Tuyên truyền điển hình tiên tiến trên các tạp chí chính trị ở nước ta hiện nay

(Mặt trận) - Hiện nay, trong hệ thống báo chí cách mạng Việt Nam, các tạp chí chiếm tỷ lệ lớn (612/779 cơ quan báo chí); trong đó, có nhiều tạp chí có cơ quan chủ quản nằm trong hệ thống chính trị, thực hiện công tác tuyên truyền của tổ chức (gọi chung là tạp chí chính trị). Tuy nhiên, việc tuyên truyền điển hình tiên tiến trên báo chí nói chung và các tạp chí chính trị nói riêng vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn cũng như công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước. Những hạn chế, bất cập nói trên đến từ nhiều lý do. Trên cơ sở phân tích lý luận, thực tiễn công tác tuyên truyền điển hình tiên tiến, bài viết nêu một số khuyến nghị để các tạp chí chính trị phát triển đúng hướng, thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền điển hình tiên tiến hiện nay.

Báo chí với nhiệm vụ tuyên truyền điển hình tiên tiến

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra yêu cầu: “Phát triển hiệu quả, lành mạnh hệ thống báo chí, xuất bản, in, phát thanh, truyền hình, đặc biệt là mảng nội dung số...; biểu dương nhân tố tích cực, điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt”1. Đó là sự khẳng định về việc cần tiếp tục thực hiện mạnh mẽ chủ trương đẩy mạnh những thông tin tích cực, tốt đẹp trên các phương tiện thông tin đại chúng để đẩy lùi, tiến tới loại bỏ những thông tin xấu; giúp những nhận thức tích cực lan tỏa trong xã hội và trở thành những hành động cách mạng của toàn Đảng, toàn dân. Nghị quyết của Đảng là sự kết tinh cao độ giữa lý luận và thực tiễn về công tác tuyên truyền, công tác tư tưởng, tuyên truyền điển hình tiên tiến, nền báo chí cách mạng.

Chủ nghĩa Mác - Lênin luôn khẳng định cần phát triển giai cấp, đất nước, tiến lên chủ nghĩa xã hội bằng việc “tổ chức phong trào thi đua”, “trong lĩnh vực chính trị, thi đua dễ thực hiện hơn so với trong lĩnh vực kinh tế, song muốn cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi, thì chính thi đua trong lĩnh vực kinh tế là quan trọng”. Trong phong trào thi đua, sẽ phát hiện những tấm gương, những điển hình, là những nhân tố tích cực: từ các phong trào thi đua ấy luôn xuất hiện những người “có tàì tổ chức, có bộ óc sáng suốt và có bản lĩnh tháo vát...” bất chấp sự hỗn loạn; “... sức mạnh của tấm gương đã có khả năng phát huy tác dụng rộng rãi của nó. Những công xã gương mẫu phải và sẽ đóng vai trò giáo dục, hướng dẫn và thúc đẩy các công xã lạc hậu”. Nhiệm vụ của báo chí là “phải làm công cụ để xây dựng chủ nghĩa xã hội; báo chí phải giới thiệu hết sức tỉ mỉ những thành công của các công xã kiểu mẫu, phải nghiên cứu những nguyên nhân thành công, những phương pháp làm việc và quản lý của các công xã đó; mặt khác, báo chí sẽ đưa lên “bảng đen” những công xã nào cứ khư khư giữ những “truyền thống của chủ nghĩa tư bản” nghĩa là những “truyền thống vô chính phủ, lười biếng, vô trật tự, đầu cơ”. Từ các phong trào thi đua cần phát hiện cho ra những con người điển hình, tấm gương để bồi dưỡng, cất nhắc họ2.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng luôn nhấn mạnh tầm quan trọng to lớn của phong trào thi đua ái quốc: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua, những người thi đua là những yêu nước nhất”. Chủ tịch Hồ Chí Minh coi các cán bộ gương mẫu là những tấm gương cần được lan tỏa; các “sáng kiến và kinh nghiệm” của các chiến sỹ thi đua, các tấm gương cán bộ gương mẫu “là của quý chung của cả dân tộc”. Trách nhiệm của chúng ta là “phải ra sức làm cho nó dồi dào thêm và lan rộng mãi”, “... như những con suối nhỏ chảy vào sông to, những sông to chảy vào bể cả. Không biết quý trọng sáng kiến và phổ biến kinh nghiệm tức là lãng phí của dân tộc”. Người cũng chỉ rõ vai trò của báo chí trong tuyên truyền điển hình tiên tiến: “Các báo chí và văn nghệ phải điều tra tuyên truyền, khen ngợi những ưu điểm và phê bình những khuyết điểm trong việc phổ biến sáng kiến và kinh nghiệm. Đó là một nhiệm vụ vẻ vang của báo chí và văn nghệ thiết thực góp phần vào phong trào thi đua ái quốc”3.

Trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn khẳng định tầm quan trọng của việc báo chí tuyên truyền điển hình tiên tiến. Trong những trang sử thắng lợi vẻ vang của các cuộc kháng chiến giành độc lập, thống nhất đất nước, luôn được điểm tô bới những tấm gương, điển hình tiên tiến, như: Phan Đình Giót, Bế Văn Đàn, Võ Thị Sáu, Tô Vĩnh Diện, Cù Chính Lan, La Văn Cầu, Nguyễn Thị Chiên, Trần Đại Nghĩa, Ngô Gia Khảm... (thời kháng chiến chống Pháp); Trịnh Tố Tâm, Lê Mã Lương, Nguyễn Viết Xuân, Nguyễn Văn Trỗi, Bùi Ngọc Dương, Vũ Xuân Thiều, Đặng Thùy Trâm, Hồ Giáo, 10 nữ thanh niên xung phong hy sinh ở ngã ba Đồng Lộc, 12 nữ chiến sĩ “Tiểu đội thép” anh dũng hy sinh ở Truông Bồn; hay các phong trào “Gió Đại Phong”, “Sóng Duyên Hải”, “Ba sẵn sàng”, “Năm xung phong”, “Ba đảm đang”, “Thi đua Ấp Bắc giết giặc lập công”, “Dũng sĩ diệt Mỹ”, “Tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt”, “Mỗi người làm việc bằng hai, vì miền Nam ruột thịt”,... (thời kháng chiến chống Mỹ).

Xuyên suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng, Nhà nước luôn có những chủ trương, chính sách nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuyên truyền điển hình tiến tiến, coi đây là một nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị; trong đó báo chí đóng vai trò là lực lượng xung kích, chủ lực. Tiêu biểu trong những năm gần đây là: Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 21/5/2004, của Bộ Chính trị về việc tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến; Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 7/4/2014, của Bộ Chính trị (tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 39) tiếp tục khẳng định: “việc phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến phải được coi là nhiệm vụ trọng tâm trong đổi mới phương pháp tổ chức chỉ đạo các phong trào thi đua, bảo đảm thực hiện đồng bộ ở cả bốn khâu: phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến”; Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII yêu cầu nhiệm vụ của các cơ quan báo chí là: chú trọng tuyên truyền những nhân tố tích cực, điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt; và Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định mạnh mẽ như đã nêu.

Vấn đề đặt ra đối với các tạp chí chính trị

Hiện nay, trong hệ thống báo chí cách mạng Việt Nam, các tạp chí chiếm tỷ lệ lớn (612/779 cơ quan báo chí). Với đặc thù nền báo chí cách mạng, trong hệ thống báo chí Việt Nam, nhiều tạp chí có cơ quan chủ quản là các tạp chí thuộc hệ thống chính trị (của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội), sau đây gọi tắt là tạp chí chính trị (khác với tạp chí nghiên cứu về khoa học chính trị). Bên cạnh việc thực hiện các vai trò, chức năng chung của báo chí cách mạng, các tạp chí đồng thời thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền của tổ chức, đoàn thể chủ quản.

Tuy nhiên, dù hệ thống báo chí cách mạng hiện nay đông đảo, đa dạng, phủ kín mọi lĩnh vực nhưng việc thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền điển hình tiên tiến còn nhiều hạn chế, bất cập. Nghị quyết số 16-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X, về công tác tư tưởng, lý luận và báo chí đánh giá: “Một số cơ quan báo chí... phản ánh nhiều về tiêu cực và tệ nạn xã hội, ít tuyên truyền các điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt, cổ vũ phong trào thi đua yêu nước”. Sau nhiều năm thực hiện Nghị quyết số 16, tình hình tuy có được cải thiện nhưng chưa đáp ứng yêu cầu, nhiều cơ quan báo chí tiếp tục chưa chú trọng phát hiện, tuyên truyền, nhân rộng những điển hình tiên tiến.

Đối với hệ thống tạp chí, nhất là tạp chí chính trị, bên cạnh những những hạn chế, bất cập chung của báo chí, còn có tình trạng báo hóa tạp chí về hình thức, báo cáo hóa bài viết về nội dung còn diễn ra. Hạn chế mang tính chất cơ bản nhất là do một số tạp chí chưa định hình được rõ vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ tuyên truyền của mình, từ đó dẫn tới khó khăn trong triển khai thực hiện nhiệm vụ.

Để các tạp chí chính trị thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị tuyên truyền điển hình tiên tiến, cần thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, cần nâng cao nhận thức về tôn chỉ, mục đích, tính chất của tạp chí chính trị. Tạp chí có những khác biệt so với các loại hình báo chí khác; sự phân chia các loại hình báo chí có ý nghĩa để chúng đáp ứng những nhu cầu thị hiếu, khả năng tiếp cận thông tin đa dạng, tương hỗ nhau trong việc tạo ra nhận thức toàn diện, nhiều tầng nấc của độc giả. Về cơ bản, nếu báo in chú trọng đến thông tin thời sự, việc phản ánh sự kiện, hiện tượng nhanh chóng, kịp thời thì tạp chí chú trọng đến việc phân tích, lý giải hoặc cung cấp kho dữ liệu tổng hợp về sự kiện, hiện tượng. Tạp chí chính trị cần tiên phong, gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của báo chí cách mạng, trong đó có nhiệm vụ tuyên truyền điển hình tiên tiến. Đồng thời, cần nhận thức rõ rằng, đã là tạp chí thì cần có tính khoa học. Đối với tạp chí chính trị thì tính khoa học thể hiện ở những phân tích, lý giải bản chất sự kiện, hiện tượng, tổng kết thực tiễn, tham mưu lý luận.

Hai là, cần tuyệt đối tránh việc báo hóa tạp chí trong tất cả các nội dung của tạp chí, bao gồm cả tuyên truyền điển hình tiên tiến. Cần nhận thức rằng, đối với tạp chí, cần nổi bật vai trò: xây dựng, phát triển, nhân điển hình tiên tiến. Độc giả khi tiếp cận bài viết trên tạp chí là muốn có cái nhìn chiều sâu, có tính lý luận, phát hiện ra quy luật, các bài học kinh nghiệm trong nhân điển hình. Tạp chí cũng có thể là nơi phát hiện điển hình tiên tiến như báo in nhưng đó không phải là chức năng, nhiệm vụ và cũng không phải là yêu cầu nội dung của tạp chí. Bài viết tạp chí cần dùng các phương pháp khoa học để trả lời các câu hỏi như tại sao điển hình, điển hình như thế nào, quy luật thành công là gì, các bài học kinh nghiệm rút ra, đề xuất và kiến nghị bằng cách nào phát triển, nhân rộng điển hình...

Ba là, tính khoa học của bài tạp chí còn thể hiện ở hình thức mạch lạc, hấp dẫn. Hiện nay có hai “định kiến” về bài tạp chí chính trị: báo cáo hóa các bài viết và khô khan, khó đọc. Tạp chí khoa học không được phép sử dụng việc biên diễn lại các báo cáo một cách sơ sài; quá trình lao động sáng tạo tác phẩm cần sáng tạo cả về mặt ngôn từ, văn phong. Đồng thời, cần ứng dụng các tri thức, kỹ năng mới trong ngôn ngữ báo chí hiện đại để thiết kế các bài viết hấp dẫn người đọc. Bài viết về điển hình tiên tiến còn có ưu điểm là đề cập tới người thật, việc thật nên có nhiều tư liệu để hấp dẫn người đọc nếu tác giả, biên tập tổ chức thông tin khoa học.

Bốn là, đối tượng của tạp chí tuy hẹp nhưng lại là nhóm công chúng có ảnh hưởng, uy tín trong xã hội. Độc giả của các tạp chí chính trị chủ yếu là cán bộ, đảng viên, trong đó nhiều người là lãnh đạo, quản lý. Họ đọc tạp chí vừa để nâng cao nhận thức, trình độ cá nhân, vừa tìm kiếm các giải pháp công tác. Đặc thù của các tạp chí chính trị cũng là để bồi dưỡng nhận thức chính trị cho cán bộ thuộc lĩnh vực hoạt động của tổ chức, đoàn thể chủ quản. Trong mối quan hệ hai chiều này, một mặt cần nâng cao chất lượng bài viết điển hình tiên tiến đáp ứng nhu cầu độc giả; mặt khác, độc giả cũng cần tự giác đọc, hiểu, ứng dụng làm theo trong thực tiễn, giúp các điển hình tiên tiến thực sự được lan tỏa, nhân rộng.

Chú thích:

1. Xem: https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/ban-chap-hanh-trung-uong-dang/dai-hoi-dang/lan-thu-xiii/bao-cao-danh-gia-ket-qua-thuc-hien-nhiem-vu-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-5-nam-2016-2020-va-phuong-huong-3737.

2. Xem: “Những nhiệm vụ trước mắt của Chính quyền Xô viết”, trong V. I. Lê-nin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, t. 36, tr. 203 - 256.

3. Xem: “Bài nói tại Đại hội các chiến sỹ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc”, trong Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 7, tr. 402 - 410.

Đỗ Minh Hùng

NCS,Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều