Mới chỉ có khoảng 20% công nhân được đáp ứng nhu cầu về nhà ở giá rẻ

(Mặt trận) - Bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển thị trường nhà ở cho những người có khả năng thanh toán, tại Việt Nam vẫn còn những đối tượng gặp khó khăn về nhà ở như người nghèo đô thị, công nhân khu công nghiệp và sinh viên… Làm sao để các đối tượng này có thể tiếp cận với quỹ nhà ở giá rẻ vẫn đang là bài toán khó đặt ra với các ngành chức năng và các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. Phóng viên Tạp chí Mặt trận đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) về vấn đề này.

Ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA). Ảnh: PV

Phóng viên: Từ năm 2008 đến khoảng 2015, Chương trình xây dựng nhà ở xã hội ở Việt Nam diễn ra tương đối tốt. Bên cạnh bối cảnh do cuộc khủng hoảng của thị trường bất động sản thúc đẩy, theo ông, cơ sở pháp lý nào khiến cho lĩnh vực nhà ở xã hội có bước phát triển như những năm gần đây?

Ông Nguyễn Trần Nam: Từ năm 2008, Thủ tướng ban hành các Quyết định 65, 66, 67 từ đó tạo ra nguồn lực, cách thức thực hiện xã hội hóa, kêu gọi các doanh nghiệp tham gia lĩnh vực phát triển nhà ở dành cho các đối tượng có khó khăn, trong đó chủ yếu là sinh viên, công nhân và người nghèo. Từ một số sự hỗ trợ của Nhà nước như: cho vay vốn giá rẻ, một số ưu đãi các chỉ tiêu quy hoạch và miễn giảm thuế. Nhà ở đô thị cho các đối tượng này đã được khuấy động và phát triển, sau này được cụ thể hóa trong Luật Nhà ở. Từ một quyết định của Thủ tướng, nâng lên thành những điều được quy định trong Luật Nhà ở, đưa vào các nghị định, trong đó có Nghị định 100 của Chính phủ, đó là một bước tiến. Sau đó, các loại hình nhà ở dành cho sinh viên, công nhân, người nghèo đưọc quy chung thành một loại hình và được gọi là nhà ở xã hội. Về mặt cơ sở pháp lý, như vậy là đã tương đối đầy đủ và ngày càng được hoàn thiện hơn.

Năm 2013, Chính phủ có thêm gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ đồng, chính sách hỗ trợ về kinh tế này rất hữu ích, nó kéo theo và thúc đẩy nhiều các dòng vốn khác như vốn doanh nghiệp, vốn của xã hội, vốn của bản thân các hộ gia đình. Từ đó, chương trình phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà ở cho người nghèo ở khu vực đô thị, nhà ở cho công nhân đã được các đơn vị triển khai rất tốt.

Phóng viên: Với cơ sở pháp lý đầy đủ và những chính sách hỗ trợ hữu hiệu, rất nhiều người nghèo ở các đô thị đã được tiếp cận nhà ở giá rẻ. Còn với đối tượng là công nhân, hiện nay thực tế khả năng đáp ứng nhà ở cho họ như thế nào?

Ông Nguyễn Trần Nam: Theo ước tính, hiện nay Việt Nam có khoảng gần 2 triệu công nhân đang làm việc, sinh sống tại gần 200 khu công nghiệp trên cả nước, nên nhu cầu nhà ở cho công nhân đang rất lớn. Đối với những công nhân mới đi làm, thì khả năng thanh toán cũng như việc tiếp cận nhà ở thương mại là rất khó, hiện nhà ở cho công nhân ở nhiều nơi còn mang tính tự phát. Ước tính phải có đến 80% công nhân ở trong các khu nhà trọ do dân tự xây để cho thuê. Về cơ bản, những ngôi nhà này không có hạ tầng, đường sá thô sơ, hệ thống cấp thoát nước, điện không đảm bảo; bên cạnh đó các vấn đề như y tế, thương mại, giáo dục, khu vui chơi… lại càng thiếu thốn. Cho nên, công nhân nhiều nơi đang sống trong những điều kiện không đảm bảo cả về mặt diện tích nhà cho đến điều kiện chăm sóc sức khỏe, phát triển văn hóa thể chất, an ninh...

Chỉ có khoảng 20% công nhân được ở trong những khu nhà đảm bảo như kí túc xá, có hạ tầng và điều kiện sinh hoạt đầy đủ, sự quản lí chung. Về mặt đáp ứng nhu cầu thì hiện đang ở mức rất thấp, và đa số công nhân sống trong những khu nhà ở không đạt yêu cầu kể cả về mặt kĩ thuật lẫn tinh thần, dễ dẫn đến những tệ nạn và ảnh hưởng đến sức lao động.

Phóng viên: Vậy thưa ông, với điều kiện thực tế Việt Nam hiện nay, việc phát triển nhà ở cho công nhân nên thực hiện theo phương thức nào, mô hình nào?

Ông Nguyễn Trần Nam: Về mặt pháp lý, trong các chỉ thị, và luật đều quy định, tại các khu công nghiệp mới, khi quy hoạch thì phải đồng thời quy hoạch các khu đất để xây dựng nhà ở cho công nhân; còn đối với các khu công nghiệp cũ, chưa có nhà ở cho công nhân, thì một là cho quy hoạch bổ sung diện tích đất làm nhà ở cho công nhân; nếu xung quanh hết đất, thì cho phép lấy đất trong khu công nghiệp ấy làm nhà ở cho công nhân. Trên thực tế, một số địa phương, chính quyền đã rất quan tâm đến quỹ đất làm nhà ở cho công nhân, ví dụ như Hà Nội đã quy hoạch một số khu tại huyện Đông Anh; TP.HCM cũng đang đẩy mạnh mô hình nhà 100 triệu. Bình Dương và Đồng Nai đã thực hiện mô hình tương tự.

Nhà ở cho công nhân hiện có 2 loại, loại giá rẻ bán cho công nhân. Loại thứ hai cho công nhân thuê, như khu nhà ở Đặng Xá, Gia Lâm, Hà Nội có 20% quỹ nhà cho thuê, với giá thành chỉ 1,7 triệu một tháng. Xét về tâm lý, người Việt thường thích sở hữu nhà hơn là thuê. Tuy nhiên tôi nghĩ trong tương lai, nên hướng công nhân và người nghèo nói chung đến việc thuê nhà nhiều hơn, bởi thực tế có nhiều người khó có điều kiện mua đưọc nhà, dù là giá rẻ. Trong khi đó nếu hình thành đưọc các quỹ nhà ở khoảng 100 triệu/căn thì công nhân, các cặp vợ chồng trẻ hoàn toàn có thể mua đưọc, quỹ đất này hiện nay theo tôi biết là vẫn còn. Nhưng các quỹ nhà này lại không có nhiều; giá thành đất đai ở các địa phương lại khác nhau. Bên cạnh đó còn có ý kiến lo ngại những khu này này có thể biến thành những khu ổ chuột thì tôi cho là không phải. Ổ chuột hay không nó nằm ở hạ tầng chứ không phải ở nhà to hay bé.

Phóng viên: Ông vừa nói là dù có hình thành được những quỹ nhà 100 triệu/căn thì công nhân không phải ai cũng mua được. Vậy theo ông, cần có cơ chế hỗ trợ về vốn như thế nào để công nhân và người nghèo nói chung có thể tiếp cận được nhà ở giá rẻ?

Ông Nguyễn Trần Nam: Câu chuyện ở đây là vốn mồi. Gói 30 nghìn tỷ đồng trước đây đưọc Chính phủ ban hành Nghị quyết (Số 02/NQ-CP ngày 7/1/2013). Sau này nguồn này được quy định vào Luật và Nghị định.

Hỗ trợ về vốn và lãi suất thì hiện nay đã có Luật và Nghị định quy định giao nhiệm vụ cho Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện việc huy động vốn để cho vay hỗ trợ nhà ở theo cơ chế gói 30 nghìn tỷ. Tức là cho vay với thời hạn từ 10 đến 15 năm, với lãi suất bằng 50% lãi suất thương mại. Nguồn thứ hai là giao cho các ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm quyền chi phối và huy động vốn theo cơ chế thương mại, tức là nhận tiết kiệm 7% và cho vay 5%. Gói này thì cả người mua và chủ đầu tư đều được vay, nhưng theo luật, bây giờ chỉ có người mua mới đưọc vay. Hiện nay luật pháp có, đất đai có, cách làm có, nhu cầu có nhưng chỉ thiếu kích cầu vì hiện nay các doanh nghiệp, ngân hàng làm ra nhưng công nhân lại không có tiền, vậy nên không vay thì khó có thể mua nhà được. Đối với công nhân, 100 triệu đã là to, nhưng hiện nay đa phần các căn hộ dành cho đối tượng này lại ở mức giá 300 triệu, 400 triệu. Điều đó gần như đồng nghĩa với việc không có nguồn vay này là mất luôn đầu ra, làm nhà xong không có người mua.

Phóng viên: Thưa ông, với vai trò là thành viên Ban Chỉ đạo chính sách nhà ở và thị trường BĐS, những năm qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tham gia và có những đóng góp như thế nào vào việc vận động nhà ở cho các đối tượng khó khăn nói chung?

Ông Nguyễn Trần Nam: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền và là đại diện tiếng nói cho các đoàn thể, các tầng lớp nhân dân. Trong các cơ chế, chính sách về an sinh nói chung, các chính sách về nhà ở nói riêng đều có sự tham gia rất tích cực của Mặt trận các cấp.

Tôi cũng đáng giá cao những đóng góp của mô hình nhà ở Đại đoàn kết mà Mặt trận Tổ quốc đã và đang triển khai ở các địa phương.

Mặt trận là một trong những kênh huy động nguồn vốn tốt nhất, vì vậy Mặt trận có vai trò vô cùng quan trọng đối với việc phát triển nhà ở cho công nhân, người nghèo, đặc biệt là công nhân các khu đô thị.

Phóng viên: Trân trọng cám ơn ông!

Đỗ Đông

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều