Bao giờ tiểu thương Khu thương mại làng nghề Bát Tràng hết cảnh lao đao?

(Mặt trận) - Hơn 2 năm qua, từ khi Dự án Khu thương mại làng nghề Bát Tràng bị dừng triển khai, là từng ấy thời gian các hộ kinh doanh gốm sứ tại làng gốm cổ truyền Bát Tràng rơi vào cảnh sống thấp thỏm lo âu, tìm mọi cách xoay sở và mong mỏi ngày dự án được hoàn thành, bàn giao mặt bằng để kinh doanh. Còn hiện tại, nhiều hạng mục của Dự án không được tiếp tục đầu tư, để phơi mưa phơi nắng rất lãng phí…

Trước đây, Công ty Cổ phần Sứ Bát Tràng (đơn vị chủ quản Hapro) lập dự án Khu thương mại làng nghề nhưng không triển khai được, dẫn đến việc đất bị bỏ hoang nhiều năm, môi trường trên khu vực đất ngày càng xuống cấp nghiêm trọng.

Đến năm 2012, Công ty Sứ Bát Tràng ký Hợp đồng liên doanh liên kết với Công ty Cổ phần Đầu tư và Du lịch Quang Minh, chuyển cho Công ty Quang Minh tiếp tục thực hiện dự án và khai thác trên diện tích hơn l,3ha - vốn là Phân xưởng khuôn bao - mỹ nghệ thuộc Công ty Sứ Bát Tràng.

Tuy nhiên đến nnăm 2016, thành phố Hà Nội quyết định đưa làng gốm Bát Tràng và làng lụa Vạn Phúc vào Dự án quy hoạch bảo tồn, phát triển du lịch làng nghề, khiến hoạt động đầu tư xây dựng Dự án Khu thương mại làng nghề Bát Tràng bị đình trệ hoàn toàn.

Ghi nhận thực tế của các phóng viên cho thấy, là làng nghề gốm cổ truyền Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội - nơi đón hàng vạn lượt khách du lịch đến mỗi năm, nhưng Khu thương mại làng nghề đang trong tình trạng dở dang mấy năm nay, các tiểu thương chưa được bàn giao chỗ kinh doanh ổn định.

Cả dự án hiện nay đang bị đình trệ, khu trung tâm trở thành điểm trông giữ xe tạm thời.

Tại khu trung tâm, do bị ngưng xây dựng đã lâu, các đầu cọc chờ đã trở nên hoen gỉ và ngày càng xuống cấp.

Từ khi được chuyển giao, Dự án gặp nhiều khó khăn, từ việc một số hộ dân chiếm đất trái phép, quá hạn định nhưng không chịu di dời khiến cho công tác giải phóng mặt bằng gặp trở ngại, việc triển khai dự án liên tục bị chậm, dừng tiến độ.

Khó khăn chưa chịu buông tha, toàn bộ diện tích 1.700m2 hố móng bị úng ngập do rơi vào mùa mưa, sau khi khắc phục hết các sự cố trên thì giấy phép của chủ đầu tư bị hết hạn.

Do bị ngưng trệ, tại khu trung tâm Dự án, sắt thép đang nằm phơi nắng, phơi mưa, và bắt đầu hoen gỉ mạnh.  

Còn tại những khu nhà đã xây dựng xong, nhiều phần đã bị bong tróc, xuống cấp do chịu ảnh hưởng chung của việc tạm dừng triển khai dự án.

“Từng đó thời gian khiến cho doanh nghiệp chúng tôi điêu đứng, kiệt quệ về tài chính. Bên cạnh đó, dự án quy hoạch của Thành phố Hà Nội bước sang năm thứ 3 chưa công bố khiến cho doanh nghiệp chúng tôi lao đao theo, sự tin tưởng, uy tín bị giảm sút... Ước tính số tiền thiệt hại do dừng, chờ quy hoạch mà chúng tôi phải gánh chịu đã là hàng chục tỷ đồng” - bà Vũ Thị Nhung Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Quang Minh (đơn vị chủ đầu tư Dự án) bức xúc chia sẻ.

“Việc dựng một cái sạp nhỏ để bán hàng thôi cũng rất khó khăn. Bây giờ, tôi mong muốn nhất là được ổn định. Thành phố hay chính quyền huyện, xã có làm gì thì cũng đẩy nhanh hơn để người dân chúng tôi bớt khổ. Chờ đợi lâu quá, chỗ kinh doanh không có, chúng tôi biết làm gì để duy trì cuộc sống hàng ngày”. Chị Trần Thị Thanh - một tiểu thương người Bát Tràng bộc bạch.

Trong khi đó, theo ông Hoàng Anh Minh - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Bát Tràng chia sẻ, Công ty Quang Minh và các tiểu thương ở Khu thương mại làng nghề Bát Tràng đang chịu thiệt cả “tiếng và miếng”. Danh tiếng chưa thấy đâu nhưng vốn đã bỏ ra nằm đọng ở đấy, mặt bằng kinh doanh chưa hoàn thiện trong khi nhiều chi phí vẫn phát sinh.

Đã đến lúc, UBND Thành phố Hà Nội và các ban, ngành chức năng liên quan cần dành sự quan tâm nhiều hơn, vào cuộc mạnh mẽ, đẩy nhanh tiến độ các công việc, giúp các doanh nghiệp và hộ kinh doanh sớm có mặt bằng để ổn định kinh doanh và cuộc sống.

Kỳ Anh

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều