Ông chủ Cocobay: Vỡ trận là đương nhiên, tôi, người đầu tiên thừa nhận

“Mấy ngày vừa rồi trên mạng, trên báo chí, Cocobay vỡ trận, cơ bản viết đúng, không gì sai. Vỡ trận là đương nhiên, tôi biết nhiều nơi vỡ trận lâu rồi, nhưng không nói ra thôi. Tôi là người dũng cảm đầu tiên thừa nhận".

Dự án Cocobay Đà Nẵng vừa đưa ra thông tin không thể thực hiện cam kết 12%/năm với khách hàng. Ảnh: T.DŨNG

Trả lời báo chí, ông Nguyễn Đức Thành - Chủ tịch HĐQT Empire Group, chủ đầu tư dự án Cocobay Đà Nẵng - đã nói như vậy về việc không thể thực hiện cam kết 12%/năm theo đúng hợp đồng với khách hàng.

Ông Thành nói có một số các chuyên gia nói về thiệt hại đau đớn của khách hàng khi chủ đầu tư ra các giải pháp. “Tôi khẳng định khách hàng không thiệt hại gì, tôi đã chi trả hàng nghìn tỉ chi trả cam kết, đến giờ này không có thiệt hại”, ông Thành nói.

Ông Nguyễn Đức Thành, Chủ tịch HĐQT Empire Group. Ảnh: T.DŨNG 

Đại diện Empire Group cũng chỉ ra hai nguyên nhân chính khiến dự án không thể thực hiện cam kết với khách hàng. Một là về vấn đề pháp lý của condotel hiện không rõ ràng, trong khi đó khách hàng gây sức ép với chủ đầu tư về việc thực hiện cam kết sổ đỏ - sổ hồng. Thứ hai là việc vận hành khai thác tình hình thực tế của thị trường cho thấy kết quả 2 năm đầu đều lỗ, còn sau đó có lãi chỉ 5-6% mỗi năm.

Chia sẻ về việc vỡ trận Condotel, ông  Nguyễn Trần Nam - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, sau 3 năm phát triển rầm rộ đã có tới hàng chục nghìn căn hộ condotel tung ra thị trường. Thế nhưng, dù đã có nhiều kiến nghị và Thủ tướng cũng đã hai lần chỉ đạo nhưng cho đến nay vẫn chưa một văn bản nào quy định pháp lý rõ ràng cụ thể về loại hình này được ban hành.

“Bản chất của việc thực hiện condotel không có gì sai, hình thức hoạt động, cách huy động vốn của condotel theo tôi là tốt trên thị trường bất động sản. Nhưng cái không may của Cocobay là chọn vị trí cũng như định giá tỉ lệ hưởng lợi nhuận là quá cao, tới 12%; thỏa thuận vừa phải thôi thì không sao. Anh mua một bất động sản anh được nó, anh lại kỳ vọng nó được tăng giá trong tương lai, rồi lại được cam kết trả lợi nhuận cao, một năm cao gần gấp đôi lãi suất ngân hàng thời điểm đó là không có cơ sở”, ông Nam nói.

Nói cụ thể về cam kết lợi nhuận, ông Nam cho rằng: “Luật pháp không ai cấm đoán vì đó là thỏa thuận dân sự nhưng nó đánh vào lòng tham và sự kém hiểu biết, nếu thế thì còn ai đi gửi tiết kiệm làm gì. Lợi nhuận cao, lãi suất cao thì rủi ro phải lớn, nhưng theo tôi may là rủi ro này (với Condotel Cocobay –PV) cũng nhẹ nhàng, không bằng các rủi ro khác trong bất động sản. Tức là nhà không mất, sản phẩm không mất, chỉ có lợi nhuận giảm đi, theo đề xuất  có thể chuyển sang chung cư, nhà ở hoặc có thể trả lại nhà để lấy lại tiền thì theo tôi đó là những đề xuất đúng mức”.

Tổ hợp nghỉ dưỡng và giải trí Cocobay có tổng diện tích 51 ha tại Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) được khởi động từ 5 năm trước với mức đầu tư dự kiến khoảng 5 tỷ USD. Dự án hứa hẹn triển khai khoảng 10.000 phòng tiêu chuẩn 3-5 sao, trong đó đa số là condotel. Tuy nhiên, đến nay chủ đầu tư mới đưa vào vận hành khoảng 3.000 phòng. Khi mở bán dự án, cam kết lợi nhuận được đưa ra là 12% mỗi năm - khi ấy được nhận định là rất cao. Có hơn 1.700 khách hàng đã mua condotel, shophouse tại dự án này.

Theo T.Chí/Lao động

()

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều