Nhận diện và chống “chảy máu” tài sản công

Thời gian qua, bên cạnh một số thành công đáng ghi nhận, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận quá trình cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp nhà nước (DNNN) còn diễn ra khá chậm, chưa thật sự đạt mục tiêu về tăng cường huy động vốn xã hội hóa và bổ sung nguồn lực mới cho phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động DNNN sau CPH… Ðáng chú ý, nguy cơ thất thoát tài sản công đã và đang khiến dư luận lo ngại.

Tình trạng “chảy máu”, thất thoát tài sản công trong quá trình CPH các DNNN đang diễn ra khá phức tạp, khó lường. Cá biệt, có một số cổ đông công khai hoặc ngấm ngầm mua gom cổ phần và trở thành nhóm nhỏ cổ đông lớn nhất, nắm quyền khống chế trong và sau khi CPH DNNN, biến DNNN từ sở hữu nhà nước thành sở hữu tư nhân - theo mô hình “gia đình trị”. Ðiều này có thể thấy rõ ở một số ít cổ đông từng là lãnh đạo cấp cao của DNNN hoặc người nhà của họ tiến hành thâu tóm một lượng lớn cổ phần của doanh nghiệp để nắm quyền chi phối. Theo Công văn số 2000/BTC-TTr ngày 15-2-2017 gửi Thủ tướng Chính phủ của Bộ Tài chính, từ ngày 1-7-2014 đến 30-11-2016, cả nước có 60 trường hợp DNNN (tập trung tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Tây Ninh, Lâm Ðồng, Nghệ An, Nam Ðịnh, Quảng Ninh) sau khi CPH được cơ quan có thẩm quyền cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất, nhưng không tính giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp khi CPH và không thực hiện đấu giá khi CPH. Một số dự án thậm chí còn chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính với ngân sách nhà nước… Do đó, nếu tiến hành CPH sẽ dễ dẫn đến tình trạng xác định giá trị cổ phần thấp hơn nhiều so với giá trị thực tế, gây thất thoát, lãng phí tài sản công. Trước tình trạng này, Bộ Tài chính đã kiến nghị chuyển danh sách nêu trên cho Thanh tra Chính phủ tham khảo, phục vụ công tác thanh tra về việc quản lý đất đai theo kế hoạch thanh tra năm 2017 của Thanh tra Chính phủ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Kiến nghị đã được Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Ðình Huệ chấp thuận, đồng thời Phó Thủ tướng yêu cầu tăng cường việc kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm toán kết quả định giá doanh nghiệp và xử lý các vấn đề về tài chính trước khi định giá doanh nghiệp theo quy định hiện hành. Theo đó, có thể thuê các công ty kiểm toán, tư vấn định giá quốc tế đã hoạt động ở Việt Nam, thực hiện xác định giá trị doanh nghiệp, giá khởi điểm và sử dụng kết quả này thực hiện chào bán cổ phần ra quốc tế nhằm bảo đảm tính khách quan. Việc kiểm toán kết quả định giá doanh nghiệp có ý nghĩa rất lớn trong việc minh bạch hóa, góp phần phòng, chống tham nhũng, thất thoát tài sản công khi thực hiện CPH DNNN. Thực tế cho thấy, giá trị sổ sách tài sản trên đất có thể rất thấp, nhưng quyền thuê đất và chuyển nhượng đất có vai trò hết sức quan trọng để thu hút các nhà đầu tư, tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp. Một số vụ việc nổi cộm thời gian qua được báo chí nêu ra đã cho thấy rất rõ điều này. Ðiển hình có thể kể đến quỹ đất vàng trên đường Lê Duẩn của Công ty Xổ số Kiến thiết TP Hồ Chí Minh được định giá 558 tỷ đồng, nhưng khi tổ chức đấu giá, thu được 1.430 tỷ đồng. Hoặc giá trị Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) chỉ là 4.043 tỷ đồng theo phê duyệt của UBND thành phố Hà Nội ngày 1-7-2016, song dư luận tin rằng, với những vị trí đắc địa của công ty, đóng trên các tuyến phố quan trọng như Tràng Thi, Lê Thái Tổ, Hàng Trống, Cát Linh, Phạm Ngọc Thạch,... cùng các thương hiệu có tên tuổi như kem Thủy Tạ, vang Thăng Long, gốm Chu Ðậu,… thì giá trị thực tế sẽ lớn hơn gấp nhiều lần. Do đó, dư luận đang trông chờ vào việc tổ chức đấu giá Hapro tới đây, vì nếu được tổ chức thật sự nghiêm túc, chắc chắn sẽ thu về cho ngân sách nhà nước một khoản tiền đáng kể. Ngoài những lý do khách quan, tình trạng “chảy máu” tài sản công còn có nguyên nhân từ những bất cập, thiếu đồng bộ trong hệ thống chính sách, nhận thức chưa đầy đủ của một số người, tình trạng lạm dụng kẽ hở luật định, sự không tuân thủ đúng hoặc thiếu công khai, minh bạch trong tính toán giá trị và tổ chức CPH của một nhóm người có quyền lợi liên quan,…

Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành T.Ư Ðảng khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành ngày 3-6-2017, có nội dung quan trọng nhằm kịp thời chấn chỉnh cũng như phòng tránh hiện tượng chảy máu tài sản công trong quá trình CPH DNNN. Cụ thể: Làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật những vi phạm của các tổ chức, cá nhân liên quan để xảy ra tình trạng DNNN, dự án đầu tư thua lỗ, thất thoát, lãng phí lớn... Bảo đảm công khai, minh bạch trong cơ cấu lại DNNN, nhất là trong CPH và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Áp dụng các phương pháp định giá tài sản tiên tiến phù hợp với cơ chế thị trường; bảo đảm vốn, tài sản của Nhà nước và giá trị doanh nghiệp được định giá đầy đủ, hợp lý, công khai, minh bạch... Quy định rõ trách nhiệm của tổ chức tư vấn định giá độc lập trong định giá tài sản, vốn và xác định giá trị doanh nghiệp. Xác định rõ trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước trong việc kiểm toán xác định giá trị doanh nghiệp, định giá tài sản, vốn nhà nước. Trên cơ sở giá trị vốn, tài sản của Nhà nước và giá trị doanh nghiệp đã được xác định đầy đủ, hợp lý và theo quy định của pháp luật, khẩn trương bán cổ phần, thoái vốn một cách công khai, minh bạch, chủ yếu thông qua bán đấu giá cạnh tranh trên thị trường. Cổ phần hóa phải gắn với niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán... Nghiêm cấm và xử lý nghiêm minh các trường hợp định giá thấp tài sản, vốn của Nhà nước và giá trị doanh nghiệp không đúng quy định của pháp luật để trục lợi, gây thất thoát tài sản, vốn nhà nước. Ðối với các DNNN đang được giao quản lý, khai thác các công trình, dự án kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư có ý nghĩa quan trọng về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, khi CPH, Nhà nước tiến hành kiểm soát theo nguyên tắc: Nhà nước thống nhất sở hữu các công trình hạ tầng quan trọng; doanh nghiệp CPH, nhà đầu tư nhận quyền khai thác chỉ được quyền quản lý, vận hành, khai thác các công trình, dự án kết cấu hạ tầng; việc lựa chọn nhà đầu tư, doanh nghiệp phải thực hiện theo Luật Ðấu thầu, công khai, minh bạch; bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ... Tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm nhà đầu tư thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với Nhà nước trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất sau CPH…

Thời gian tới, để bảo vệ tài sản công nói chung và chống “chảy máu” tài sản đất đai nói riêng trong quá trình CPH các DNNN cần tổ chức thanh tra, kiểm toán lại các vụ chuyển nhượng đất đai, hồi tố và truy thu, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm các quy định hiện hành, các hành vi trục lợi gây thất thoát tài sản công và thất thu ngân sách nhà nước. Mặt khác, cần tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc thực hiện chủ trương sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước, cả trong quá trình CPH DNNN, cũng như di dời các cơ sở này theo quy hoạch xây dựng đô thị. Không chỉ đưa giá trị sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp khi CPH, mà việc định giá đất cần bám sát giá thị trường, gắn với quy hoạch sử dụng đất và trách nhiệm của cơ quan tư vấn, thẩm định giá. Hơn nữa, không chỉ chấm dứt việc cho doanh nghiệp trả tiền thuê đất một lần cho toàn bộ thời hạn giao, thuê đất, mà còn cần chấm dứt tình trạng dùng quỹ đất quốc phòng để cho tư nhân thuê kinh doanh dài hạn. Quá trình đấu giá cần được thực hiện rộng rãi, nghiêm túc, công khai, minh bạch và cạnh tranh lành mạnh trên cơ sở thông tin đầy đủ về diện tích đất, vị trí, giá thuê và thời hạn thuê, phương thức thanh toán tiền thuê đất; kiên quyết xử lý nghiêm khắc hiện tượng “quân xanh, quân đỏ”, dùng thủ thuật, kỹ thuật (như nộp hồ sơ quá gấp gáp hay thông đồng “đi đêm” nhằm bắt tay nhau) để gạt người khác ra, dìm giá và chi phối kết quả đấu giá khi CPH DNNN… Ðồng thời, cần sớm nhận diện, xử lý kịp thời và nghiêm khắc cả về tài chính, hành chính và hình sự với các cá nhân là lãnh đạo, người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã không nghiêm túc thực hiện, hoặc thực hiện không đúng quy định, sai mục đích, kém hiệu quả, gây thất thoát, thua lỗ vốn và tài sản của Nhà nước trong quá trình quản lý, điều hành sắp xếp, CPH, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Thực tế đã, đang và sẽ còn cho thấy, quá trình sắp xếp, đổi mới và CPH DNNN chỉ được đẩy nhanh, đúng hướng, có hiệu quả cao nhất khi và chỉ khi có đột phá cơ chế phù hợp trên tinh thần thượng tôn pháp luật, bảo đảm nguyên tắc thị trường và xử lý hài hòa lợi ích, nhất là kiên quyết chống lợi ích nhóm và trục lợi bất minh, bất hợp pháp.

Đất đai và tài sản, vốn Nhà nước trong các doanh nghiệp đều là tài sản công, là tài sản quốc gia, thuộc sở hữu của toàn dân mà Nhà nước là đại diện. Bảo vệ tài sản công là quyền của toàn dân, nhưng không thể quản lý theo kiểu vô chủ, mà trước hết phải là trách nhiệm cụ thể của từng cơ quan và cá nhân cụ thể, trực tiếp có liên quan trong một cơ chế quản lý Nhà nước ngày càng hoàn thiện và có hiệu quả hơn, với mục tiêu cao nhất là bảo đảm an ninh và lợi ích quốc gia, sự đồng thuận và đoàn kết xã hội, đáp ứng các yêu cầu phát triển bền vững kinh tế - xã hội và môi trường của đất nước, vì một Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

TS Nguyễn Minh Phong/Báo Nhân dân

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều