Bài 10 - “Virus” trì trệ, chậm trễ cấp sổ đỏ tại quận Bình Tân: Văn phòng UBND TP.HCM tiếp tục đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường xử lý dứt điểm vụ việc

(Mặt trận) - Liên quan đến vụ việc Văn phòng Đăng ký đất đai chi nhánh quận Bình Tân giữ lại Giấy CNQSDĐ trong gần 6 tháng và không trả cho người dân, mới đây, UBND TP.HCM đã có văn bản yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố rà soát, xem xét, xử lý theo thẩm quyền, theo đúng quy định của pháp luật.

Sở TN&MT TP.HCM tại 63 Lý Tự Trọng, phường Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM.

Ngày 20/02/2020, Văn phòng UBND TP.HCM có văn bản số 1212/VP-ĐT gửi Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) yêu cầu Sở này rà soát, xem xét, xử lý theo thẩm quyền, theo đúng quy định của pháp luật đối với việc Văn phòng Đăng ký đất đai chi nhánh quận Bình Tân giữ lại Giấy CNQSDĐ của ông Lê Như Nguyên và bà Lê Kiều Diễm Chi; báo cáo kết quả cho Văn phòng Chính phủ, Tạp chí Mặt trận theo quy định.

Trước đó, Phó Chánh Thanh tra Bộ TN&MT Lê Vũ Tuấn Anh đã ký ban hành văn bản số 58/TTr-TDXLĐT ngày 10/02/2020 gửi Sở TN&MT TP.HCM đề nghị Sở này vào cuộc, kiểm tra, giải quyết đối với vụ việc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai quận Bình Tân giữ lại và không chịu trả Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông/bà Lê Như Nguyên và Lê Kiều Diễm Chi - là chủ sở hữu thửa đất số 402, tờ bản đồ số 44, phường An Lạc, quận Bình Tân theo Giấy chứng nhận số CS13787 do Sở TN&MT TP.HCM cấp ngày 15/8/2019. Đồng thời, Thanh tra Bộ TN&MT còn đề nghị Sở TN&MT trả lời công dân, cũng như thông tin kết quả giải quyết đến Tạp chí Mặt trận và Bộ TN&MT.

Đến nay, mặc dù đã có nhiều văn bản từ Văn phòng UBND TP.HCM, Thanh tra Bộ TN&MT và phóng viên Tạp chí Mặt trận đến liên hệ làm việc trực tiếp, tuy nhiên Sở TN&MT TP.HCM vẫn chưa có thông tin hồi âm chính thức đối với vụ việc gây bức xúc trên.

Như đã thông tin, ngày 18/7/2019, ông/bà Lê Như Nguyên và Lê Kiều Diễm Chi có nộp hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy CNQSDĐ (“sổ đỏ”) số H01551/An Lạc ngày 16/7/2007 do UBND quận Bình Tân cấp bị mất.

Trong khoảng thời gian này, UBND phường An Lạc, quận Bình Tân cũng đã có Biên bản số 3392/BB-UBND về việc cấp lại sổ đỏ thửa đỏ 402 tờ bản đồ 44 (TL-2005), phường An Lạc, quận Bình Tân của ông Nguyên, bà Chi thể hiện, trong thời gian niêm yết, UBND phường An Lạc không nhận được văn bản tranh chấp, khiếu nại hợp lệ nào có liên quan đến khu đất đã công khai cấp lại sổ đỏ nêu trên.

Sau đó, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đã cấp lại sổ đỏ mới số CS13787 ngày 15/8/2019 cho ông Lê Như Nguyên và bà Lê Kiều Diễm Chi.

Ngày 24/9/2019, ông Lê Như Nguyên tiến hành nộp hồ sơ đăng ký biến động thay đổi về nghĩa vụ tài chính (xóa nợ tiền sử dụng đất), đồng thời nộp tiền vào ngân sách số tiền 9,328 tỷ đồng. Thời hạn trả kết quả là ngày 09/10/2019.

Tới ngày 27/9/2019, UBND phường An Lạc bỗng chốc “phủ nhận” kết quả niêm yết trước đó khi có văn bản gửi Văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh quận Bình Tân với nội dung: thửa đất do ông Nguyên và bà Chi sở hữu có tranh chấp và đang được thế chấp thực hiện giao dịch dân sự, đề nghị Văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh quận Bình Tân giữ lại sổ đỏ gốc của Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cấp lại cho ông Nguyên.

Sổ đỏ gốc của thửa đất đã được Sở TN&MT TP.HCM cấp lại nhưng Văn phòng Đất đai chi nhánh quận Bình Tân kiên quyết giữ, không trả cho người dân.

Mặc dù Văn phòng Đăng ký đất đai chi nhánh Bình Tân luôn viện lý do vụ việc đang chờ kết quả điều tra của cơ quan công an để biện minh cho việc “om” sổ đỏ của người dân; tuy nhiên, ngày 22/10/2019, Công an quận Bình Tân đã có văn bản số 3143/CABT-CSKT gửi Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai quận Bình Tân trả lời thông tin tranh chấp dân sự liên quan đến thửa đất 402, tờ bản đồ số 44, phường An Lạc, quận Bình Tân.

Nội dung văn bản nêu rõ ý kiến của cơ quan công an như sau: “Căn cứ chức năng, nhiệm vụ của lực lượng công an trong công tác phòng, chống tội phạm liên quan đến lĩnh vực kinh tế, tham nhũng. Ngày 23/9/2019, Công an quận Bình Tân có xác minh tại UBND phường An Lạc, quận Bình Tân liên quan đến thửa đất 402, tờ bản đồ số 44, phường An Lạc, quận Bình Tân nhằm mục đích điều tra cơ bản, thực hiện yêu cầu nghiệp vụ.

Công an quận Bình Tân chưa có văn bản đề nghị Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai quận Bình Tân ngăn chặn giao dịch đối với thửa đất 402, tờ bản đồ số 44, phường An Lạc, quận Bình Tân.

Do đó đề nghị Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai quận Bình Tân thực hiện theo quy định của pháp luật”.

Xuất phát từ một văn bản của UBND phường An Lạc, UBND quận Bình Tân tiếp tục đẩy vụ việc lên đến cao trào và chuyển một vụ việc dân sự sang cơ quan công an tiếp tục làm rõ, trong khi chỉ trước đó vài ngày Công an quận Bình Tân vừa văn bản Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai quận Bình Tân khẳng định đã thực hiện điều tra cơ bản và chưa có văn bản ngăn chặn giao dịch.

Cụ thể, trong Thông báo nội dung kết luận của Thường trực UBND quận Bình Tân số 1740/TB-UBND ngày 28/10/2019 có nội dung:

“… Giao Giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai quận Bình Tân khẩn trương có thông báo ngăn chặn ngay mọi giao dịch liên quan đến thửa đất số 402, tờ bản đồ số 44 thuộc khu phố 4, phường An Lạc do ông (bà) Lê Như Nguyên và Lê Kiều Diễm Chi đứng tên chủ sử dụng.

Giao Công an quận tiếp nhận hồ sơ và tiến hành điều tra làm rõ hành vi sai phạm của đương sự có liên quan trong việc giả làm đơn cớ mất để xin cấp lại GCN số CS 13787 ngày 15/8/2019 do Sở TN&MT TP.HCM cấp thay thế GCN số H01551/An Lạc do UBND quận Bình Tân cấp ngày 16/7/2007”.

Có thể thấy, UBND quận Bình Tân đang “hình sự hóa các quan hệ dân sự” khi đẩy một việc xin cấp lại “sổ đỏ” sang cơ quan công an điều tra, làm rõ để làm cớ cho việc không trả “sổ đỏ”.

Tuy nhiên, đó chưa phải là điều kỳ lạ nhất xung quanh vụ việc này, những diễn biến sau đây mới thể hiện sự lủng củng, phối hợp thiếu nhịp nhàng giữa các cơ quan trong bộ máy hành chính, quản lý của quận Bình Tân.

Ông Nguyễn Thanh Bình - Giám đốc Văn phòng Đăng kí đất đai chi nhánh quận Bình Tân (ngoài cùng bên phải) cùng một số cán bộ của Văn phòng và cán bộ địa chính phường An Lạc.

Tại buổi làm việc với PV sáng ngày 20/2/2020, Văn phòng Đăng kí đất đai chi nhánh quận Bình Tân có cung cấp thêm một số thông tin và tài liệu liên quan đến vụ việc. Thành phần buổi làm việc có ông Nguyễn Thanh Bình - Giám đốc Văn phòng Đăng kí đất đai chi nhánh quận Bình Tân cùng một số cán bộ của Văn phòng và cán bộ địa chính phường An Lạc.

Theo đó, Văn phòng Đăng kí đất đai chi nhánh quận Bình Tân có cung cấp thêm Thông báo thụ lý vụ án “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản có kỳ hạn” của Tòa án nhân dân quận Bình Tân số 524/TB-TLVA ngày 29/7/2019 giữa nguyên đơn là ông Nguyễn Phi Long, bị đơn là ông Nguyễn Văn Chung, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là ông Lê Như Nguyên và bà Lê Kiều Diễm Chi. Văn phòng Đăng kí đất đai chi nhánh quận Bình Tân đóng dấu công văn đến ngày 18/02/2020.

Ngoài Thông báo thụ lý vụ án nêu trên, liên quan đến vụ việc, đại diện Văn phòng Đăng kí đất đai chi nhánh quận Bình Tân khẳng định đến nay chưa nhận được Quyết định ngăn chặn của Tòa án hay Kết luận của cơ quan công an đối với thửa đất của ông Nguyên và bà Diễm.

Khi được hỏi tại sao giữ lại sổ đỏ của người dân mà không trả lại theo thời hạn quy định, ông Nguyễn Thanh Bình - Giám đốc Văn phòng Đăng kí đất đai chi nhánh quận Bình Tân cho rằng, chúng tôi không giữ lại giấy mà hồ sơ đang trong quá trình giải quyết, cập nhập thay đổi về nghĩa vụ tài chính, nhưng UBND quận Bình Tân đã chỉ đạo ngừng tất cả mọi giao dịch thay đổi hiện trạng cho nên hồ sơ không thể thay đổi nghĩa vụ tài chính nên chúng tôi tạm giữ để chuyển cho cơ quan điều tra. Sau khi có kết luận của cơ quan điều tra sẽ giải quyết theo quy định. Do có dấu hiệu sai phạm nên chúng tôi buộc phải giữ lại và cung cấp cho cơ quan điều tra.

Ngoài ra, tại buổi làm việc, ông Nguyễn Thanh Bình cũng không lý giải rõ ràng được căn cứ nào theo quy định của pháp luật để Văn phòng Đăng kí đất đai quận Bình Tân thực hiện việc tạm giữ sổ đỏ của người dân? Tại sao UBND quận chỉ đạo việc ngăn chặn mọi giao dịch thì Văn phòng Đăng kí đất đai lại đi tạm giữ sổ đỏ, không trả cho người dân? Việc ngăn chặn giao dịch và tạm giữ sổ đỏ gốc khác nhau như thế nào?

Bên cạnh đó, hàng loạt dấu hỏi xung quanh vụ việc này đến nay vẫn chưa có hồi đáp: Tại sao tất cả mới chỉ ở dấu hiệu chưa có kết luận hay phán quyết cuối cùng nhưng UBND quận Bình Tân và Văn phòng Đăng kí đất đai quận Bình Tân đã “đóng băng” sổ đỏ của người dân? Có hay không hành vi lạm quyền của các cơ quan công quyền quận Bình Tân? Khi người dân phát sinh thiệt hại từ những quyết định hành chính sai lầm của các cấp chính quận Bình Tân thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm? Vì sao trong thời gian niêm yết tại trụ sở UBND phường An Lạc thì không phát sinh tranh chấp, ngay khi người dân hoàn thành thủ tục nộp hơn 9,3 tỷ đồng thì UBND phường An Lạc lại ban hành văn bản nói thửa đất đang có tranh chấp?...

Ông Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP.HCM tại Hội nghị gặp gỡ và trao đổi giữa lãnh đạo chính quyền TP với doanh nghiệp kinh doanh bất động sản ngày 22/2/2020. Ảnh Báo Dân Việt.

Ngày 22/2, UBND TP.HCM đã tổ Hội nghị gặp gỡ và trao đổi giữa lãnh đạo chính quyền TP với doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. Sau khi nghe phản ánh của các doanh nghiệp, ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP đã thực sự bức xúc với sự máy móc của các sở ngành.

Sau khi nghe doanh nghiệp trình bày khó khăn do sự tắc trách của các sở, ngành, ông Phong bức xúc: “Chỉ có chuyện trao đổi chỉ tiêu quy hoạch mà kéo dài gần 1 năm, chuyện đó giải quyết chỉ cần một tuần thôi. Tôi nói đây là sự phối hợp không đồng bộ giữa các sở để giải quyết nhu cầu của doanh nghiệp. Làm được hay không thì báo cho người ta biết. Doanh nghiệp rất khó khăn. Họ vay ngân hàng làm dự án mà thủ tục kéo dài như thế này càng khó khăn hơn”.

Thật vậy, nhìn lại sự chỉ đạo và thái độ không bằng lòng của ông Chủ tịch với thuộc cấp của mình trong năm qua thì người dân quá thất vọng.

Sự ì ạch, dường như vẫn chưa có chuyển biến, trên nóng dưới nguội, trên bảo dưới không nghe đã gây ra nhiều khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.

Quay trở lại vụ việc chậm trễ cấp sổ đỏ tại quận Bình Tân mới thấy, đến lãnh đạo thành phố còn nổi nóng, bức xúc triền miên thì người dân muốn kìm nén cũng không được.

Một vụ việc xin cấp lại sổ đỏ mất cả nửa năm không giải quyết, xử lý xong, Tòa án nhân dân cấp quận thụ lý vụ án nhưng các cơ quan khác, bao gồm UBND quận và cơ quan chuyên trách về đất đai lại không hề hay biết, không cập nhật thông tin. Điều này cho thấy việc chỉ đạo giữa các cấp, các ngành quận Bình Tân rất rời rạc, không tập trung, không có sự kết nối.

Trong vụ việc này, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM là đơn vị chuyên môn cao nhất thuộc UBND thành phố, có chức năng tham mưu, giúp UBND thành phố thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực đất đai, tài nguyên và môi trường cũng phản ứng rất chậm chạp, thiếu quyết liệt trong quản lý, điều hành.

Thậm chí, Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường gửi đích danh, đề nghị Sở này vào cuộc, kiểm tra, giải quyết, trả lời công dân và cơ quan báo chí nhưng các chỉ đạo từ các cơ quan Trung ương vẫn “đứng chựng”, nằm trên giấy, vụ việc không hề nhúc nhích, suy chuyển.

Có lẽ, đây là trường hợp điển hình nhất của loại “virus trì trệ” và đi ngược lại với tinh thần liêm chính, hành động và phục vụ nhân dân. Khi vụ việc nêu trên đã được Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Bộ TN&MT, Ban Tiếp công dân TP.HCM yêu cầu xử lý, giải quyết nhưng vụ việc vẫn như “một hòn đá tảng” không chịu lung  lay, dịch chuyển.

Trước những dấu hiệu bất thường của việc trì hoãn cấp sổ đỏ nêu trên, cũng như nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên có liên quan trong vụ việc, đề nghị Sở TN&MT TP.HCM cần khẩn trương, nghiêm túc thực hiện các chỉ đao, vào cuộc, kiểm tra, làm rõ toàn bộ quá trình giải quyết vụ việc, xử nghiêm minh các sai phạm nếu có của các tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định của pháp luật.

Phan Anh Tuấn

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều