Hà Nội với những giải pháp thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh và kích cầu tiêu dùng

(Mặt trận) - Thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tiếp tục triển khai hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn Thành phố, với chủ trương đồng hành cùng các doanh nghiệp thủ đô và cả nước, Sở Công thương Hà Nội tiếp tục triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển thương mại, bình ổn thị trường, đưa hàng Việt đến tay người tiêu dùng.
Đẩy mạnh phát triển công nghiệp chủ lực, công nghiệp chế tạo trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0: Năm 2018, Thành phố đã lựa  chọn 61 sản phẩm của 36 doanh nghiệp đủ tiêu chí xét công nhận sản phẩm công nghiệp chủ lực Thành phố, trong đó có 12 doanh nghiệp trong Top 500 doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam, doanh thu doanh nghiệp đạt trên 1.000 tỷ đồng/năm. Với mục đích tăng cường kết nối giao thương, mở rộng sản xuất, đổi mới trang thiết bị có mức độ tự động hóa cao, tăng năng lực cung ứng các sản phẩm trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ thương mại quốc tế, Sở Công thương Hà Nội phối hợp với Công ty CP NC Network Việt Nam tổ chức Hội chợ triển lãm quốc tế thương mại "Mạng lưới các nhà công nghiệp chế tạo Hà Nội 2018 (FBC HANOI 2018)", thu hút 180 gian hàng đến từ Nhật Bản và một số nước trong khu vực, trong đó có 40 doanh nghiệp Hà Nội tham gia (tăng 4 lần so với năm 2017). Sở cũng đã tổ chức Hội thảo quốc tế “Tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với làng nghề trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế” tại Hội chợ Quốc tế quà tặng hàng thủ công mỹ nghệ, góp phần giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nắm bắt được và đẩy mạnh ứng dụng thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0 vào sản xuất, kinh doanh.

Đẩy mạnh hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, sản phẩm hàng Việt, xây dựng và bảo vệ thương hiệu: Hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho 10 làng nghề, thi thiết kế mẫu mã sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội và thuê chuyên gia tư vấn thiết kế mẫu sản phẩm mới với 296 mẫu sản phẩm có thiết kế mới; Tổ chức Bình chọn hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích với kết quả 133/197 sản phẩm của 74 doanh nghiệp thuộc 12 ngành hàng tham gia được bình chọn “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích” năm 2018… đã góp phần tăng cường nhận thức đối với việc nâng cao chất lượng sản phẩm và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp có ý thức hơn trong việc xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu, góp phần vào sự phát triển chung của nền kinh tế.

Hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, khuyến công… Tổ chức Hội chợ hàng Việt năm 2018 với chủ đề “Chung tay xây dựng thương hiệu Việt”, thu hút 300 gian hàng của hơn 200 doanh nghiệp tham gia đến từ nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước trưng bày, giới thiệu các sản phẩm hàng hóa thuộc các lĩnh vực: điện, điện tử, điện máy, máy tính, đồ gia dụng, nội thất gia đình, thực phẩm, đồ uống, các mặt hàng thiết yếu, thời trang, dệt may, giày dép và các sản phẩm tiêu dùng; Các sản phẩm “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích” bình chọn qua các năm; Các sản phẩm có thế mạnh, các sản phẩm chất lượng, nhưng khó khăn trong tìm kiếm thị trường… qua đó kết nối giao thương, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm. Kết quả, Hội chợ thu hút trên 28.000 lượt khách tham quan và mua sắm, tổng doanh thu đạt trên 40 tỷ đồng, hơn 700 đơn đặt hàng lớn đã được thực hiện. Tổ chức “Hội chợ Quà tặng hàng Thủ công Mỹ nghệ” với quy mô 655 gian hàng của 251 doanh nghiệp sản xuất đến từ 26 tỉnh, thành phố trong nước và 7 quốc gia trên thế giới, đã có 1.365 biên bản ghi nhớ, biên bản thỏa thuận, hợp đồng xuất khẩu được ký kết với tổng giá trị xuất khẩu ước đạt 5,5 triệu USD. Phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại Du lịch thành phố tổ chức Tháng khuyến mại Hà Nội năm 2018 với thông điệp “Tăng kết nối – kích tiêu dùng" xuyên suốt tháng 11 năm 2018 với 1.134 điểm khuyến mại trên toàn địa bàn Thành phố. Chuỗi các hoạt động nổi bật gồm: “Lễ khai mạc Tháng khuyến mại”; “Ngày hội Khuyến mại du lịch” có  37 DN  tham gia với 80 gian hàng; “Tuần Vàng kết nối” có 32 DN tham gia với 80 điểm vàng khuyến mại; “Hội chợ Vàng khuyến mại” có 62 DN tham gia với 105 gian hàng, “Golden – Friday" được gắn với sự kiện “Trải nghiệm nội dung công nghệ số và thương mại điện tử” do Thành phố Hà Nội và Bộ Công thương phối hợp tổ chức với trên 1.000 doanh nghiệp tham gia, người tiêu dùng được dễ dàng tiếp cận và tìm kiếm thông tin khuyến mại từ ứng dụng mới mang tên “khuyenmai365”…

Tổ chức các hoạt động kết nối cung cầu, tìm đầu ra cho sản phẩm: Đây là nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế Thủ đô. Những năm qua, Hà Nội đã tích cực triển khai các giải pháp, tìm hướng đi cho sản phẩm. Đặc biệt, đối với các sản phẩm nông sản, thực phẩm, Sở Công thương Hà Nội đã phối hợp với Sở Công thương các tỉnh, thành phố xây dựng được 241 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất - kinh doanh nông sản, thực phẩm kết nối, tiêu thụ sản phẩm, thông qua tổ chức các hội nghị kết nối cung cầu, hội chợ, triển lãm; kết nối giới thiệu trên 1.000 mã nông sản Hà Nội tại trung tâm giới thiệu sản phẩm an toàn, trang thông tin nông sản Hà Nội... Hàng năm, Sở đưa một số doanh nghiệp phân phối (Vinmart, Co.opmart, Hapro, Chuỗi Biggreen…) xuống trực tiếp các vùng sản xuất của các huyện để hướng dẫn cho các HTX, hộ nông dân... cách bảo quản, thu mua, sơ chế, đóng gói, dán tem, nhãn mác, đáp ứng yêu cầu của kênh phân phối hiện đại. Với sự vào cuộc tích cực của Sở Công thương, trong năm 2018 để hỗ trợ đơn vị sản xuất, Hà Nội ký kết trên 500 biên bản ghi nhớ về tiêu thụ nông sản, thực phẩm với các kênh phân phối. Một số nông sản đã vào được các kênh phân phối hiện đại, như: thịt lợn của vùng sản xuất Phúc Thọ, Quốc Oai, Thanh Oai, Mê Linh, Chương Mỹ...; sản phẩm từ gia cầm, trứng gia cầm của huyện Phúc Thọ, Chương Mỹ, Ba Vì, Sóc Sơn…; sản phẩm rau, củ của vùng trồng rau an toàn Vân Nội - Đông Anh, Thanh Đa - Phúc Thọ, Thanh Trì, Gia Lâm…; các loại quả: cam Canh, bưởi Diễn, ổi Đông Dư, chuối, nhãn chín muộn của Hoài Đức, Phúc Thọ, Gia Lâm… đã được liên kết, đưa vào các siêu thị, chuỗi thực phẩm của các đơn vị phân phối, trung tâm thương mại, siêu thị lớn của thành phố. Hỗ trợ 127 doanh nghiệp của 56 tỉnh đưa 500 sản phẩm mới vào kênh phân phối hiện đại của Thành phố.

Không chỉ tìm đầu ra cho sản phẩm, Sở còn tăng cường kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm, nhất là các mặt hàng hoa quả tươi, để vừa giữ uy tín thương hiệu, vừa đảm bảo an toàn sức khỏe người tiêu dùng. Thực hiện Quyết định 5848/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội phê duyệt Đề án “Thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành của thành phố Hà Nội”, Sở Công thương đã triển khai tích cực, cho thấy hiệu quả thiết thực của Đề án. Tính đến tháng 11/2018, trên địa bàn 12 quận nội thành Hà Nội, có 766/766 cửa hàng kinh doanh trái cây an toàn được cấp biển nhận diện an toàn, có trang thiết bị bảo quản, giám sát chất lượng trái cây; hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc… Những thành công bước đầu cho thấy hoạt động kinh doanh trái cây trên địa bàn Thủ đô đang từng bước hoạt động theo hướng văn minh, hiện đại, đảm bảo an toàn thực phẩm.

Bình ổn thị trường, đưa hàng Việt đến tay người tiêu dùng: Phát triển thương mại - dịch vụ theo hướng văn minh, hiện đại đã và đang là hướng đi chiến lược của Thành phố. Theo đó, Sở Công thương đang từng bước triển khai điều tra, khảo sát các hoạt động thương mại - dịch vụ trên địa bàn, trình phê duyệt mạng lưới máy bán hàng tự động đặt tại các địa điểm công cộng; đẩy mạnh sử dụng mã hình QR để truy xuất nguồn gốc trực tuyến các sản phẩm, hàng hóa lưu thông trên địa bàn Thành phố; thúc đẩy phát triển mạng lưới cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini; thực hiện cải tạo, xây dựng nâng cấp các chợ đã xuống cấp bằng nguồn vốn ngân sách.

Chương trình bán hàng của các doanh nghiệp Việt Nam trên địa bàn thành phố ngày càng được triển khai hiệu quả và chất lượng. Trong dịp Tết Nguyên đán 2018, thành phố đã vận động các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tổ chức được 160 chuyến hàng lưu động, 01 chợ Tết về các huyện, thị xã, khu công nghiệp, khu chế xuất, đạt tổng doanh thu 1,5 tỷ đồng. Trong thời gian nghỉ Tết Nguyên đán, Hà Nội tổ chức 198 điểm bán các mặt hàng thiết yếu và cửa hàng bán lẻ xăng dầu, phục vụ nhu cầu của người dân Thủ đô; các quận, huyện, thị xã tổ chức 63 điểm chợ Hoa Xuân. Trong năm, thành phố cũng chỉ đạo các doanh nghiệp tổ chức 380 chuyến bán hàng lưu động, 10 phiên chợ Việt, kết hợp đưa hàng đến các đại lý tại khu vực ngoại thành; chỉ đạo doanh nghiệp kinh doanh, siêu thị tổ chức hưởng ứng bán hàng trong Tháng Công nhân (tháng 5/2018) với giá ưu đãi cho người lao động và đoàn viên Công đoàn.

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được Sở Công thương tích cực triển khai và đạt hiệu quả tốt. Đến nay đã có 650 biểu trưng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được cấp cho 43 doanh nghiệp treo tại các địa điểm sản xuất kinh doanh, trung tâm thương mại, siêu thị, chuỗi kinh doanh, cửa hàng tiện ích… trên toàn Thành phố. Tháng khuyến mại Hà Nội 2018 - năm thứ 10 liên tiếp được Hà Nội triển khai với các chuỗi sự kiện nổi bật và nhiều chương trình hấp dẫn: Ngày hội Khuyến mại du lịch; Tuần Vàng kết nối; Hội chợ Vàng khuyến mại; Ngày Thứ sáu Vàng - Golden Friday, đồng thời khởi động Ngày mua sắm trực tuyến – Online Friday. Tại Lễ khai mạc, Hà Nội đã kết hợp công bố kết quả và tôn vinh 74 doanh nghiệp với 133 sản phẩm Việt Nam được người tiêu dùng ưa thích và bình chọn. Tháng Khuyến mại Hà Nội 2018 đã đánh dấu sự thành công lớn trong kết nối giữa nhà sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Nhằm đảm bảo nguồn hàng hoá thiết yếu, phục vụ tối đa nhu cầu của nhân dân trong dịp Tết Kỷ Hợi sắp tới, gắn công tác bình ổn thị trường với việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Sở Công thương Hà Nội đã xây dựng kế hoạch phục vụ Tết. Dự kiến nhu cầu người dân tăng cao, Thành phố định hướng các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh, dự trữ hàng hóa tăng từ 10-15% so với các tháng trong năm để tổ chức bán ra thị trường, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết, đồng thời không để xảy ra tình trạng thiếu hàng hay tồn kho hàng hóa sau Tết.

Hiện, Sở Công thương đã tích cực tham mưu, chủ động triển khai Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn, phục vụ Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019. Đến nay, đã có 19 doanh nghiệp đăng ký tham gia Chương trình, 3 tổ chức tín dụng đăng ký cho các doanh nghiệp vay vốn thực hiện bình ổn giá với số vốn 2,7 nghìn tỷ đồng để đưa hàng hóa bình ổn đến người dân tại các khu vực nông thôn, khu công nghiệp, phục vụ nhu cầu của nhân dân và người lao động.

Có thể nói, với những kết quả đạt được, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thành phố Hà Nội năm 2018 do Sở Công thương chủ trì tổ chức đã đi vào chiều sâu, ngày càng thu hút sự quan tâm, hưởng ứng của đông đảo người dân, doanh nghiệp và có sức lan tỏa mạnh mẽ; tiếp tục góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong việc lựa chọn, tiêu dùng hàng Việt, giúp doanh nghiệp nhận thức rõ vai trò trách nhiệm, không ngừng cải tiến và ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới quy trình sản xuất, quản lý, nhằm tạo ra sản phẩm có chất lượng, đảm bảo sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa, đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng và có sức cạnh tranh với sản phẩm của các nước khác.

Trần Thị Phương Lan

Ths, Phó Giám đốc Sở Công Thương

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều