Đưa Luật Đất đai (sửa đổi) vào cuộc sống

Tại Kỳ họp bất thường lần thứ Năm vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), hoàn thành một trong những nhiệm vụ lập pháp quan trọng hàng đầu của nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV.

Phát biểu bế mạc Kỳ họp này vào ngày 18.1, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ bố trí nguồn lực, chuẩn bị ngay các điều kiện bảo đảm, ban hành và triển khai kế hoạch cụ thể để nhanh chóng đưa Luật Đất đai (sửa đổi) vào cuộc sống. Cùng với đó, khẩn trương xây dựng, ban hành theo thẩm quyền và chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ ban hành các văn bản quy định chi tiết; hướng dẫn việc chuyển tiếp đúng quy định, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, người dân và của doanh nghiệp.

Thực hiện yêu cầu của người đứng đầu Quốc hội, chỉ 4 ngày sau đó, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp với lãnh đạo một số bộ, ngành liên  quan về kế hoạch triển khai thực hiện Luật Đất đai (sửa đổi).

Theo thông tin từ cuộc họp, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng dự thảo kế hoạch thực hiện Luật Đất đai (sửa đổi); trong đó đề xuất Chính phủ phân công cụ thể cho từng bộ, ngành xây dựng văn bản thi hành dưới luật, có tiến độ cụ thể; triển khai tập huấn, tuyên truyền, phổ biến nội dung luật. Các Bộ: Tư pháp, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư… đều đã có lộ trình, định hướng xây dựng các văn bản hướng dẫn thuộc phạm vi quản lý chuyên ngành. 

Có thể nói, khối lượng công việc cần chuẩn bị từ nay đến khi Luật Đất đai (sửa đổi) có hiệu lực (ngày 1.1.2025) là rất lớn. Chính phủ sẽ phải ban hành hàng loạt văn bản hướng dẫn như: Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai; Nghị định về giá đất; Nghị định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; Nghị định về điều tra cơ bản đất đai; đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản và hệ thống thông tin đất đai; Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai… Đi kèm với đó, các bộ, ngành cũng phải ban hành các thông tư để quy định, hướng dẫn cụ thể hơn.

Số lượng văn bản lớn, nội dung khó và phức tạp trong khi quỹ thời gian không còn nhiều. Nếu không hoàn thành các văn bản hướng dẫn bảo đảm chất lượng và trước ngày Luật Đất đai (sửa đổi) có hiệu lực thì những quy định mới - được kỳ vọng sẽ góp phần tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn liên quan đến chính sách đất đai hiện nay - sẽ chậm đi vào cuộc sống.

Nhìn lại công tác ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật thời gian qua, sự chậm trễ vẫn tồn tại. Theo thông tin tại Hội nghị toàn quốc lần thứ Nhất triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội Khóa XV vào tháng 9.2023, một số luật được ban hành từ năm 2022 nhưng các bộ liên quan vẫn chưa ban hành kế hoạch triển khai. Đến cuối tháng 8.2023 vẫn còn 11/50 văn bản quy định chi tiết các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua từ đầu nhiệm kỳ đến hết Kỳ họp thứ Tư chưa được ban hành. Trong số 39 văn bản quy định chi tiết đã ban hành cũng chỉ có 9 văn bản được ban hành đúng thời hạn.

Tình trạng nợ đọng, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết như lâu nay cần sớm được khắc phục, và nhất thiết không để “tái diễn” với Luật Đất đai (sửa đổi) - một văn bản luật có tầm quan trọng đặc biệt với sự phát triển của đất nước, với cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

Quốc hội đã nỗ lực làm việc để thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), giờ là lúc Chính phủ gấp rút ưu tiên đưa Luật vào cuộc sống. Trợ lực quan trọng cho hành trình này không thể thiếu sự “giám sát hiệu quả” của các cơ quan dân cử, như thông điệp, như tinh thần “lập pháp chủ động, giám sát hiệu quả, quyết sách kịp thời, bứt phá phát triển” mà Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh trong bài phát biểu bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ Năm.

 
Theo Hà Lan/Báo Đại biểu nhân dân

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều