Người dân đã phải “nếm trái đắng” khi mua phải tài sản bảo đảm của Agribank. Ảnh minh họa
Tại hai hợp đồng tín dụng số KD 479/10 ngày 22/4/2010, vợ chồng ông Võ Quang Sang và bà Ông Thị Bác Bửu (trú tại thôn Trung Tâm, xã Ea Tih, huyện Ea Kar, tỉnh Đăk Lăk) vay của Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp phát triển nông thôn Ea Knốp (Ngân hàng) số tiền 1 tỷ đồng, khi vay có thế chấp cho Ngân hàng 6 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Trong quá trình thực hiện hợp đồng, do hộ ông Sang, bà Bửu vi phạm cam kết và không còn khả năng trả nợ, nên giữa hai bên Ngân hàng và vợ chồng bà Bửu có thỏa thuận xử lý tài sản thê chấp để thu hồi nợ.
Ngày 27/10/2010 tại UBND xã Ea Tyh, giữa Ngân hàng và vợ chồng bà Bửu có sự chứng kiến của chính quyền địa phương đã lập biên bản về sự thỏa thuận của các bên, theo đó Ngân hàng giao cho vợ chồng bà Bửu tự tìm người mua và tự thỏa thuận giá để bán một phần tài sản thế chấp tại Ngân hàng nhằm mục đích thu hồi một phần tiền vốn mà gia đình bà Bửu đã vay tại Ngân hàng.
Sau đó, vợ chồng bà Bửu đã thỏa thuận với người mua tài sản là ông Phạm Đăng Vinh (trú tại thôn Trung Tâm, xã Ea Tih, huyện Ea Kar, tỉnh Đăk Lăk) để chuyển nhượng hai lô đất tại thửa số 328, 327a, tờ bản đồ số 9, diện tích 410m2 (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số R413398) và thửa đất số 12, tờ bản đồ số 13, diện tích 2.700m2 (Giấy chứng nhận quyên sử dụng đất số AC517671) với giá 952 triệu đồng (trong đó, lô đất có Giấy chứng nhận quyền sử đụng đất số R413398 có giá 700 triệu đồng và lô đất có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AC 517671 có giá 252 triệu đồng).
Ngày 24/11/2010, ông Vinh đã nộp cho Ngân hàng số tiền là gần 690 triệu đồng. Sau đó, Ngân hàng đã xóa thế chấp và giao lại hai Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số R413398 và số AC517671 để ông Vinh cùng vợ chồng bà Bửu làm thủ tục sang tên.
Trong quá trình làm thủ tục sang tên chuyển nhượng đất thì Chi cục Thi hành án dân sự huyện Eakar, tỉnh Đăk Lăk đã kê biên thi hành án đối với lô đất có Giấy chứng nhận R413398. Sau đó cơ quan Thi hành án đã tiến hành thủ tục bán đấu giá và đã giao lô đất này cho người trúng đấu giá.
Tại Thông báo số 117/TB-UBND ngày 20/9/2012, UBND huyện Eakar thống nhất cho sang nhượng thửa đất số 12 tờ bản đồ số 13, diện tích 2.700m2 tại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AC517671 từ hộ ông Sang, bà Bửu cho ông Vinh với giá hai bên thỏa thuận là 252 triệu đồng. Do đó, ông Vinh khởi kiện yêu cầu Ngân hàng trả số tiền còn lại mà ông đã nộp cho Ngân hàng để nhận chuyển nhượng hai lô đất trên với số tiền gần 428 triệu đồng cùng lãi suất.
Rõ ràng, ngày 20/4/2010 vợ chồng ông Bửu đã ký hợp đồng thế chấp tài sản với Ngân hàng để vay tiền, ngày 27/10/2010, ngân hàng thỏa thuận cho phép vợ chồng bà Bửu bán tài sản thế chấp để thu hồi một phần nợ.
Ngoài ra, tại Giấy cam kết ngày 03/12/2010 giữa ba bên là ông Vinh, bà Bửu và đại diện Ngân hàng là ông Lam đã thỏa thuận “ông Đỗ Danh Lam - cản bộ Ngân hàng có trách nhiệm hỗ trợ vợ chồng bà Bửu và vợ chồng ông Vinh trong qua trình sang nhượng bìa đỏ tại UBND huyện Eakar”. Do đó, Ngân hàng phải có trách nhiệm trong việc chuyển nhượng tài sản thế chấp giữa vợ chồng bà Bửu với vợ chồng ông Vinh.
Nhận thấy tài sản, quyền và lợi ích của gia đình bị xâm hại, ông Phạm Đăng Vinh đã tiến hành khởi kiện Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ra Tòa án nhân dân huyện huyện Eakar, tỉnh Đăk Lăk.
Theo đó, tại phiên xét xử sơ thẩm, Tòa án nhân dân huyện huyện Eakar, tỉnh Đăk Lăk đã quyết định:
“Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Phạm Đăng Vinh.
Buộc Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ea Knôp - Chi nhánh Ngân hàng nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đăk Lăk có trách nhiệm trả lại cho ông Phạm Đăng Vinh số tiền hơn 535 triệu đồng (trong đó gần 428 triệu đồng tiền gốc và lãi suất là hơn 107 triệu đồng).
Ông Phạm Đăng Vinh có trách nhiệm trả cho Chi nhảnh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ea Knôp - Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đăk Lăk Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số R413398, thửa đất số 328, tờ bản đồ số 9, diện tích 410m2 được UBND huyện Ea Kar cấp ngày 24/7/2002”.
Tuy nhiên, sau khi các bên kháng cáo đối với bản án sơ thẩm, tại phiên xét xử phúc thẩm Tòa án nhân dân tỉnh Đăk Lăk đã đưa ra nhiều quyết định khá khó hiểu khi tuyên:
“Chấp nhận quyết định kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân huyện Ea Kar và đơn kháng cáo của Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Ea Knôp.
Không chấp nhận đơn kháng cáo của ông Phạm Đăng Virh.
Sửa Bản án Dân sự sơ thẩm số 32/2012/DSST ngày 28/9/2012 của Tòa án nhân dân huyện Ea Kar. Bác đơn khởi kiện của ông Phạm Đăng Vinh về yêu cầu đòi lại tiền đối với Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và phát triên nông Ea Knốp”.
Khi kháng nghị giám đốc thẩm, Tòa án nhân dân tối cao đã chỉ ra nhiều sai sót của cả hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm.
Theo đó, khi xét xử cả Tòa án cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm không đưa cơ quan thi hành án và những người tham gia đấu giá vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là thiếu sót. Tòa án cấp sơ thẩm xác định bị đơn là Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ea Knốp, Tòa án cấp phúc thẩm xác định bị đơn là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đăk Lăk là chưa chính xác. Phải xác định bị đơn là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam mới đúng.
Sau đó, tại Quyết định Giám đốc thẩm số 01/2016/GĐT-DS ngày 27/01/2016, Ủy ban Thẩm phán – Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng do Chánh án – Chủ tọa phiên tòa đã tuyên hủy toàn bộ Bản án dân sự phúc thẩm số 51/2013/DS-PT ngày 25/3/2013 của Tòa án nhân dân tỉnh Đăk Lăk và hủy toàn bộ Bản án dân sự sơ thẩm số 32/2012/DS-ST ngày 28/9/2012 của Tòa án nhân dân huyện Eakar, tỉnh Đăk Lăk đã giải quyết vụ án “Tranh chấp về quyền sở hữu tài sản” giữa nguyên đơn là ông Phạm Đăng Vinh với bị đơn là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đăk Lăk, đồng thời giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân huyện Eakar, tỉnh Đăk Lăk xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.
Cũng trong Quyết định Giám đốc của Ủy ban Thẩm phán – Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng đã nêu rõ: “… cơ quan Thi hành án kê biên tài sản trên để bán đấu giá là không đúng vì đây là tài sản đảm bảo cho khoản vay đã được thế chấp cho Ngân hàng trước khi có quyết công nhận thỏa thuận của Tòa án”.
Trao đổi với PV, ông Phạm Đăng Vinh cho biết, những tháng ngày vừa qua là khoảng thời gian vô cùng cực nhọc để gia đình tôi theo đuổi công lý. Tại sao Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp phát triển nông thôn Ea Knốp, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Eakar, tỉnh Đăk Lăk dù biết rõ bản chất của sự việc lại làm không đúng quy định của pháp luật dẫn đến gia đình tôi đứng trước nguy cơ thiệt hại nặng nề. Động cơ phía Ngân hàng và Chi cục Thi hành án dân sự huyện Eakar ở đây là gì khi đối xử “nhất bên trọng nhất bên khinh” giữa người dân và doanh nghiệp?
Trước những diễn biến bất thường của vụ việc, đã đến lúc, Tòa án nhân dân tối cao, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) cần khẩn trương vào cuộc, chỉ đạo các cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra, xác minh, làm rõ dấu hiệu sai phạm, xét xử sai bản chất vụ án, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan theo đúng quy định của pháp luật.
(Mặt trận) - Xuất phát từ nhu cầu vay vốn nhỏ để làm ăn, thế nhưng, qua hợp đồng tín dụng ngắn hạn với Techcombank,...
Phan Anh Tuấn