Bài học từ “bóng đen” thua lỗ Jetstar: Khi đà thăng tiến của ông Dương Trí Thành lấn át những khoản lỗ nghìn tỷ

(Mặt trận) - Gánh chịu khoản lỗ trên 4.000 tỷ đồng, “quả tạ” Jetstar Pacific khiến Vietnam Airlines không thể “bay cao”; tuy nhiên, trái ngược với sự bết bát, trì trệ của Jetstar, nhiều cựu lãnh đạo của doanh nghiệp này vẫn được thăng chức, chễm trệ leo lên “ngồi ghế” điều hành của Vietnam Airlines.

Jetstar “chao đảo” vì thua lỗ, loạt lãnh đạo lên chức cao hơn

“Lỗ chồng lỗ” là điệp khúc lặp đi lặp lại tại Jetstar Pacific (JPA). Dù kết quả sản xuất kinh doanh JPA “cắm đầu xuống đất” nhưng thật kỳ lạ, con đường quan lộ của ông Dương Trí Thành - cựu “cơ trưởng” JPA (Chủ tịch HĐQT của JPA - PV) lại vô cùng thăng hoa.

Bỏ lại đằng sau các khoản lỗ nghìn tỷ, chức vụ hiện nay của ông Dương Trí Thành hiện nay khiến nhiều người sửng sốt bởi ông Thành đang là đương kim Tổng Giám đốc của Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam - Vietnam Airlines.

Nghịch lý JPA càng lỗ thì sếp doanh nghiệp thăng chức càng cao, càng nhanh lại đúng thêm nữa đối với trường hợp của ông Lê Hồng Hà, Phó Tổng Giám đốc  phụ trách thương mại của Vietnam Airlines hiện nay. Ông Lê Hồng Hà giữ chức Tổng Giám đốc của JPA trong 3 năm liên tục, từ tháng 3/2012 đến tháng 3/2015.

Ngoài ông Dương Trí Thành và ông Lê Hồng Hà kể trên, còn một số cán bộ quan trọng của Vietnam Airlines cũng từng giữ chức vụ trọng yếu trong Jetstar là ông Lê Đức Cảnh, Trưởng ban Đầu tư của Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam. Ông Lê Đức Cảnh từng là kế toán trưởng của hãng hàng không Jetstar.

Nhưng vì lý do gì mà những người có trách nhiệm cao nhất ở Jetstar Pacific những năm trước lại có thể vô can và dễ dàng lên chức cao hơn đến thế?

Người lãnh đạo cần cả ý chí và năng lực. Nếu người lãnh đạo đó không có khả năng, thì sẽ tự đưa mình đến những thất bại không tránh khỏi. Và rất có thể, Jetstar Pacific chính là câu chuyện về việc đội ngũ lãnh đạo “có vấn đề”.

Phải chăng đó là sự điều hành, quản lý doanh nghiệp kém cỏi các các thế hệ lãnh đạo Jetstar trong suốt nhiều năm? Lý do dẫn đến thất bại, thua lỗ và bài học rút ra được là gì?  

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm. Nguồn: Thanh tra Chính phủ

Liên quan đến sự việc báo chí đưa tin hãng hàng không Jetstar kinh doanh kém hiệu quả, để thua lỗ số tiền hơn 4.000 tỷ đồng nhưng lãnh đạo chủ chốt của hãng này qua các thời kỳ chưa thấy chịu trách nhiệm, trả lời trên Báo điện tử Tổ quốc, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm cho biết, ông đã nắm được sự việc qua thông tin trên báo chí đưa mấy hôm nay về vụ việc.

Ông Liêm cho biết thêm, “Về quy trình thanh tra một vụ việc nào đó, ông Liêm cho hay, thường là thực hiện theo văn bản Chính phủ giao. Bên cạnh đó, một số vụ việc là do nắm thông tin trên báo chí và từ đó tham khảo, đánh giá và cũng tham khảo từ nhiều kênh khác nữa”.

“Một số vụ việc là do dựa trên cơ sở báo chí và các nguồn thông tin khác nhau, từ đó đánh giá, xem xét sự việc rồi mới tiến hành thực hiện”, ông Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm nói.

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân nói về vụ việc Jetstar thua lỗ, lãnh đạo vẫn được thăng chức. Nguồn: Pháp luật Việt Nam

Trước đó, trên Báo Pháp luật Việt Nam, khi đánh giá về việc Jetstar nhiều năm thua lỗ, lãnh đạo vẫn được thăng chức, Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân cho rằng, Jetstar Pacific là doanh nghiệp có rất nhiều ưu thế trong hoạt động kinh doanh vận chuyển hàng không, đặc biệt là từ khi Jetstar Pacific quay trở lại thuộc quyền quản lý của Vietnam Airlines. Việc hoạt động sản xuất kinh doanh dẫn đến thua lỗ kéo dài, trách nhiệm đầu tiên phải kể đến đó là các lãnh đạo điều hành của Jetstar Pacific.

Nói về việc bổ nhiệm các cán bộ quản lý tại các doanh nghiệp có vốn nhà nước như Jetstar Pacific và Vietnam Airlines, Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân cho rằng, quy định của pháp luật hiện hành đã rất rõ ràng về việc cử người đại diện vốn nhà nước và việc bầu, bổ nhiệm những nhân sự này giữ các chức danh quản lý tại doanh nghiệp có vốn đầu tư của nhà nước, đặc biệt là các quy định về tiêu chuẩn và quy trình, thủ tục bổ nhiệm.

“Có thể đang có sai phạm trong quy trình bổ nhiệm nhân sự tại Vietnam Airlines. Rất có thể, quy trình bổ nhiệm nhân sự quản lý tại Vietnam Airlines đã không xem xét đến hiệu quả trọng hoạt động điều hành của các nhân sự đề cử trước khi bổ nhiệm. Và nếu đây là sự thật thì sẽ là thiếu sót lớn trong quy trình bổ nhiệm nhân sự của Vietnam Airlines.

Tuy nhiên, tất cả mới chỉ là nhận định chủ quan, chưa có căn cứ rõ ràng, để có kết luận cuối cùng cần các cơ quan chức năng vào cuộc và đánh giá lại về quy trình đánh giá, bổ nhiệm tại Vietnam Airlines. Với tư cách Đại biểu Quốc hội, trong thời gian tới tôi sẽ có ý kiến để cơ quan liên quan vào cuộc, xác minh và làm rõ vấn đề này” - Ông Lê Thanh Vân nói.

Nguyên Đại biểu Quốc hội, PGS.TS Bùi Thị An. Ảnh: Internet

Đồng quan điểm với Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, nguyên Đại biểu Quốc hội PGS.TS Bùi Thị An cho hay, trong điều hành doanh nghiệp nếu bị lỗ thì trách nhiệm thuộc về người đứng đầu, do người đứng đầu thiếu năng lực. Những việc xảy ra trong doanh nghiệp thì người đứng đầu bao giờ cũng phải chịu trách nhiệm trước cấp trên và cộng đồng cán bộ của doanh nghiệp.

“Trường hợp bổ nhiệm một người lên chức vụ cao hơn thì phải xem xét năng lực, phẩm cách của người đấy, gồm năng lực tổ chức, năng lực điều hành, năng lực lãnh đạo...

Nếu doanh nghiệp thua lỗ mà người đứng đầu vẫn được bổ nhiệm thì đề nghị cơ quan đề nghị cơ quan bổ nhiệm làm rõ vì sao, lý do gì mà lại bổ nhiệm người đó lên chức cao hơn trong khi người đó không có năng lực tổ chức thực hiện, năng lực điều hành. Đề nghị cho biết rõ tiêu chí của vị trí mới được bổ nhiệm như thế nào? Có cần năng lực tổ chức điều hành không?”, bà An nói.

PGS. Bùi Thị An nhấn mạnh, cần sự trung thực, công bằng, rõ ràng công tác cán bộ... Phải có câu trả lời rõ cho công luận biết.

Cần truy đến cùng trách nhiệm cá nhân cho những khoản lỗ nghìn tỷ

Liên quan đến những “lùm xùm” thua lỗ xảy tại Hãng hàng không Jetstar Pacific, đã có rất nhiều luật sự nhận định điệp khúc “lỗ chồng lỗ” suốt nhiều năm của Jetstar.

Trên Báo điện tử Tổ quốc, Luật sư Trần Viết Hưng - Trưởng Văn phòng Luật sư Công lý thì trong vụ việc này cần làm rõ 3 vấn đề sau:

Thứ nhất, vốn của Jetstar Pacific thực chất là của các cổ đông mà cổ đông lớn nhất là Vietnam Airlines. Tại Vietnam Airlines thì vốn nhà nước chiếm hơn 86%. Vậy thì số vốn mà Vietnam Airlines đầu tư sang Jetstar Pacific liệu có nằm ngoài nguồn vốn của nhà nước. Nếu đó là nguồn vốn của nhà nước thì việc Jetstar Pacific làm ăn không hiệu quả, dẫn đến thua lỗ số tiền hơn 4.000 tỷ, đồng nghĩa với việc Nhà nước cũng đang bị thất thoát vốn, đang phải gánh nợ hàng nghìn tỷ. Do đó, các cơ quan thanh kiểm tra cần vào cuộc ngay để xác định xem việc thua lỗ này do đâu, có yếu tố con người hay là do khách quan, do trình độ quản lý yếu kém, do việc đầu tư, do cách làm hay do yếu tố cá nhân…dẫn đến thất thoát vốn nhà nước tại Jetstar Pacific. Cần bóc tách lại toàn bộ quá trình quản lý kinh doanh tại Jetstar Pacific để xem có vi phạm về quy định quản lý kinh tế, quản lý vốn nhà nước hay không.

Thứ hai, thời gian qua Đảng, Nhà nước đã rất quyết liệt trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng để làm sạch bộ máy quản lý, nhất là việc quản lý các tài sản nhà nước tại các tập đoàn kinh tế, các công ty cổ phần mà nhà nước góp vốn. Điều này được thể hiện rõ nét qua việc hàng loạt các vụ đại án kinh tế được đưa ra xét xử, trong đó có vụ án của Trịnh Xuân Thanh là một ví dụ điển hình. Vì thế, với vụ việc xảy ra tại Jetstar Pacific thì các cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc để xác định xem có sai phạm tại đây hay không. Nếu sai phạm có yếu tố hình sự thì cần chuyển hồ sơ qua cơ quan điều tra để điều tra theo quy định.

Thứ ba, cần phải xem xét lại quy trình điều động, bổ nhiệm cán bộ tại Vietnam Airlines. Vì hiện nay, dàn lãnh đạo của Vietnam Airlines lại chính là những con người đã từng nắm giữ các vị trí chủ chốt tại Jetstar Pacific. Việc này cũng gần giống như trong vụ án Trịnh Xuân Thanh, "Anh đang vi phạm nhưng vẫn được điều động, bổ nhiệm ở vị trí công tác cao hơn. Tại sao những người đang quản lý một đơn vị yếu kém như vậy nhưng vẫn được thăng quan tiến chức, được đề bạt vào những vị trí cao hơn, quản lý những nguồn vốn nhà nước lớn hơn. Vì thế cần phải xem xét lại quy trình bổ nhiệm, điều động cán bộ ở đây. Cần phải có câu trả lời đích đáng cho công luận”.

 

Ông Dương Trí Thành, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines từng là Chủ tịch HĐQT của Jetstar. Nguồn: Pháp luật Việt Nam

Mặt khác, Luật sư Nguyễn Thủy - Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Thủy, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cũng cho rằng, đối với vụ việc xảy ra tại Hãng hàng không Jetstar Pacific, các cơ quan chức năng như Thanh tra Chính phủ cần vào cuộc để thanh kiểm tra xem nguyên nhân vì sao Jetstar Pacific lại thua lỗ kéo dài đến như vậy. Nếu có sai phạm thì cơ quan công an cần vào cuộc để điều tra. “Hơn 20 năm hình thành và phát triển, nhưng chỉ có 2 năm báo lãi, còn lại thua lỗ năm sau cao hơn năm trước vậy thì cần phải làm rõ xem liệu có hay không sự nhập nhèm trong báo cáo tài chính, kê khai thuế tại Jetstar Pacific”, luật sư Nguyễn Thủy nói.

Về việc bổ nhiệm ông Dương Trí Thành vào vị trí Tổng giám đốc của Vietnam Airlines hiện nay, luật sư Nguyễn Thủy cho rằng đây là một lựa chọn không chính đáng. Bởi người lãnh đạo cấp cao tại một doanh nghiệp lớn như Vietnam Airlines thì cần phải thực sự là người giỏi. Mà trường hợp của ông Dương Trí Thành thì liệu có được coi là người giỏi hay không? Nếu ông Dương Trí Thành là người giỏi thì liệu có để Jetstar Pacific thu lỗ như vậy?

Trong vụ việc này, nếu xác định được có vi phạm trong quản lý kinh tế để xảy ra tình trạng thua lỗ, gây hậu quả nghiêm trọng thì những cán bộ, lãnh đạo của Hãng hàng không Jetstar Pacific trước đây sẽ phải chịu trách nhiệm. Trách nhiệm tới đâu thì cần xem xét vào mức độ sai phạm. Căn cứ vào mức độ, hậu quả gây ra nếu cần truy cứu thì phải truy cứu. Hoặc không cũng xem xét bằng các hình thức khác như cắt chức, cảnh cáo … “Muốn làm rõ việc này thì trước mắt Thanh tra Chính phủ, các cơ quan tố tụng cần phải vào cuộc để xem xét lại quá trình điều hành, quản lý kinh doanh tại Jetstar Pacific trong những năm qua”, luật sư Nguyễn Thủy nhấn mạnh.

Trong khi đó, theo Luật sư Nguyễn Minh Ngọc Công ty Luật Hợp danh The Light “hiện nay chưa có cơ quan nào chỉ ra nguyên nhân lỗ nhiều năm của Jetstar Pacific nên cũng chưa thể có cái nhìn khái quát về trách nhiệm của những nhà quản lý.

Tuy nhiên, trong trường hợp, nếu cơ quan chức năng chứng minh được vi phạm của lãnh đạo Jetstar Pacific trong việc quản lý, sử dụng tài sản công (cổ phần của Vietnam Airlines tại Jetstar - Đây là nguồn vốn của Ngân sách Nhà nước) được quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 thì có thể bị xem xét xử lý kỷ luật, xử phạt trách nhiệm hành chính hoặc xử lý trách nhiệm hình sự”.

JPA là hãng hàng không đầu tiên của Việt Nam hoạt động theo mô hình giá rẻ với khẩu hiệu “Giá rẻ hàng ngày, mọi người cùng bay”. Mặc dù vậy, khác với Vietjet Air, JPA không thể mở rộng quy mô và trong vòng 10 năm qua, chưa bao giờ thoát khỏi cảnh thua lỗ.

Giai đoạn 2008 - 2009, JPA báo lỗ tới gần 700 tỷ đồng trên doanh thu chỉ 1.700 tỷ đồng. Ban lãnh đạo của JPA lý giải, công ty lỗ là từ bảo hiểm xăng dầu (fuel hedging) và chi phí phạt do huỷ hợp đồng thuê máy bay đã ký trong năm 2008.

Việc một doanh nghiệp hàng không lại lỗ lớn từ hoạt động bảo hiểm giá nhiên liệu thường đến từ việc công ty không dự báo đúng nhu cầu sử dụng xăng dầu trong năm. Tuy nhiên, nếu nhìn vào doanh thu và số hành khách phục vụ của JPA vẫn giữ ở mức ổn định qua các năm, khoản lỗ tới hàng trăm tỷ đồng đặt dấu hỏi về khả năng đầu cơ vào giá nhiên liệu của JPA.

Sang giai đoạn 2010-2011, mặc dù không còn chịu tác động từ các khoản chi phí bảo hiểm xăng dầu và phí phạt do huỷ hợp đồng thuê máy bay, nhưng JPA vẫn bị thua lỗ và số lỗ năm 2011 lại tăng gấp đôi so với năm 2010, lên hơn 430 tỷ đồng.

Công ty lý giải, do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, chi phí nhiên liệu bay ngày càng tăng, chi phí kỹ thuật cho đội máy bay B737 (trên 15 năm tuổi) cao... làm cho tình hình hoạt động kinh doanh của JPA vẫn bị thua lỗ và số lỗ năm 2011 cao hơn năm 2010.

Sau thời gian dài thua lỗ, đến tháng 2/2012, sau khi Vietnam Airlines trở thành cổ đông lớn nhất của Jetstar, “bức tranh” vốn đã u ám có thêm những mảng màu “xám xịt”. JPA thua lỗ vẫn hoàn thua lỗ và năm sau cao hơn năm trước.

Cụ thể, trong năm 2016, hãng báo lỗ sau thuế gần 900 tỷ. Năm 2017 lỗ hoạt động kinh doanh 1.000 tỷ đồng. Tính tới cuối năm 2017, lỗ lũy kế của Jetstar đã lên tới trên 4.286 tỷ đồng, vượt qua cả vốn điều lệ của công ty.

Tạp chí Mặt trận (tapchimattran.vn) sẽ tiếp tục thông tin.

Phan Anh Tuấn (tổng hợp)

Nguồn tham khảo:

https://theleader.vn/qua-ta-jetstar-pacific-khien-vietnam-airlines-khong-the-bay-cao-1534218768707.htm

http://baophapluat.vn/kinh-te/dai-bieu-quoc-hoi-le-thanh-van-noi-ve-vu-viec-jetstar-thua-lo-lanh-dao-van-duoc-thang-chuc-448689.html

http://toquoc.vn/cac-luat-su-nhan-dinh-viec-thua-lo-trien-mien-gay-thiet-hai-hon-4000-ty-dong-cua-hang-hang-khong-jestar-pacific-gan-giong-nhu-trong-vu-an-trinh-xuan-thanh-2019042008355024.htm

http://toquoc.vn/pho-tong-thanh-tra-chinh-phu-noi-gi-ve-thong-tin-khoan-lo-hon-4000-ty-cua-jetstar-pacific-2019042010203024.htm

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều