'Bỏ thì thương, vương thì tội' nhiều tuyến đường sắt không hoạt động

Theo thống kê của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), trên toàn tuyến đường sắt hiện đã tháo dỡ hoặc mất dấu hơn 40 đoạn tuyến nhánh, nhiều đoạn bỏ không hoạt động nhiều năm, không tổ chức chạy tàu, nhưng vẫn phải bảo trì hàng năm.

Tạm dừng hàng loạt tuyến đường sắt

Từng là tuyến đường sắt quan trọng kết nối với đường sắt Bắc Nam, đoạn Cầu Giát - Nghĩa Đàn trước đây đảm nhận phục vụ vận chuyển hành khách, hàng hóa giữa miền núi phía Tây Nghệ An với các tỉnh đồng bằng, nhưng 10 năm nay bỏ không hoàn toàn. Khi vận tải đường bộ phát triển, thuận lợi, nhu cầu vận chuyển đường sắt giảm, dẫn đến tàu khách, tàu hàng trên đoạn này ngừng hoạt động từ năm 2012. Song, hàng năm, VNR vẫn phải chi ngân sách khoảng 1,4 tỷ đồng bảo trì, bảo vệ tài sản, bảo vệ đất dành cho đường sắt, chống lấn chiếm hành lang...

 Nhiều tuyến đường sắt mặc dù đã ngừng hoạt động, những vẫn phải bảo trì, bảo dưỡng.
Thống kê, cả nước có 22 tuyến đường vào các mỏ vật liệu, phục vụ cho kết cấu hạ tầng đường sắt, kết nối các nhà máy, với tổng chiều dài hơn 115 km đang tạm dừng như: Tuyến đường sắt Cầu Giát - Nghĩa Đàn dài 30,5km, đoạn đường sắt Kép - Khúc Rồng dài 44,57 km, tuyến kết nối từ ga Đà Nẵng ra cảng Sông Hàn, cảng Tiên Sa dài 15 km, tuyến kết nối từ ga Quán Hành đến cảng Cửa Lò dài 8 km... Hầu hết các đoạn tuyến này đều đã xuống cấp, chất lượng thấp, ray bị mòn, tà vẹt bê tông loại cũ, tà vẹt gỗ mục, tà vẹt sắt bị hỏng, tốc độ chạy tàu thấp...

Qua tìm hiểu, các tuyến đường sắt này mặc dù ngừng hoạt động, những vẫn phải bảo quản, không thể dỡ bỏ, vì khi cần khôi phục sẽ không có đất, kinh phí làm mới tốn kém, thuộc tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia và tài sản của chủ sở hữu là các doanh nghiệp ngoài ngành có kết nối với đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư.

Theo ông Nguyễn Viết Hiệp, Tổng giám đốc Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội, nhiều doanh nghiệp muốn dỡ bỏ các tuyến nhánh đường sắt kết nối vào nhà máy vì hiện không có nhu cầu. Trong khi để lại sẽ phải tính vào tài sản doanh nghiệp, phải chi tiền bảo trì hoặc tính khấu hao. Song, thủ tục chuyển giao tài sản phức tạp. Nếu dỡ bỏ tuyến, theo quy định, ngành Đường sắt phải bàn giao lại cho địa phương. Khi đó, sẽ không có đất để xây dựng tuyến nếu cần khôi phục. Trong khi bảo quản như hiện nay, lúc cần chạy tàu sẽ chỉ phải bỏ chi phí sửa chữa, thay thế những vật tư, phụ kiện quan trọng.

Còn lãnh đạo VNR thông tin, thực tế, nếu dỡ bỏ những tuyến đường sắt sẽ gây lãng phí, đến lúc cần vận tải lại không có đường sắt để chạy tàu. Trong khi để xây dựng một tuyến đường sắt, ngoài chi phí đầu tư hạ tầng đường còn cần các hạ tầng liên quan khác như nhà ga, thông tin, tín hiệu... cần kinh phí đầu tư cả hệ thống đồng bộ lớn. Trong khi, kinh phí ngân sách Nhà nước bỏ ra để bảo quản các đường sắt nhánh thuộc tài sản Nhà nước không lớn so với chi phí đầu tư mới. Điều này là cần thiết để phục vụ nhu cầu vận tải sau này.

Vốn bảo trì đường sắt đã ký hết năm 2022

Đại diện Cục Đường sắt Việt Nam (Bộ GTVT) cho biết, từ đầu năm 2022, Cục đã ký với VNR hợp đồng đặt hàng thực hiện vốn bảo trì đường sắt năm 2022, với tổng giá trị hợp đồng 3.000 tỷ đồng, nhằm mục tiêu bảo đảm an toàn công trình đường sắt, an toàn giao thông đường sắt và ổn định đời sống cho người lao động ngành Đường sắt.

Theo hợp đồng, VNR sẽ thực hiện toàn bộ công việc quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, gồm: Công tác quản lý, giám sát, bảo dưỡng thường xuyên; công trình khắc phục hậu quả bão lũ; công tác sửa chữa định kỳ, hoạt động kiểm định, khắc phục hậu quả mưa bão; sửa chữa đột xuất và công tác khác. Thời gian thực hiện hợp đồng đến hết ngày 31/12/2022.

Thực hiện hợp đồng này, Bộ GTVT yêu cầu VNR và các doanh nghiệp đường sắt thực hiện cơ chế vốn bảo trì hạ tầng đường sắt, tách bạch công tác bảo dưỡng thường xuyên và sửa chữa định kỳ. Cụ thể, đối với công tác bảo dưỡng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, Cục Đường sắt Việt Nam đặt hàng VNR cung cấp dịch vụ sự nghiệp công quản lý, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia. Đối với các công tác sửa chữa định kỳ, sửa chữa đột xuất, khắc phục hậu quả bão lũ, kiểm định, quan trắc... triển khai theo quy định pháp luật về đầu tư xây dựng công trình.

Các doanh nghiệp đường sắt đều phản ánh, vốn bảo trì dường sắt hiện nay chỉ đủ duy trì trạng thái ổn định kết cấu hạ tầng đã quá già nua của mạng lưới đường sắt và chỉ có thể thay thế những vật tư hư hỏng để giữ được tốc độ an toàn, không thể sửa chữa hay thay thế hàng loạt. 

Theo Vân Sơn/Báo Tin tức

 

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều