Áp dụng công nghệ thông tin - giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ nông sản vùng đồng bào dân tộc

Những năm gần đây, việc đẩy mạnh sản xuất, phân phối và tiêu dùng hàng hóa, sản vật của vùng đồng bào DTTS&MN đã đem lại hiệu quả tích cực phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Đặc biệt, với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động sản xuất và thu mua, hình thành được chuỗi cung ứng, tiêu thụ sản phẩm hiện đại, bền vững.

Đồng bào dân tộc thu hoạch nông sản (ảnh minh họa)

Vùng DTTS&MN nước ta thuộc địa bàn 52/63 tỉnh, thành phố, trải rộng từ Bắc đến Nam, từ Tây sang Đông với diện tích gần 250.000km2, chiếm hơn 75% diện tích cả nước. Với lợi thế đó, mỗi địa phương đều sở hữu những nông sản, sản phẩm riêng, đặc trưng cho từng vùng, từng dân tộc. Tuy nhiên, do bất lợi về địa hình, chêch lệch phát triển kinh tế - xã hội vùng miền việc tiêu thụ hàng hóa nông sản, sản phẩm vùng DTTS&MN còn gặp nhiều khó khăn.

Tại nhiều địa phương, các kênh tiêu thụ sản phẩm chủ yếu của người DTTS thông qua thương lái và tự bán lẻ. Trong đó, vai trò của thương lái rất quan trọng, là kênh tiêu thụ chính của nông hộ, có nơi chiếm 60-70% tổng sản phẩm tiêu thụ. Các nông hộ thường lựa chọn bán cho nhà buôn nhiều hơn là các công ty vì đòi hỏi của các nhà buôn với sản phẩm không quá cao, số lượng tiêu thụ lớn, trả tiền ngay khi giao dịch. Các nông hộ không muốn bán cho các công ty thường là do giá thấp và phải bán chịu cho công ty, thời gian nợ dài (có thể lên đến vài tháng).

Một số sản phẩm tươi như thực phẩm, trái cây… có thời hạn sử dụng ngắn, không bảo quản được lâu, nhưng thực tế mất rất nhiều công đoạn và thời gian để đưa sản phẩm từ người sản xuất đến tay người tiêu dùng, điều này khiến cho giá thành sản phẩm cao hơn.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tiêu thụ hàng hoá sẽ thúc đẩy đổi mới và nâng cao hiệu quả trong phát triển nông nghiệp nông thôn ở các vùng này. Đối với người sản xuất, tăng khả năng tiếp cận thông tin về cơ chế, chính sách của Nhà nước và nhu cầu thị trường; quảng bá các đặc sản của địa phương; ứng dụng thương mại điện tử đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu… Khách hàng khi có nhu cầu sẽ dễ dàng tìm kiếm được các sản phẩm, có thể liên hệ trực tiếp với người bán thông qua thông tin được bên bán đăng tải trên sàn giao dịch.

Việc giao dịch trực tuyến giữa người mua và người bán làm giảm bớt chi phí trung gian, tối ưu lợi nhuận. Qua đó, nắm bắt kịp thời nhu cầu và phản ứng của thị trường để tối ưu chiến lược sản xuất, kinh doanh; mở rộng cơ hội tiếp cận, kết nối, hợp tác giữa người sản xuất - người kinh doanh - người tiêu thụ - người cung cấp các dịch vụ kèm theo, tạo thành chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn. Từ đó hình thành một thị trường cạnh tranh lành mạnh, tích cực, thúc đẩy sự học hỏi kỹ thuật, đầu tư công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm và năng lực sản xuất cho doanh nghiệp.

Triển vọng phát triển kinh tế từ thương mại điện tử

 

Quảng bá các sản phẩm dệt thổ cẩm của đồng bào DTTS qua mạng xã hội (ảnh minh họa)

Việc đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử tuy còn mới mẻ đối với vùng đồng bào DTTS&MN, nhưng nó đang dần trở thành cầu nối quan trọng giúp bà con DTTS tiêu thụ sản phẩm hàng hóa. Một số địa phương đã xây dựng trang thương mại điện tử riêng cho từng tỉnh, góp phần hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp sản xuất tiêu thụ sản phẩm của đồng bào trong vùng.

Bắc Kạn đứng thứ 2 cả nước về số lượng sản phẩm OCOP, tuy nhiên các sản phẩm OCOP của tỉnh còn nhiều hạn chế trong tiếp cận thị trường. Nhận thấy thương mại điện tử sẽ là kênh bán hàng quan trọng để các doanh nghiệp, HTX trong tỉnh kết nối đưa sản phẩm đến người tiêu dùng, thời gian qua, tỉnh đã phối hợp với một số đơn vị, doanh nghiệp triển khai xây dựng sàn thương mại điện tử; tập huấn cho các HTX, doanh nghiệp, tổ hợp tác về kỹ năng quảng bá sản phẩm và kỹ năng tham gia các sàn thương mại điện tử như: Shopee, Sendo, Tiki, Voso... Qua đó đưa 56 sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử.

Song song đó, các hoạt động hỗ trợ xây dựng website bán hàng, tiếp thị sản phẩm và giao dịch mua bán được triển khai trên phạm vi rộng hơn, hiệu quả hơn với chi phí tiết kiệm hơn. Nhiều doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất đã đa dạng hóa các kênh bán hàng như website, facebook… như HTX Nông nghiệp Tân Thành, tại bản người Dao Tân Thành, xã Nông Thượng, TP Bắc Kạn chuyên về sản xuất, kinh doanh các sản phẩm từ cây nghệ, đã thành lập trang web để giới thiệu, bán hàng từ năm 2018. Trong thời điểm giãn cách xã hội do dịch bệnh Covid-19, thay vì trực tiếp mang hàng hóa đi giới thiệu, các thành viên của HTX đã đẩy mạnh đưa thông tin sản phẩm lên các trang mạng xã hội, tạo cửa hàng riêng trên các ứng dụng mua bán online, tập trung phát triển sản phẩm online. Nhờ vậy việc tiếp cận khách hàng, mua bán và giao hàng vẫn diễn ra thuận lợi. HTX Thiên An (Bạch Thông), HTX Nông nghiệp Tân Thành (TP. Bắc Kạn)… từ các hoạt động hỗ trợ chuyển đổi số, phát triển thương mại điện tử, đến nay các đơn vị này đã có trang web và sử dụng mạng xã hội để giới thiệu, quảng bá sản phẩm, từng bước đưa sản phẩm vươn ra thị trường.

Hiện nay, Bắc Giang đã có 54 sản phẩm chủ lực đặc trưng và tiềm năng, 180 sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm). Hầu hết các sản phẩm của Bắc Giang đều được áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất như là Global GAP, VietGAP và các chương trình quản lý chất lượng tiên tiến. Do đó đã tạo được thương hiệu riêng và chiếm được niềm tin của khách hàng. Tỉnh Bắc Giang đã hỗ trợ được 40 hợp tác xã và doanh nghiệp mở gian hàng tiêu thụ hàng Việt trên sàn thương mại điện tử. Tổ chức hướng dẫn bà con ngay tại vườn cách làm hình ảnh, tiếp nhận, chốt đơn hàng, cách đóng gói, quy trình vận chuyển hàng đến tay người tiêu dùng và nhận được sự hỗ trợ rất nhiều từ các sàn thương mại điện tử trong quá trình thực hiện. Trên cơ sở đó, Sở Công thương tỉnh đã nghiên cứu và xây dựng các chính sách ứng dụng thương mại điện tử trong giai đoạn 2021 – 2025.

Trong thời gian tới, để thúc đẩy hơn nữa việc tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào DTTS&MN qua các kênh thương mại điện tử, các địa phương cũng như các doanh nghiệp cũng cần có những giải pháp đồng bộ hơn về mặt tổ chức công nghệ và nguồn nhân lực cùng chung tay xây dựng những vùng nguyên liệu hàng hóa tại các khu vực DTTS&MN đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường. Tổ chức đào tạo, tập huấn ngắn hạn cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, người DTTS về thương mại điện tử trên địa bàn theo các lĩnh vực kinh doanh.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền các ứng dụng thương mại điện tử trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản, khuyến khích các cơ sở sản xuất tiêu biểu, hệ thống phân phối uy tín tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử, sử dụng các công cụ trong thanh toán điện tử không dùng tiền mặt.

Hải Yến

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều