Những nỗ lực trong công tác hỗ trợ đất ở, nhà ở cho đồng bào dân tộc thiểu số

(Mặt trận) - Địa bàn cư trú của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở nước ta chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, nhiều khu vực thường xảy ra các trận lũ quét, trượt lở đất khiến việc xây dựng nhà ở rất khó khăn. Việc tìm kiếm đất đai định cư cho đồng bào DTTS cũng gặp rất nhiều trở ngại, đó là những khó khăn trong lựa chọn địa điểm xây dựng và hạn chế về quỹ đất xây dựng.

Để giải quyết tình trạng thiếu nhà ở, đất ở cho đồng bào DTTS và miền núi Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025đã đặt ra trọng tâm hỗ trợ đất ở, nhà ở cho các hộ nghèo DTTS thuộc danh sách các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù.

Nhiều đồng bào DTTS còn ở trong những ngôi nhà tạm bợ, dột nát. Ảnh minh họa 
Hộ nghèo DTTS thuộc danh sách các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù; hộ nghèo có phụ nữ là chủ hộ và là lao động duy nhất, trực tiếp nuôi dưỡng người thân không còn khả năng lao động hoặc chưa đến độ tuổi lao động được ưu tiên hỗ trợ đất ở và nhà ở. Cụ thể, hỗ trợ đất ở căn cứ vào quỹ đất, hạn mức đất ở và khả năng ngân sách, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định giao đất để làm nhà ở cho các đối tượng nêu trên phù hợp với điều kiện, tập quán ở địa phương và pháp luật về đất đai.
Ở những nơi có điều kiện về đất đai, chính quyền địa phương sử dụng số tiền hỗ trợ từ ngân sách để tạo mặt bằng, làm hạ tầng kỹ thuật để cấp đất ở cho các đối tượng được thụ hưởng. Ở các địa phương không có điều kiện về đất đai, chính quyền địa phương bố trí kinh phí hỗ trợ cho người dân tự ổn định chỗ ở theo hình thức xen ghép. Việc giao đất ở phải gắn phương án làm nhà ở trên diện tích đất được giao, tránh tình trạng các hộ được giao đất ở nhưng lại không có nhà ở.

Về việc hỗ trợ nhà ở cho đồng bào DTTS và miền núi bao gồm hỗ trợ xây dựng 01 căn nhà theo phong tục tập quán của địa phương, định mức tính theo xây dựng 01 căn nhà cấp 4 đảm bảo 3 cứng (nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng).

Những năm qua, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các địa phương đã có nhiều nỗ lực để từng bước xóa bỏ nhà ở tạm bợ cho người dân còn nhiều khó khăn. Bằng nhiều hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng, Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đã được triển khai sâu rộng, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả, hướng về khu dân cư, huy động tiềm năng, sức sáng tạo, tinh thần tự nguyện tham gia của Nhân dân để xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Từ năm 2020 đến tháng 6-2022, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp đã vận động người dân hiến gần 250 ha đất, đóng góp trên 1.200 tỷ đồng, trên 70.000 ngày công; xây mới, nâng cấp trên 1.050 km đường giao thông nông thôn, 350 km đường giao thông nội đồng; hỗ trợ hàng trăm hộ nghèo phát triển sản xuất, sủa chữa, xây nhà Đại đoàn kết và nhiều công trình phúc lợi xã hội khác. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có vai trò chủ trì trong vận động, kêu gọi ủng hộ sẽ có thêm nhiều tấm lòng hảo tâm hơn nữa cùng chung tay giúp đỡ những người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội.

Nhiều ngôi nhà Đại đoàn kết đã được bàn giao cho người dân  Ảnh minh họa
Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ký kết hợp tác cùng Tập đoàn Masterise Group triển khai kế hoạch xây dựng 400 căn nhà Đại đoàn kết cho các hộ gia đình nghèo tại các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Trị, Yên Bái, Hà Giang, Kon Tum, Tuyên Quang, Tây Ninh, Quảng Bình. Các địa phương này lựa chọn những gia đình có hoàn cảnh thực sự khó khăn, những hộ gia đình đồng bào DTTS, những khu vực thường xuyên phải chịu ảnh hưởng nặng nề của bão lũ, thiên tai.

Điển hình như tại tỉnh Yên Bái, sau 5 tháng triển khai xây dựng, 5 hộ nghèo được hỗ trợ xây dựng nhà Đại đoàn kết đã vô cùng phấn khởi chuyển tới ngôi nhà mới khang trang. Đối với đồng bào nghèo DTTS, căn nhà Đại đoàn kết được trao tặng không chỉ có ý nghĩa vật chất to lớn mà còn là nguồn cổ vũ, động viên to lớn để các hộ an cư lạc nghiệp, tích cực lao động sản xuất để thoát nghèo, cải thiện cuộc sống.

Xã Lâm Hóa và Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa là 2 xã miền núi đặc biệt khó khăn ở vùng đồi núi phía Bắc tỉnh Quảng Bình, nơi sinh sống chủ yếu của bà con tộc người Mã Liềng. Nơi đây thường xuyên gánh chịu thiên tai, bão lũ, đời sống của bà con dân tộc còn rất khó khăn, hầu hết là hộ nghèo, nhà ở tạm bợ, dột nát… Đặc biệt, cơn bão số 10 trong 2 năm liên tiếp đã khiến nhiều ngôi nhà bị sập hoàn toàn, nhiều gia đình phải sống trong cảnh màn trời chiếu đất, rất cần sự quan tâm hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

 Đồng bào DTTS được hỗ trợ xây dựng nhà ở
Sau khi thống nhất với lãnh đạo huyện Tuyên Hoá và các ban, ngành về kế hoạch triển khai làm nhà; tiến hành khảo sát thực tế tình hình đời sống, sản xuất và nhà ở của bà con DTTS tại địa phương, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Bình đã ban hành hướng dẫn hỗ trợ xây dựng nhà ở cho đồng bào DTTS xã Lâm Hoá và Thanh Hoá, huyện Tuyên Hoá. Trong đó, hướng dẫn cụ thể số lượng, đối tượng được hỗ trợ; tiến độ thực hiện; thiết kế của nhà ở, cách thức tổ chức thực hiện Đề án và lựa chọn nhà thầu xây dựng.

Trong quá trình xây dựng, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã phối hợp với cấp uỷ, chính quyền cấp huyện Tuyên Hóa và 2 xã Lâm Hóa, Thanh Hóa bám sát công trình, đôn đốc, giám sát tiến độ thi công, chất lượng vật liệu xây dựng và quá trình xây dựng nhà ở cho bà con.

Với những địa bàn vùng đồi núi, trong quá trình xây dựng nhà ở cho bà con gặp rất nhiều khó khăn, nhiều lúc phải dùng sức người vận chuyển vật liệu xây dựng, đặc biệt thời điểm thi công thường xuyên xảy ra mưa bão việc thi công càng vất vả hơn. Tuy nhiên, xác định được trách nhiệm, ý nghĩa nhân văn của công trình nên các đơn vị đã tập trung lực lượng, khắc phục điều kiện khó khăn của thời tiết để phấn đấu hoàn thành đúng tiến độ theo kế hoạch.

Thu Giang

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều