Quản lý, sử dụng hiệu quả đất tín ngưỡng, tôn giáo: Kịp thời thể chế những điểm mới trong Nghị quyết 18/NQ-TW

Theo nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực, khắc phục được những hạn chế, bất cập hiện nay, kịp thời thể chế những điểm mới trong Nghị quyết 18/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII sẽ nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, phát huy nguồn lực đất đai vào sự nghiệp phát triển đất nước, giảm thiểu khiếu kiện về đất đai, đoàn kết các tôn giáo, các dân tộc.

 Phải xác định rõ phần đất tôn giáo, tín ngưỡng trong dự án du lịch có yếu tố tâm linh. Ảnh: Chùa Bái Đính
Mục tiêu của Nghị quyết 18-NQ/TW về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao" là hoàn thiện thể chế, chính sách về quản lý và sử dụng đất đồng bộ, phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nguồn lực đất đai được quản lý, khai thác, sử dụng bảo đảm tiết kiệm, bền vững, hiệu quả cao nhất...

Trong đó, đến năm 2025, giải quyết cơ bản những tồn tại, vướng mắc có liên quan đến quản lý và sử dụng đất có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường quốc doanh; đất quốc phòng, an ninh kết hợp với sản xuất và xây dựng kinh tế; đất của các cơ sở sản xuất, đơn vị sự nghiệp đã di dời khỏi trung tâm các đô thị lớn; đất lấn biển; đất tôn giáo; đất nghĩa trang; đất kết hợp sử dụng nhiều mục đích; đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Quy định cụ thể diện giao đất không thu tiền và thuê đất

Theo Nghị quyết 18-NQ/TW, trong tương lai, việc giao đất cho cơ sở tôn giáo theo hướng: Nhà nước thực hiện giao đất có hạn mức không thu tiền sử dụng đất đối với đất sử dụng làm cơ sở thờ tự, trụ sở của các tổ chức tôn giáo. Các tổ chức tôn giáo sử dụng đất vào mục đích khác phải trả tiền thuê đất cho Nhà nước theo quy định của pháp luật. Quy định điều kiện giao đất, cho thuê đất, hạn mức sử dụng đối với các tổ chức tôn giáo phù hợp với quỹ đất hiện có của địa phương. Nghị quyết 18-NQ/TW cũng yêu cầu bổ sung các quy định về đất ở kết hợp với thương mại, dịch vụ; đất nông nghiệp kết hợp với thương mại, dịch vụ; đất dự án du lịch có yếu tố tâm linh...

Do đó, ông Ngô Sách Thực cho rằng, cần chỉ rõ các loại hình tôn giáo được thuê đất để phù hợp với chính sách “tổ chức tôn giáo sử dụng đất vào mục đích khác phải trả tiền thuê đất cho Nhà nước theo quy định của pháp luật để tiết kiệm đất, sử dụng đất có hiệu quả”, tránh lợi dụng chính sách để “ôm” đất, “đầu cơ” đất, không sử dụng đất, gây lãng phí. Tuy nhiên, mục đích hoạt động xã hội của các tôn giáo đều nhằm phục vụ các đối tượng yếu thế trong xã hội, không có mục đích kinh doanh, phi lợi nhuận nên phải có chế độ miễn, giảm tiền thuê đất.

Tại Điều 203 về đất tôn giáo và Điều 204 về đất tín ngưỡng trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) chưa quy định rõ và cụ thể diện giao đất không thu tiền và thuê đất. Ví dụ “cơ sở đào tạo”, “tu viện” thuộc diện thuê đất hay giao đất? Quy định Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh căn cứ nhu cầu thực tế về hoạt động tôn giáo và khả năng quỹ đất của địa phương để quyết định diện tích đất giao cho tổ chức tôn giáo, trong thực tế rất khó thực hiện thống nhất, mỗi nơi sẽ làm một kiểu, vẫn có so bì. “Phải có khung hạn mức, trên cơ sở đó các địa phương căn cứ cụ thể hóa thực hiện”.

Ở một khía cạnh, nếu đưa tất cả đất đai tôn giáo vào đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, giao đất không thu tiền sử dụng đất thì đất sử dụng vào mục đích khác giao cho tổ chức tôn giáo không có đầy đủ 8 quyền sử dụng đất, rất khó huy động nguồn lực xã hội tham gia vào giáo dục, dạy nghề, khám chữa bệnh... Vì thế, theo ông Ngô Sách Thực, Điều 78 dự thảo Luật về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, chỉ nên quy định công trình đất sử dụng làm cơ sở thờ tự, trụ sở, tu viện, cơ sở đào tạo của các tổ chức tôn giáo. Các tổ chức tôn giáo sử dụng đất vào mục đích khác tới đây phải trả tiền thuê đất cho Nhà nước theo quy định của pháp luật. Vậy, Tiết d, Điểm 2 cần ghi đầy đủ là: Dự án xây dựng cơ sở thờ tự, trụ sở, tu viện, cơ sở đào tạo của tổ chức tôn giáo.

Đề cập rõ hơn đất tôn giáo, tín ngưỡng

Theo ông Ngô Sách Thực, các quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, phân loại đất trong dự thảo Luật phải đề cập rõ hơn đất tôn giáo, tín ngưỡng. Đây là nội dung rất quan trọng vì nếu không rõ thì các vướng mắc hiện tại không được giải quyết.

Tiết b, Điểm 2, Điều 63 về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia, xác định chỉ tiêu sử dụng đất và phân bổ đến vùng... chỉ đến “đất có di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia”, không ghi đất tôn giáo, tín ngưỡng. Tiết b, Điểm 2, Điều 64 về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, xác định chỉ tiêu các loại đất... có “đất tôn giáo”. Tiết b, Điểm 2, Điều 65 về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện, xác định tiêu chí các loại đất theo nhu cầu sử dụng đất có ghi... “đất cơ sở tín ngưỡng”. Trong khi đó căn cứ lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của cấp tỉnh phải căn cứ vào quy hoạch quốc gia, của cấp huyện phải căn cứ vào quy hoạch của tỉnh, yêu cầu của kế hoạch sử dụng đất cấp huyện phải đến tận thửa đất.

“Đành rằng phân cấp cho cấp tỉnh thẩm quyền giao đất cho tổ chức tôn giáo, nhưng nếu cấp quốc gia và cấp huyện không ghi rõ sẽ không thực hiện được, vì liên thông, thống nhất, căn cứ của quy hoạch, kế hoạch cấp dưới phải phù hợp với cấp trên và tổng thể quốc gia. Vì vậy, đề nghị bổ sung vào các điểm của 3 Điều 63, 64, 65 ghi rõ đất tôn giáo, tín ngưỡng”, ông Ngô Sách Thực nêu ý kiến.

Nghị quyết 18-NQ/TW cũng yêu cầu bổ sung các quy định về đất ở kết hợp với thương mại, dịch vụ; đất nông nghiệp kết hợp với thương mại, dịch vụ; đất dự án du lịch có yếu tố tâm linh. Tuy nhiên, nghiên cứu Điều 202, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) về đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản thiên nhiên, chưa thấy thể chế rõ đất tôn giáo, tín ngưỡng trong đất dự án du lịch có yếu tố tâm linh. Trong dự án phải xác định rõ phần đất tôn giáo, tín ngưỡng theo khái niệm ở Điều 203 và 204, dự thảo Luật (chỉ nên xác định nơi cơ sở thờ tự) để xác định trách nhiệm quản lý, sử dụng, tránh hiểu nhầm dự án hàng nghìn hécta là của tôn giáo.

“Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến tôn giáo, bổ sung, sửa đổi các nội dung có liên quan đến hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trong các luật chuyên ngành, để thống nhất, đồng bộ với Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và tạo hành lang pháp lý trong việc quản lý các hoạt động tôn giáo”, ông Ngô Sách Thực kiến nghị.

 
Theo Hiền Hạnh/Báo Đại biểu nhân dân

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều