Bình Thuận ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng đồng bào DTTS năm 2023

(Mặt trận) - Ngày 20/7/2023, UBND tỉnh Bình Thuận ban hành Kế hoạch số 26144/KH-UBND về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình) năm 2023. 
Bình Thuận đầu tư phát triển  các trường dân tộc nội trú. Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Bình Thuận 

Theo đó, trong năm 2023, UBND tỉnh Bình Thuận sẽ triển khai 10 dự án với các mục tiêu: Tiếp tục đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS; khai thác nâng cao hiệu quả sử dụng quỹ đất nông nghiệp, gắn sản xuất, trồng trọt với đẩy mạnh phát triển chăn nuôi và ngành nghề, dịch vụ, tăng thu nhập, giảm nghèo nhanh, bền vững; phát triển toàn diện giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các DTTS, đầu tư các thiết bị văn hóa, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân; thực hiện bình đẳng giới và giải quyết các vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân; thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh so với bình quân chung của cả nước; Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo phát triển toàn diện dân sinh, kinh tế, xã hội vùng đồng bào DTTS; thực hiện có hiệu quả các Chương trình MTQG.

Về giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt: UBND tỉnh tăng cường thực hiện công tác hỗ trợ đất ở; hỗ trợ nhà ở; hỗ trợ đất sản xuất, chuyển đổi nghề; hỗ trợ nước sinh hoạt (hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán và hỗ trợ nước sinh hoạt tập trung).

Về quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết: Thực hiện đầu tư các Dự án ổn định dân cư tại huyện Hàm Thuận Bắc và huyện Tánh Linh.

Về phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị: Hỗ trợ (giống, vật tư nông nghiệp…) cho các hộ đồng bào sản xuất theo chuỗi giá trị; tập huấn kỹ thuật sản xuất, nghiệp vụ quản lý, quản trị chuỗi giá trị; năng lực tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ; hướng dẫn áp dụng quy trình kỹ thuật, quản lý chất lượng, bảo quản sản phẩm; Thực hiện hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi; hỗ trợ phát triển sản xuất nông lâm nghiệp và thủy sản; Hỗ trợ xây dựng mô hình khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp;  tổ chức các hội chợ, triển khai thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào DTTS…

Về đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi và các đơn vị sự nghiệp công lập của lĩnh vực dân tộc: Đầu tư xây dựng, cải tạo các công trình giao thông nông thôn; kiên cố hóa đường vào khu sản xuất; nâng cấp đường giao thông; công trình đường điện dân sinh  chống xói mòn, sạt lở; nâng cấp, cải tạo kênh nội đồng; kiên cố hóa kênh mương nội đồng; sửa chữa, chỉnh trang các thiết chế văn hóa thể thao…

Về phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực: Đổi mới hoạt động, củng cố phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh ở bán trú và xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào DTTS; Bồi dưỡng, tập huấn, truyền thông, tuyên truyền; Hỗ trợ tài liệu học tập, sách giáo khoa, văn phòng phẩm phát cho người học (01 trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh và 04 trường dân tộc nội trú huyện); đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường DTNT huyện…

Về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch: Bảo tồn lễ hội truyền thống tại các địa phương, khai thác xây dựng sản phẩm phục vụ phát triển du lịch; Tổ chức lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, truyền dạy văn hóa phi vật thể; Hỗ trợ nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể các DTTS có nguy cơ mai một; Xây dựng mô hình văn hóa truyền thống các DTTS và miền núi…

Về chăm sóc sức khỏe Nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em: Tham gia tập huấn, hội nghị, tổng kết do Vụ sức khỏe Bà mẹ trẻ em và Viện dinh dưỡng tổ chức; tổ chức tập huấn, truyền thông, tư vấn cho 7 huyện, 31 xã vùng đồng bào DTTS và miền núi; hỗ trợ khám sức khỏe các xã khu vực III…

Về thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em: Tổ chức tập huấn và vận hành Tổ truyền thông cộng đồng (cấp thôn) - tiếp theo hoạt động năm 2022; thành lập 17 Tổ truyền thông tại cộng đồng (còn lại); xây dựng clip lưu trữ thành tài liệu phục vụ Chương trình/Dự án năm 2023; phát thanh tại 12 xã (12 cuộc/12 tháng); tổ chức phát động Cuộc thi Sáng tác sản phẩm truyền thông nâng cao nhận thức về bình đẳng giới dành cho trẻ em vùng đồng bào DTTS và miền núi…

Về đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn: Tổ chức tập huấn bồi dưỡng, nâng cao năng lực về chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức làm công tác dân tộc tham gia thực hiện dự án; Lắp đặt các cụm panô tuyên truyền tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; Thực hiện công tác tư vấn, can thiệp, chăm sóc sức khoẻ sinh sản, sức khoẻ bà mẹ, dân số kế hoạch hoá gia đình nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Hồng Nhung

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều