“Giải mã” sai phạm nghìn tỷ tại Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam - Bài 2: Thanh tra Chính phủ tiếp tục “bóc phốt” sai phạm khủng tại Điện lực Vinacomin

(Mặt trận) - Không chỉ Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoảng sản Việt Nam (TKV) vướng sai phạm nghiêm trọng, hàng loạt các Tổng công ty họ TKV cũng bị Thanh tra Chính phủ phát hiện “nhúng chàm”. Trong đó, Tổng công ty Điện lực Vinacomin đã để xảy ra nhiều sai phạm trong quản lý tài chính, dẫn đến đội giá thành sản xuất điện năng lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Là một doanh nghiệp lớn thuộc TKV; tuy nhiên, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra nhiều sai phạm của Tổng công ty Điện lực Vinacomin trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản..

“Khóc thét” với cách tính giá của Điện lực Vinacomin

Theo Thanh tra Chính phủ, đối với các nhà máy nhiệt điện: ngoài nguyên liệu than, dầu là một trong các nguyên nhiên liệu chính trong giá thành. Thế nhưng, hầu hết các hợp đồng mua bán điện giữa EVN với các nhà máy nhiệt điện của Tổng công ty Điện lực Vinacomin (gồm: Na Dương, Cao Ngạn, Sơn Động, Đông Triều) không quy định việc điều chỉnh giá theo giá dầu (chỉ duy nhất có hợp đồng với Công ty Cổ phần Nhiệt điện Cẩm Phả là có quy định).

Vì vậy, trong thời gian từ tháng 8/2014 đến tháng 9/2015, giá dầu thế giới giảm từ 120 USD/thùng xuống 40 USD/thùng, nhưng không có cơ sở điều chỉnh giá điện khi giá dầu thế giới giảm, dẫn đến giá thành điện đã bị “đội lên” 416,775 tỷ đồng.

Việc làm này của EVN và các nhà máy nhiệt điện được Thanh tra Chính phủ kết luận là không đúng quy định pháp luật, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng điện.

Bên cạnh đó, từ năm 2012, EVN ký lại Hợp đồng mua bán điện với các nhà máy Nhiệt điện Na Dương và Cao Ngạn, trong đó quy định: giá than Na Dương cung cấp cho Nhà máy Nhiệt điện Na Dương được xác định theo giá than cám 6B Hòn Gai; giá than pha trộn Núi Hồng - Khánh Hòa cung cấp cho Nhà máy Nhiệt điện Cao Ngạn được xác định theo giá than cám 5A Hòn Gai.

Thực tế kiểm tra, Thanh tra Chính phủ nhận thấy hợp đồng mua bán than giữa TKV và 02 Nhà máy Nhiệt điện trong năm 2014 có giá than 6B Hòn Gai khoảng 1,063 triệu đồng/tấn luôn lớn hơn giá than Na Dương được mua bán giữa TKV và Nhà máy Nhiệt điện Na Dương có giá khoảng 1,033 triệu đồng/tấn, tổng giá trị chênh lệch khoảng 10,912 tỷ đồng); giá than cám 5A Hòn Gai khoảng 1,516 triệu đống/tấn luôn lớn hơn giá than pha trọn Núi Hồng - Khánh Hòa được mua bán giữa TKV và Nhà máy Nhiệt điện Cao Ngạn có giá khoảng 1,030 triệu đồng/tấn (chênh lệch này làm tăng giá điện số tiền 196,577 tỷ đông). Từ việc TKV quy định giá mua bán than bất hợp lý như trên, đã làm tăng chi phí, giảm lợi nhuận của ngành điện năm 2014 là 207,489 tỷ đồng.

“Nhập nhằng” xác định giá trị tài sản, giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa

Nhà máy Nhiệt điện Na Dương I có công suất 110 MW, là tài sản được hình thành từ xây dựng cơ bản đã đưa vào vận hành thương mại từ năm 2005 với nguyên giá là 1.906,906 tỷ đồng, tương đương 121.042.655 USD. Theo kết quả xác định lại giá trị doanh nghiêp tại thời điểm 01/4/2014 (sau 10 năm hoạt động), Nhà máy Nhiệt điện Na Dương vẫn giữ nguyên giá là 1.906,906 tỷ đông.

Thanh tra Chính phủ cho rằng, xét theo tiêu chí suất đầu tư theo quy định tại Quyết định số 634/QĐ-BXD ngày 09/6/2014 của Bộ Xây dựng về việc công bố suất vốn đầu tư xây dựng công trình va giá xây dựng tổng hợp bộ phận kết cấu công trình năm 2013, trong đó, xác định suất vốn đầu tư xây dựng công trình nhà máy nhiệt điện công suất 330.000 KW là 23,16 triệu đồng/1KW. Do đó, Nhà máy Nhiệt điện Na Dương sẽ có giá trị mới là 2.547,6 tỷ đồng, chênh lệch tăng 640,690 tỷ đồng, dẫn đến làm giảm, mất vốn của nhà nước tại doanh nghiệp.

Ngoài ra, xét theo tiêu chí chênh lệch về tỷ giá ngoại tệ tại thời điểm hình thành tài sản (năm 2005) là 15.754 đồng/USD và thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp (tháng 3/2014) là 21.036 đồng/USD, chênh lệch 5.282 đồng/USD, tương đương giá trị 639,347 tỷ đồng.

Đánh giá việc đầu tư tài chính ra ngoài doanh nghiệp của Tổng công ty Điện lực Vinacomin, Thanh tra Chính phủ còn xác định, Tổng công ty này đã không tính toán kỹ về tính khả thi, hiệu quả trong phương án đầu tư tài chính dài hạn vào công ty con, công ty liên doanh, công ty liên kết, do đó, với tổng số tiền 2.957,360 tỷ đồng đã đầu tư có hiệu quả thấp, cổ tức chỉ thu được 9,632 tỷ đồng, tương đương tỷ suất lợi nhuận bình quân khoảng 3,03% (năm 2012 la 23,892 tỷ đồng, năm 2013 là 19,827 tỷ đồng, năm 2014 là 45,912 tỷ đồng).

Tràn lan các dự án chậm tiến độ, lãng phí vốn đầu tư

Theo báo cáo tình hình thực hiện đầu tư và kết quả thanh tra một số nội dung cho thấy: có 05/07 dự án và 03 gói thầu EPC của các Nhà máy nhiệt điện (Cao Ngạn, Sơn Động và Cẩm Phả 1) chậm tiến độ; chủ đầu tư và Bộ Công Thương phê duyệt tổng dự toán và chi phí đầu tư vượt tổng mức đầu tư được duyệt tại các Dự án Nhà máy nhiệt điện Cao Ngạn, Cẩm Phả 1 và Cẩm Phả 2 nhưng chưa phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư là không đúng quy định tại Khoản 3, Điều 3, Nghị định số 99/2007/NĐ-CP ngày 13/6/2007 của Chính phủ và Mục 2, Phần I, Thông tư số 33/2007/TT- BTC ngày 9/4/2007 của Bộ Tài chính; Chủ đầu tư không tổ chức riêng bước sơ tuyển nhà thầu trước khi tổ chức đấu thầu gói thầu EPC nhà máy chính thuộc Dự án Nhà máy nhiệt điện Nông Sơn, vi phạm quy định tại Điều 32, Luật Đấu thầu số 61/2005/QH1; Tổng công ty Điện lực trình, TKV có Quyết định số 686/QĐ-HĐQT ngàý 24/3/2008 phê duyệt dự án đầu tư xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Mạo Khê, trong đó có việc đầu tư xây dựng khu tái định cư cho 48 hộ với diện tích đất 13.585 m2 (thực tế chỉ có 02 hộ dân phải bố trí đất tái định cư), gây lãng phí đất và chi phí đầu tư.

Dự án Nhà máy Nhiệt điện Lý Sơn (NMNĐ Lý Sơn) được Chính phủ đồng ý về nguyên tắc tại Văn bản số 8056/VPCP-KTN ngày 10/01/2012 của Văn phòng Chính phủ về việc giao TKV đầu tư Dự án nhà máy điện 7MW tại đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

Chỉ sau 05 tháng, ngày 30/5/2012, TKV lại có Văn bản số 2754/VINACOMIN-ĐC báo cáo Bộ Công Thương về tình hình thực hiện và đề xuất phương án dừng triển khai với lý do: đàm phán giá máy móc, thiết bị với các đối tác nước ngoài ở mức cao (486,851 tỳ đồng) sẽ không mang lại hiệu quả kinh tế; thực hiện chỉ định gói thầu EPC không thành công; phương án cấp điện bằng cáp ngầm có hiệu quả về kinh tế cao hơn; UBND tỉnh Quảng Ngãi không ủng hộ việc đầu tư với lý do về tác động tiêu cực đến môi trường.... Theo đó, ngày 10/10/2012, Phó Thủ tướng có ý kiên đồng ý dừng triển khai dự án tại Văn bản số 8056/VPCP-KTN. Tuy nhiên, đến thời điểm dừng dự án, một số hạng mục đã được TKV triển khai (giải phóng, san gạt mặt bằng...) với tổng giá trị 14,780 tỷ đồng, dẫn đến lãng phí vốn đầu tư.

Theo Thanh tra Chính phủ, kết quả kiểm tra chi phí quản lý của 04 dự án (Thủy điện Đồng Nai 5; các dự án Nhà máy nhiệt điện Nông Sơn, Cao Ngạn, Lý Sơn) cho thấy: TKV và Tổng công ty Điện lực Vinacomin phê duyệt dự toán chi phí quản lý dự án tăng sai so với quy định với số tiền 49,420 tỷ đồng, đã giải ngân 32,937 tỷ đồng (trong đó: Thủy điện Đồng Nai 5 là 27,208 tỷ đồng; các dự án nhà máy nhiệt điện Nông Sơn 13,036 tỷ đồng, Cao Ngạn 9,176 tỷ đồng và Lý Sơn 2,034 tỷ đồng).

Tại dự án Thủy điện Đồng Nai 5, Tổng công ty Điện lực Vinacomin phê duyệt cho Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện 3 trúng thầu gói thầu giám sát thi công xây dựng với giá trị 35,365 tỷ đồng, cao hơn 12,290 tỷ đồng so với giá dự toán gói thầu được phê duyệt trong kế hoạch đấu thầu. Tuy nhiên, sau khi kết thúc thanh tra trực tiếp, Tổng công ty đã phê duyệt lại giá trị dự toán gói thầu là 34,07 tỷ đồng.

Đối với việc quản lý, sử dụng đất đai, các đơn vị thuộc Tổng công ty Điện lực Vinacomin chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính với nhà nước là 538.163 m2, số tiền tạm tính là 2,143 tỷ đồng (trong đó: Nhà máy Nhiệt điện Cao Ngạn 0,965 tỷ đồng và Dự án Thủy điện Đồng Nai 5 là 1,177 tỷ đồng).

Bộ trưởng Bộ Công Thương có Quyết định số 5211/QĐ-BCT ngày 21/10/2009 về việc thành lập Tổng công ty Điện lực - Vinacomin, trong đó, phê duyệt vốn điều lệ là 6.800 tỷ đồng.

Nhưng tại thời điểm 31/12/2014 (sau hơn 04 năm), TKV mới góp 5.329,129 tỷ đồng, còn thiếu 1.470,871 tỷ đồng. Do TKV không góp đủ vốn điều lệ, năm 2013 và 2014, Tổng công ty Tổng công ty Điện lực Vinacomin phải đi vay vốn để hoạt động, chịu chi phí lãi vay tương ứng là 74,724 tỷ đồng.

Tạp chí Mặt trận (tapchimattran.vn) sẽ tiếp tục thông tin.

Phan Anh Tuấn

Bình luận

Vũ Viết Nam - 10:44 17/07/2018

nghe thấy toàn tiền tỷ mà rùng mình...

Trả lời

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều