Quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia

(Mặt trận) - Ngày 24/6/2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 38/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 27/2022/NĐ-CP quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia: xây dựng nông thôn mới; giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Theo đó, việc "Lập và giao kế hoạch chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 5 năm của quốc gia" (Điều 5) được sửa đổi, bổ sung quy định theo hướng: Việc lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công.

Hỗ trợ hoạt động phát triển sản xuất thuộc Chương trình. Ảnh: Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Định

 Việc lập kế hoạch chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 5 năm của quốc gia được thực hiện sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quyết định đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia; quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia.

Cùng với đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao mục tiêu, nhiệm vụ giai đoạn 5 năm của từng chương trình mục tiêu quốc gia cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền phương án phân bổ, giao kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 5 năm của từng chương trình mục tiêu quốc gia cho các bộ, cơ quan trung ương và tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo quy định Luật Đầu tư công.

Về nguyên tắc quản lý hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc chương trình mục tiêu quốc gia tại Điều 20 nêu rõ:

Hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để thực hiện hoạt động phát triển sản xuất là hỗ trợ có điều kiện; thời gian hỗ trợ theo chu kỳ sản xuất hoặc theo thời hạn đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia. Ưu tiên sử dụng ngân sách nhà nước hỗ trợ các dự án, kế hoạch, phương án, mô hình phát triển sản xuất thực hiện trên địa bàn các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Cùng đó, Nghị định quy định điều kiện hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị là: Dự án, kế hoạch liên kết phải xác định được kết quả về chỉ số tạo việc làm, mức tăng thu nhập, đóng góp phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương theo kế hoạch năm và thời điểm kết thúc dự án. Đơn vị chủ trì liên kết và các đối tượng liên kết phải có hợp đồng hoặc biên bản hợp tác về đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật, cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, tổ chức sản xuất, thu hoạch, sơ chế, chế biến, thu mua, tiêu thụ sản phẩm.                                                                                     

Minh Anh

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều