|
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh phát biểu khai mạc hội nghị
|
Tham dự Hội nghị có đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam – bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và hơn 200 đại biểu Ủy ban MTTQ Việt Nam 21 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam
Khai mạc Hội nghị, bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhấn mạnh những kết quả, thành tựu của hai Chương trình đã mang lại cũng như những hạn chế chưa làm được cần phải phấn đấu, triển khai tốt hơn nữa trong thời gian tới.
Ngay sau khi Quyết định số 1722/QĐ-TTg ngày 02/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 có hiệu lực, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đãthành lập Ban điều hành dự án thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, do đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam làm trưởng ban, để giúp Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện các nội dung: Thẩm định các dự án của địa phương; quản lý thực hiện dự án theo đúng mục tiêu, tiến độ trong kế hoạch đã được phê duyệt; thực hiện các thủ tục và các công việc phục vụ triển khai dự án; tổ chức kiểm tra, giám sát các địa phương thực hiện dự án; báo cáo kết quả, báo cáo quyết toán các dự án hàng năm...
Gần đây Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 90/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn. Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã ban hành các Kế hoạch để triển khai thực hiện, giám sát thực hiện Chương trình cụ thể. Phối hợp với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị tập huấn kiến thức, nâng cao năng lực xây dựng, quản lý mô hình, dự án giảm nghèo cho cán bộ Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, huyện và xã của các địa phương tham gia Chương trình; phối hợp tổ chức hội nghị tọa đàm về vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia công tác giảm nghèo bền vững cho cán bộ Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, huyện và xã của các địa phương tham gia triển khai dự án.
Việc triển khai Chương trình giảm nghèo đã được sự đồng thuận, đánh giá cao của các địa phương, người dân tham gia dự án; các dự án bước đầu phát huy hiệu quả, góp phần tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo có cơ hội làm ăn kinh tế, giúp tăng thu nhập, cải thiện đời sống, từng bước thoát nghèo, hạn chế tái nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, đặc biệt là nhân dân ở các địa bàn nghèo, miền núi, biên giới...
Tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại trong thực tiễn dẫn đến hiệu quả các dự án, mô hình giảm nghèo không được như mong muốn, như: Việc triển khai dự án giảm nghèo còn mới đối với hệ thống Mặt trận do đó cán bộ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp chưa có kinh nghiệm trong việc triển khai, quản lý các dự án tại địa phương; các văn bản hướng dẫn triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 của các cơ quan chức năng ở Trung ương còn chậm, gây lúng túng, khó khăn cho cán bộ triển khai. Đa số các mô hình giảm nghèo trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp (chăn nuôi và trồng trọt) do đó chịu nhiều tác động của dịch bệnh (dịch bệnh Covid-19 trên người, dịch cúm gia cầm, dịch tả lợn Châu Phi), thiên tai, hạn hán, giá cả không ổn định, bấp bênh... đã ảnh hưởng lớn đến hiệu quả dự án. Đa phần các đối tượng tham gia dự án là các hộ gia đình nghèo, thiếu tư liệu, kinh nghiệm sản xuất. Kinh phí hỗ trợ cho các hộ gia đình còn thấp (tối đa không quá 15 triệu), cho nên hiệu quả giảm nghèo chậm, không cao.
Để nâng cao chất lượng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, tại hội nghị, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh đã đề nghị các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận một số vấn đề như: Giới thiệu dự án nhân rộng mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị trong lĩnh vực nông nghiệp; Giới thiệu tổng quan về dự án Truyền thông và giảm nghèo về thông tin; Giới thiệu về kết quả và kinh nghiệm thực hiện công tác giảm nghèo tại địa phương tỉnh Bình Định.
Trong khuôn khổ chương trình tập huấn, các đại biểu đã được đi thực tế tham quan mô hình sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao tại Bình Thuận.
Hoàng Nhung