Bảo đảm đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số

Trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được trình tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách đã dành 1 điều quy định trách nhiệm của Nhà nước về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Đây là điều mà đồng bào dân tộc thiểu số rất chờ đợi, bởi tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số đã và đang là một thực trạng hiện hữu.

Vùng đồng bào DTTS là vùng có điều kiện tự nhiên, khí hậu khắc nghiệt, địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn. Chính điều này ảnh hưởng lớn đến đời sống và sản xuất của đồng bào. Mặc dù thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách dành cho vùng miền núi nói chung và vùng đồng bào DTTS nói riêng, nhưng kinh tế - xã hội khu vực này vẫn còn nhiều khó khăn; trình độ phát triển của hầu hết các DTTS còn thấp và không đều nhau. 53 DTTS có phong tục, tập quán riêng. Các DTTS ở vùng cao, biên giới, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn còn nhiều hủ tục lạc hậu, nhận thức và thực hiện chính sách, pháp luật nhiều mặt hạn chế. Đây vẫn là vùng chậm phát triển, đất sản xuất bị thu hẹp do bị thu hồi đất để thực hiện các dự án đầu tư phát triển. Trong khi đó, chất lượng nguồn nhân lực thấp, tỷ lệ chưa biết đọc, biết viết tiếng Việt còn khá cao; tỷ lệ lao động người DTTS đã qua đào tạo chỉ đạt 6,2%, gần bằng 1/3 tỷ lệ bình quân chung cả nước.

Dù đã có chủ trương, chính sách đất đai đối với đồng bào DTTS, song tình trạng đồng bào DTTS thiếu đất sản xuất vẫn xảy ra. Việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất ở một số địa phương thực hiện còn chậm, làm ảnh hưởng đến quyền lợi, đời sống và sinh kế của người có đất bị thu hồi, trong đó có đồng bào DTTS. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới phát triển kinh tế - xã hội, cũng như đời sống của một bộ phận người dân vùng đồng bào DTTS. Trong điều kiện vùng đồng bào DTTS, hầu hết các diện tích đất đã được giao đến các chủ sử dụng đất. Việc tăng cơ học về dân số, nhu cầu về đất của đồng bào ngày càng tăng, trong khi quỹ đất của các địa phương để giải quyết không nhiều và có xu hướng bị thu hẹp. Trước thực trạng này, việc thực hiện chính sách đất đai đối với đồng bào là nhiệm vụ cấp bách.

Để tháo gỡ điểm nghẽn này, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã quy định trách nhiệm của Nhà nước về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Theo đó, dự thảo Luật quy định, nhà nước có chính sách bảo đảm đất ở, đất sinh hoạt cộng đồng cho đồng bào dân tộc thiểu số phù hợp với phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa và điều kiện thực tế của từng vùng. Cùng với đó, có chính sách tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số có đất để sản xuất, kinh doanh, bảo đảm sinh kế thông qua các hình thức: giao đất lần đầu không thu tiền sử dụng đất trong hạn mức đối với những đồng bào dân tộc thiểu số chưa được giao đất để sản xuất, kinh doanh; cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm và thực hiện chính sách miễn tiền thuê đất đối với những trường hợp đã được Nhà nước giao đất sản xuất nhưng thiếu đất sản xuất so với hạn mức. Ngoài ra, dự thảo Luật cũng quy định, Thủ tướng Chính phủ ban hành khung chính sách về hỗ trợ đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số.

Dự thảo luật quy định trách nhiệm của Nhà nước về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số với nhiều quy định mới. Việc quy định UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp ban hành chính sách về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương là điều rất cần thiết, “sát sườn” với cuộc sống của đồng bào DTTS. Bởi, chỉ khi các chính sách được ban hành phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, phù hợp với nhu cầu của đồng bào, thì chính sách ấy mới thực sự đi vào cuộc sống. Với những quy định cụ thể trách nhiệm của Nhà nước về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này sẽ giải quyết được bài toán thiếu đất ở, đất sản xuất của đồng bào DTTS - vấn đề cũ nhưng vẫn “nóng” trong suốt thời gian qua. 

Theo Hà An/Báo Đại biểu Nhân dân

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều