Chuyển đổi số và ứng dụng CNTT trong triển khai Chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang

(Mặt trận) - Ngày 11/7/2023, UBND tỉnh Tuyên Quang ban hành Kế hoạch số 152/KH – UBND về chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 (Chương trình) trên địa bàn tỉnh.

Ảnh minh họa - Ủy ban Dân tộc gặp mặt người có uy tín, lực lượng cốt cán tiêu biểu trong đồng bào DTTS tỉnh Tuyên Quang tháng 2/2023. Ảnh: Báo Tuyên Quang.

Với mục tiêu hỗ trợ và nâng cao khả tiếp cận thông tin của người dân, đồng bào DTTS và miền núi đối với các chính sách hỗ trợ của Chương trình trên địa bàn; giúp đồng bào DTTS trong việc tiếp cận thông tin về khoa học công nghệ và quảng bá sản phẩm địa phương cho bạn bè trong và ngoài nước; Tăng cường giao tiếp hai chiều giữa người dân với cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan triển khai Chương trình thông qua các phương thức thông minh, thuận tiện, xóa bỏ các rào cản về khoảng cách; Đổi mới phương thức truyền thông, tổ chức các hoạt động tuyên truyền, truyền thông về Chương trình thông qua nền tảng mạng xã hội, các nền tảng công nghệ số.

Kế hoạch nhằm nâng cao nhận thức và khả năng ứng dụng, sử dụng CNTT và chuyển đổi số cho cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống cơ quan công tác dân tộc ở địa phương; Cán bộ, công chức, viên chức được giao phổ biến giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi; Lãnh đạo tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể ở xã, thôn, bản; Già làng, trưởng thôn, bản, người có uy tín, các chức sắc, chức việc tôn giáo ở vùng đồng bào DTTS và miền núi; Người dân ở vùng đồng bào DTTS và miền núi; Doanh nghiệp, hợp tác xã, các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội hoạt động ở địa bàn vùng đặc biệt khó khăn.

Đồng thời, nâng cao kỹ năng của cán bộ, công chức, viên chức trong ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong triển khai các dự án, tiểu dự án, nội dung hoạt động của Chương trình.

Phấn đấu đến năm 2025: 100% các cơ quan, đơn vị quản lý thực hiện Chương trình từ cấp tỉnh đến cấp xã được chuyển giao và đào tạo chuyển giao, vận hành hệ thống thông tin (HTTT) báo cáo phục vụ kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình, liên thông, kết nối với hệ thống quản lý Chương trình cấp Trung ương và Bộ về cơ sở dữ liệu chuyên gia phục vụ quản lý, chỉ đạo, điều hành và hỗ trợ triển khai Chương trình.

Thiết lập Trang thông tin thành phần Chương trình và diễn đàn đối thoại trực tuyến nhằm tạo môi trường và phương tiện để người dân, đồng bào DTTS và miền núi tiếp cận các thông tin về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, của Chương trình.

100% người có uy tín, đồng bào dân tộc thiểu số nắm được chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; được tiếp cận đầy đủ thông tin về y tế, giáo dục, khoa học công nghệ, thị trường; thông tin an ninh, trật tự để chủ động đảm bảo giữ gìn ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế - xã hội vùng thông qua việc triển khai Kế hoạch;

100% cán bộ quản lý các cấp quản lý, tổ chức triển khai Chương trình được tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức, năng lực về chuyển đổi số, kỹ năng số, công nghệ số; 100% HTTT, Trang thông tin điện tử, diễn đàn và các hệ thống, nền tảng số khác phục vụ quản lý, tổ chức triển khai Chương trình được quản trị, vận hành thường xuyên, chuyên nghiệp, đảm bảo hoạt động ổn định và an toàn thông tin, an ninh mạng;

100% cơ quan thành viên Ban chỉ đạo Chương trình tại địa phương và các huyện, thành phố được nâng cấp trang thiết bị phòng họp trực tuyến, nâng cấp hạ tầng trang thiết bị hệ thống hội nghị truyền hình, kết nối đến hệ thống hội nghị truyền hình của Ban chỉ đạo Chương trình cấp Trung ương trên cơ sở kế thừa, phát triển hạ tầng sẵn có của tỉnh và có đường truyền chuyên biệt phục vụ Hệ thống của Chương trình; ít nhất 30% các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, tập huấn được triển khai trên môi trường số.

100% cơ quan quản lý ngành dân tộc triển khai Kế hoạch được nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin đảm bảo an toàn thông tin và hoạt động ổn định, thông suốt, đáp ứng được yêu cầu trong việc quản lý và tổ chức triển khai.

Đổi mới phương thức truyền thông, tuyên truyền cho Chương trình thông qua việc xây dựng hệ thống truyền thông trên các nền tảng mạng xã hội phổ biến hiện nay như (Facebook, Zalo,...); Từng bước đưa các lễ hội, phong tục tập quán của các DTTS được bảo tồn dưới dạng dữ liệu số, đa phương tiện và được phổ biến, giới thiệu rộng rãi.

Hồng Nhung

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều