Theo đó, qua công tác thanh tra 38/204 dự án tại TP. Hà Nội, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Kết luận thanh tra số 1203/KL-TTCP
Về quản lý đầu tư xây dựng một số Dự án nhà ở, khu đô thị và quản lý, sử dụng quỹ nhà để lại từ các dự án đầu tư phát triển khu nhà ở, khu đô thị theo Quyết định số 123/2001/QĐ-UB ngày 06/12/2001 của UBND TP. Hà Nội, giai đoạn từ năm 2002 đến năm 2014.
Thanh tra Chính phủ đã chỉ rõ nhiều sai phạm liên quan đến đầu tư xây dựng theo quy hoạch. Cụ thể, công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng còn nhiều hạn chế, bất cập như: chất lượng quy hoạch yếu, các bước lập quy hoạch chưa phù hợp một số chỉ tiêu, phải điều chỉnh quy hoạch cục bộ nhiều lần, dẫn đến thay đổi về tầng cao, hệ số sử dụng đất, mật độ xây dựng... mang tính chất tự phát, thiếu căn cứ khoa học cũng như thực tiễn. Tình trạng này là hệ lụy khó xử lý tính tương quan giữa dân cư với hạ tầng và môi trường.
Việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch 1/500 không căn cứ vào quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/2000 đã được duyệt (số tầng, mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất, tầng hầm, tầng kĩ thuật, nâng chiều cao tầng nhà...). Tình trạng này là khá phổ biến ở các dự án đầu tư được thanh tra; hậu quả là các dự án sau đầu tư đã góp phần phá vỡ quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết 1/2000 đã phê duyệt; tình trạng tùy tiện đó tạo ra cơ chế xin cho; ảnh hưởng đến trật tự kỷ cương; ảnh hưởng đến quyền lợi của Nhà nước; những vi phạm này dẫn đến chủ đầu tư được hưởng lợi, vì không phải thực hiện nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất do những điều chỉnh quy hoạch có lợi cho chủ đầu tư, gây thất thu ngân sách Nhà nước, kiểm tra ở 09 dự án với số tiền là 205.950,23 triệu đồng.
Còn nhiều dự án sai phạm về quy hoạch làm tăng diện tích đất xây dựng, tăng diện tích sàn xây dựng, tăng diện tích tầng hầm, sử dụng diện tích đất thuê sai quy hoạch... nhưng chưa xác định được phần diện tích tăng để thu tiền bổ sung về ngân sách.
Công tác quản lý quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng không được chú trọng; việc kiểm tra thực hiện quy hoạch chi tiết được duyệt, quá trình triển khai thiếu kiểm tra đôn đốc các chủ đầu tư có dấu hiệu tự điều chỉnh quy hoạch; cơ quan có thẩm quyền không tiến hành hậu kiểm, để làm lợi cho nhà đầu tư, ảnh hưởng đến cộng đồng.
Trách nhiệm thuộc Thường trực UBND TP. Hà Nội, các Sở: Quy hoạch – kiến trúc; Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Tài chính và chủ đầu tư.
Ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội từng kinh qua các chức vụ: Giám đốc Sở Xây dựng, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc liệu có phải chịu trách nhiệm trước hàng loạt sai phạm mà Thanh tra Chính phủ chỉ tên? (Ảnh:KTĐT)
Một loạt dự án vi phạm trật tự xây dựng, vi phạm quy hoạch có trách nhiệm của Sở Xây dựng và Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội, điển hình như: Dự án KĐTM Dịch Vọng do Công ty CP phát triển đô thị Từ Liêm làm chủ đầu tư. Sở Quy hoạch – Kiến trúc chấp thuận phương án thiết kế sơ bộ kiến trúc công trình nhà ở cao tầng NO9-B1 và NO9-B2 thêm tầng kỹ thuật tại văn bản số 1100/QHKT-P1 ngày 3/8/2007 và công trình nhà NO-10 điều chỉnh tăng quy mô từ 32 tầng lên 34 tầng (bao gồm cả tầng kỹ thuật và tầng tum) tại văn bản số 1176/QHKT-P8 ngày 1/4/2014 là không phù hợp với QHCTXD tỷ lệ 1/500 và QHCTXD tỉ lệ 1/2000 đã phê duyệt, vi phạm Khoản 2, điều 7 Nghị định 02/2006/NĐ-CP ngày 05/01/2006 của Chính phủ.
Chủ đầu tư đã xây dựng 3 tầng kỹ thuật diện tích hàng nghìn mét vuông nhưng lại cho thuê làm văn phòng kinh doanh là không phù hợp quy hoạch xây dựng, sử dụng không đúng mục đích, vi phạm Điểm a, Khoản 1, Điều 36 Luật Xây dựng năm 2003. Việc xây dựng sai quy hoạch đối với các tòa nhà trên chưa được cơ quan quản lý về quy hoạch và trật tự xây dựng đô thị xử lý theo quy định, vi phạm Nghị định số 108/2007/NĐ-CP ngày 7/12/2007 của Chính phủ về xử lý vi phạm trật tự xây dựng.
Ngoài ra, Sở Quy hoạch - Kiến trúc còn phải chịu trách nhiệm tại các dự án như: Dự án KĐTM Kim Văn – Kim Lũ do Vinaconex 2 làm Chủ đầu tư. Tại đây, Sở này đã tham mưu cho UBND TP. Hà Nội ban hành Quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tổng thể tỉ lệ 1/500 là không phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/2000 và mật độ xây dựng 40,5% là không phù hợp với Quy chuẩn xây dựng Việt Nam năm 2008, tại bảng 2.7A mật độ xây dựng tối đa là 37%, tăng 3,5% so với quy chuẩn xây dựng.
Ông Nguyễn Trọng Đông - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hà Nội có phải chịu trách nhiệm trước sai phạm của Sở này khi Thanh tra Chính phủ chỉ rõ hàng loạt dự án gây thất thoát ngân sách Nhà nước? (Ảnh: T.L)
Căn cứ hợp đồng hợp tác đầu tư giữa Vinaconex 2 và Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 Điện Biên, DNTN số 1 Điện Biên đã đầu tư xây dựng tòa nhà và đứng tên bán toàn bộ 2.177 căn hộ cho khách hàng. Theo đó Sở Tài nguyên và Môi trường đã cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu cho khách hàng, vi phạm quy định của Nhà nước về đất đai (Điều 72 Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đất đai).
Ngoài ra, các Sở của Hà Nội bị chỉ rõ trách nhiệm ở hàng loạt dự án liên quan đến vi phạm quy hoạch xây dựng khác: Hai dự án của Công ty CP Xây dựng 3 (Vinaconex 3) là “Dự án đầu tư xây dựng văn phòng, nhà ở và trường học tại 310 Minh Khai, Hà Nội” và “Dự án Khu nhà ở Trung Văn, tại xã Trung Văn và xã Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội” đều dính sai phạm về quy hoạch, cụ thể: Tăng thêm tầng, tăng diện tích sàn xây dựng, tăng hệ số sử dụng đất; Ô đất BT1, BT2, BT3, BT4 của dự án Khu nhà ở Trung Văn tăng mật độ chưa tính bổ sung tiền sử dụng đất.
Vinaconex3 dính sai phạm tại hai dự án đã được Thanh tra Chính phủ kết luận rõ khi vi phạm Luật Ngân sách, gây thất thu ngân sách Nhà nước
Dự án Khu đô thị Nam Thăng Long (Ciputra) do Công ty TNHH Phát triển đô thị Nam Thăng Long làm chủ đầu tư vi phạm về Quy hoạch chi tiết 1/500 không phù hợp với Quy hoạch chi tiết 1/2000. Dự án Khu đô thị mới Nghĩa Đô – Dịch Vọng do Công ty TNHH MTV Quản lý kinh doanh và phát triển nhà Hà Nội vi phạm xây thông tầng, từ tầng 1 đến tầng 3.
Từ những sai phạm trong quy hoạch đã dẫn đến nhiều hậu quả nặng nề cho hạ tầng khiến người dân vô cùng bức xúc. Như mới đây là vụ việc hàng loạt chung cư không có bãi đỗ xe, người dân phải đi đỗ xe chui tại các bãi xe không phép. Sau đó chính quyền tiến hành cưỡng chế những bãi xe này thì bị người dân phản đối bởi không có điểm đỗ xe, hạ tầng không đảm bảo cho người dân sinh sống.
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng: Trong quy hoạch xây dựng, tòa nhà đã có vị trí đỗ xe, chung cư cao cấp thì bao nhiêu, chung cư thường thì thế nào. Khi đơn vị duyệt cấp giấy phép mà không làm được chuyện này thì việc cấp giấy phép là sai. Người cấp giấy phép đã vi phạm quy định về tiêu chuẩn xây dựng chung cư.
"Để người ta xây sai phép xong mới xử lý thì đó là vi phạm pháp luật chứ không phải là quản lý yếu kém nữa. Người ta xây tòa nhà trong cả tháng, cả năm mà người quản lý nói không biết thì trách nhiệm thế nào" - Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường nói.
Ông Lê Văn Dục - từ PGĐ Sở Xây dựng được cất nhắc lên Giám đốc Sở Xây dựng vào tháng 5/2014 (Ảnh: ST)
Tuy nhiên, ông cũng đề nghị phải truy xem sai ở đâu. Quy hoạch sai thì cơ quan quy hoạch chịu trách nhiệm, nếu quy hoạch đúng mà cho phép doanh nghiệp xây dựng sai thì cơ quan cho phép xây dựng phải chịu trách nhiệm.
Đồng quan điểm, đại biểu Bùi Văn Xuyền, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng: Hậu quả của việc xây dựng sai quy hoạch rất khó sửa nên phải quản lý chặt ngay từ đầu.
"Ở nước ngoài, anh mua 100 m2 đất, anh chỉ được xây trong 50m2, nếu xây quá là người ta phạt từ khi anh đổ móng. Chứ để người ta xây xong rồi mới xử lý thì đó là vi phạm pháp luật chứ không phải là quản lý yếu kém nữa. Người ta xây tòa nhà trong cả tháng, cả năm mà quản lý không biết thì trách nhiệm thế nào? Đã thanh kiểm tra là phải truy trách nhiệm đến cùng, giám sát phải chỉ rõ địa chỉ để xử lý", đại biểu Xuyền đề nghị.
Đại biểu Bùi Văn Xuyền cho biết Ủy ban Pháp luật đang đi giám sát thực hiện Luật Thủ đô, nhưng chỉ tập trung vào nội dung quản lý dân cư chứ chưa giám sát quản lý quy hoạch tại thành phố, chưa chỉ ra được lỗi ở đâu. Trước thực trạng xây dựng chung cư tràn lan, thêm thắt điều chỉnh quy hoạch không theo trật tự nào khiến cơ sở hạ tầng không đáp ứng được, đại biểu đề nghị Quốc hội cần giám sát ở tầm cao hơn về quản lý quy hoạch đô thị hiện nay.
Thanh tra Chính phủ trực tiếp thanh tra 38 dự án trên địa bàn TP Hà Nội, vạch rõ hàng loạt sai phạm, gây thất...
Theo Quốc Trần/Báo Nhà báo và Công luận