Hướng dẫn nội dung hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo

(Mặt trận) - Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 bao gồm 7 dự án, trong đó dự án 2 là đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo.

Theo đó, ngày 25/5/2022, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư số 09/2022/TT-BLĐTBXH hướng dẫn một số nội dung thực hiện đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo và hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

Thông tư quy định rõ đối tượng hỗ trợ của dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo là người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người khuyết tật (không có sinh kế ổn định) trên phạm vi cả nước; người dân sinh sống trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; hộ gia đình, tổ, nhóm hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp và tổ chức, cá nhân có liên quan.

Phương thức hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo thực hiện theo dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo nhiệm vụ, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất đặc thù. Thời gian thực hiện mỗi dự án tối đa 3 năm. Đảm bảo nguyên tắc công khai, dân chủ, bình đẳng giới, có sự tham gia và cam kết của người dân trong việc xây dựng và thực hiện dự án.

 

Người lao động thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo dân tộc thiểu số, hộ nghèo và hộ cận nghèo có thành viên là người có công với cách mạng; người khuyết tật, phụ nữ thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo là đối tượng được ưu tiên hỗ trợ tham gia dự án. Tạo điều kiện để người yếu thế, dễ bị tổn thương, có hoàn cảnh khó khăn được tham gia thực hiện dự án mô hình giảm nghèo. Ưu tiên hỗ trợ dự án mô hình giảm nghèo thực hiện trên địa bàn các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.

Việc hỗ trợ sẽ tập trung vào những nội dung sau: Tập huấn kỹ thuật sản xuất, nghiệp vụ quản lý, năng lực quản lý hợp đồng, quản lý chuỗi và phát triển thị trường; Chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, áp dụng quy trình kỹ thuật trong sản xuất và quản lý chất lượng đồng bộ; Vật tư, nguyên liệu, công cụ, trang thiết bị phục vụ sản xuất, giống cây trồng, vật nuôi; Quảng bá, xúc tiến thương mại cho sản phẩm hàng hóa, dịch vụ; Hỗ trợ chi phí để phân tích các chỉ tiêu an toàn thực phẩm, chi phí thiết lập mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm; Tập huấn kỹ thuật theo nhu cầu của các thành viên tổ nhóm, nâng cao năng lực quản lý và vận hành tổ nhóm; Hỗ trợ cán bộ trực tiếp đến tận hộ gia đình hướng dẫn thực hiện dự án cho đến khi có kết quả; Tổ chức đi thực tế học tập các dự án có hiệu quả giữa các địa phương do thủ trưởng đơn vị quyết định trong phạm vi dự toán được giao; Xây dựng, quản lý dự án.

Ngoài ra, các bước xây dựng, phê duyệt các dự án mô hình giảm nghèo cũng được hướng dẫn cụ thể trong Thông tư. Bộ LĐ-TB&XH đề nghị các bộ, ngành liên quan, UBND các cấp tổ chức kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết, đánh giá, báo cáo định kỳ 6 tháng, hằng năm kết quả thực hiện về Bộ.

Thông tư có hiệu lực thi hành từ 11/7/2022.    

Hải Yến - HQ

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều