Khai mạc Hội thảo quốc tế về tàu điện ngầm, đường cao tốc và đô thị thông minh

(Mặt trận) - Sáng 23/10/2018 diễn ra Hội thảo “Tàu điện ngầm Grand Paris - Đường cao tốc - Đô thị thông minh, những ví dụ cụ thể cho tương lai Việt Nam”.

Sự kiện này do Công ty Tractebel (tập đoàn Engie, CH Pháp) phối hợp với Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global), Trường đại học Giao thông vận tải, Trường đại học Công nghệ giao thông vận tải tổ chức.

Tham dự Hội thảo có các đại diện các cơ quan Bộ (Bộ GTVT, Bộ XD, Bộ KHĐT, Bộ KHCN, Bộ TTTT); Đại diện các tổ chức quốc tế (Đại sứ quán Pháp, Business France, ADB, AFD, Ngân hàng thế giới); Đại diện các công ty tập đoàn nước ngoài (Freyssinet, Hogan Lovells, Sumitomo, Shimizu Vietnam, VSL, RFR); Đại diện các tập đoàn, tổng công ty, công ty lớn của Việt Nam (TEDI, FECON, Cienco4, CCU, VEC…). 

Hội thảo được tổ chức với mục đích chia sẻ kinh nghiệm quốc tế của Tractebel trong các dự án liên quan đến các lĩnh vực tàu điện ngầm, đường cao tốc và đô thị thông minh. Sự kiện tạo ra cơ hội để thảo luận, hỗ trợ thực hiện các dự án có quy mô lớn và hợp tác chuyển giao công nghệ.

Hướng tới tạo ra diễn đàn đối thoại giữa các nhà hoạch định chính sách, các doanh nghiệp Việt Nam, các tập đoàn toàn cầu và các chuyên gia hàng đầu tại Việt Nam và quốc tế. Hai mục tiêu chính của hội thảo là chia sẻ tầm nhìn chiến lược cấp quốc gia và kinh nghiệm quốc tế với Việt Nam, đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ liên kết với các đơn vị trong nước và quốc tế để thảo luận, hợp tác thực hiện các dự án có quy mô lớn và hợp tác chuyển giao công nghệ.

 

Với chủ đề Đô thị thông minh, Tractebel với nhiều năm kinh nghiệm trong thực hiện các dự án về phát triển và xây dựng đô thị thông minh sẽ chia sẻ kinh nghiệm của một số dự án lớn và một số công cụ như quy hoạch di chuyển giao thông đa phương thức; phương án vận chuyển; mô hình hóa đa phương thức giao thông, quy hoạch những chốt giao thông và các trục di chuyển: Nghiên cứu thiết kế các địa điểm di chuyển (ga đường sắt, sân bay, điểm trung chuyển đa phương thức, bãi đậu xe, địa điểm công cộng), ... nghiên cứu thiết kế trục đô thị và nút giao (ô tô, 2 bánh xe và người đi bộ)…

Xây dựng đô thị thông minh được xây dựng dựa trên các yếu tố: Giao thông thông minh, Môi trường thông minh, Chính phủ thông minh, nền kinh tế thông minh, lối sống thông minh, con người thông minh.

 

Công cụ 360° city scan được phát triển bởi Tractebel để phân tích đánh giá thành phố dựa trên 3 nguồn dữ liệu: Người dân, Chính phủ và Cơ sở dữ liệu có sẵn. Sau đó tìm ra các giải pháp tối ưu để xây dựng đô thị thông minh bền vững. Công cụ đã được áp dụng thành công trên 40 quốc gia trên thế giới.

Chương trình hội thảo bao gồm nhiều chủ đề, như: “ Hướng tới giao thông bền vững và thông minh tại Việt Nam”; “Kiểm soát biến dạng và tác động tương hỗ của nền đất công trình trong thi công Metro tại Hà nội và Thành phố Hồ Chí Minh”; “Giới thiệu dự án tàu điện ngầm Grand Paris Express, những bài học và kinh nghiệm quốc tế cho Việt Nam » - TS. Reza Taherzadeh & Giorgio Fantauzzi Tractebel, ENGIE”; “Liên kết vùng miền và các bài học kinh nghiệm"; “Phát triển đường sắt cao tốc tại Cộng hòa Pháp – giới thiệu về dự án đường sắt cao tốc Miền Đông LGV East và dự án đường sắt cao tốc Miền Nam LGV”; “Giám sát thông minh trong hệ thống giao thông thông minh và các thành phố thông minh”; “ Xe buýt công cộng Hà nội theo cách tiếp cận ứng dụng mạng phức hợp”; “Các công cụ ứng dụng trong phát triển đô thị thông minh và phát triển bền vững”.

Tới dự Hội thảo, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết: Giao thông vận tải được xác định là một bộ phận quan trọng trong kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, là một trong ba khâu đột phá, cần ưu tiên đầu tư phát triển đi trước một bước với tốc độ nhanh, bền vững nhằm tạo tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

Để thực hiện nhiệm vụ đột phá nêu trên, đòi hỏi nỗ lực to lớn của Chính phủ và của Ngành GTVT, từ huy động nguồn vốn đầu tư, quy hoạch, chuẩn bị các dự án, tăng cường năng lực của các chủ thể tham gia, trong đó phải kể đến vai trò hết sức quan trọng của khoa học công nghệ. Thực tế và kinh nghiệm phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông ở Việt Nam và thế giới đã chỉ ra rằng, chất lượng và hiệu quả của những công trình, sản phẩm của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vận tải luôn đi đôi với hàm lượng ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại trong quá trình xây dựng, sản xuất.

Lê Quang/Dailo.vn

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều